Ở tuần thai thứ 18, vợ chồng mình vẫn đang ngao du trong chuyến du lịch đầu tiên của em bé. Bởi vậy, số podcast này sẽ không có format giống thông thường. Đây sẽ là một số khác biệt, nhưng lại đặc biệt, và dành riêng cho các “bố bầu” – những người đang đồng hành với hành trình mang bầu của vợ mình, và sắp trở thành bố của một em bé nhỏ xinh.
Trong số này, mình sẽ tổng hợp lại những kiến thức cơ bản cần thiết nhất mà một ông bố bầu cần biết để chuẩn bị cho hành trình mới mẻ này. Các lưu ý sẽ trải dài từ lúc biết vợ mang thai cho tới khi em bé ra đời. Mình đã đọc được những kiến thức này trong quyển Guide to a Healthy pregnancy của Mayo Clinic và thấy khá đầy đủ để chia sẻ với mọi người. Mình cũng sẽ chia sẻ thêm từ quan sát của mình với những ông bố xung quanh và từ trải nghiệm của cá nhân với ông chồng của mình cho câu chuyện thêm màu sắc nhé (haha).
Mong rằng podcast bonus này sẽ hữu ích với các ông bố bầu của chúng ta!
Đồng hành
Phần đầu tiên, mình muốn nói đến Sự Đồng Hành của các ông bố trong thời gian vợ mình mang thai và sinh em bé.
Sự đồng hành là cần có ngay từ khi hai vợ chồng cùng nhau lên kế hoạch có em bé. Có con là một việc lớn của gia đình. Thêm một em bé chào đời, cuộc sống của gia đình sẽ thay đổi rất nhiều. Nếu là em bé đầu lòng – chắc chắn thay đổi. Nếu là em bé thứ hai trở đi – nhiều thay đổi hơn gấp bội. Cá nhân mình ủng hộ quan điểm rằng chúng ta hãy sinh con khi sẵn sàng. Sẵn sàng ở đây là về 4 yếu tố: sức khỏe, tâm lý, tài chính và hoàn cảnh sống. Không chỉ người mẹ cần sự sẵn sàng này, mà hai vợ chồng cùng nên trao đổi và đồng hành để có được sự sẵn sàng này.
Khi biết tin gia đình đang chờ đợi sự chào đời của một em bé, mình nghĩ không nhiều ông bố – làm bố lần đầu có thể hình dung ngay được những gì họ cần làm. Là một người mẹ mang bầu lần đầu, được trò chuyện với rất nhiều bạn bè đã sinh con, mà mình vẫn còn bỡ ngỡ lắm đây. Huống gì là các ông bố. Nhưng điều mình thấy rất vui là ngày nay, hầu hết các ông bố đều rất chủ động trong việc đồng hành cùng vợ mình trong việc mang thai và sinh em bé.
Mình hiểu rằng nếu người mẹ đang gặp khó khăn 10 phần với chiếc bụng bầu đang ngày một lớn rõ và cả tá thông tin, kiến thức cần tìm hiểu để sẵn sàng cho việc sinh con, nuôi con, thì các ông bố cũng gánh 7-8 phần khó khăn, lo lắng. Nhưng may thay, chúng ta có 9 tháng mang thai để chuẩn bị và chuyển giao mượt mà lên thành bố – mẹ.
Vậy sau đây mình sẽ chia sẻ chi tiết về những thứ mà các ông bố có thể đồng hành cùng vợ mình trong giai đoạn Mang thai. Các kiến thức này vẫn đúng cho dù các bạn là một cặp đôi đồng tính nhé!
1. Bạn hãy cùng vợ hoặc người yêu của mình đi mua que thử thai
Nếu đã có kế hoạch có con từ trước, hãy chủ động cùng người ấy hoặc tự bạn chuẩn bị sẵn que thử thai để dành cho giờ phút quan trọng kiểm tra thành quả. Nếu có thai là một sự kiện bất ngờ, hãy xung phong là người đi mua que thử thai, hoặc ngỏ ý đưa vợ bạn đi mua thứ dụng cụ cần kíp ấy!
