Xin chào các bạn đang nghe số podcast về tuần thai thứ 20 này của mình! Vậy là nửa chặng đường mang thai đã đi qua rồi. Có lúc mình thấy rất chậm, nhưng có lúc lại thấy rất nhanh. Các mẹ thì khuyên hãy tận hưởng đi, trước khi em bé ra đời khuấy đảo cuộc sống. Nhưng mà khi mang bầu thì chắc mẹ nào cũng vậy, mong sớm được nhìn thấy mặt em bé của mình, và được bàn tay bé xíu của con nắm ngón tay mình. Còn lại thì… (haha) gì mà chẳng có đắng cay đi với ngọt bùi! Tận hưởng tuyệt đối bất kể là lúc nào các bạn ạ!
Tuần này, gia đình chúng mình lại được đi khám thai và gặp nhau. Đây là mốc siêu âm quan trọng để kiểm tra độ phát triển hoàn thiện các bộ phận của em bé. Mình cũng đã biết giới tính của con! Cùng chia sẻ trong phần Con dần lớn nhé!
Trong phần Mẹ dần lớn, trước khi quay lại với chủ đề “nóng” mà mình vẫn đang học là về Nuôi con bằng sữa mẹ, mình xin dành số này để tổng hợp một số lưu ý về sức khỏe của mẹ bầu trong Tam cá nguyệt thứ hai mà mình đã trải nghiệm. Mong có thể giúp được các mẹ bầu khác gặp cùng vấn đề với mình.
Trong phần Mẹ làm gì khi con dần lớn, cũng liên quan đến sức khỏe của mẹ bầu, mình sẽ chia sẻ vài việc dạo này mình đang dần làm để chuẩn bị cho sự ra đời của em bé nhé!
Bắt đầu thôi!
Con dần lớn
Phần “Con dần lớn” của tuần này chắc chắn phải ghi lại lần khám thai ở mốc 20 tuần. Ở mốc này, mình đã được siêu âm hình thái thai nhi để phát hiện các dị tật bẩm sinh về vật lý. Ở chỗ mình khám, bác sĩ siêu âm cho mốc quan trọng này, cũng như cho double test vừa qua là người khác với bác sĩ khám, người mà sẽ đỡ đẻ cho mình.
Bác sĩ siêu âm kỹ lắm luôn, đo đạc đủ thứ, từ kiểm tra dây rốn này, đo đường kính hộp sọ này, đến chu vi vòng bụng, kích thước tim, thận, bàng quang… Bác sĩ còn chỉ cho mình trên hình siêu âm mắt mũi miệng của con, chụp nguyên cho quả ảnh chân dung ngang với chán dô và mũi hếch đừng hỏi (haha). Rồi bác sĩ chỉ bàn tay bàn chân đủ ngón này. Xong bác sĩ soi xem em bé là con trai hay con gái.
Về cái chuyện soi con trai hay con gái và các cơ quan nội tạng, mình đến phục bác sĩ! Hai vợ chồng mình căng mắt nhìn mà chả biết cái gì vào cái gì. Nếu bác sĩ không nói, và có chữ hiện lên trên màn hình thì mình cũng chịu luôn. Và em bé của mình là một em bé gái các bạn ạ! Lúc này thì nước mắt mình tự động lăn thành hàng luôn!
Từ lúc bác sĩ chỉ cho mình bàn tay con và đếm ngón tay, mình đã xúc động rơm rớm nước mắt rồi. Tại vì với mình bàn tay là nơi kết nối ấy. Nhất là trong tình yêu, mình tôn thờ việc nắm tay và coi đây là hành động yêu thương cao nhất của tình yêu luôn. Đến lúc nhìn thấy bàn tay bé xíu của con, biết là bàn đấy sẽ nắm ngón tay, rồi nắm bàn tay mình, là mình đã xúc động lắm rồi. Đến khi bác sĩ nói về giới tính của em bé, thì nước mắt cứ dâng lên rồi tự lăn thành hàng luôn.
Mình khóc không phải vì em bé là bé gái, cùng giới tính với mình đâu. Quả thực, với mình, em bé là con trai hay con gái đều được, miễn là em khỏe mạnh. Mình nghĩ lúc đó mình khóc có lẽ chỉ đơn giản là mình xúc động thôi. Mình đã được biết thêm một điều quan trọng về con. Vậy là con đã phát triển thêm đến một dấu mốc nữa, và ngày càng thành hình hài của một em bé hoàn thiện, sắp tới sẽ ra đời bên mình.
