OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

Khớp ngậm đúng khi cho con bú mẹ trực tiếp

Chủ đề “Nuôi con sữa mẹ” tiếp tục với nội dung về Khớp ngậm đúng. Mình thấy đây là một trong những điều quan trọng nhất mà mẹ cho con bú mẹ trực tiếp cần biết để sẵn sàng cho hành trình nuôi con sữa mẹ này.



Trước khi bắt đầu, mình muốn nhắc lại vài điều quan trọng cần lưu ý về Cơ chế tạo sữa mẹ và việc sử dụng máy hút sữa hiệu quả. Chi tiết mình đã chia sẻ chi tiết ở số podcast về tuần thai thứ 16tuần thai thứ 17.
1. Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Tự nhiên tạo ra sữa mẹ có đủ dinh dưỡng, đủ chất bảo vệ sức khỏe của con. Sữa mẹ thay đổi theo sự phát triển và nhu cầu sức khỏe của con!
2. Nuôi con sữa mẹ bằng cách ti mẹ trực tiếp là điều tốt nhất dành cho cả mẹ và con. Đây là điều mà các mẹ bầu chúng ta hướng đến.
3. Tuy nhiên, có rất nhiều tình huống có thể xảy ra. Do vậy, chỉ cần con được bú sữa mẹ là rất tốt rồi. Bằng cách này hay cách khác, không quan trọng bằng!
4. Sữa đã có sẵn ở trong ngực từ khi mang thai. Và bạn chắc chắn sẽ có đủ sữa cho con. Vì cơ thể sản xuất sữa theo cơ chế hormone và cơ chế cung cầu – con ăn bao nhiêu, cơ thể sản xuất bấy nhiêu.
5. Con là máy hút sữa hiệu quả nhất. Con sẽ hút đủ sữa, và kích sữa khi con cần.
6. Máy hút sữa là công cụ hữu hiệu nhằm hỗ trợ mẹ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ. Dù mẹ cho con ti mẹ hoàn toàn, ti mẹ-ti bình song song hay hoàn toàn phụ thuộc ti bình, mẹ có thể chủ động lựa chọn cách sử dụng máy hút sữa phù hợp nhu cầu!

Giờ chúng ta đi vào chủ đề của hôm nay, Khớp ngậm đúng nhé!

1. Khớp ngậm đúng là gì?

Khớp ngậm ĐÚNG là yếu tố đầu tiên quyết định việc con ti mẹ trực tiếp thành công. Tuy nhiên, không có kỹ thuật nào là đúng và chuẩn nhất cả. Mẹ hãy tìm ra kỹ thuật nào phù hợp nhất để mẹ cho bú thoải mái, con ti mẹ vui vẻ và hợp tác.

Khớp ngậm đúng là khi con ngậm sâu được cả núm ti của mẹ vào miệng. Nếu mẹ kéo ti ra, ti sẽ không tuột ra ngay mà bị níu lại trong miệng con. Nếu khớp ngậm đúng, con sẽ mút cỡ 10 cái trở lên liên tiếp rồi mới nghỉ để mút tiếp. Một khớp ngậm đúng sẽ giúp con bú đều, và tạo ra tiếng mút sữa đều đặn mà bạn sẽ dần nghe thấy khi cho con ti thành thạo hơn.

Khi có khớp ngậm đúng, con sẽ bú mẹ thuận lợi, cân nặng và chiều cao tăng tốt. Ti mẹ được bú mút đều đặn sẽ phát tín hiệu để cơ thể giúp đẩy sữa về nhanh hơn, nhiều hơn và đáp ứng đủ nhu cầu của con. Phần đầu ti nếu được ngậm đúng sẽ ít có khả năng đau hoặc viêm. Phần ngực khi cho con bú mẹ hiệu quả cũng sẽ ít đau đớn và hạn chế gặp hiện tượng tắc tia.

2. Tư thế bú đúng

Tư thế bú đúng hỗ trợ con có khớp ngậm đúng khi ti mẹ. Có rất nhiều tư thế để cho con bú, miễn là mẹ thoải mái và hỗ trợ con vào tư thế bú hiệu quả. Mình xin chia sẻ ở đây hai tư thế bú mà mình thấy thuận lợi nhất.

2.1. Laid-back feeding: Ngồi tựa ngửa cho con bú

Ngồi tựa ngửa cho con bú là tư thế mà sách The womanly art of Breastfeeding hướng dẫn đầu tiên và rất chú trọng. Nguồn ảnh: Sách The womanly art of Breastfeeding.


Tư thế mà sách nước ngoài nhắc đến nhiều nhất là Laid-back feeding. Đây chính là tư thế khởi đầu sự nghiệp nuôi con bằng ti mẹ. Ngay khi sinh xong, trong lúc skin-to-skin tức tiếp xúc da kề da, em bé sau khi đã ổn định nhiệt độ, ổn định tâm lý sau cú shock chào thế giới mới lạ lẫm, sẽ bắt đầu lần mò tìm ti mẹ. Ở tư thế con đang nằm trên ngực mẹ, con sẽ nghiêng người tìm ti. Từ đó con sẽ lần mò tới ti mẹ, đưa miệng con ngậm ti mẹ. Người của con sẽ nằm trên bụng mẹ, áp sát bụng con vào bụng mẹ.

