OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

Podcast Dần lớn: Dần học cách bảo quản và sử dụng sữa mẹ rã đông – Mang thai tuần 25

Chào các bạn! Lại một tuần nữa trôi qua, chúng ta đã đến với tuần thai thứ 25. Số podcast hôm nay sẽ chia sẻ nhiều hơn về những thay đổi của mẹ bầu tháng thứ 7 trong phần Con dần lớn.

Tiếp nối là phần Mẹ dần lớn với nội dung về cách bảo quản và dùng sữa rã đông đảm bảo chất lượng sữaa cho con. Đây sẽ là nội dung cuối cùng trong series Nuôi con sữa mẹ.

Kết thúc bằng phần Mẹ làm gì khi con dần lớn, mình sẽ chia sẻ cách mình cố gắng ăn uống tốt hơn cho sức khỏe khi cơn thèm carb – thèm chất đường bột lên cao, đáp ứng tốc độ phát triển não bộ và cơ thể của con từ giai đoạn này.

Chúng ta bắt đầu thôi!


Con dần lớn

Mở đầu podcast với phần Con dần lớn, cùng xem em bé lớn sao rồi nào!

Tuần này, đại não của con tiếp tục phát triển đến mốc đỉnh cao. Ý thức của con ngày càng rõ ràng và dễ mẫn cảm với kích thích bên ngoài. Bất cứ hành động nào cũng mẹ cũng khiến bé phản ứng. Mình nghĩ nếu vậy lúc này là rất phù hợp để thai giáo nhỉ. Vì đại não điều khiển về cảm xúc, ý thức, vận động, nên con vì thế cũng vận động mạnh mẽ hơn hẳn. Tuần này em bé của mình vận động nhiều lắm luôn, không có những ngày nghỉ như tuần trước sau hôm mình đi khám răng về. Mình vẫn cứ nói chuyện với con mỗi lúc con đạp và đọc sách ehon ngay khi có thể. Nếu bạn đã có con, bạn có thể kết hợp đọc sách cho cả mấy đứa luôn, tiện nhiều đường!

Có một điểm hay mà sách vở nhắc đến là ở tuần này, bàn tay con đã phát triển đầy đủ, móng tay hoàn thiện. Các khớp ngón tay phát triển đầy đủ nên con cũng đã biết nắm chặt tay lại thành nắm đấm rồi. Trước giờ hóa ra vẫn chỉ xòe bàn tay đếm ngón tay, mút ngón tay hay nắm dây rốn hờ hờ thôi (haha).

Tuần này cơ thể các mẹ đã nặng nề hơn chưa? Mình thì vẫn thể thao được linh hoạt, vẫn chạy nhanh nhẹn là đằng khác, chỉ khó ngồi xuống thôi (haha). Sách vở thì nói từ giai đoạn này các mẹ bầu sẽ gặp hiện tượng chuột rút nhiều hơn, động tác di chuyển cũng chậm chạp hơn.

Quả đúng như vậy, tuần này mình đã hứng một trận chuột rút trong đêm lúc ngủ đau không thể tả. Trước khi bầu những ngày mệt mỏi mình cũng dễ bị chuột rút. Gần đây mình thi thoảng chuột rút một bắp chân. Vì quen từ trước rồi nên mình cứ từ tốn thả lỏng đợi cơn đau qua đi rồi ngủ tiếp thôi. Thế nhưng lần này thì nhớ đời vì cùng lúc chuột rút cả hai bắp chân. Mà nó rút mãi không tha. Nằm đau phải tóm gối tóm chồng trong đêm rên rỉ gồng mình. Càng cố thả lỏng nó càng đau càng gồng càng không được cái ích gì. Mình vừa đau vừa tức chứ! Cuối cùng vẫn phải hạ quyết tâm thả lỏng để chuột nó tha cho.

Quả chuột rút hai chân đó làm mình tức dã man! Kể từ hôm đấy mình cũng cố gắng uống nước (huhu lại vẫn cứ là uống nước), tập các bài giãn cơ bắp chân đơn giản trước khi đi ngủ, không ngồi lâu một tư thế hay đứng lâu. Tạm thời chưa gặp chuột rút lại, mà mong là không gặp lại nữa luôn đi (haha).

Mà đến tuần này, đường sọc nâu ở bụng mình đã hiện lên rõ rệt rồi. Mấy tuần trước chỉ có từ rốn xuống đưới, giờ đã dọc lên tận chân ngực. Trước đây mình còn tưởng là đường lông. Thực chất dây là đường đã có sẵn trên bụng chúng ta từ trước rồi,. Đến khi mang bầu, nó chuyển sang màu nâu sậm hơndo hormone estrogen làm tăng melanin – sắc tố đen trên da. Cái này tương tự với việc quầng vú cũng chuyển màu nâu đậm hơn, hay da có thêm vết nám vết tàn nhang. Mấy thứ này thì đều sẽ mờ dần đi sau sinh thôi. Lý thú nhỉ!

Phần Con dần lớn và mẹ dần khác hôm nay đến đây là hết nha!

