Xin chào xin chào! Đây là số Podcast Dần lớn về tuần thai thứ 26 của mình. Mang thai 26 tuần, mình cũng đã thực hiện 20 số podcast, đây là số thứ 21 rồi. Vẫn còn ấp ủ bao thứ để làm, vì podcast thôi là không đủ để chia sẻ hết những kiến thức và háo hức của mình trên con đường học tập này. Mình có blog oanhduongsam.com, và sắp tới cũng sẽ cố gắng làm phong phú hơn nữa nội dung trên instagram danlonpodcast để các mẹ bầu có nhiều kênh cùng học với mình sao cho tiện nhất!
Tuần này, phần Mẹ dần lớn sẽ chia sẻ về Tiểu đường thai kỳ để chúng ta chuẩn bị cho đợt kiểm tra chỉ số này trong tháng thai thứ 7 này.
Phần Mẹ làm gì khi con dần lớn sẽ là chút kinh nghiệm của người mẹ bầu đã đau đuôi vì trĩ suốt cả một tuần qua. Mong những kinh nghiệm này giúp được các mẹ nào cũng đang gặp tình cảnh tương tự và có thể gặp trong thời gian sắp tới.
Cùng học với mình nhé!
Con dần lớn
Trước hết, chúng ta vẫn cứ cùng nhau cập nhật xem em bé và mẹ bầu đang có những thay đổi gì trong tuần thai 26!
Em bé của chúng ta ở tuần này đã có khung xương chắc khỏe, hoàn thiện hơn, cột sống kiên cố lắm rồi! Tay chân con cũng phát triển hoàn thiện. 10 ngón tay linh hoạt tuần trước đã biết nắm lại thành nắm đấm, tuần này đã biết với xuống cầm nghịch tận cả ngón chân. Ok đang còn rộng rãi, con cứ chơi cứ bơi quẫy cho khỏe vào nhé. Kẻo đến lúc lớn quá bụng mẹ chật rồi là chỉ có nằm im nghe mẹ nói cười thôi đấy (haha).
Ở tuần này, dây rốn nối thai nhi và bánh nhau cũng trở nên dày và dai hơn trước, được bọc ngoài bằng một chất keo cứng chắc. Sự hoàn thiện này giúp giảm rủi ro đứt gãy, gập, đảm bảo lưu thông máu và dinh dưỡng cho em bé dù con ở bất kỳ tư thế nào, hay lộn qua lại đè cả vào dây rốn. Chính sự đàn hồi của dây rốn như vậy, mà khả năng con gặp nguy hiểm do dây rốn cuốn cổ là rất thấp.
Dây rốn có thể cuốn cổ con do con nhào lộn từ những tuần rất sớm trong Tam cá nguyệt thứ 2. Đến Tam cá nguyệt thứ 3, khi bụng mẹ đã chật rồi, hiện tượng này khó xảy ra hơn. Nếu em bé của bạn gặp hiện tượng này, bạn cũng không cần quá lo lắng. Chỉ cần theo dõi với bác sĩ khám thai nhằm đề phòng các tình trạng cuốn nhiều vòng và có can thiệp kịp thời trong quá trình chuyển dạ nếu có dấu hiệu bất thường. Còn lại, em bé sẽ vẫn có thể chào đời khỏe mạnh bằng hình thức sinh thường dù dây rốn cuốn cổ nha!
Đến tuần thai thứ 26, chiếc bụng của mình đã tròn xoe cong viu một đường cong thật vui mắt. Bụng thì cong vống lên, đứng sao ngồi sao cũng thấy, ấy thế mà cô con gái vẫn cứ nằm lệch trái và quẫy đạp làm lồi lõm méo mó hết cả.
Nhiều khi niềm vui chỉ là tự dưng thấy cái bụng dưa hấu nảy cà tưng cà tưng theo nhịp hiphop của con (haha). Mà nhiều khi đau khổ cũng là vì con quẫy đạp làm bụng lượn sóng, để mà nằm nghiêng ngủ cũng không thấy yên. Phải nhẹ nhàng xin con gái thôi bớt bớt lại để mẹ ngủ chút (haha). Nhưng có hôm, lúc bố mẹ rảnh, xoa bụng gọi mãi cũng chẳng thấy con quẫy đạp. Chắc vẫn say giấc nồng.
