OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

Podcast Dần lớn: Kiến thức cơ bản Chăm sóc trẻ sơ sinh cần dần học – Mang thai tuần 35

Xin chào xin chào! Lại thêm một tuần nữa trôi qua. Em bé của chúng ta đã ở trong tuần thai thứ 35. Trong buổi khám thai gần nhất, được siêu âm, em bé của mình đã được 2,5kg, và đã quay đầu xuống dưới đợi ngày ra đời. Em bé của bạn tuần này thế nào rồi?

Cùng cập nhật theo sách vở xem con có những thay đổi gì nữa ở tuần 35 này trong phần Con dần lớn nhé. Con lớn, mẹ cũng lặc lè, mình cũng sẽ update những biến chuyển ở cơ thể mẹ gấu này để chia sẻ với các bạn.

Trong phần Mẹ dần lớn, tiếp tục chuỗi chủ đề về Chăm sóc trẻ sơ sinh, hôm nay mình sẽ chia sẻ về một số kiến thức cơ bản cần biết về em bé sơ sinh để làm tiền đề cho việc chăm sóc con khoẻ mạnh và an toàn.

Trong phần cuối, Mẹ làm gì khi con dần lớn, lại thêm một chút tâm sự về mẹ bầu những ngày chờ đợi vỡ chum nhé!

Nghe số podcast tuần thai 35 tại Spotify.

Con dần lớn

Con đang dần lớn quá rõ luôn ấy! Mình thấy chiếc bụng của mình to lên, và các cú đạp cú di mông của con ngày càng thấy sát thành bụng. Em bé 2,5kg của mình đang ở mức cân nặng y như sách nói. Sách vở cũng nói là ở giai đoạn này, mỗi tuần trung bình mẹ tăng 0,5kg, trong đó một nửa là vào con đó!

Ở tuần 35, các xương của con dần cứng cáp hơn. Nhưng vẫn còn khá mềm so với xương chúng ta. Xương mềm để tạo thuận lợi cho việc sinh nở, nhất là xương sọ với phần thóp mở. Các khớp ngón tay ngón chân cũng lồi dần lên. Cổ và cánh tay đã đầy đặn hơn nhờ lớp mỡ vẫn đang không ngừng được bồi đắp, hình thành các nếp nhăn khi con gập tay gập cổ. Nom như một người nhớn mini rồi nhỉ (hihi).

Sách vở bảo là đến tuần này hệ thần kinh trung khu đã gần như hoàn chỉnh, vì thế con có thể phản ứng nhanh nhạy hơn, rất dễ tỉnh giấc khi đang ngủ. Nếu gọi tên con, trò chuyện với con, con sẽ nghe được rõ ràng và phản ứng – nếu thích. Em bé nhà mình mà được bố gọi tên, rồi đặt tay ấm lên bụng mẹ, là rất hay đạp hoặc huých mông phản ứng lại.

Vì con ý thức được hơn, nên dạo này mình cũng thường xuyên mô tả cho con về thời gian trong ngày. Buổi sáng ngủ dậy, trưa ăn trưa nghỉ trưa, giờ ăn tối, giờ đi ngủ, mình đều giới thiệu đàng hoàng để cô nàng biết gia đình đang sinh hoạt đến đâu trong ngày rồi. Theo thai giáo, đây là cách giúp con phân biệt được ngày – đêm tốt hơn khi ra đời.

Đến mấy ngày nay, mình đã thấy chú bụng đè nặng lên vùng xương chậu lắm rồi. Cứ ngồi ghế làm việc một lúc, đứng lên đi lại uống nước là lại thấy tức bụng, đau tê vùng háng. Chính ra mình lại không đau mỏi lưng quá nhiều, hoặc chưa (haha). Những lúc cảm thấy đau tê, mình lại ngồi bóng hoặc ôm bóng cao su để thả lỏng, giảm đau, rồi mới quay lại bàn ngồi.

Cùng với đó là hiện tượng tê bàn tay, mỏi đau các khớp ngón tay. Hiện tượng này thường xuất hiện về đêm khi ngủ – có lẽ do mình gập cổ tay ôm gối hoặc đè tì vào cánh tay. Hiện tượng này cũng xuất hiện khi mình dùng bàn phím làm việc khoảng 45 phút trở lên. Tay hơi phù nhẹ, tê buốt và châm chích. Hiện tượng này có thể là biểu hiện của tiền sản giật – bệnh lý ngộ độc thai nghén khá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu ở mức phù nhẹ thôi thì không đáng ngại.

Bác sĩ sản dặn mình đừng lo, cứ xoa bóp tay, đeo thêm băng thể thao co giãn hỗ trợ lưu thông máu ở cổ tay. Mình cũng tự xoa bóp bàn tay khi thức dậy, cố duỗi thẳng khi ngủ, ngâm tay với nước ấm và cứ khoảng 30 phút lại dừng làm việc, rời khỏi laptop làm việc gì đó khác một lúc rồi mới quay lại để tránh tê tay. Tình trạng cũng đã khá hơn nhiều rồi.