Lúc này, mẹ đang ở tư thế ngồi dựa, tựa vào gối kê cao hoặc nâng cao đầu giường. Mẹ sẽ dùng cánh tay hỗ trợ đầu con nếu cần, và quàng tay ôm đỡ mông con. Ở tư thế này, trọng lực của trái đất chính là thứ hỗ trợ cả hai mẹ con. Sữa sẽ chảy xuống, con được nằm sát mẹ, bàn tay con được chạm vào ngực và người mẹ để tìm hiểu miền đất mới này bằng xúc giác. Việc để tay trần của con tiếp xúc với ngực mẹ cũng sẽ giúp sản sinh hormone oxytoxin giúp sữa về nhanh và nhiều hơn.

Đây sẽ là tư thế thoải mái nhất vào lúc này, sau khi hai mẹ con cùng mệt với hành trình sinh nở. Mẹ được nằm nghỉ, con được khám phá. Nếu là lần đầu, con cũng sẽ chưa thể mút ti thành thạo ngay, con cũng phải học mà! Nhưng con chắc chắn sẽ mút ti mẹ nhiệt tình để kiếm thức ăn. Mút ti uống sữa là bản năng có sẵn trong người con, nên con sẽ tìm ra cách ngậm ti và mút ti hợp lý sau vài lần tập đầu tiên thôi.

Sách nói cách này rất thoải mái nên mẹ muốn duy trì đến bao giờ cũng được. Nhất là với trẻ sơ sinh ở hai tuần đầu tiên – nằm trên ngực mẹ chính là cảm giác an toàn nhất đối với con, gần giống nhất với môi trường trong bụng mẹ trước đó.

Tuy nhiên, mình thấy tư thế này chỉ phù hợp khi hai mẹ con ở nhà, trong phòng riêng và tâm lý thoải mái thôi. Nếu con đã quấy vì đói, và mẹ con đang không ở riêng, đây không phải tư thế hữu hiệu nhất đâu.

Ngoài tư thế cho con bú nằm ngửa này, có những tư thế khác nữa mẹ cũng có thể nằm để cho con bú. Gồm có: Bú chéo ngực – con nằm vắt ngang sang từ bên ngực không bú, mẹ nằm nghiêng và cho con bú bằng ti cùng bên hoặc ti khác bên úp từ trên xuống.

Nếu mẹ sinh mổ, sẽ có các tư thế mẹ nằm nghiêng hoặc tư thế ôm bóng – để con nằm ngửa từ cánh tay úp vào ngực mẹ – phù hợp hơn để tránh làm đau phần bụng của mẹ.

Tư thế nằm nghiêng cho con bú và tư thế ôm bóng là hai tư thế phù hợp với mẹ sinh mổ. Nguồn ảnh: Sách Guide to a healthy Pregnancy.



2.2. Cradle feeding: Ôm ru cho con bú

Ôm ru cho con bú là tư thế cho bú truyền thống được dạy đầu tiên ở các lớp tiền sản cũng như lớp của bác sĩ sữa mẹ Anh Thy. Nguồn ảnh: Sách Guide to a healthy Pregnancy.

Đây là tư thế truyền thống nhất mà mình thấy ở Việt Nam các mẹ hay áp dụng. Bạn dùng cánh tay cùng bên con ti để quàng đỡ đầu con, bàn tay đặt vào mông con. Bàn tay của tay còn lại mẹ kẹp ti hoặc kéo nâng ti hỗ trợ con. Mẹ có thể nằm hoặc ngồi cho bú với tư thế này với sự hỗ trợ của gối tựa lưng, gối cho bú đỡ mông con và cánh tay mẹ, ghế kê cao chân đỡ thay gối cho bú. Con sẽ nằm áp sát bụng vào bụng và ngực mẹ. Đầu hơi ngửa ra ngoài để mũi thở thoải mái và miệng ngậm được trọn vẹn núm ti.

Ở tư thế này, mẹ sẽ chủ động trong việc hỗ trợ tích cực để con có khớp ngậm đúng bằng để đầu ti vào môi trên của con, ngay khi con há miệng đớt ti, mẹ sẽ đẩy người con áp vào ti để chốt khớp ngậm.

Có biến thể của tư thế ôm ru này là ôm ru ngang – mẹ dùng tay nghịch với bên ti con bú để ôm dọc theo thân con, bàn tay mẹ đỡ đầu con. Tư thế này giúp mẹ rảnh bàn tay bên con ti để hỗ trợ kẹp ti chéo từ dưới lên trong các trường hợp cần thiết.

