Xin chào xin chào! Vậy là mẹ bầu Sam đã bước sang tuần thai thứ 32. Bạn đang nghe nếu là một mẹ bầu ở tuần 32 như mình, cảm xúc của bạn thế nào? Nếu đẹp tuyệt vời, thì chỉ khoảng 6 tuần nữa thôi, em bé của chúng ta sẽ chào đời. Nghĩ thấy 6 tuần thật là nhanh nhỉ. Vậy hãy cùng nghe xem em bé ở tuần thứ 32 đang lớn đến đâu trong phần Con dần lớn nhé!
Trong phần Mẹ dần lớn, nối tiếp chủ đề Hành trình Chuyển dạ và sinh con, đây sẽ là nội dung cuối cùng mình chia sẻ và là về Những điều cần biết về một tuần đầu sau sinh mà ít người nói đến. Nội dung này mình xin chia sẻ lại từ cuốn The womanly art of breastfeeding – Tạm dịch là: Cho con bú mẹ – Bộ môn nghệ thuật cực kỳ phụ nữ (hehe).
Hôm nay, mình sẽ tâm sự người mẹ một chút về quyết định dùng tã vải thay vì tã giấy, và suy nghĩ về việc một người mẹ chẳng cần phải quá cầu toàn trong hành trình nuôi con. Cùng nghe ở phần Mẹ làm gì khi con dần lớn nhé.
Chúng ta vào podcast của ngày hôm nay thôi!
Con dần lớn
Con dần lớn tuần 32 này ghi dấu mốc em bé bắt đầu to lên bằng quả dứa, nặng cỡ 2kg rồi. Vậy là chỉ trong cỡ 6-8 tuần nữa, em bé sẽ tăng khoảng 1/3 trọng lượng khi ra đời. Quá nhanh quá nguy hiểm!
Tuần này, em bé của chúng ta biết quay đầu từ hướng nọ sang hướng kia. Mắt mở tự do theo ý thích. Lông mày, lông mi mọc đầy đủ. Bây giờ khi có ánh sáng chiếu vào tử cung, em bé sẽ nhìn vào ánh sáng chứ không quay mặt đi như trước, nhìn theo ánh sáng, thậm chí đưa tay sờ vào.
Móng tay và móng chân cũng đã dài ra, giúp bảo vệ ngón tay, ngón chân của con. Trong khi đó, lớp lông tơ – lớp lông mỏng mịn trên da của em bé sẽ bắt đầu rụng từ tuần này. Em bé sẽ rụng hầu hết những lông tư đã có trong vòng vài tuần tới. Ngay khi sinh ra, bạn có thể nhìn thấy vài vệt lông tơ vẫn còn sót lại ở vai hay lưng con, mà cũng sẽ rụng sớm thôi, không giống khỉ lâu đâu (haha).
Tuần này, mình sẽ nói nhiều hơn một chút về cơ thể mẹ. Cân nặng tăng làm vận động của mẹ ngày càng chậm chạp. Tử cung chèn lên dạ dày, khi ăn thường thấy dạ dày chật chội và thường dừng lại không muốn ăn nữa. Mình đến nay cũng đã tăng 11kg rồi, quần áo váy đều chật, đi lại lừ lừ như một con gấu (haha).
Đến nay, thai nhi sẽ gây nhiều áp lực vào bàng quang của mẹ bầu. Đừng bất ngờ nếu tháng này bạn bị rò rỉ nước tiểu, nhất là khi cười lớn, ho, hoặc hắt hơi. Bạn cũng chú ý không để viêm nhiễm đường tiết niệu nhé. Nếu có các biểu hiện như đi tiểu nhiều hơn bình thường, cảm thấy đau rát khi đi tiểu, bị sốt, kèm theo đau lưng đau bụng, hãy liên hệ với bác sĩ.
Đêm đêm mình dậy đi vệ sinh đến 5-6 lần, mỗi lần lại uống thêm chút nước cho đỡ khô miệng. Mà khổ cái là những lúc dậy khỏi giường hay quay về giường nằm xuống đều nặng nề và hơi khó hôm trước. Mẹ gấu vĩ đại có hôm nằm xuống đã là thành công rồi, buồn ngủ chẳng đắp chăn lại luôn (haha).
Bên trong, lúc này đáy tử cung đã nâng lên đến hoành cách mô, vì thế việc hít thở trở nên khó khăn, có lúc mẹ cảm thấy hụt hơi. Tuy nhiên mẹ đừng lo lắng nhé, ngay cả như vậy, mẹ bầu vẫn đang hít thở sâu hơn, mang lượng oxy lớn hơn vào cơ thể so với trước khi mang bầu. Trong các tuần tiếp theo, thai nhi lọt xuống xương chậu, mẹ sẽ cảm thấy dễ thở hơn. Bạn cứ duy trì các bài tập thở như số trước mình đã chia sẻ, tập yoga, hoặc đơn giản là hít thở sâu 10-15 hơi mỗi ngày thôi là đã rất tốt cho cả hai mẹ con rồi!
Tóc bạn tháng này sẽ dày hơn và trông óng mượt hơn trước. Trong lúc mang thai, nhờ thay đổi hormone, tóc các mẹ bầu thực chất lại rụng ít hơn bình thường. Sau khi sinh, rất nhiều tóc vốn được trì hoãn khỏi chu kỳ rụng tự nhiên sau khoảng 2-7 năm từ lúc bắt đầu mọc, sẽ cùng rụng đi. Do đó sinh xong, các mẹ thường rụng tóc nhiều và sẽ mọc lại dần sau đó.