Bụng to lên, cân nặng của mình cũng tiến dần đều. Bắp tay bắp chân, hai bên hông đã dày lên, to mỡ hơn. Áo ngực đến giờ cũng phải tăng một nấc cài nới rộng rồi. Lúc này, cân nặng tăng cũng bắt đầu gây ra những biểu hiện sức khỏe mới. Bạn có thể gặp chứng suy giãn tĩnh mạch ở cổ và bắp chân. Hiện tượng này là do lượng máu trong cơ thể tăng lên nhiều để nuôi em bé, dồn xuống dưới, áp lực lên tĩnh mạch.
Hiện tượng này có thể biến mất sau sinh. Một vài trường hợp sẽ phải điều trị mới hết được, nhưng bạn cũng đừng lo lắng nhiều. Hãy chú ý tránh đứng lâu, tránh để cân nặng tăng phi mã. Khi ngủ hãy nằm nghiêng, gác chân lên gối. Lúc này cũng có thể kèm theo hiện tượng phù thũng ở bàn chân. Nếu cần, bạn hãy đổi size giày dép để thoải mái đôi bàn chân nhé!
Rồi sẽ còn nhiều vấn đề về sức khỏe nữa mẹ cần để ý đấy. Chúng ta cùng cố gắng với nhau để cùng khỏe mạnh nhé! Ngay sau đây sẽ là hai chia sẻ về Tiểu đường thai kỳ và Táo bón – Trĩ thai kỳ mà các mẹ bầu từ Tam cá nguyệt thứ 3 cần chú ý. Cùng sang với phần Mẹ dần lớn thôi!
Mẹ dần lớn
Kết thúc chuỗi nội dung về Nuôi con sữa mẹ, tuần này chúng ta đến với chủ đề về Tiểu đường thai kỳ. Đây là một chủ đề quá ư thân thiện với các mẹ bầu. Từ tuần thai thứ 24 đến tuần thai thứ 28, các mẹ sẽ được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm Tiểu đường thai kỳ. Đây như là một kỳ thi sát hạch bằng lái xe vậy đấy, mẹ nào cũng hăm hở và hồi hộp đi thi, để xem kết quả như thế nào!
Tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là Đái tháo đường thai kỳ là hiện tượng lượng đường trong máu cao ở một số phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Hiện tượng này có thể xuất hiện ở phụ nữ chưa hề mắc bệnh tiểu đường trước khi mang thai và thường phát triển bệnh trong khoảng từ tuần 24 đến tuần 28. Bạn đọc thêm chi tiết về bệnh tiểu đường thai kỳ tại bài viết này nhé.
Mẹ làm gì khi con dần lớn
Tuần vừa rồi, Mẹ bầu này đã trải qua cơn đau trĩ đầu đời – khi con dần lớn. Mình xin chia sẻ chút kinh nghiệm mọn ở đây nhé! Mong là sẽ giúp được các mẹ bầu khác. Khi mà trong 3 tháng cuối thai kỳ, các mẹ bầu sẽ dễ gặp chứng táo bón hơn, từ đó cũng dễ lòi trĩ hơn!
Nói qua một chút về bệnh trĩ thai kỳ. Cho dù trước khi mang bầu, bạn đã có bệnh trĩ hay chưa, đến khi mang bầu, bạn vẫn có khả năng mắc trĩ hoặc bệnh nặng hơn. Nguyên do của bệnh trĩ thai kỳ là vì lượng máu trong cơ thể tăng lên, gây áp lực từ tử cung chèn lên phần trực tràng – đoạn cuối của ruột, tiếp giáp với đầu hậu môn. Bị chèn ép, phần trực tràng sẽ lòi ra ngoài hậu môn, dù ít dù nhiều, gây nên bệnh trĩ nội hoặc trĩ ngoại. Việc rặn khi đại tiện có thể làm sưng, viêm búi trĩ, làm bệnh trĩ nghiêm trọng hơn.
Mình chưa thực sự đi khám, nhưng như mình tìm hiểu, mình đã gặp trĩ nội cấp độ 2 từ những lần táo bón ở Tam cá nguyệt thứ 1. Tức là một chút nhỏ búi trĩ nội lòi ra ngoài hậu môn sau khi đại tiện, và tự co lên lại sau đó. Đến tuần vừa rồi, do cuối tuần trước ăn nhiều thịt, ít rau xanh, mình đã bị táo bón. Thói rặn ị đã khiến phần trĩ bị chảy máu, viêm sưng và lòi ra ngoài to hơn, không rút lại được nữa, tức là phải cấp độ 4 rồi. Ngày đầu tiên, phần trĩ sưng và đau rát, làm mình ngồi không được mà đến nằm nghiêng cũng không xong, việc đi lại cũng khó khăn vì cọ vào vết trĩ đau lắm. Đến ngày thứ 2 không chịu được, mình bắt đầu đi vái tứ phương.