Mẹ dần lớn

Tuần này, Mẹ dần lớn sẽ chia sẻ nội dung kiến thức cuối cùng của series nuôi con sữa mẹ. Đó là về cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt ra và cách sử dụng sữa mẹ rã đông sao cho đúng.

Trên thực tế, dù cho việc nuôi con sữa mẹ bằng cách cho ti mẹ trực tiếp có thuận lợi vô cùng, thì cũng đến lúc mẹ sẽ quay trở lại đi làm. Và nội dung này là để chuẩn bị cho chúng ta cách giúp con được uống sữa mẹ chất lượng nhất dù không còn ti mẹ trực tiếp được nhiều nữa.

Trước hết mình vẫn phải khẳng định rằng, việc cho con ti mẹ trực tiếp sẽ là điều tốt nhất cho con và cả mẹ mà chúng ta sẽ cố gắng hướng đến. Ti bình dù gì cũng có những tác hại xấu đến con, ví dụ như ảnh hưởng đến răng hàm mặt và nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn. Ti bình cũng có thể là nguyên do lớn khiến con rời xa ti mẹ, lượng sữa mẹ cũng giảm đi.

Tuy nhiên, có quá nhiều tình huống có thể xảy ra, và mẹ cũng cần đi làm trở lại. Do đó, chúng ta hãy cứ chuẩn bị kiến thức để dù là plan B hay C, D, M, con vẫn được uống sữa mẹ dài lâu nhất, trong điều kiện tốt nhất có thể nhé!

Bạn hãy nghe podcast hoặc đọc bài chi tiết tại đây về nội dung này!

Mẹ làm gì khi con dần lớn

Ở phần Mẹ làm gì khi con dần lớn tuần này, mình sẽ chia sẻ một chút về việc ăn uống dành cho bà bầu thèm carbohydrate.

Carbohydrate là chất bột đường – một trong 4 chất quan trọng nhằm duy trì sự phát triển của cơ thể con người, cùng với đó có protein, lipid – chất béo và vitamin khoáng chất. Bạn tìm được carbohydrate ở các loại thực phẩm chứa tinh bột và đường. Nếu tìm hiểu sâu hơn, bạn sẽ biết đường đơn ở hoa quả là loại tự nhiên dễ dàng hấp thụ nhất đối với cơ thể, cung cấp lượng carb cao mà lại bao gồm cả chất xơ, nước và vitamin.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nạp chất bột đường thông qua tinh bột từ ngũ cốc, khoai mì. Gồm loại tinh luyện và chưa tinh luyện. Tinh bột tinh luyện là gạo trắng, bột mỳ trắng – cung cấp năng lượng nhất thời, tốn nhiều năng lượng để tiêu hóa nhanh nhưng không giúp ta no lâu. Tinh bột chưa qua tinh luyện như từ gạo lứt, hạt đậu gà, hạt kê… – cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất có lợi. Chúng được phân giải chậm, giải phóng năng lượng trong một thời gian dài.

Cho dù vẫn tích cực ăn hoa quả – do mình vốn thích hoa quả, mình vẫn không thấy thỏa mãn cơn thèm carb. Nên bên cạnh việc vẫn ăn nhiều hoa quả nhất có thể, mình cũng làm bánh này nọ và ăn các sản phẩm cung cấp chất đường tốt cho cơ thể. Thay vì ăn bột mỳ trắng, các loại bánh làm từ bột mỳ trắng, mình chọn các loại làm từ những loại ngũ cốc có tinh bột tốt cho cơ thể như là bột mỳ nguyên cám. Thay vì dùng đường cát trắng, mình dùng đường dừa, siro lá phong và mật ong để tạo ngọt với lượng ít hơn.

Mình cũng chọn ăn vặt những thứ nhiều carb, cung cấp năng lượng nhưng lại không ăn được lượng nhiều như socola có lượng cacao từ 60% trở lên, các loại hạt rang như hạnh nhân, hạt điều, lạc; hoặc mấy thứ ăn vặt chả có chất mấy nhưng cũng không quá nhiều đường như bánh gạo giòn.

Mong rằng chia sẻ của mình sẽ giúp các mẹ bầu thèm carbohydrate – chất đường bột trong giai đoạn em bé phát triển bứt tốc, nhất là ở não bộ vào tháng thứ 7 như mình hiện nay.

Outtro

Cảm ơn các bạn đã lắng nghe đến đây của số podcast về tuần thai thứ 25 này. Đóng lại chuỗi nội dung về Nuôi con sữa mẹ, còn rất nhiều nội dung khác nữa mình muốn chia sẻ với các bạn. Về những cơn gò, về việc chuyển dạ, việc sinh nở, rồi đến việc chăm sóc em bé sơ sinh. Quá nhiều thứ mình thấy cần học, muốn học và đang dần học. Đồng hành để tiếp tục học làm mẹ với mình nhé!

Hẹn gặp lại các bạn ở số podcast tuần sau. Chúc các bạn một tuần mới thật vui vẻ!

Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast nhé!

OanhDuongSam

—-

Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.