2. Đưa vợ bạn đi khám thai
Ít nhất, bố bầu hãy có mặt trong những mốc khám thai quan trọng gồm lần khám thai đầu tiên, mốc 12 tuần, mốc 20 tuần, và các mốc từ tuần thứ 32 trở đi, khi vợ bạn đã bầu to, đi lại khó khăn. Chồng mình thích đưa mình đi khám thai lắm, vì mỗi lần như thế lại được nghe tim em bé đập uỳnh uỳnh, mà cũng tận mắt nhìn thấy con ngọ nguậy trên màn hình nữa. Giờ các hình thức khám thai đều gửi hình ảnh và video thẳng về cho các mẹ bầu chia sẻ rộng rãi. Nhưng nhìn tận mắt, nghe tận tai lúc đó và được bác sĩ báo em bé khỏe mạnh bình thường xúc động lắm. Cố gắng đừng bỏ lỡ bố ạ.
3. Trò chuyện với mẹ bầu
Việc mang thai quá mới mẻ với cả bố và mẹ. Thế nhưng người mẹ nhất là trong 3 tháng đầu, sẽ phải đối diện với rất nhiều thay đổi về cảm xúc – đổ tội vì hormone nhé!, và về sức khỏe – những cơn ốm nghén muôn hình vạn trạng và khó lường. Do đó, việc trò chuyện chia sẻ thẳng thắn với nhau hàng ngày về cảm xúc và những chuyển biến trong cơ thể mẹ là rất cần thiết. Điều này giúp hai vợ chồng thấu hiểu cảm xúc của nhau, thương yêu nhau hơn. Đặc biệt, trò chuyện là cách bố bầu có thể hỗ trợ vợ được rất nhiều đấy, dù không mang bụng to nặng hay chịu những cơn nghén.
4. Làm quen với em bé
Cùng vợ bạn có các hoạt động tương tác với em bé. Đơn giản từ trò chuyện, chào tạm biệt đi làm, đọc thơ-truyện hay trò chuyện thông thường với con; cảm nhận cú đạp năng động của con ở khoảng tuần thai thứ 20 nữa. Con sẽ nghe được từ khi trong bụng mẹ, và sẽ nhận biết được giọng nói của bạn khi chào đời.
5. Tham gia các lớp tiền sản
Hãy sắp xếp thời gian để cùng vợ tham gia một số lớp có kiến thức cần thiết cho cả các ông bố nhé. Có rất nhiều kiến thức cần chuẩn bị trước khi sinh con – chứ sau đấy tất bật đến ngủ còn phải tranh thủ, chẳng học hành được gì nữa đâu bố ạ. Hai vợ chồng có thể thảo luận để lựa chọn lớp nào cần có sự tham gia của bố bầu nhé!
6. Chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và sức khỏe của mẹ bầu
Nếu có thể, bạn hãy cùng vợ ăn uống lành mạnh hơn so với trước đây. Ví dụ không ăn đồ sống, tăng lượng chất xơ, hoa quả. Đồng thời nếu có thể, hãy động viên vợ tập thể thao nhẹ nhàng như yoga, bơi. Nếu được, hãy dành thời gian cùng nhau đi bộ và dành thời gian trò chuyện với nhau. Chồng mình còn khéo léo nhắc và tìm cách lùa mình đi ngủ sớm hay uống đủ nước trong ngày nữa.
