Vậy là thứ 7 lại đến, tuần thai thứ 21 của mình cũng vừa qua đi. Lại ngồi xuống thu podcast chia sẻ với mọi người. Càng dành thời gian đọc sách, tìm hiểu kiến thức và chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới, mình càng thấy có nhiều thứ để chia sẻ với các bố mẹ. Nhiều đến độ không biết bắt đầu từ đâu luôn (haha).
Thì thôi, cứ bắt đầu bằng việc xem con đã lớn đến đâu, phát triển những gì trong phần Con dần lớn nhé!
Rồi trong phần Mẹ dần lớn, mình sẽ quay lại với chủ đề Nuôi con bằng sữa mẹ. Trong số hôm nay, mình sẽ bắt đầu series mấy bài liền luôn, bằng chủ đề mà mình nghĩ là mẹ nuôi con sữa mẹ cần biết đầu tiên. Đó là về Khớp ngậm đúng.
Các số tiếp theo sẽ về Dấu hiệu bú đủ, Thế nào là sữa tốt và cách tốt sữa, Cách kích sữa mẹ thành công ngay từ tuần đầu sau sinh và duy trì đủ lượng sữa cho con. Rồi còn nhiều chủ đề khác lắm, ta từ từ đi với nhau nha!
Trong phần Mẹ làm gì khi con dần lớn, tuần này mình xin nhẹ nhàng chia sẻ về những dấu hiệu tâm lý mẹ bầu bất ổn trở lại từ tháng thứ 5 và cách để xử lý chúng. Đây chính là vấn đề mà tuần thai 21 này mình đang gặp phải đây.
Rất mong lại tiếp tục được chia sẻ điều cần thiết với các mẹ bầu đang nghe nhé!
Con dần lớn
Đến tuần 21, mẹ và em bé đã đi được nửa chặng đường cùng nhau. Mình thấy, em bé của chúng ta đang dần phát triển những chức năng cực kỳ quan trọng!
Trong 4 tuần giữa của Tam cá nguyệt thứ hai này, con sẽ bắt đầu phát triển nhanh hơn trước rất nhiều. Đến nay, con đã phát triển đầy đủ các bộ phận trong cơ thể và có 50% cơ hội sống nếu ra đời. Cứ thêm một tuần, khi phổi phát triển hoàn thiện thêm một chút, con sẽ có thêm cơ hội sống.
Đến nay, mặc dù đã biết nuốt – nhả nước ối để luyện tập kỹ năng thở và tiêu hóa, nhưng con vẫn ăn qua dây rốn nối với mẹ là chính. Nước ối chỉ cho con một chút đường thôi, sau này sẽ thành phân su. Còn lại, mẹ ăn gì con sẽ được thưởng thức nấy đấy nhé!
Trước giờ, cơ thể mẹ liên tục tạo thêm máu cho con, đa phần là plasma – huyết tương, môi trường chứa các tế bào máu. Đến giờ, mẹ sẽ giúp con gia tăng hồng cầu. Tủy xương của con lúc này cũng bắt đầu tạo được tế bào máu rồi. Gan và lá lách khá hoàn thiện cũng tham gia hỗ trợ.
Từ tuần này, đại não của con đã tương đối hoàn thiện, bắt đầu xuất hiện nếp nhăn. Con bắt đầu có ý thức rồi đấy nhẹ, bố mẹ đừng đùa trêu tưởng con không biết gì nữa (haha). Đấy nhé, chức năng tuần hoàn máu, chức năng thở và khả năng tư duy bắt đầu xịn hơn như vậy rồi đó! Con đang Dần lớn rất nhanh nhỉ!!!
Đến tuần 21, mẹ và em bé đã đi được nửa chặng đường cùng nhau. Mình thấy, em bé của chúng ta đang dần phát triển những chức năng cực kỳ quan trọng!
Trong 4 tuần giữa của Tam cá nguyệt thứ hai này, con sẽ bắt đầu phát triển nhanh hơn trước rất nhiều. Đến nay, con đã phát triển đầy đủ các bộ phận trong cơ thể và có 50% cơ hội sống nếu ra đời. Cứ thêm một tuần, khi phổi phát triển hoàn thiện thêm một chút, con sẽ có thêm cơ hội sống.
Đến nay, mặc dù đã biết nuốt – nhả nước ối để luyện tập kỹ năng thở và tiêu hóa, nhưng con vẫn ăn qua dây rốn nối với mẹ là chính. Nước ối chỉ cho con một chút đường thôi, sau này sẽ thành phân su. Còn lại, mẹ ăn gì con sẽ được thưởng thức nấy đấy nhé!
Trước giờ, cơ thể mẹ liên tục tạo thêm máu cho con, đa phần là plasma – huyết tương, môi trường chứa các tế bào máu. Đến giờ, mẹ sẽ giúp con gia tăng hồng cầu. Tủy xương của con lúc này cũng bắt đầu tạo được tế bào máu rồi. Gan và lá lách khá hoàn thiện cũng tham gia hỗ trợ.
Từ tuần này, đại não của con đã tương đối hoàn thiện, bắt đầu xuất hiện nếp nhăn. Con bắt đầu có ý thức rồi đấy nhẹ, bố mẹ đừng đùa trêu tưởng con không biết gì nữa (haha). Đấy nhé, chức năng tuần hoàn máu, chức năng thở và khả năng tư duy bắt đầu xịn hơn như vậy rồi đó! Con đang Dần lớn rất nhanh nhỉ!!!
