Xin chào xin chào! Vậy là chúng ta đã đến tuần thai 29, tuần thai có số đầu 2 cuối cùng. Nghe như kiểu bước từ năm 1999 sang năm 2000 vậy đó (haha). Sang đến các tuần thai đầu 3, có vẻ mọi sự đã sát nút lắm rồi!!
Ba tháng cuối là thời điểm phát triển bứt tốc về cân nặng và đại não của em bé. Con sẽ xịn sò hơn, ngày càng giống một em bé sơ sinh. Cùng bắt đầu cập nhật trong phần Con dần lớn từ số này nhé!
Trong phần Mẹ dần lớn, mình sẽ tiếp nối số podcast trước với series Chuyển dạ và sinh nở. Hôm nay, chúng ta cùng học chi tiết về Giai đoạn thứ 2 và thứ 3 trong Hành trình chuyển dạ và sinh con. Bao gồm Giai đoạn từ lúc Cổ tử cung mở đủ 10cm đến khi sinh, và Giai đoạn từ khi sinh xong đến khi bánh nhau bong ra. Mình vô cùng háo hức chia sẻ về nội dung này. Nhờ học về nó mà mình càng nể phục sự kỳ diệu của tạo hoá khi đã tối ưu việc sinh nở tự nhiên ở loài người và tin tưởng rằng chúng ta – những người mẹ được sinh ra và tạo nên để sinh con Cùng đợi ở phần Mẹ dần lớn nhé!
Cuối cùng, mình sẽ chia sẻ về cách mình đang lập danh sách và mua đồ cho em bé của mình trong phần Mẹ làm gì khi con dần lớn.
Chúng ta bắt đầu podcast của ngày hôm nay thôi!
1. Mẹ dần lớn
Cùng xem Con dần lớn thế nào rồi nào!
Đến bây giờ, em bé bắt đầu tăng trưởng mạnh về cân nặng thay vì chiều dài. Phần cân nặng tăng nhanh chính là để phát triển các lớp mỡ dưới da. Con sẽ trở nên đầy đặn hơn, da dẻ hồng hào, bớt nhăn nheo. Lớp mỡ này sẽ giúp con giữ ấm thân nhiệt khi ra đời.
Trong tháng thứ 8 này, em bé của chúng ta cũng sẽ tiếp tục phát triển đại não. Số lượng dây thần kinh tăng mạnh cũng sẽ khiến phần đầu con hơi to hơn so với các bộ phận khác (haha). Mà rồi sẽ cân đối cả thôi!
Tuần trước được đi siêu âm, bác sĩ đã bảo em bé của mình chúc đầu xuống dưới rồi. Dù nhiều khi mình vẫn thấy đầu con gồ cứng lên ở bên phải rốn, chắc con vẫn xoay cuộn trong bụng đảo tư thế. Sách vở bảo đến tuần 29 thì đa phần các em bé sẽ có xu hướng xoay đầu xuống dưới.
Nhưng nếu em bé nào vẫn rong chơi chưa xoay thì cũng không sao. Vẫn còn thời gian và không gian để em bé từ từ làm. Đến tuần 34 đổ đi, nếu em bé chưa xoay, các mẹ có thể tập thêm các động tác sấp người nâng cao mông để hỗ trợ em bé.
Từ tháng này, ngoài việc các mẹ điều chỉnh chế độ ăn để tránh tiểu đường thai kỳ, các mẹ bầu cũng nên chú ý việc giảm mặn để giảm phù nề tích nước và các biến chứng khác. Việc giảm phù nề sẽ giúp mẹ cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng hơn, nhất là khi cân nặng đã cán mốc tăng cỡ 10-15kg rồi.
Có những mẹo để giảm mặn nhưng vẫn giữ cảm giác ngon miệng. Ví dụ như là rau xào chín mới cho muối vào trộn, với lượng muối ít hơn, vị vẫn sẽ mặn như thường. Uống canh thịt trước khi ăn cơm để kích thích cảm giác ăn uống. Hương vị umami trong nước thịt hoặc nước hầm xương tạo vị mặn tự nhiên. Cho thêm các loại rau sống có mùi thơm như rau hẹ, rau mùi, mùi tàu… vào đồ ăn cũng giúp ngon miệng. Chế biến món ăn màu sắc và hương vị thơm ngon để tránh nhạt miệng. Bạn hãy hạn chế ăn đồ mua từ hàng quán, đồ chế biến sẵn do lượng muối cao.
Từ tháng này, em bé sẽ tăng cân nặng bứt tốc nên mẹ cũng sẽ dễ thèm ăn và tăng cân nhanh. Để cân nặng tăng không quá ngưỡng an toàn, bạn chú ý nạp đủ chất dinh dưỡng nhưng chú ý điều tiết lượng chất béo không tốt và giảm lượng carbohydrate nạp vào cơ thể nhé.
Mình từ tuần 28 đã thấy lặc lè rồi đây. Đêm ngủ trở mình cũng khó. Ban ngày đi lại cũng ra dáng bà bầu đi hai hàng bụng phưỡn ra không cách nào thẳng người lại được nữa (haha). Mình cũng không chơi tennis nhiều được như trước đây. Phần hông nhanh đau hơn nên cũng tăng cường thêm yoga cho phần hông phần lưng dưới và cơ sàn chậu.
Thời khắc này rồi cũng tới, những chiếc váy dáng rộng trước đây của mình, giờ cũng bắt đầu chật bụng hoặc chật ngực rồi. Đã đến lúc sống chung với legging, quần đùi và áo phông của chồng rồi (haha).
