OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

Dần lớn Podcast: Dần học cách thở trong chuyển dạ và sinh con – Mang thai 31w

Xin chào các bạn! Sau tuần mưa bão trước, có vẻ chỗ mình đã vào thu. Không còn những trận nắng vỡ đầu nữa, thời tiết mát mẻ hơn cũng khiến bà bầu bụng to thấy thư thái hơn. Hãy cùng xem em bé đang phát triển thế nào, và mẹ bầu ở tuần 31 có những thay đổi gì cùng san sẻ được trong phần Con dần lớn nhé.

Trong phần Mẹ dần lớn hôm nay, mình sẽ chia sẻ về những cách thở trong chuyển dạ và sinh nở mà mình đã học được. Được học và trò chuyện với nhiều mẹ từng sinh con mình mới thấy việc thở đúng rất quan trọng trong sinh nở. Mong là sẽ giúp ích được các bạn!

Cuối cùng, trong phần Mẹ làm gì khi con dần lớn, mình sẽ chia sẻ về cách mình đang tập luyện với bóng sinh – bóng cao su tập gym và cách mình tập thở nhé. Mình thấy đây là hai nhóm bài tập mà cực kỳ quan trọng trong quá trình chuyển dạ và sinh con.

Cùng vào podcast hôm nay thôi!


Con dần lớn

Nào, cùng xem Con đang dần lớn thế nào nhé!

Tuần 31 này, phải nói đến sự nỗ lực mỗi ngày để phát triển phổi – cơ quan mà mình thấy là quan trọng nhất với sự sinh tồn của con. Đến nay, phổi vẫn đang hình thành chất hoạt tính bên ngoài phổi. Các nang phổi cũng đang tiếp tục hoàn thiện. Chất hoạt tính và các nang phổi sẽ giúp phổi nở to, tạo nên các ô chứa khí không dính vào nhau khi hít vào thở ra.

Phổi chưa hẳn hoàn thiện, nhưng em bé đang bắt đầu tập thở bằng cách di chuyển cơ hoành theo nhịp điệu. Chuyển động cơ hoành có thể làm em bé nấc cụt mà mẹ sẽ cảm nhận được như những cơn co thắt nhè nhẹ. Nhiều khi mình không phân biệt được giữa việc con nấc hay là nhịp tim con đập nữa, cứ đều đều như nhau cả.

Theo sinh học, phải đến tuần 37 – dấu mốc phát triển hoàn thiện nhất của con, thì phổi mới thực sự hoàn thiện. Dó đó, sinh trước tuần 37 đều được tính là sinh non. Càng gần tuần 37, cơ hội sống của con càng cao hơn.

Cơ chế trưởng thành phối thú vị cực. Gần ngày sinh, phổi sẽ tiết ra hormone để các nang phổi mở ra, sẵn sàng cho con thở khi ra đời. Đây là tín hiệu báo cho cơ thể mẹ là con đã sẵn sàng ra đời rồi. Nếu em bé thấy môi trường trong bụng mẹ không còn an toàn cho mình nữa, em bé sẽ lựa chọn ra đời sớm. Sau đó, em bé sẽ tiếp tục phát triển phổi một cách tự nhiên để thích nghi với môi trường bên ngoài.

Bởi vậy nên có nhiều khuyến cáo y tế rằng không nên tiêm trưởng thành phổi cho con khi mẹ được dự đoán khả năng sinh non cao. Bởi lẽ, ép phổi trưởng thành sớm sẽ là tín hiệu báo với cơ thể mẹ, từ đó càng làm gia tăng nguy cơ sinh non. Khi nang phổi phát triển sớm, nước ối có thể đi vào các nang phổi, đọng lại ở đó với nhiều chất thải. Em bé sẽ có nguy cơ các bệnh hô hấp cao.

Chưa kể là khi phổi trưởng thành sớm, sẽ kích thích các bộ phận khác phải chạy đua để phát triển bằng tốc độ tương đương, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển thực tế tự nhiên.

