OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

Podcast Dần lớn: Dần đau cái nọ cái kia và Dần biết tính tuần tuổi thai – Mang thai tuần 8

Đây là Podcast thứ 3 trong Series Mang thai, thuộc chuỗi Podcast ghi lại những kỷ niệm về hành trình mình mang thai em bé đầu lòng.

Tuần 8 trong thai kỳ của mình một nửa là những cơn mệt và đau đầu nặng, nửa sau lại dịu êm như một người khoẻ mạnh. Mình sẽ kể lại trong phần 1, phần Con dần lớn nhé. Trong phần 2, phần Mẹ dần lớn, mình sẽ chia sẻ kiến thức mà mình tìm hiểu được về các cách tính tuần thai. Trong phần thứ 3, Mẹ ăn gì khi con dần lớn, mình sẽ chia sẻ 3 món ăn dần đưa mình lại với thực đơn ăn có thịt bình thường, sau tuần nghén trước mình chủ yếu chỉ ăn cơm với ruốc và muối vừng!

Cùng nghe tại đây:



Con dần lớn

Đến với nội dung của Con dần lớn, cùng nhìn xem em bé tuần này có gì mới nhé!

Khi tròn 8 tuần tuổi, bên cạnh cánh tay đã thành hình rõ nét, nay cẳng chân và bàn chân cũng thành hình. Phần chân phát triển sau so với tay, nhưng cả bàn chân và bàn tay giờ đều như những chiếc quạt với phần đầu ngón tay hơi nhú lên, còn lại vẫn có màng xoè ra. Đáng kể ở tuần này là sự phát triển rõ nét của một số bộ phận quan trọng trên gương mặt em bé gồm mắt, môi và tai. 

Mắt đã dần có mí mắt. Đến khi mí mắt hình thành ổn định là em bé sẽ có đôi mắt mở tròn rõ, chắc chỉ 1-2 tuần nữa thôi. Tuần này, môi trên, môi dưới và phần mũi đã bắt đầu được tạo hình. Các cơ quan nội tạng cũng đang dần hình thành, rõ nét nhất là đường ruột. Các chức năng của tim và tuần hoàn máu đang phát triển mạnh mẽ. Tim của em bé đập 150 nhịp một phút, gấp đôi so với người lớn. Không biết ngày xưa các cụ bắt mạch để tìm ra phụ nữ có thai phải nhạy cảm đến thế nào mới cảm nhận được cái nhịp tim vừa nhanh vừa dồn dập lại yếu yếu nhè nhẹ này nhỉ. Quả là trăm hay không bằng tay quen. 

Sách nói rằng em bé tuần này có kích thước cỡ 13mm, trông cỡ hạt đỗ ngự khô. Em bé vẫn bé xíu nhỉ! Bảo sao mà mình đọc thấy là thường phải từ sau tuần 12 trở đi, bụng mẹ mới to dần lên, còn trước đó không thay đổi gì nhiều. Giờ mình thì đã thấy bụng to lên rồi, mà chắc cú là do đầy bụng ấy, lúc nào cũng thấy bụng như cái trống, thật khó chịu!

Cùng với biểu hiện đầy bụng, mình vẫn thường xuyên gặp các cơn đau đầu và biểu hiện đau tức ngực. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về các vấn đề này và những cách mình đã làm để đương đầu với chúng trong bài viết tại đây.

Nằm nghỉ thường xuyên là cách số một nhằm giảm đủ các biểu hiện đau đầu, đầy bụng, đau tức ngực và cả mỏi lưng.


Mẹ dần lớn

Trong phần này, mình sẽ chia sẻ về những cách tính tuần thai cho em bé mà mình đã tìm hiểu được. Chuyện là khi làm podcast cho các bạn, mình đã phải 2-3 lần hoảng hồn vì quên mất rồi cứ nhầm lẫn hoài là ơ đây là tuần thai thứ mấy rồi nhỉ. Biết chính xác tuần thai, mình mới trích dẫn đúng kiến thức chia sẻ với các bạn được. App thì bảo mình đang ở 7 tuần 3 ngày, tức là tuần thứ 8 rồi đúng không, nhưng các nội dung kiến thức vẫn chỉ gọi đó là tuần 7 thôi. Thế là mình rối tung lên! 