Chồng mình lúc đó cũng cười toe toét, quay ra nhìn bắt gặp mình khóc nhè. Mình thì chỉ nhìn lên màn hình ngắm con thôi. Dù đến đoạn này bác sĩ đang chụp ảnh lại, gắn chữ It’s a girl và mũi tên chỉ vào vị trí chứng minh – mà mình vẫn chẳng luận được ra hình gì (haha). Đến khi mình mang ảnh siêu âm đi đố mạng xã hội trên facebook, mọi người cũng toàn đoán là con trai chứ! Nhưng sự thật đó là một bé gái nha mọi người!
Như đã nói từ tuần trước, khi đi siêu âm, mình thấy em bé đang phát triển đúng như sách nói. Về cân nặng, con có vẻ nhỉn hơn sách, nhưng bác sĩ nói vẫn nằm trong ngưỡng ổn định. Mình đã nhìn rõ dàn xương sườn bé xíu xếp đều tăm tắp của con. Phần hộp sọ với hai mắt đã sát nhau hơn, mũi hếch lên và môi cong cớn xinh xắn. Sách vở nói, hai lỗ mũi của con sẽ bé lại dần, và mũi sẽ bớt hếch đi (haha).
Theo như mình đọc được thì từ tuần này, các lớp biểu bì của con sẽ dần hình thành, được bảo vệ bên ngoài là lớp gây trắng có từ tuần trước. Dưới lớp biểu bì sẽ là lớp mỡ – giúp con hoàn thiện cơ thể và giữ ấm cho cơ thể của con. Chắc lớp mỡ này là nguyên nhân mà các cô cậu bé ở đoạn này sẽ tăng cân nhanh chóng. Giai đoạn này, các mẹ bầu vì thế cần nạp đủ chất béo tốt vào cơ thể, từ quả bơ, dầu olive, các hạt như óc chó. Mỗi tuần mẹ sẽ tăng khoảng 400-500g, gần nửa cân lận đấy. Và sẽ duy trì tốc độ tăng cân này đến tầm tuần 36 trở đi mới chậm lại cơ.
Mình đã tăng 4,5kg, và theo bảng đo thì đây là mức tăng nằm trong chuẩn. Cơ thể mình cơ bản không tăng nhiều ở nửa người trên, chủ yếu tập trung ở mông và phần bụng có em bé. Nhưng đến tuần này, mình bắt đầu thấy bụng nặng nề hơn rồi ấy, không biết các mẹ bầu khác ở tuần 20 có thấy vậy không.
À, từ tuần này, vị giác của con sẽ dần phát triển. Những gì bạn ăn, con dần sẽ nếm được vị qua nước ối. Vậy bạn hãy cố gắng ăn phong phú mùi vị đắng – cay – chua – ngọt – mặn và đa dạng thực phẩm để con trải nghiệm – sau đỡ khó ăn uống nhé!
Mẹ dần lớn
Trong phần Mẹ dần lớn hôm nay, mình sẽ chia sẻ một số vấn đề sức khỏe mẹ bầu mà dạo này mình gặp phải, đi cùng với cách giải quyết mà mình học được từ ý kiến của bác sĩ, sách vở và tham khảo các nguồn trên mạng nhé!
Các vấn đề bao gồm: Khó ngủ về đêm, Đầu ti nổi những cục bám màu trắng nhỏ, Da dẻ xuống sắc sau khi đi du lịch và Đau bụng thai kỳ.
1. Khó ngủ về đêm
Từ tam cá nguyệt thứ nhất, mình đã gặp phải vấn đề khó ngủ rồi. Nghe nhiều mẹ kể nghén ngủ mà thèm – đúng là đồi này luôn ngóng cỏ đồi khác xanh hơn (haha). Ngoài đợt đi du lịch vừa qua, vài ngày đầu thiếu ngủ rồi ngày vận động nhiều, tối về mình ngủ được thẳng giấc, ngon và sâu. Còn lại cả trước và giờ là sau đi du lịch, mình vẫn gặp vấn đề khó ngủ. Mình đi vệ sinh nhiều, trở mình nhiều, bụng lớn hơn cũng khiến cơ thể thấy mệt, có lúc lại do bụng đầy. Ở số podcast về tuần thai thứ 15, mình đã chia sẻ đến 6 thứ mình làm mong ngủ ngon. Dù vậy, khó ngủ vẫn hoàn khó ngủ.