7. Sẵn sàng nhận nhiệm vụ
Không chỉ những công việc nặng nhọc mà vốn người đàn ông nên làm thay phụ nữ, bạn cũng sẵn sàng tinh thần nhận những nhiệm vụ quan trọng và phù hợp với năng lực. Ví dụ như mua sắm các thiết bị điện hay có nhiều thông số kỹ thuật cần thiết cho con, như máy tạo độ ẩm, ghế ô tô, xe đẩy, máy tiệt trùng…. Hoặc xả thân giảm hút thuốc, hoặc hút ở nơi không gần hai mẹ con. Hoặc đưa vợ đi khắp muôn nơi ăn đồ ngon, mua sắm cho con…
8. Tạo network
Nếu các mẹ bầu ngay tức khắc có những network gồm nhiều bà bầu khác cũng như các mẹ mới sinh con để hỏi han kiến thức, thì các bố cũng nên có những người bạn bố bầu như vậy. Chồng mình nhờ hỏi đồng nghiệp đã tìm ra được cho mình một bác sĩ khám thai và đỡ đẻ rất uy tín. Rồi những thông tin giao riêng cho bố như về ghế trên ô tô cho con, hay xe đẩy và bảo hiểm thủ tục… chồng mình cũng hỏi han được rất hiệu quả từ bạn bè và đồng nghiệp.
3 tháng đầu của thai kỳ
Mình nghĩ 3 tháng đầu, còn gọi là Tam cá nguyệt đầu tiên rất quan trọng mà cũng rất khó khăn. Do đó mình thấy nên lưu ý riêng để các bố chuẩn bị tâm lý và sẵn sàng hỗ trợ mẹ.
Mẹ bầu trong 3 tháng đầu có thể gặp phải tình trạng nghén, gồm có: thường xuyên mệt mỏi, nôn hoặc buồn nôn khi tiếp xúc với đồ ăn – từ mùi, màu, đến vị đều có thể là lý do, khóc hoặc buồn lo nghĩ vô cớ, thậm chí có mẹ bầu còn chẳng muốn chồng sờ vào người mình – nhưng vẫn phải ở loanh quanh gần mình, và có lúc sẽ thèm ngay lập tức một món gì đó!
Về mặt khoa học thì tất cả những thay đổi trên đều là do ảnh hưởng từ các loại hormone đang tăng lên rất cao trong cơ thể vợ bạn khi có thai. Vậy bạn có thể làm gì giúp vợ?
1. Giảm các cơn ốm nghén
Có nhiều cách VD như chuẩn bị sẵn trà gừng và gừng tươi trong nhà để giảm cảm giác buồn nôn, mệt mỏi, giúp vợ chuẩn bị đồ ăn hoặc sẵn sàng ăn ngoài nếu mùi đồ ăn làm vợ bạn khó chịu, tinh tế với cảm xúc của vợ và chia sẻ tâm sự thường xuyên để giải quyết, phóng xe đi mua ngay món mà vợ bạn thèm (hoặc order trên app rồi quay ra ngồi dỗ cô ấy), nhưng nếu ngay sau đó vợ bạn có đổi ý không muốn ăn món đó nữa, thì bạn cũng hãy vui vẻ cất tủ lạnh chờ đến cơn thèm sau, hoặc ăn luôn cho ấm bụng nhé!
2. Chiến đấu với sự mệt mỏi
Vì tim vợ bạn sẽ đập nhanh hơn để sản xuất máu cho cả mẹ và con, vợ bạn sẽ rất dễ mệt mỏi trong người. Hãy cùng vợ nghiên cứu và mua bổ sung thuốc bầu, ăn uống đủ chất, và tạo cơ hội cho cô ấy nghỉ ngơi nhiều nhất có thể để nhanh qua những cơn mệt.
3. Phiêu cùng những thay đổi về cảm xúc
Cái này chắc các ông chồng hiểu bài rồi. Giai đoạn này có thể sẽ phức tạp hơn thường, nhưng chắc chắn là sẽ qua. Chỉ sang đến tháng thứ 4 của thai kỳ là trời lại quang mây lại tạnh, vợ bạn lại về vui vẻ hát ca thôi – đa phần như vậy.
4. Niệm chú “Rồi mọi chuyện sẽ qua”
Đến mình – một mẹ bầu, cũng đã phải niệm chú câu “Okay okay, rồi mọi chuyện sẽ qua thôi” vài lần vào những khi quá mệt mỏi, chán nản ăn uống, đầy bụng, khó ở… Vậy hai vợ chồng hãy cùng niệm chú thôi! Chuyện gì rồi cũng sẽ qua, không bằng cách này thì cách khác ấy mà!