Trong khi đó, phần ngực sẽ tiếp tục to lên trong tháng này, tạo cảm giác nặng nề. Trong thai kỳ, phần ngực sẽ chiếm cỡ 0,5-1,5kg cân nặng tăng lên ở mẹ bầu. Nhưng chỉ một phần nhỏ trong đó là mỡ thôi. Còn đa phần là do hình thành của các nang sữa và cơ chế tuần hoàn máu tăng lên ở phần ngực.
Vậy là cơ thể của chúng ta đang thay đổi rất nhiều để sẵn sàng đón chào em bé ra đời. Hãy giữ gìn sức khỏe để có một cuộc sinh khỏe mạnh và trở thành một người mẹ xịn sò nhé!
Mẹ dần lớn
Trong phần Mẹ dần lớn hôm nay, để khép lại chuỗi nội dung về chủ đề Hành trình Chuyển dạ và sinh con, mình sẽ chia sẻ với các bạn về Những điều cần biết về một tuần đầu sau sinh mà ít người nói đến. Nội dung này mình đọc được và tổng hợp từ cuốn The womanly art of breastfeeding – Tạm dịch là: Cho con bú mẹ – Bộ môn nghệ thuật cực kỳ phụ nữ, và cuốn Guide to a Healthy Pregnancy – Tạm dịch là: Mọi hướng dẫn để mang bầu khỏe mạnh và thấy rất tâm đắc. Mong rằng cũng sẽ giúp được các mẹ khác. Chúng ta cùng bắt đầu nhé!
Mình viết chi tiết về nội dung này tại đây.
Mẹ làm gì khi con dần lớn
Vậy là em bé của chúng ta đang dần lớn để sẵn sàng chào đời, còn chúng ta cũng đã đi đến những đoạn cuối của thời gian học hành đợi ngày thi cử rồi. Sau khi sinh, mình tin là chúng ta sẽ còn phải học nhiều hơn, học thực chiến, học liên tục không được nghỉ luôn. Nhiều khi quá mệt mỏi với sự học làm Mẹ làm Bố, nhưng vẫn cứ phải chống mắt lên học mà chẳng được ngủ đủ. Có khi còn nghĩ “giá tống lại được vào bụng cho khỏe” ấy chứ.
Chính vì vậy mà mình muốn tâm sự một chút ở phần Mẹ làm gì khi con dần lớn hôm nay về một điều mà mình đã hiểu ra và sẽ cố gắng thực hiện. Đó là, khi trở thành bố mẹ, chúng ta đừng quá cầu toàn, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi! Đây là nhận thức mà mình có được sau khi dành rất nhiều thời gian tìm hiểu về tã vải để sử dụng cho em bé nhà mình.
Mỹ là thiên đường của tã vải, và mình muốn dùng một thứ vừa tốt cho em bé vừa tốt cho môi trường, nên mình chọn tã vải thay vì sử dụng tã giấy. Vì không phổ biến ở Việt Nam, mà lại quá phong phú thể loại và đến cả 50 nhãn hàng ở Mỹ, Anh, Canada nên mình phải đọc, tìm hiểu và cân nhắc khá nhiều. Loại vải nào thấm hút nhất – sợi tre, sợi bông hay sợi cây gai dầu. Kiểu tã nào phù hợp với gia đình nhất. Đồ dùng cần thiết cho tã vải là những gì. Cách giặt chuẩn bị tã vải để thấm hút tốt nhất. Cách để giữ tã vải sạch sẽ và bền lâu. Nhiều phết ạ, mình dành cỡ 4-5 ngày để tìm hiểu.
Với mình thì việc tìm hiểu về tã vải khá thú vị, mình rất vui thích. Nhưng để quyết định lựa chọn thì quả là không dễ dàng với con người vừa cầu toàn vừa lắm chuyện như mình (haha). Đến cuối cùng, mình đã chọn là với những thứ mình thấy tốt nhất, hãy chọn một thứ dùng chính – chiếm 50%, còn lại thử mỗi thứ 1 ít để tìm ra thứ phù hợp nhất với cả gia đình.
Vì chẳng có phương án nào là hoàn hảo, và ngay cả bây giờ là hoàn hảo nhưng lại không phù hợp với em bé, nên cách tốt nhất là thử nghiệm, sai thì sửa, đúng đâu giữ lại và phát huy. Cứ như vậy, dần dần sẽ tìm ra được điều tốt nhất, phù hợp nhất với cả nhà và em bé. Thay vì cứ cầu toàn mong điều hoàn hảo mà không được lại thất vọng nhiều và mệt mỏi cho cả bản thân và những người xung quanh.
Từ đó, mình xin hứa luôn tự nhắc bản thân về điều này, để việc nuôi con, dù là chuyện ăn, chuyện bỉm, chuyện ngủ nghê có theo EASY hay không, chuyện con đang gặp vấn đề gì… trở nên dễ dàng hơn.
Mong rằng chút tâm sự mỏng của mình góp thêm một góc nhìn cho các bố mẹ đang chuẩn bị đón những em bé đầu lòng ngoài kia!
Dạo này em bé của mình trườn trong bụng nhiều lắm. Cả lúc viết kịch bản hay ngồi thu âm podcast này, con đều trườn mạnh mẽ trong bụng. Cái cảm giác trườn này mình thực sự đã không thể mô tả cho chồng mình hiểu nó giống với cảm giác gì (haha). Mình coi đây là đặc quyền của mẹ bầu, được cảm nhận điều mà chẳng ai cảm nhận được, trừ những mẹ bầu khác! Cầu mong em bé đang trườn đạp, nấc cụt mạnh mẽ trong bụng chúng ta hiện nay sẽ sớm chào đời khỏe mạnh và vui vẻ.
Cảm ơn bạn đã lắng nghe hết số podcast này. Xin chào và hẹn gặp lại vào thứ 7 tuần sau nhé!
OanhDuongSam
Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast!
****
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!|