Đến lúc này, phải thực sự thiết quân luật với bản thân mới hòng ngủ ngon các bạn ạ. Mình đi ngủ từ khoảng 11 giờ tối, thức dậy vào khoảng 7 giờ sáng hôm sau. Trưa mình chỉ nằm nhắm mắt nghỉ chứ không để mình chìm vào giấc ngủ, cỡ 15-20 phút thôi. Hôm nào trật ra, lỡ ngủ sâu một cái là y như rằng tối đến khó ngủ. Mình cũng đã bổ sung một cốc saffron mật ong ấm vào buổi sáng vì nghe nói saffron giúp ngủ tốt. Và một cốc sữa hạt nhỏ ấm trước khi đi ngủ để dễ ngủ hơn. Nếu bạn uống được sữa bò, hãy uống sữa bò nhé, vì sách vở nói trong sữa bò có chất giúp mình ngủ tốt, lại có canxi nữa.
Ngoài ra, khoa học nói tư thế ngủ tốt nhất cho lưu thông máu và thoải mái phần bụng là nằm nghiêng sang trái. Với mình, điều này đúng. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể nằm nghiêng trái mãi được. Nên bạn có thể trở mình nằm nghiêng sang phải, thậm chí nằm sấp một lúc ngắn nếu bạn thấy thoải mái. Nếu có gối kẹp giữa hai chân là tốt nhất. Nhờ có gối ôm, mình ngủ tốt hơn hẳn. Tuy nhiên, không nên nằm ngửa nhé, nếu có, nên gác chân cao để tuần hoàn máu được tốt.
Đó là cách để ngủ êm với mình. Nếu bạn cũng là một mẹ bầu khó ngủ, mình hoàn toàn thấu hiểu nhé!
2. Đầu ti nổi những cục bám màu trắng nhỏ
Từ khoảng tuần thai thứ 16, đầu ti mình xuất hiện những cục li ti bằng đầu tăm thôi, bám xen kẽ giữa các phần thịt. Mình đã nghĩ là do khô da, do thời tiết ở chỗ mình khá khô. Vậy là cứ cách hai ngày, sau khi tắm, mình lại dùng tăm bông đẩy nhẹ các hạt bám đó ra cho sạch và bôi dầu dừa dưỡng ẩm.
Đến hôm vừa rồi đi khám thai, mình mang ra hỏi bác sĩ mới biết là đó không phải vấn đề gì cả. Những hạt li ti trắng đó là biểu hiện thông thường của cơ thể khi đang nỗ lực xây dựng hệ thống tia sữa trong ngực chúng ta, để sẵn sàng cho em bé bú. Bác sĩ nói mình không cần loại bỏ các hạt đó đi, nó không gây tắc sữa hay viêm nhiễm gì cả. Và mình cũng cứ bôi thêm dầu dừa hoặc dưỡng thể để dưỡng ẩm cho phần ngực, nhất là khi ngực đang lớn lên, da căng hơn, có thể mỏng đi, nhạy cảm ơn và dễ khô.
3. Da dẻ xuống sắc sau khi đu lịch
Cơ bản thì da dẻ của các bà bầu vốn đã biến đổi khôn lường do sự thay đổi của hormone trong cơ thể rồi. Như đã từng nói ở một số podcast trước, bạn sẽ trải nghiệm sự thay đổi có thể tốt lên và (đa phần) là tệ đi ít nhiều. Như mình, mình gặp hiện tượng nổi tàn nhang ở cánh tay, trước thì chỉ có ở mặt thôi. Da mình mỏng hơn, dù trước đã mỏng lắm rồi. Mặt dễ nổi mụn, và nổi ở những chỗ báo đúng vấn đề của cơ thể luôn.
Trong chuyến du lịch, mình mọc mụn ở mũi, cằm, sau chuyến du lịch thì là ở thái dương – biểu hiện vấn đề của tuyến mật, có thể do ăn nhiều chất béo. Sau chuyến đi, da mình cũng bắt nắng và tối sạm đi ở phần trán, cẳng chân, cổ và cánh tay. Chuyện đen đi thì là lẽ thường tình, mình không ngại đen đi lắm. Tuy nhiên, thường khi về nhà nhả nắng, da mình sẽ bong da khô. Và đây là những thứ mình đang làm để cải thiện:
– Uống một số loại nước detox, mình dùng nước ngâm với dưa chuột và chanh xanh, táo xanh thái lát, cùng với nước dưa hấu loãng.
– Ăn nhiều rau xanh lên, giảm thực phẩm dầu mỡ và quá nhiều đạm cũng như chất béo không tốt.