Tuy nhiên khi tính toán kỹ lưỡng, mình hiểu là tất cả những kiến thức họ cung cấp khi coi em bé 7 tuần, tức là tính đến mốc tròn 7 tuần. Đến khi tròn 8 tuần thì dù mình có đang ở 8 tuần 5 ngày thì kiến thức tìm hiểu tương ứng vẫn xoay quanh việc em bé được 8 tuần tuối thôi. Thời gian chỉ là tương đối, quan trọng là kiến thức vẫn ở đó ấy. Nghĩ vậy mình cũng định thần lại hơn. Nhưng một phần có lẽ cũng vì mình chưa được đi khám bác sĩ nên còn cảm thấy hoang mang. Lý do như sau: 

Có 03 cách cơ bản phổ biến nhất để tính tuần thai của em bé: 

1. Dựa trên ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng

Do chưa được đi khám bác sĩ nên mình đang theo cách tính này. Mình nắm được ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt gần nhất trước khi mang thai. Kể từ ngày đó, cộng thêm 40 tuần sẽ ra thời điểm dự sinh của em bé. Và từ ngày đó, cứ 7 ngày tính là 1 tuần thai. Tức là nếu mình có kinh lần cuối vào ngày 1/2 thì đến ngày 28/2 là em bé được tròn 4 tuần tuổi rồi. Cách tính này khá đơn giản, cứ biết ngày đầu tiên của chu kỳ là mang lịch ra đến tuần thôi là sẽ ra.

2. Tính theo ngày rụng trứng

Nếu biết chính xác ngày rụng trứng, tuổi của thai nhi sẽ được tính kể từ ngày rụng trứng, đến khi ra đời gồm 38 tuần phát triển. Tuy nhiên, hai cách tính này đều phụ thuộc vào việc biết chính xác ngày đầu có kinh lần cuối cùng, hoặc ngày rụng trứng. Mà không phải mẹ nào cũng nắm rõ thông tin này, dẫn đến thiếu chính xác. Độ sai lệch là +- 1 tuần.

3. Tính theo số đo dựa trên hình ảnh siêu âm ở 3 tháng đầu

Để tránh sai lệch của hai cách tính trên, các bác sĩ sản khoa có cách tính tuổi thai chính xác hơn thông qua đo đạc cụ thể kích thước của em bé trong lúc siêu âm hình ảnh. Có 3 cách đo đạc kích thước để làm việc này. 1 là đo đường kính túi ối. 2 là đo chiều dài mông đầu. 3 là đo đường kính lưỡng đỉnh. 

  • Đường kính túi ối là khoảng cách giữa hai bờ túi ối trên siêu âm. Túi ối không tròn như cái đĩa nên sai số là dễ hiểu. Cách này chỉ áp dụng được trong khoảng từ tuần 4 đến tuần 6 khi phôi thai chưa phát triển rõ ràng.
  • Chiều dài mông đầu là khoảng cách đo từ đỉnh đầu (cực đầu) cho đến hết mông (cực đuôi) của phôi thai. Chiều dài đầu mông thường được đo từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 14 của thai kì, đặc biệt từ tuần thứ 8 trở đi với độ chính xác cao trong dự đoán tuổi thai.
  • Đường kính lưỡng đỉnh là khoảng cách giữa 2 bờ xương sọ của thai nhi. Chỉ số này thường được đo sau 12 tuần, do lúc này xương sọ của thai mới phát triển đủ rõ để đo được chính xác trên siêu âm. Đây là chỉ số đáng tin cậy để tính tuổi thai nếu như thai không có bất thường gì đó về đầu và thần kinh trung ương.