Quan hệ tình dục trong thai kỳ
Phần thứ 3 mình muốn chia sẻ là về quan hệ tình dục trong thai kỳ. Kiến thức này trước khi mang thai mình cũng không biết rõ.
1. Có thể quan hệ khi mang thai
Nếu thai kỳ khỏe mạnh bình thường, không có lưu ý đặc biệt từ bác sĩ, hai vợ chồng bạn có thể quan hệ tình dục theo ý muốn nhé! Tuy nhiên, cá nhân mình thấy trong 3 tháng đầu khi người mẹ rất mệt mỏi, bạn nên trao đổi thẳng thắn để xem cô ấy có muốn quan hệ không. Trong 3 tháng cuối khi bụng vợ bạn đã rất to, việc quan hệ cũng trở nên khó thao tác hơn. Vậy thì 3 tháng giữa sẽ là thời điểm thích hợp để xúc tiến. Nhưng nhớ là, hãy quan hệ khi vợ bạn cũng thực sự muốn thôi nhé, và cần quan sát sức khỏe của hai mẹ con để quyết định có tiến hành hay không.
2. Quan hệ tình dục không ảnh hưởng tới em bé
Em bé được bảo vệ trong một lớp nước ối và trong tử cung có nhau thai dày dặn rồi, nên không tác động nào của quan hệ tình dục ảnh hưởng được đến con. Tuy nhiên, cá nhân mình vẫn tránh quan hệ trong 2-3 tháng đầu hoặc đến khi chắc chắn được ở lần khám thai đầu tiên – khoảng tuần thứ 5 đến tuần thứ 8 là con khỏe mạnh.
3. Tư thế phù hợp
Tư thế quan hệ tình dục phù hợp nhất là tư thế mà hai bạn thấy thoải mái, không có dấu hiệu đau tức trong và sau khi quan hệ.
4. Có cần sử dụng bao cao su không?
Bạn nên sử dụng bao cao su nếu vợ bạn đang gặp phải các vấn đề sức khỏe phụ khoa, hoặc nếu bạn mới trở về từ các vùng có dịch bệnh có thể lây qua đường tình dục.
5. Quan hệ bằng miệng có an toàn không? (Oral sex)
Oral sex là an toàn nếu bạn làm nhẹ nhàng. Tuy nhiên, có nguy cơ rất nhỏ nếu bạn đưa quá nhiều khí vào bên trong, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Nên theo mình cũng nên tránh.
6. Tạm hoãn và chờ đợi
Nếu vợ bạn không muốn quan hệ, dù rất khó khăn, hãy chia sẻ mong muốn và kiên nhẫn chờ đợi đến khi cô ấy sẵn sàng nhé!
7. Trở lại quan hệ tình dục sau sinh
Sau khi em bé ra đời, bạn có thể quan hệ trở lại trong vòng 4-6 tuần. Tuy nhiên thời gian này phụ thuộc rất nhiều vào hình thức sinh của vợ bạn là sinh thường hay sinh mổ và tốc độ hồi phục của vợ bạn sau sinh cũng như các vấn đề sức khỏe liên quan khác nữa. Cố gắng chờ đợi nếu cần thiết nhé!
8. Lưu ý khi quan hệ tình dục trở lại
Khi quan hệ trở lại, cũng nên từ từ làm quen lại với nhau để tránh gây tổn thương vật lý không đáng có do cơ thể vợ bạn đã có những thay đổi sau khi sinh. Hai vợ chồng cũng nên cân nhắc biện pháp tránh thai phù hợp để tránh việc có thêm em bé mới quá sớm khi chưa sẵn sàng nhé.
Khi vợ sinh và khi em bé ra đời
Thời khắc quan trọng là khi vợ bạn sinh và em bé chào đời. Mình lưu ý ở đây một số việc bố có thể làm lúc này.