Được bác sĩ chuyên điều trị trĩ và những người bị trĩ chia sẻ, kinh nghiệm mình áp dụng là:
- Ngâm mông vào nước ấm pha muối loãng trong vòng 15-20 phút để giảm viêm sưng, 2-3 lần mỗi ngày.
- Thấm khô và bôi thuốc đặc trị làm giảm sưng viêm 3-4 lần mỗi ngày sau khi ngâm mông hoặc tắm.
- Bôi thuốc xong, kết hợp dùng ngón tay đẩy búi trĩ vào trong ở tư thế nằm ngửa hoặc nửa nằm nửa ngồi, thả lỏng cơ hậu môn
- Bôi thuốc xong, nằm duỗi thẳng chân 15 phút để búi trĩ không tụt lại ra ngoài.
Bên cạnh đó, mình kết hợp với những việc sau để điều trị cơn đau đuôi này:
- Tập luyện bài kegel – Bài tập giúp săn chắc cơ sàn chậu, phần cơ hỗ trợ nâng đỡ các cơ quan vùng chậu bao gồm niệu đạo, bàng quang, ruột, tử cung. Bài tập này vốn tốt cho cả nam và nữ, nhất là hỗ trợ phụ nữ mang thai trong việc đảm bảo sức khỏe vùng sàn chậu khi thai nhi nặng hơn cũng như khi sinh nở.
- Ăn nhiều rau xanh, và các thực phẩm giàu chất xơ như yến mạch, hạt chia, thậm chí uống bổ sung thêm cả bột đại mạch – một loại thực phẩm cực nhiều chất xơ.
- Uống nhiều nước, đủ loại nước có thể!!!
- Không ngồi lâu trên ghế mà cứ 25 phút lại nghỉ 5 phút đi lại, vận động, lắc lư theo nhạc này nọ. Sử dụng gối hình donut để ngồi giảm đau.
- Không rặn và ngồi lâu khi đại tiện, đặt chân lên ghế cho giống tư thế ngồi xổm. Mình đã áp dụng bài thở lên và thở xuống – kỹ thuật thở khi chuyển dạ và sinh nở mà mình mới học được, vào chính việc đi đại tiện. Mục đích là thả lỏng cơ thể, để trực tràng tự làm việc thay vì cố rặn bằng cơ hậu môn, rồi thở như thổi nến để hỗ trợ vùng bụng đẩy cục kít ra ngoài. Kỹ thuật thở này mình sẽ chia sẻ trong phần về chuyển dạ ở các tuần tới nhé.
Sau 7 ngày thì búi trĩ của mình mặc dù chưa vào lại bên trong, nhưng đã hết sưng viêm. Mình có thể ngồi thiền và đi lại bình thường. Mình đang tiếp tục làm các việc trên để chữa trị. Ngay cả nếu đỡ, mình xin hứa sẽ phải làm sao hạn chế chứng táo bón, không gây ảnh hưởng đến phần trực tràng đã tổn thương và mong manh dễ tổn thương trở lại.
Mình cũng sẽ xin tư vấn thêm của bác sĩ ở lần khám thai tiếp theo để xem có thêm hướng điều trị và lưu ý gì chuẩn bị cho việc sinh nở không. Mình sẽ cập nhật thêm nhé. Mong rằng những kinh nghiệm này của mình sẽ giúp được các mẹ chữa bệnh và phòng bệnh trĩ trong thời gian 3 tháng cuối sắp tới!!!
Một số podcast tuyền vấn đề sức khỏe mẹ bầu. Càng về cuối, cơ thể mẹ bầu càng thay đổi rõ rệt và cần chăm sóc nhiều hơn. Hãy học cùng mình để chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt và có 3 tháng cuối thai kỳ khỏe mạnh nhất có thể nhé!
Chúc các bạn luôn khỏe và tươi vui. Dù gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe hay tập lý nào, hãy suy nghĩ tích cực, tìm niềm vui từ những điều nho nhỏ trong cuộc sống nhé! Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.
Xin chào và hẹn gặp lại bạn trong số podcast tuần sau. Cảm ơn bạn đã đồng hành và lắng nghe!
Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast nhé!
OanhDuongSam
—-
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!