Theo Hiệp hội sản khoa thế giới thì tuổi của thai nhi được xác định chính xác nhất trong khoảng từ 10 tuần 0 ngày đến 13 tuần 6 ngày và cách đo chính xác nhất là đo Chiều dài mông đầu. Bạn đừng bỏ lỡ mốc khám thai này nhé. 

Nói đến đây mình lại mong tuần sau tới nhanh để được đi khám thai và xem em bé của mình thực sự ở tuần thai thứ mấy rồi! Mình sẽ cập nhật với các bạn nhé! 


Mẹ ăn gì khi con dần lớn

Ở phần 3 này, mình sẽ chia sẻ 3 món ăn đã dần kéo mình về bờ với thịt động vật. Mình ăn ngon miệng hơn, thoải mái với thịt hơn, dù vẫn không ăn được nhiều. Tuy nhiên, việc này cũng phần nào giúp giải quyết vấn đề tâm lý cho người thân xung quanh ấy. 

1. Thịt gà om nấm

Mình đã thử nấu bằng thịt ức gà và thịt đùi gà lọc mỡ, kết quả cũng được đến 90% so với dùng thịt gà chặt miếng nguyên xương. Có xương thì nước từ xương ra làm món ngọt đậm đà hơn, nhưng bù lại lượng mỡ cũng cao hơn. Nên tuỳ vào tình trạng sức khoẻ của bạn để lựa chọn nhé. Trước khi tắt bếp, mình bỏ thêm ít lá chanh cắt sợi nhỏ vào đảo đều, đảm bảo mùi thơm của nấm hương và lá chanh sẽ giúp bớt mùi thịt mà thơm hấp dẫn với cả người không nghén luôn ấy.

2. Bún mọc dọc mùng

Bún mọc dọc mùng này là phiên bản biến tấu theo kiểu Bún lưỡi chửi Ngô Sĩ Liên. Nước dùng có dọc mùng, một ít cà chua và tạo màu vàng với nghệ. Viên mọc có thêm nấm hương, mộc nhĩ, hành lá, hành hương tím sẽ thơm ngọt, không nặng mùi thịt. Nước dùng ninh xương thêm dọc mùng, cà chua với nghệ cũng có mùi hương thanh nhẹ dễ ăn. Bún lưỡi là món yêu thích của mình nên món này là phiên bản rất ổn với mình. Nếu ở Việt Nam thuận lợi, bạn có thể nấu bún sườn mọc măng khô, cũng rất dễ ăn. Nhưng cũng hạn chế ăn măng thôi nhé vì khôgn tốt lắm cho sức khoẻ. 

3. Mỳ ý cá ngừ cải bó xôi sốt cà chua

Tuy ngại mùi thịt nhưng mình lại thấy thoải mái hơn với mùi vị của cá. Do đó mình chọn cá ngừ đóng hộp làm mỳ Ý. Các loại cá biển có vấn đề là có thể có lượng thuỷ ngân cao, nên mẹ bầu cũng không nên ăn quá nhiều nhé. Mình luộc thêm một quả trứng ăn cùng nữa cho bổ sung protein. Món này nấu thành hai bữa, hôm sau mang đi làm quay nóng lên ăn cũng vẫn ngon lắm.

Đĩa mỳ ý sốt cà chua với cá ngừ đóng hộp và rau bó xôi của mình đây. Hôm đấy nấu hơi cạn sốt, sốt nên mướt sợi mỳ thì ngon hơn hehe.


Câu chuyện tuần bầu thứ 8 đến đây là hết. Kết thúc tuần 8, các biểu hiện nghén của mình mờ dần. Mong là sang tuần 9 mình vẫn duy trì được sức khoẻ như thế này để làm được nhiều việc hơn.

Podcast của mình sẽ lên vào tối thứ 7 hàng tuần trên các nền tảng Spotify, Apple Podcast, Google Podcast. Các bạn cũng có thể ghé đọc thêm các bài viết khác của mình tại blog ở địa chỉ oanhduongsam.com.

Chào bạn và hẹn gặp lại!

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.