1. Chuẩn bị những kiến thức cần thiết về dấu hiệu trở dạ và việc bạn nên làm để hỗ trợ vợ. Kiến thức này có thể học được từ các lớp tiền sản, từ trên mạng, hoặc hỏi chính vợ bạn để cùng tìm hiểu và được vợ cung cấp kiến thức.
2. Chuẩn bị cung đường nào chuẩn nhất để đưa vợ đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu trở dạ. Đoạn nào tắc nên tránh, đoạn nào đèn đỏ lâu, gửi xe ở đâu gần nhất hay chiến thuật gửi xe thế nào sẽ tiện lợi. Trong giai đoạn gần sinh, xe cộ nên luôn sẵn sàng xăng số, không cho mượn hay để quá xa để luôn sẵn sàng phi đi ngay.
3. Lắp ghế cho em bé trên ô tô để đưa con về – nếu cần thiết. Ở Mỹ thì luật buộc phải có xe trên ô tô để đưa em bé từ bệnh viện về nhà, không được bế tay như ở Việt Nam đâu. Bạn cũng có thể áp dụng nếu có ô tô vì đây là phương án an toàn nhất cho con, tránh tai nạn tốt nhất có thể. Lắp đặt các thiết bị cần thiết trong khu vực phòng sẽ chăm em bé sau này, từ tủ đựng đồ, đến cũi, máy móc thiết bị…
4. Nắm được giỏ đồ đi sinh của vợ và các giấy tờ cần thiết. Bạn sẽ là người làm việc với bác sĩ, y tá khi vợ vào đẻ. Vậy hãy nắm những thông tin cần thiết để làm thủ tục. Sau khi vợ sinh, bạn cũng sẽ là người hỗ trợ vợ, nên hãy biết trong túi đồ đi sinh có những gì để tìm kiếm và sử dụng hiệu quả khi vợ cất tiếng gọi!
5. Chuẩn bị đồ cá nhân sẵn sàng cho việc hộ tống vợ lên đường đi đẻ. Nếu đẻ ở bệnh viện tư, bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần ở lại bệnh viện khoảng 24-36 tiếng hoặc hơn thế để đợi vợ sinh. Sau đó có thể phải ở lại bệnh viện thêm nếu vợ bạn đẻ mổ hoặc vợ con bạn gặp vấn đề về sức khỏe. Hãy sẵn sàng tư trang cho việc đó. Chuẩn bị snack nếu cần.
6. Sẵn sàng pin, sạc điện thoại để trở thành phóng viên loan tin đến toàn bộ người thân đang chờ đợi thông tin mẹ từ hai mẹ con nhé!
7. Trong khi vợ ở trên bàn đẻ, bạn có thể được ở cùng hoặc phải đợi ở ngoài. Thời gian này ngắn hay dài là do may mắn. Hãy chuẩn bị chỗ ngồi tốt, túc trực đề phòng nếu bác sĩ cần tìm bạn. Bạn có thể sẽ phải là người ký những giấy tờ quan trọng quyết định vấn đề sức khỏe của mẹ và em bé. Hãy sẵn sàng tâm lý. Nếu được ở cùng vợ bạn, hãy giúp cô ấy giải khuây trong lúc chờ đợi, xoa lưng hay hỗ trợ để giảm đau, cùng cô ấy đi lại để chờ đợi cơn gò, và giúp cô ấy thở rặn đẻ như các kiến thức đã chuẩn bị từ trước. Quan trọng nhất là sự sẵn sàng có mặt của bạn. Ngay khi vợ sinh xong, dù lúc vợ đẻ bạn được ở cạnh hay không, người đầu tiên vợ bạn tìm đến cũng sẽ chính là bạn đấy!
8. Bạn sẽ là người đầu tiên được cùng vợ ngắm em bé! Hãy chờ đợi giây phút này.
9. Nếu vợ bạn cho con bú mẹ, hãy hỗ trợ cô ấy để mẹ và con được da liền da sớm nhất, và em bé được ti mẹ trực tiếp sớm nhất. Bạn có thể can thiệp với bác sĩ để việc này diễn ra, nếu như lúc đó vợ bạn không có sức để làm gì nữa. Đây là việc quan trọng vô cùng với mẹ và em bé, về mặt sức khỏe, cũng như là về việc nuôi con bằng sữa mẹ.