3. Các thao tác hỗ trợ con có khớp ngậm đúng

  • Để đầu ti lên gần môi trên của con để con há miệng thật lớn – lúc đó mẹ đẩy con và ti vào chốt khớp ngậm sẽ giúp con có khớp ngậm tốt.
  • Kẹp hamburger ở gần núm vú, cách khoảng 2-3 cm để làm núm vú nhỏ nhắn vừa miệng xinh của con. Cách này hỗ trợ tốt nếu ngực đang cương sữa sinh lý, quá to cứng với miệng con, hoặc do miệng con còn nhỏ quá so với núm vú của mẹ.
  • Không để ngón tay hay bụng mẹ cản trở môi dưới của con hoạt động – vì đây chính là bộ phận di chuyển tích cực giúp con mút ti mẹ hiệu quả.
  • Nếu con chốt được khớp ngậm mà vẫn vừa bú vừa khóc, có thể do môi trường làm ảnh hưởng, nên xoa dịu con trước rồi lặp lại việc cho bú.
  • Nếu ngực mẹ nhiều sữa quá, sữa xuống mạnh làm con sợ, mẹ có thể hút hoặc vắt bớt 10-15ml sữa ra để giảm áp lực, giúp con ti dễ dàng hơn.

4. Những lưu ý khác mẹ nên biết

  • Trong 3 ngày đầu, con ị và tè rất ít, mẹ cứ tập trung vào việc cho con bú. Mẹ cứ để con bú mút, sữa mẹ sẽ về dần. Hai mẹ con đều cần thời gian cùng học việc cho bú và bú mẹ mới mẻ này.
  • Đừng vội lo con thiếu sữa mà cho con bú bình sữa công thức ngay nhé. Con có thể sẽ thích bú bình mà sợ ghét bú ti mẹ trở lại.
  • Nếu con không có khớp ngậm đúng ngay, không bú được nhiều và khóc đói, bạn hãy vắt sữa bằng máy hoặc bằng tay rồi cho con uống sữa bằng cốc hoặc bằng thìa đúng kỹ thuật. Mẹ duy trì cho con mút mẹ và uống thêm theo cách này cho đến khi sữa mẹ nhiều hơn, con cũng bú được tốt hơn nhé.
  • Dù ở tư thế nào, trong thời gian 2 tuần đầu tiên, nên tối đa thời gian da kề da của hai mẹ con để đẩy sữa về nhanh hơn nhiều hơn. Với tư thế ngồi tựa ngửa cho bú, hai mẹ con chỉ cần đắp một tấm chăn lên người là ổn. Ở tư thế ngồi ôm ru, có thể mở cúc áo của hai mẹ con để được áp da vào nhau!
  • Nếu sau 2 tuần đầu làm quen, đầu ti vẫn đau khi cho con bú. Có lẽ đã có điều gì đó chưa đúng cho dù có thể khớp ngậm của con nhìn có vẻ đã đúng. Đó có thể do tư thế bú chưa phù hợp, nhưng cũng có thể do sức khỏe của đầu ti đang có vấn đề. Bạn nên liên hệ với các chuyên gia về nuôi con sữa mẹ để được hỗ trợ.
  • Tìm người có chuyên môn để hỗ trợ bạn nếu bạn không thể tiếp tục tự xoay sở với việc cho con bú. Không có gì sai cả, hãy làm đúng từ đầu thì hơn là sai rồi mới sửa mà!

Đây là những kiến thức mình tổng hợp từ nhiều nguồn tham khảo (link ở dưới). Ngay cả đến khi thu podcast về nội dung này, mình vẫn tiếp tục lật dở lại sách, xem thêm bên cạnh những ghi chú đã viết lại, vì cứ sợ bỏ sót điều gì. Mà biển trời kiến thức bao la, nếu có sót, ta lại cùng nhau học tiếp nha các mẹ!

Hẹn các mẹ tuần sau, mình đến với chủ đề tiếp theo trong series Nuôi con sữa mẹ. Đó là về Dấu hiệu bú đủ của con nhé!

OanhDuongSam

Đọc thêm Series Nuôi con sữa mẹ:

  1. Cơ chế tạo sữa mẹ và chiếc máy hút sữa kỳ diệu nhất
  2. Hiểu đúng để sửa dụng máy hút sữa hiệu quả
  3. Khớp ngậm đúng khi cho con bú mẹ trực tiếp
  4. Dấu hiệu con bú đủ khi cho con bú mẹ trực tiếp
  5. Sữa mẹ tốt và cách để tốt sữa
  6. Cách kích sữa mẹ ngay từ những ngày đầu sau sinh
  7. Bảo quản và sử dụng sữa mẹ trữ đông đúng cách

Nguồn tham khảo:

  1. Sách The womanly art of BreastfeedingLa Leche League International
  2. Sách Guide to a Healthy Pregnancy – Mayo Clinic/ Myra J. Wick, M.D., Ph.D.
  3. Bác sĩ sữa mẹ Anh Thy
  4. Sách 68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con sữa mẹ – Lê Nhất Phương Hồng
  5. Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng – Trần Thị Huyên Thảo
  6. Nuôi con không phải là cuộc chiến, Quyển 1: Chào con – Em bé sơ sinh – Hà Chũn, Hương Đỗ

—-

Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!


Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.