2. Mẹ dần lớn
Phần Mẹ dần lớn hôm nay tiếp tục Series về Chuyển dạ và sinh nở. Tiếp nối tuần trước, trong số podcast tuần này mình sẽ tiếp tục chia sẻ về Ba giai đoạn của hành trình chuyển dạ và sinh con.
Ba giai đoạn này bao gồm:
– Giai đoạn 1: Cổ tử cung xóa mở, bắt đầu từ khi có cơn gò cho đến khi mở hoàn toàn 10cm
– Giai đoạn 2: Cổ tử cung xóa mở hoàn toàn đến khi em bé ra đời
– Giai đoạn 3: Từ khi em bé ra đời đến khi bánh nhau xổ ra
Tuần trước mình đã nói về giai đoạn 1 rồi, bạn tìm nghe trong số podcast về tuần thai 28 nhé! Tuần này, chúng ta cùng đến với giai đoạn 2 và giai đoạn 3 nào! Chi tiết về cả ba giai đoạn, mình chia sẻ trong blog này.
3. Mẹ làm gì khi con dần lớn
Trong phần Mẹ làm gì khi con dần lớn, mình sẽ chia sẻ nhanh về cách thức mình đang mua sắm đồ cho em bé và đồ để đi sinh.
Quả thực việc lên danh sách đồ cần mua không khó, vì bạn có thể tham khảo ở bất kỳ đâu trên mạng, hoặc tại các cửa hàng bán đồ cho mẹ và bé. Nhưng để vừa tiết kiệm, lại phù hợp nhất với nhu cầu và mục đích sử dụng của bản thân bạn và gia đình, lại phải nghĩ khá nhiều. Do đó trong phần chia sẻ này, mình sẽ chỉ chia sẻ tổng quát cách mà mình đang làm để bạn tham khảo thôi nhé!
Đầu tiên, mình lập danh sách các món đồ chia thành 7 nhóm: Ăn – Mặc – Ị – Tắm – Ngủ – Chơi – Của mẹ. Đây là những mảng hoạt động cơ bản của con, ắt sẽ cần những món đồ dùng. Với từng nhóm, mình lại chia nhỏ thêm ra theo từng mục đích sử dụng cho con trong 6 tháng đầu.
1. Ăn:
Bao gồm dụng cụ hỗ trợ mẹ nuôi con bằng việc cho bú trực tiếp như khăn sữa, miếng lót thấm sữa, túi chườm nóng lạnh, gối cho bú… và dụng cụ hỗ trợ mẹ kích sữa và nuôi con sữa mẹ khi cần thiết và quay lại đi làm như máy hút sữa, dụng cụ vắt sữa bằng tay, túi trữ sữa đông lạnh, bình sữa…
2. Mặc:
Bao gồm đồ mặc nhóm 0-3 tháng và 3-6 tháng, ứng với thời tiết 6 tháng đầu sau khi con sinh ra. Mình mua chủ yếu là đồ mặc ở nhà, ưu tiên organic cotton, cotton và sợi tre. Ngoài ra còn có vài chiếc áo khoác, và vài bộ đồ mặc nhân dịp đặc biệt như đầy tháng, giáng sinh, năm mới.
3. Ị:
Liên quan nhất chắc chắn là bỉm rồi. Có muôn vàn loại bỉm để lựa chọn sao cho hợp túi tiền và nhu cầu của gia đình. Vì ở Mỹ – thiên đường của bỉm vải, nên mình lựa chọn dùng bỉm bằng vải. Đến giờ mình cũng vẫn chưa chốt được hãng nào đây (haha). Có quá nhiều lựa chọn về chất liệu và kiểu dáng. Tuy nhiên, mục tiêu an toàn vùng kín và thấm hút tốt nhất vẫn là ưu tiên hàng đầu. Mình cứ theo thế mà lựa chọn, dù là bỉm vải hay bỉm dùng một lần bỏ đi backup khi cần.
4. Tắm:
Chắc chắn là các loại chậu, khăn tắm, khăn xô lau mặt và các loại dầu massage, kem hăm, kem dưỡng da, sữa tắm cần thiết cho con. Mình lựa chọn không dùng mỹ phẩm hóa học nên nghiêng về các sản phẩm có thành phần 100% tự nhiên hoặc các loại sản phẩm thậm chí ăn được như dầu dừa, dầu vừng, xà phòng tự nhiên…
5. Ngủ:
Phần này đơn giản sẽ gồm phần để nằm là giường hoặc cũi, và phần để hỗ trợ giấc ngủ như là cuốn chũn, ti giả, đèn ngủ, máy tạo tiếng ồn trắng (nếu bạn theo phương pháp EASY)…
6. Chơi:
Phần này gồm đồ để đưa con ra ngoài chơi là ghế ngồi trong ô tô và xe đẩy, và đồ để con chơi trong nhà gồm các loại đồ chơi, sách vở, thảm chơi, đồ gặm nướu…
7. Đồ của mẹ:
Các sản phẩm giúp mẹ chăm sóc sức khỏe sau sinh và trong hành trình nuôi con như đồ ngủ, áo cho con bú, túi chườm đau, băng vệ sinh sau sinh, trà và bột ngũ cốc giúp hỗ trợ ăn uống đủ nước đủ chất…
Mình sẽ viết bài chi tiết về việc mua mình mua đồ gì cho con sớm thôi. Còn đây là file danh sách các món đồ cần mua tiện lợi để các mẹ tham khảo và sử dụng nhé!
OanhDuongSam
****
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!