Sách vở nói từ tuần này, nước ối trong tử cung giảm dần, không gian cũng trở nên hẹp hơn. Điều kiện không còn thuận lợi nên em bé cũng sẽ đạp ít hơn, động tác nhẹ hơn. Em bé nhà mình đến giờ thì quả là không đạp hay quẫy mạnh nữa, nhưng lại di chuyển và đổi tư thế nằm làm mẹ gồ cứng bụng luôn.

Nếu theo hình chụp trong sách vở, thì hai bộ phận làm mẹ tức cái bụng nhất chính là mông và cẳng chân. Quả mông cứ phải đẩy bụng méo xẹo, gồ cao lên mới chịu. Mà nếu mình nằm nghiêng phải, làm dốc đầu con xuống, là con cũng quơ tay quơ chân buồn hết cả trong bụng mình để bảo mẹ ơi nằm nghiêng sang trái dùm con với (haha).

Mình thì đến nay đã bắt đầu thấy những cơn mệt người. Ngồi lâu sẽ ê mông mỏi lưng, nên mình phải đổi tư thế hoặc nằm nghỉ giữa hiệp làm việc tương đối nhiều.

Biết lợi ích của nước nên mình chỉ cố uống thật thật thật nhiều nước, ăn thật nhiều loại quả có nước. Khi nạp đủ nước, mình thấy đỡ chuột rút hơn, đỡ táo bón hơn, đỡ mệt người hơn. Xin hứa cố gắng tiếp tục uống nhiều nước ạ!

Mẹ dần lớn

Trong phần Mẹ dần lớn hôm nay, mình sẽ chia sẻ về những cách thở trong chuyển dạ và sinh nở mà mình đã học được từ lớp tiền sản của bệnh viện nơi mình sinh, của Flowers Team ở Việt Nam, rồi tổng hợp thêm từ sách vở nữa.

Dù bạn sinh ở viện công hay viện tư, dù bạn được hỗ trợ ít hay nhiều, thì mình tin rằng thở đúng cách là một trong những biện pháp mà mẹ bầu nên học và tập dần để tự hỗ trợ bản thân mình có một cuộc sinh dễ dàng hơn. Bởi vậy mình lại đưa nội dung này vào đây. Mong là sẽ giúp được chúng ta trong hành trình sinh nở sắp tới nhé!

Bài viết chi tiết về 5 cách thở mình đang luyện tập và gợi ý cho các bạn – link.

Mẹ làm gì khi con dần lớn

Cộng hưởng thêm với phần về phương pháp thở ở trên, mình xin chia sẻ cách mình đang tập 2 nhóm bài mà mình thấy rất cần kíp khi chuyển dạ và sinh nở trong phần Mẹ làm gì khi con dần lớn hôm nay. Đó là nhóm bài tập với bóng cao su và nhóm bài tập thở.

1. Nhóm bài tập với bóng cao su

Mẹ bầu nào đi bộ được nhiều đã rất tốt rồi. Mẹ bầu nào tập được yoga bầu thì lại càng tốt hơn nữa. Vì khi tập yoga, bạn tập được cả kỹ thuật thở chậm mà mình chia sẻ ở trên, và cả những động tác giúp thư giãn cơ thể, giảm đau lưng cổ vai gáy và giúp mở rộng cơ sàn chậu, khớp háng.

Thế nhưng có một nhóm bài tập nữa mà mãi rồi mình mới biết, đó là tập với bóng cao su, còn gọi là birth ball hoặc gym ball. Quả bóng này thường có 2 size là 65cm dành cho người cao từ 1m76 trở xuống, và loại 75cm cho người cao trên 1m76. Ban đầu mình không tính mua vì tiếc tiền. Nhưng đến khi các bài yoga cũng bắt đầu khó khăn với chiếc bụng to, mình mới quyết định mua bóng. Tập với bóng rồi, mình thấy phải chia sẻ với các bạn ngay rằng đây là một khoản đầu tư đúng đắn. Mình ngồi vào bóng bất kỳ lúc nào, và cái sự đau lưng dễ dàng tiêu tan.