Mình thì vẫn hay ợ chua, nhất là nếu uống sữa, dù là sữa bò hay sữa hạt. Do đó mình cũng cố gắng điều chỉnh thực phẩm và duy trì uống probiotics, đợi ngày hiện tượng này chấm dứt (haha). Chỉ còn cỡ 2-3 tuần nữa là mình sinh rồi. Chắc sẽ sớm thôI! Vừa háo hức vừa lo lắng, bạn có đang thế không? (hihi)

Mẹ dần lớn

Tiếp nối chuỗi nội dung về Chăm sóc trẻ sơ sinh, Mẹ dần lớn tuần này xin chia sẻ với các bạn những điều mình học được để làm tiền đề cho việc chăm sóc các vấn đề cơ bản về sức khỏe của trẻ sơ sinh. Đây là các kiến thức mình tổng hợp được từ sách vở và các lớp tiền sản mà mình học được ở bệnh viện mà mình chuẩn bị đi sinh.

Nội dung hôm nay sẽ bao gồm 2 phần:

1. Các hành vi cơ bản của trẻ sơ sinh: Phản xạ chức năng, Các giác quan, Dấu hiệu ngủ-thức, dấu hiệu đói, tiếng khóc của con

2. An toàn cho con: An toàn ngủ, phòng tránh SIDS, An toàn hoạt động (carseat, chỗ chơi, nhà cửa), kiến thức và thực hành sơ cấp cứu

Số sau, mình sẽ đi vào các nội dung về chăm sóc con, từ các vấn đề vệ sinh cho con, chăm sóc sức khoẻ tinh thần, đến một số điều cần biết khi cho ăn và chơi với con. Riêng vấn đề ngủ sẽ được làm hẳn một số khác, về cách mình lựa chọn theo phương pháp nào!

Nội dung chi tiết, đọc tại blog này.

Mẹ làm gì khi con dần lớn

Đến tuần này, mẹ bầu này dù có làm gì cũng thấy bồn chồn nhè nhẹ. Các mẹ khác có như vậy không?

Hôm nay mở lịch ra đếm, chỉ còn 10 ngày nữa nữa là bà nội sang đến nơi để giúp cả nhà rồi. Mà như bà dự tính thì chỉ 1 tuần đến 10 ngày sau khi bà sang là Mia sẽ đòi chui ra thôi. Thế thì là chỉ 2-3 tuần nữa là mình đẻ ư. Oh nooooooo.

Chắc vì thế mà mình thấy bồn chồn. Mà có khi cũng vì thế mà cảm giác “dọn ổ” nó hiện lên rõ ràng. Trong đầu mình cứ thôi thúc chuyện bắt đầu giặt quần áo, tã tủng, bắt đầu unbox từ đệm đến đồ dùng ra, mà giờ chưa có chỗ để nên lại tính phải lắp tủ, lắp giá kéo. Rồi tính còn phải mua đồ gì, mua ở trang nào thì được sale giá tốt nhất. Cứ thế miên man.

Dạo này đêm là mình khó ngủ, cứ nằm nghĩ, rồi tính tính toán toán. Dù biết chuyện đâu rồi sẽ có đó, nhưng như vậy mới thấy cái tâm lý loài làm mẹ nó là như vậy. Giống như con mèo, khi gần đẻ cũng sẽ đi tìm xem trong nhà chỗ nào tốt nhất, ấm nhất, an toàn nhất để đẻ con. Hay thật!

Cái chứng khó vào giấc ngủ ban đêm trở lại làm mình khá mệt, nhưng vẫn ngủ đủ được ngày 8 tiếng nhờ giấc trưa 45ph 1 tiếng. Mình biết như vậy là sung sướng hơn nhiều mẹ rồi. Nhưng vì đêm ngủ muộn, nên người dễ mệt vào ban ngày. Mình vẫn đang cố để rút giấc trưa ngắn lại, thậm chí không ngủ, để đêm vào giấc nhanh hơn.

Các mẹ ngủ có ổn không? Tâm trạng của bạn thế nào rồi? Hãy cùng giữ sức khoẻ nhé!


Ở nhà bây giờ Hà Nội đã vào mùa thu. Ở chỗ mình, trời vẫn nắng to giòn. Có những hôm mình chẳng muốn ăn gì, chỉ thèm một miếng hồng đỏ chín mọng chấm cốm dẻo. Có hôm lại thèm tô bún chả. Ở đây thì chẳng có những thứ đó rồi. Không biết bạn đang bầu bì ở mùa nào trong năm? Mùa này có món gì ngon, hãy tận hưởng nhé! Để cả bạn và em bé đều được ăn đặc sản của mùa!

Chúc bạn và em bé thật khoẻ, và cảm ơn bạn đã nghe hết podcast hôm nay. Hẹn gặp bạn vào thứ 7 tuần sau!

OanhDuongSam

Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast!

****

Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.