– Dùng bông tắm chà xà phòng khi tắm, kết hợp tẩy da chết 3 ngày một lần.
– Dùng bàn chải khô để chải da khô, do mới dùng nên mình đang dùng 2 ngày một lần vào buổi sáng. Ban đầu mình chỉ chải phần cánh tay, cẳng chân và mặt – cổ. Nhưng mình đang chải dần lên toàn thân. Chải da khô, ngoài việc cải thiện làn da, còn có nhiều hữu ích về tuần hoàn máu và các vấn đề sức khỏe khác nữa. Các bạn có thể tìm hiểu thêm xem đây có phải cách phù hợp với mình không. Khi nào mình áp dụng đủ lâu và có kết quả rõ rệt, mình sẽ cập nhật với các bạn.
– Liên tục bôi dầu dừa lên da, bôi lớp mỏng hơn nhưng nhiều lần hơn. Với mình, mình vẫn đang thấy dầu dừa rất hữu hiệu. Mình dùng bôi được toàn thân, bao gồm cả mặt. Tuy nhiên, do thời tiết nóng, nên mình chọn bôi lớp mỏng thôi cho da thở. Và vì dầu dừa bay nhanh, nên mình bôi nhiều lần hơn trong ngày, có hôm 3 lần, hôm nào chăm thì 4 lần. Mình bôi phần bụng, cổ-mặt và hai cánh tay. Phần mông và đùi mình bôi mỗi ngày một lần thôi.
4. Đau bụng khi mang thai
Mình cũng từng chia sẻ về vấn đề đau bụng này ở số podcast tuần thai thứ 17, là lúc mình bắt đầu có những cơn đau tức bụng kéo dài vài phút một theo kiểu của những ngày kinh nguyệt. Tuy nhiên, trong tuần thai thứ 20 này, mình đã gặp một lần đau bụng kéo dài hơn 2 tiếng liền, buộc mình phải hỏi ý kiến bác sĩ. Mình đau tức rất nặng ở phần bụng dưới rốn, lệnh sang bên trái. Trong suốt 2 tiếng, mình thậm chí không ngồi được mà phải nằm nghỉ.
Ban đầu, thấy đau tức bụng, nhưng không có biểu hiện gì đặc biệt như chảy máu âm đạo, mình nằm chờ cho cơn đau bụng qua. Nhưng đến khi đau suốt đến 2 tiếng, mình cũng đâm lo. Hôm sau, nhân dịp đi khám thai, được hỏi bác sĩ, bác sĩ trấn an ngay rằng cũng không phải là hiếm gặp trường hợp như vậy. Tuy nhiên, nếu việc đau bụng không đi kèm các biểu hiện như chảy máu âm đạo, đau khi đi vệ sinh, đau khắp toàn vùng bụng, và không kéo quá dài thì không đáng lo ngại. Mẹ bầu chỉ cần nằm nghỉ, uống nhiều nước là sẽ qua cơn đau.
Nếu các bạn tình cờ gặp những vấn đề như mình trong thai kỳ, mong là chia sẻ của mình sẽ giúp được các bạn ít nhiều nhé! Nếu muốn, bạn có thể inbox thêm cho mình tại Facebook cá nhân, biết đâu mình có thể giúp được gì đó thêm!
Mẹ làm gì khi con dần lớn
Con dần lớn thì mẹ làm gì nhỉ? Với mình thì, sau khi an tâm đi du lịch về, giờ mình bắt đầu dành thời gian chuyên tâm hơn nữa cho việc mang thai và sinh em bé.
1. Chuẩn bị danh sách những đồ cần mua cho trẻ sơ sinh
Mình phân loại theo các hạng mục sinh hoạt gồm ăn – ị – ngủ – tắm – chơi. Từng nhóm đồ lại được phân loại là thứ gì là need – thiết yếu, thứ gì là want – có càng tốt, và phân loại rõ là giai đoạn sơ sinh cần ngay thứ gì, và những thứ gì có thể mua dần thêm sau khi em bé về nhà. Mình vẫn đang hoàn thiện danh sách này và sẽ sớm có podcast chia sẻ với các mẹ nhé!
2. Đăng ký các lớp học tiền sản
Bệnh viện mà mình sinh có các lớp tiền sản về: Nuôi con bằng sữa mẹ, Sinh con tự nhiên, Sinh con đẻ mổ, Chăm sóc em bé sơ sinh, Phục hồi hậu sản cho mẹ và Lớp học về làm bố dành cho các ông bố. Ngoài ra mình còn được đi thăm quan khu vực sinh và phòng sinh để nắm được chỗ mình sinh sẽ thế nào.