10. Nếu vợ bạn chưa có sữa, hãy giúp cô ấy pha sữa cho con và cho con bú. Bạn có thể học được rất nhanh cách pha và cách bế cho con bú thôi!
11. Điều phối việc đưa người nhà vào thăm hai mẹ con. Không chỉ có các ông bà nội ngoại, mà các anh chị em ruột, các cháu cũng sẽ đến thăm vào những ngày đầu khi mẹ con còn ở viện. Có thể có thêm bạn bè, đồng nghiệp nữa. Hãy là người điều phối tài ba cho việc này!
12. Khi vợ bạn có thể ăn uống trở lại, hãy cùng các bà hỗ trợ vợ hiệu quả để vợ bạn sớm hồi phục sức khỏe nhé!
13. Sẵn sàng xe cộ và nhà cửa để đưa vợ bạn và con về!
14. Hỗ trợ vợ trong việc chăm sóc em bé: cho con bú bình, ủng hộ tinh thần vợ nếu vợ cho con bú mẹ – vì bú mẹ là con đường không dễ dàng ngay từ đầu, tắm cho con, thay tã cho con, hỗ trợ vợ trông con khi vợ vắt sữa hoặc dành thời gian cho bản thân…
Có lẽ 14 điều đã là khá nhiều rồi, trên thực tế có thể sẽ phát sinh nhiều hơn như thế. Hãy cùng khám phá khi thời khắc đó đến nhé!
Những điều không như trước
Chắc chắn việc trở thành một người bố là rất hạnh phúc, nhưng cũng không hề dễ dàng. Ở phần cuối, mình muốn chia sẻ một số điều mà có thể chúng ta chưa biết – và cần chuẩn bị sớm cho bản thân!
1. Bạn nên sắp xếp xin nghỉ phép để đưa vợ đi đẻ và ở bên vợ con trong ngày đầu ra viện. Nếu không thể sắp xếp được, cố gắng dành ít nhất 1-2 ngày. Lúc này vợ cần bạn.
2. Bạn sẽ mang trên vai những trách nhiệm mới. Không chỉ là một vai “bố”, mà có thể nho nhỏ như cả việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa hay chạy việc vặt – lúc này cũng nằm trên vai bạn. Hãy sẵn sàng tinh thần cho những điều rất khác.
3. Bạn sẽ chẳng còn được ngủ nhiều như trước. Lịch sinh hoạt của gia đình cũng sẽ thay đổi, bạn cần làm quen với khung giờ con thức ngủ, vợ bạn cho bú – vắt sữa – ăn – nghỉ. Mà khung giờ này không phải sáng – trưa – tối như thường khi đâu. Đêm đến bạn cũng sẽ không dễ ngủ thẳng giấc. Mong rằng có sự trợ giúp của người nhà sẽ đỡ hơn, để bạn có thời gian và sức khỏe quay lại công việc sớm.
4. Vợ bạn chẳng có nhiều thời gian chơi với bạn nữa. Hai bạn sẽ khó dắt tay nhau xuống đường đi bộ như lúc mang bầu, hay đèo nhau ngay ra phố ăn món đang thèm. Nhiều ông bố cảm giác bị ra rìa thật đấy, nhất là khi vợ dành thời gian cho con bú mẹ trực tiếp. Đừng cảm thấy bị ra rìa nhiều nhé! Cùng dành thời gian chăm con thôi.
5. Thay đổi về quản lý tài chính. Giai đoạn đầu khi có thêm một thành viên mới, tài chính của gia đình cũng sẽ gặp đảo lộn. Tốt nhất, hai vợ chồng hãy chuẩn bị sẵn sàng một khoản tài chính cho việc sinh và chăm sóc em bé, để không ảnh hưởng đến chi tiêu khác của gia đình.
