Vậy là mình đã sinh em bé được một tuần. Em bé của mình nặng 3,4kg và ra đời ngày 22/11/2022. Vậy là cả bản thân mình và podcast Dần lớn đều đã bước sang một giai đoạn mới. Trong số podcast hôm nay: mình xin cập nhật nhanh về cuộc sinh và một tuần đầu sau sinh – những điều mới mẻ cả nhà đã cùng học trong 7 ngày vừa qua với em bé.
Mẹ dần lớn
Mình đã trải qua một cuộc sinh thường không dùng thuốc giảm đau. Cuộc sinh có những điều bất ngờ, nhưng tổng thể là một cuộc sinh thuận lợi, may mắn, và mẹ con mình đã mẹ tròn con vuông. Chi tiết về câu chuyện về cuộc sinh, bạn đọc tại blog dưới đây nhé, kỹ hơn cả trong podcast luôn!
Người mẹ này đã dần lớn với Cuộc sinh thật rồi các bạn ạ. Đến giờ mình vẫn chưa biết làm thế nào em bé của mình lại nằm gọn được trong chiếc bụng của mình. Và mình nghĩ cuộc sinh của mình đã diễn ra dù có khó khăn nhưng đầy may mắn mẹ tròn con vuông.
Từ cuộc sinh của mình, mình đã có những kinh nghiệm nhất định và muốn chia sẻ một vài điều mà mình thấy các mẹ dù ở bất kỳ điều kiện sinh nào cũng có thể tự chủ được để giúp cuộc sinh của chúng ta tốt hơn.
1. Hãy đến bệnh viện đúng lúc!
Bạn nên đến bệnh viên theo quy tắc để nhớ là 5-1-1, tức các cơn gò cách nhau 5 phút, kéo dài 1 phút, trong suốt 1 giờ. Hoặc khi bạn vỡ ối và có dấu hiệu chảy nhiều máu.
Ở Việt Nam, mình thấy không nhiều mẹ biết thời điểm nào nên đến bệnh viện khi chuyển dạ. Việc theo đếm nhịp con gò, đo thời gian sẽ giúp bạn chủ động thời gian đến bệnh viện, tiết kiệm công sức đi lại, chủ động với các cơn gò và tình thế của mình. Bạn sẽ không phải chờ đợi ở bệnh viện rất lâu, nằm trong phòng chờ đẻ mà không thể làm gì khác, hoặc thậm chí quay xe đi về.
2. Hãy thở đúng để vượt qua!
Việc thở theo phương pháp yoga để thả lỏng cơ thể đã giúp mình vượt qua thời gian chuyển dạ mà không cần dùng thuốc giảm đau. Việc thở trong lúc sinh con, mặc dù mình làm chưa đủ tốt 100% để đẩy con ra ngoài, nhưng cũng đã giúp mình giữ rất nhiều sức.
Mình đã áp dụng phương pháp thở yoga vào việc kiểm soát cơn gò ngay từ khi còn là những cơn gò ngắn 20s cách nhau 10 phút. Kết hợp với đi lại nhẹ nhàng, lắc hông theo số 8, ngồi bóng gym nhún bóng, thở đều, làm tư thế cat-cow… Đến khi các cơn gò kéo dài 80-90s và cách nhau chỉ 1 đến 1 phút rưỡi, và cảm giác muốn rặn đẻ đến, mình vẫn áp dụng việc thở để vượt qua. Chỉ trong hơn 3 tiếng, mình đã mở thêm được 6cm. Tổng thời gian từ lúc nhập viện đến khi sinh xong và hoàn thành toàn bộ cuộc sinh gồm đẩy bánh nhau, khâu tầng sinh môn và kiểm tra hậu sản là 7 tiếng.
Mình mong rằng những chia sẻ của mình sẽ giúp các mẹ có cuộc sinh trọn vẹn hơn, cho dù bạn sinh con ở nước nào, sinh tại nhà hay tại bệnh viện, bệnh viện công hay bệnh viện tư. Chúc bạn và em bé khỏe mạnh nhé!
Con dần lớn
Trong phần Con dần lớn hôm nay, mình chỉ muốn liệt kê nhanh 7 bài học mình đã được trải qua trong 7 ngày đầu tiên bên con gái. Cùng với sự đồng hành của bố và bà nội em bé, cả nhà đã học lớn cùng nhau:
1. Đêm đầu tiên bên con: Skin to skin – Tiếp xúc da kề da thật tuyệt vời.