Ở Việt Nam, mình cũng đã tìm hiểu và thấy có rất nhiều lớp học tiền sản miễn phí, tổ chức hàng tuần, đa phần vào thứ 7-CN. Ở các thành phố lớn, hầu hết các bệnh viện cả bệnh viện công và bệnh viện tư và cả các cửa hàng bán đồ trẻ em đều có các lớp miễn phí mà bạn có thể dễ dàng đăng ký, tổ chức thường xuyên. Các nội dung cũng khá gần với những gì mình vừa kể ở trên, duy chỉ không thấy các lớp riêng cho bố thôi. Mình thấy riêng Bệnh viện Phụ sản Trung Ương ở Hà Nội có lớp về Da kề da – một chủ đề khá hay mà chưa nhiều mẹ biết, cũng chưa có nhiều bệnh viện phối hợp hỗ trợ các mẹ thực hiện được chuẩn chỉnh.
Như vậy, với vô vàn lựa chọn về các lớp tiền sản, bạn có thể đăng ký các lớp cần thiết để học kiến thức chuẩn xác từ bác sĩ, hộ sinh, chuyên gia. Từ tuần 20 có lẽ đã là phù hợp để bắt đầu học rồi, vì đâu phải lúc nào cuối tuần mình cũng có thời gian để đến lớp đâu.
Còn nếu bạn không ở các thành phố lớn, bạn vẫn có thể tìm thấy rất nhiều kiến thức tiền sản trên mạng, từ Google được từ các trang uy tín của các bệnh viện, đến YouTube của các chuyên gia, bác sĩ, và các mẹ đã sinh em bé – trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm về việc sinh con và chăm sóc con nhỏ. Các bạn tham khảo các kênh: Bác sĩ sữa mẹ Anh Thy, Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, POH – Thực hành nuôi dạy con, Century – Trung tâm sức khỏe nhi khoa, Mẹ Nguyễn Thu Hà – tác giả sách Nuôi con không phải cuộc chiến, Mẹ Gia đình Mỹ Thuận, Bố Hoàng Cường – Đầu bếp ăn dặm… và nhiều kênh khác nữa nhé!
Tất nhiên ở podcast của mình, thời gian tới mình cũng sẽ đi dần tới hết các nội dung này. Đến giờ mình cũng đã bắt đầu với chủ đề Nuôi con bằng sữa mẹ rồi đó!
3. Tăng size quần chip cho mẹ bầu
Mình đã phải mua thêm quần chip mới rồi các bạn ạ! Đến giờ thì các quần cũ, dù đều là các loại thoải mái, cũng đã bắt đầu chật chội khó chịu, lằn vết trên da của mình. Nếu các mẹ bắt đầu thấy những hiện tượng như vậy, nên đổi quần chip lên size lớn hơn nhé! Để quần chip chật, cũng sẽ dễ gây nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa – điều mà trong thai kỳ chúng ta không hề muốn.
Bạn cũng nên giữ vệ sinh sạch sẽ và khô ráo ở vùng kín để đảm bảo không viêm nhiễm. Đi khám phụ khoa nếu có các biểu hiện viêm nhiễm như ra nhiều khí hư, khí hư có mùi khó chịu và ngứa rát kéo dài. Quần chip cũng nên được giặt riêng bằng tay và nhúng qua nước sôi làm sạch hoàn toàn trước khi vắt phơi. Nếu nơi bạn ở không có nắng, quần chip nên được sấy khô, không để ẩm nhé.
Số podcast của tuần thai thứ 20 này tập trung chia sẻ về sức khỏe của em bé, sức khỏe của mẹ bầu là mình và những chia sẻ về tâm lý, những việc mình đang làm trong thời gian này để chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới. Mình mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bạn phần nào.
Mang thai là cả một chặng đường. Mình thấy cũng có ngày này ngày kia. Có ngày chúng ta khỏe mạnh, làm việc mọi thứ đều hiệu quả. Nhưng có ngày chúng ta lại thấy mệt mỏi, làm việc không được hiệu quả như những ngày khác. Nếu có ngày bạn thấy tinh thần mệt mỏi, hãy cứ niệm thần chú “Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Hãy nhìn vào hình ảnh siêu âm của con, tin tưởng vào sức khỏe của con để chúng ta có thêm động lực vượt qua giai đoạn thai kỳ này nhé.
Cảm ơn các bạn đã lắng nghe podcast. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong số podcast tuần sau!
Oanh Duong Sam.