6. Nghiên cứu cho thấy rằng, các ông bố có thể gặp các triệu chứng ốm nghén như vợ, ví dụ béo bụng, mệt mỏi trong người, cảm xúc lên xuống. Một số hormone trong cơ thể đàn ông cũng tăng – giảm trong giai đoạn vợ mang bầu và sinh con. Ví dụ hormon prolactin – giúp tiết sữa ở người mẹ, cũng sẽ tăng lên khi có em bé. Hay hormone testosterone nổi tiếng ở nam giới cũng sẽ giảm đi khi em bé ra đời, tạo tín hiệu cho người đàn ông tập trung cùng vợ chăm sóc em bé thay vì tạo tâm thế cạnh tranh khi có người mới trong gia đình.
7. Người bố có thể gặp cảm xúc buồn bã sau khi vợ sinh. Như người mẹ gặp phải chứng baby-blue – tiêu cực sau sinh vậy. Đây là một hiện tượng thông thường khi cuộc sống có rất nhiều thay đổi. Hãy trao đổi với vợ, với người thân, bạn bè hoặc gặp chuyên gia – bác sĩ tâm lý khi thấy mình có những cảm xúc tiêu cực nhé.
8. Hãy cùng vợ bạn trò chuyện ngay từ khi mang bầu về việc hai bạn muốn trở thành ông bố – bà mẹ như thế nào và nuôi con theo cách ra sao để tìm ra cách thức phù hợp nhất và thống nhất trong gia đình nhé! Điều này là quan trọng để đảm bảo hạnh phúc gia đình (haha).
9. Vợ bạn luôn rất cần bạn. Nếu bạn rất bận rộn, chỉ cần những cử chỉ quan tâm, hỏi thăm đơn giản thôi cũng giúp rất nhiều rồi. Nếu có nhiều thời gian, hãy dành thời gian bên vợ và con bạn nhiều nhất có thể. Vợ bạn có thể làm được nhiều việc dù không có bạn, nhưng khi có bạn, cô ấy sẽ làm được hơn thế rất nhiều lần!
10. Tìm kiếm sự trợ giúp cần thiết. Vì việc trở thành bố mẹ và có thêm một em bé là không hề dễ dàng trong giai đoạn đầu, bạn hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ người ngoài với bất kỳ vấn đề gì và khi nào cần thiết. Ví dụ sự trợ giúp của ông bà, của người giúp việc, của anh chị em xung quanh. Đừng ôm những khó khăn một mình hoặc chỉ trong gia đình hai vợ chồng và làm sự việc thêm khó. Chuyện gì có thể nhờ cậy mọi người, hãy tìm sự trợ giúp. Miễn sao giải quyết được vấn đề nhé!
Chia sẻ của mình đã rất dài rồi. Mình chỉ đang là một người mẹ mang thai, một người vợ đang học làm mẹ thôi. Mình không phải chuyên gia. Nhưng mình học được những thông tin cơ bản ở trên và muốn chia sẻ để các ông bố. Mong rằng sẽ giúp được hành trình làm bố của các bạn dễ dàng hơn.
Cuối cùng, mình xin gửi lời chúc mừng bạn, và chúc mừng cả người chồng của mình đang nghe podcast này vì bạn sắp thành bố rồi đó. Cho dù đây là em bé đầu lòng hay em bé thứ hai rồi, chắc hẳn bạn đang rất nóng lòng chờ đợi cô cậu bé thành viên mới này ra đời. Thay mặt những người vợ, cảm ơn bạn vì những thứ tốt nhất mà bạn luôn nỗ lực làm vì gia đình, vì vợ con. Chúc cho bạn thật nhiều sức khỏe, một tâm lý vững vàng và tất cả những điều tốt đẹp nhất để chuẩn bị đón thành viên mới trong gia đình và chúc bạn sớm có một em bé ra đời mẹ tròn con vuông nhé!
Cảm ơn bạn đã lắng nghe podcast này của Podcast Dần lớn. Xin chào và mong hẹn gặp lại!