Cảm giác ôm em bé nhỏ xíu xiu, da kề da với mình, sau một cuộc sinh, là cảm giác mang về sức mạnh để thức qua đêm thâu, tinh thần phấn chấn khi tận hưởng tình yêu dạt dào của mình với em bé bé nhỏ!
2. Đêm thứ 2: Những tiếng ọ ẹ sẽ đồng hành với ta suốt về sau
Đêm thứ 2, chỉ 2 vợ chồng ở trong viện với em bé. Dù em bé ngủ dài liền mạch, nhưng những tiếng ọ ẹ của con quả thực là tiếng chuông báo thức mang kết nối mãnh liệt. Chỉ khẽ thôi cũng khiến bố mẹ bật dậy như chẳng hề ngủ.
3. Đêm thứ 3: Đầy hơi chướng bụng là kẻ thù của con!
Vì hai mẹ con đang học cho bú, khớp ngậm chưa chuẩn làm con bị đầy hơi chướng bụng. Mình đã không nhận ra vấn đề ngay khi thấy con khó ngủ vô cùng, chân duỗi giơ cao rồi co về phía bụng liên tục. Giữa đêm không giúp được con, mình chỉ còn cách nhắn tứ phương hỏi các mẹ bỉm khác, đọc đủ các nguồn rồi đăng ký tư vấn online với bác sĩ Việt Nam trên app khám bệnh. Từ đó cố gắng giúp con hết sức có thể, đợi qua đêm đến sáng để có những biện pháp tốt hơn.
4. Đêm thứ 4: Bất ngờ vì bú gộp!
Các cuộc trò chuyện với các mẹ bỉm khác làm mình tin rằng đa phần các em bé ra đời sẽ có chu kỳ ngủ thức với thời lượng tương đối ổn định. Nhưng em bé của mình đột nhiên có 1 đêm đòi bú liên tục. Dù con bú tốt nhưng ngủ ngắn lại dậy đòi bú, chu kỳ chỉ 1 giờ, 1,5 giờ/lần. Cả đêm cả nhà cứ thức vậy cùng nhau, gần như không ngủ được. Sáng ra mình rà soát lại các kiến thức sữa mẹ đã học và phát hiện ra con bú gộp để kích sữa cho mẹ!
5. Đêm thứ 5: Khóc vì muốn khóc thôi!
Những cữ ngủ đêm của con tốt hơn. Nhưng cữ gần sáng lại bất ngờ lật kèo vì con cứ khóc liên tục đến gần 2 tiếng đồng hồ. Cả 3 người lớn tham chiến, kiểm tra mọi lý do có thể làm con khóc nhưng không gì giúp được con. Chỉ đến khi con mệt mới ngả ra ngủ trong vòng tay bà nôi.
6. Đêm thứ 6: Bú nằm bên con!
Khớp ngậm sai khiến đầu ti của mình bị sưng đau. Bú nằm là giải pháp tốt nhất cho mẹ con mình. Hai mẹ con cùng tập bú nằm và ngả người ra ngủ luôn bên nhau, không cuốn chũn, không nằm cũi, không cách xa nhau!
7. Đêm thứ 7: Mình đang chờ đợi!
Podcast được thu âm vào đêm của ngày thứ 7 – một tuần sau khi con ra đời. Em bé đã có rất nhiều biến chuyển. Con đã nỗ lực rất nhiều cùng cả nhà. Hôm nay các cữ bú ngủ của con đã êm ả hơn, thuận lợi hơn. Con đã rụng rốn và có lần tắm nước đầu đời. Con vẫn ngốc nghếch ngơ ngác với thế giới nhưng đáng yêu vô cùng. Mình xin chia sẻ niềm vui này với các bạn!
Cảm ơn bạn đã nghe số podcast này, và mong rằng chúng ta sẽ được gặp lại nhau sớm! Hãy tiếp tục đồng hành với mình trong hành trình chăm sóc em bé tiếp theo nhé!
Chúc bạn và em bé nhỏ xinh của bạn một chặng đường mới thật hạnh phúc bên nhau, như những gì mình đang trải nghiệm!
Oanh Dương Sam
Kết nối thêm với mình:
– Instagram: danlonpodcast
– Email: oanhdnd@gmail.com
– Facebook cá nhân: Oanh Duong Sam
****
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!