Mẹ dần lớn
Như đã nói, phần Mẹ dần lớn từ tuần này sẽ quay lại với chủ đề “Nuôi con sữa mẹ”. Vì quá nhiều kiến thức hay và quan trọng, mình sẽ làm trải dài trong vài số tới. Tuần này, mình sẽ chia sẻ về điều đầu tiên mẹ cần quan tâm trong việc cho con bú sữa mẹ và ti mẹ hoàn toàn. Đó là về Khớp ngậm đúng.
Chi tiết bài dài lắm, bạn đọc ở đây nhé!
Mẹ làm gì khi con dần lớn
Sang phần Mẹ làm gì khi con dần lớn này, chúng ta nhìn lại về hiện tại một chút nhé.
Tuần thai 21 này có vẻ đã đưa mình trở lại, với trạng thái cảm xúc không ổn định của hai tháng bầu đầu tiên. Có những ngày mình cảm thấy rất buồn và dễ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực. Ban đầu mình nghĩ là do mình hơi căng thẳng do thiếu ngủ. Nhưng sau đọc sách mới thấy là quả thực, từ tháng thứ 5 của thai kỳ, mẹ bầu có thể bắt đầu phải gặp lại trạng thái cảm xúc bất ổn như vậy.
Nguyên do là vì hormone trong cơ thể vẫn tiếp tục dâng cao, gây cảm giác lo lắng, mệt mỏi. Trong khi, bạn đã bước qua nửa sau của chặng đường mang thai. Áp lực về thời gian bắt đầu khiến bạn có thêm những suy nghĩ và lo lắng khác về sức khỏe của em bé, về việc sinh nở, chuẩn bị đồ đạc cho hai mẹ con. Với mình, cả 2 điều này chắc đều đúng cả.
Cộng thêm với đó là một số ngày trước đó mình đã xem phim ảnh hơi căng thẳng, lại không ngủ ngon giấc nữa. Cộng tất cả lại, mình có những ngày tâm trạng rất tệ.
Những ngày như vậy, mình cố gắng tránh sử dụng mạng xã hội và sắp xếp để ngay lúc tâm trạng không tốt được làm việc mình thích thay vì những việc gây khó chịu hơn về mặt tâm lý. Mình đã chọn việc ngồi chải da khô, đọc sách, nghe sách nói và ăn một vài món ngon bỗng thèm như là bánh chuối chiên. Đồng thời mình cũng cố gắng cải thiện giấc ngủ.
Mình cũng tự trấn an bản thân rằng thật ra chuyện gì rồi cũng sẽ đâu vào đó. Mình tin là mình sẽ chuẩn bị tốt cho thời gian sắp tới. Mà nếu có không tốt, thì cũng như nghề chạy sự kiện của mình trước đây thôi. Lủng đâu vá đó, khó đâu ló cái khôn ở đó! Mình cũng đang học hỏi rất nhiều kiến thức và xung quanh mình có những người bạn cùng mang bầu, mới sinh con mà mình có thể hỏi han được cơ mà!
Ngoài ra, mình cũng chia sẻ cảm xúc với chồng mình, cùng nhau trò chuyện và nói về những việc vui vẻ nữa. Mình cũng tìm đến những người bạn xung quanh để chia sẻ những điều vui vẻ trong cuộc sống, thay vì tiếp nhận những thông tin tiêu cực và drama.
Đó là những gì mình làm và đến cuối tuần thứ 21, sang đến tuần 22 khi đang thu âm podcast này, tinh thần của mình đã tốt hơn nhiều rồi. Các bạn nếu có gặp chung vấn đề này, hãy cùng mình giữ tâm trạng tích cực và lạc quan nhé. Vì tâm trạng của chúng ta ảnh hưởng đến cả em bé trong bụng đấy. Cứ buồn và đối diện với cảm xúc tiêu cực, nhưng là để hướng đến điều tích cực và đưa cảm xúc trở lại cân bằng thôI!
Từ nay đến những tháng cuối thai kỳ, chắc chắn hiện tượng tâm lý bất ổn sẽ còn quay lại nhé! Nên chúng ta cứ sẵn sàng nhận biết và đương đầu là được. Hãy nhắn tin cho mình nếu bạn cần một người chia sẻ nhé! Mình sẵn sàng lắng nghe!
Chào kết
Một trong những việc giúp mình đưa tâm trạng trở lại cân bằng đó là việc mình vẫn duy trì đọc sách và học thêm kiến thức về mang thai và chăm sóc trẻ sơ sinh. Mình học xong, thấy rất hào hứng, vừa là vì bản thân có thêm kiến thức, vừa là vì biết sẽ chia sẻ lại được với các mẹ bầu khác nữa. Bạn cũng hãy chọn cho mình 2-3 việc giúp giữ tâm trạng vui vẻ nhé, làm bảo bối cho những ngày tâm trạng không tốt!
Cảm ơn bạn đã nghe hết số podcast này. Hẹn gặp lại các bạn vào thứ 7 tuần sau!
Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast nhé!
OanhDuongSam
—-
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!