Bạn có thể dễ dàng tìm được nhóm các bài tập với bóng cao su này. Cơ bản cũng sẽ giúp bạn tập luyện được phần cơ sàn chậu, giảm đau các bộ phận, thư giãn cơ thể như các bài tập yoga. Nhưng, hay hơn cái là bạn có thể tập cùng lúc với làm việc khác một cách dễ dàng mà không cần trải thảm luôn. Ví dụ như ngồi xem tivi, ngồi nhặt rau mình cũng tập được (haha).

Hay nữa là quả bóng này cũng sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều để giảm đau khi chuyển dạ với các tư thế phù hợp. Sau này sinh xong, các bài tập với bóng cũng giúp bạn hồi phục cơ sàn chậu, tập tành để rút bụng và hỗ trợ tử cung về vị trí. Bạn và em bé cũng sử dụng được quả bóng này để cùng chơi, cùng tummy time nữa. Chồng mình cũng dùng bóng để tập các bài dãn cơ cần thiết sau các buổi tập tennis luôn!

Nếu bạn chưa mua bóng, hãy mua nếu đủ điều kiện nhé! Chắc chắn không hối hận!

2. Nhóm bài tập thở

Với các phương pháp thở ở trên, lúc tập thích hợp nhất chính là lúc đi nặng! Hơi kỳ nhỉ hihi, nhưng có thể ví em bé là một cục phân lớn mà bạn cần đẩy ra ngoài. Và cách đẩy em bé hay cục phân thì nên tương tự nhau – không dùng đến cách rặn cơ hậu môn mà trước giờ có thể ta vẫn dùng ấy. Nếu tập thở đúng cách, và áp dụng đúng lúc, bạn sẽ không lo bị lòi trì do táo bón hay do rặn đẻ đâu.

Vậy là mình tập khi đi nặng. Mình sẽ thở chậm để thả lỏng cơ thể, không gồng cứng, tạo điều kiện để trực tràng dễ dàng đẩy cục phân xuống dưới. Nếu hôm nào táo bón, cơn đau vặn vẹo, mình sẽ dùng đến phương pháp thở nhanh đều để phân tâm khỏi cơn đau tức. Đến khi có cảm giác cục phân sắp lòi ra, mình thở bằng phương pháp thổi nến, hoặc thở moo, để giúp trực tràng đẩy cục phân ra ngoài.

Việc tập thở này làm các cuộc đi nặng của mình trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, ngay cả trong đợt đau đớn vì lòi trĩ do táo bón và rặn không đúng cách trước đây. Mình thấy cực kỳ hiệu quả và từ đó cũng tưởng tượng được mình cần làm gì khi chuyển dạ và sinh con. Mình tập được cách thở đúng, cách siết cơ bụng giúp đẩy một thứ gì ở dưới ra!

Bạn hãy thử tập xem nhé!

Có lẽ đây lại trở thành một số podcast mình rất tâm đắc. Vì cảm giác chia sẻ xong về cách thở với các bạn, mà mình cũng tự tin lên bao phần vì nắm được chắc hơn những gì cần thiết. Việc tập thở và các bài tập với bóng cao su sớm sẽ giúp chúng ta chuyển dạ và sinh nở dễ dàng hơn. Điều đó chắc chắn chúng ta đều mong đợi. Hãy cùng tập càng sớm càng tốt và sẵn sàng cho ngày đẹp trời ấy!

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe và hẹn gặp các bạn ở các số podcast khác. Số mới sẽ lại lên sóng vào thứ 7 hàng tuần nhé. Bye bye!

Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast nhé!

OanhDuongSam

Nguồn học:

****

Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.