Tuần 30 của thai kỳ đã đến cùng cơn mưa bão to nhất mình từng gặp ở chỗ mình sống (haha). Phải đưa vào podcast vì sống ở đất Dallas thuộc bang Texas ở Mỹ này gần một năm rồi mà giờ mới lần đầu thấy mưa rào liền hai ngày. Nghe bảo hè năm ngoái mưa bão dữ lắm. Thế mà năm nay đợi mãi mới thấy được 3 trận mưa từ đầu năm đến giờ. Mưa mát mẻ mấy ngày liền lại đúng như ý nguyện một tuần trước đó của mình. Mình đã ước mưa thật to thật mát để được ngồi uống cốc trà nóng với nhâm nhi miếng bánh trung thu.
Tuần vừa rồi để xem được ăn bánh trung thu thì em bé lớn đến đâu rồi! Cùng cập nhật trong phần Con dần lớn với mình nhé!
Trong phần Mẹ dần lớn, tiếp tục series Chuyển dạ và sinh nở, tuần này chúng ta cùng học về các hình thức sinh khác, bên cạnh sinh nở tự nhiên, mà chúng ta có thể sẽ gặp để sinh em bé ra đời.
Trong phần Mẹ làm gì khi con dần lớn, mình sẽ chia sẻ nhanh về việc mình đang lập Kế hoạch sinh, Kế hoạch cho con bú để chuẩn bị trao đổi với bác sĩ và y tá sẽ hỗ trợ đỡ đẻ.
Ồ nghe rất sát nút chuyện đi đẻ rồi! Bắt đầu podcast thôi!
Con dần lớn
Từ vài tuần nay, con dần lớn đang biểu hiện quá rõ ràng qua việc bụng mình to lên thấy rõ. Phần mông và đầu của cô nàng có vẻ rất khỏe, huých gồ cứng, làm lồi lõm bụng mẹ đến hài hước. Có những ngày con gái mình nằm quẫy cả chiều không nghỉ ngơi mấy. Mấy ngày ở đây mưa bão thì nàng lại nằm im re. Bụng mình giờ đã đủ to để mình ghé nhờ quyển sách lên đọc cho dễ, hay đặt nhờ bát chè xúc ăn cho tiện haha. Còn lại, mình chỉ ngồi ngửa được thôi chứ không ngồi gập người đi giầy hay cắt móng chân được nữa rồi. Cảm ơn ông chồng thay thế các tiệm nail, giúp vợ cắt móng chân!
Thêm một chút về em bé, đến tuần 30 này, em bé đã có phản ứng với các âm thanh khác nhau. Quen thuộc nhất với con là giọng nói của mẹ. Khi nghe thấy, em bé sẽ đặc biệt yên tĩnh và tập trung chú ý. Mắt con giờ đã có lúc nhắm lúc mở, thay đổi dựa vào độ sáng tối. Lúc mở mắt, con cũng có thể nhìn thấy rõ mọi thứ trong tử cung rồi.
Các cơ quan nội tạng của con cơ bản đã phát triển hoàn thiện. Chức năng dạ dày, đường ruột, thận đã đạt đến như lúc sơ sinh. Xương khớp cũng phát triển, hệ miễn dịch phát triển tương đối, dù vẫn cần hoàn thiện thêm.
Cơ quan sinh dục cũng chưa hoàn thiện. Nếu là bé trai, tinh hoàn vẫn nằm trong khoang bụng mà chưa tụt xuống, nhưng cũng bắt đầu men theo háng để xuống bìu. Nếu là bé gái, âm vật bắt đầu lộ ra, âm môi nhỏ vẫn chưa hình thành.
Khi mà em bé có những phát triển như vậy, bụng mẹ cũng to lên khiến mẹ bầu di chuyển chậm chạp. Mặc dù cánh tay, cẳng chân và mặt không béo lên, nhưng phần bụng, ngực, mông thì nặng nề lắm. Cân nặng tăng nên mình cũng chuột rút nhiều hơn về đêm. Hiện tượng một đêm chuột rút 2-3 lần, có lần hẳn cả hai chân luôn giờ là bình thường lắm.
Mình cũng đã nhận được kết quả đỗ đạt điểm cao trong kỳ sát hạch Tiểu đường thai kỳ. Thế nhưng mình lại bị thiếu một chút sắt, bác sĩ chỉ định uống bổ sung hàng ngày. Vậy là bây giờ mình đang uống cùng lúc thuốc bầu với đa dạng vitamin, DHA, khoáng chất rồi, nhưng vẫn uống thêm canxi và sắt nữa. Mình còn bắt đầu uống thêm một lượt probiotics dài 30 ngày để đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe mạnh cho cả mẹ và em bé.
Bác sĩ cũng đã tư vấn mình tiêm vaccine mũi Tdap, bao gồm phòng bệnh uốn ván, bạch hầu, ho gà. Cho dù 1 năm trước khi mang bầu ở Việt Nam mình đã tiêm mũi này rồi, nhưng bác sĩ khám thai của mình tư vấn nên tiêm lại khi mang thai để bảo vệ tối ưu cho cả em bé nữa. Mình tìm hiểu thì thấy y khoa khuyên mỗi lần mang bầu đều nên tiêm nhắc lại mũi Tdap này do đây là mũi vaccine không có hiệu quả rất cao như chuyên gia mong đợi. Về cơ bản mình không antivaccine, và tôn trọng giá trị của nó, nên mình sẽ tiêm trong lần khám thai tới là 2 tuần nữa.
Đó là chuyện buôn về Con dần lớn tuần này. Chúng ta đến với phần Mẹ dần lớn thôi nào!
Mẹ dần lớn
Phần Mẹ dần lớn hôm nay tiếp tục Series về Chuyển dạ và sinh nở với chủ đề: Các hình thức sinh nở khác, ngoài sinh nở tự nhiên.
Tuần trước chúng ta đã đến với sinh nở tự nhiên – có thể là hoàn toàn hoặc không hoàn toàn vì sử dụng thuốc giảm đau. Sinh nở tự nhiên trong chuyên môn gọi là sinh qua đường âm đạo. Việc sử dụng thuốc giảm đau hay không trong quá trình sinh thường là quyết định của bạn. Tư thế sinh thế nào đến nay ở Việt Nam cũng có nhiều bệnh viện để sản phụ được lựa chọn.
Nói chung, với sinh thường – sinh nở tự nhiên, bạn có nhiều quyền lựa chọn hơn. Tuần này chúng ta đến với những hình thức sinh mà người mẹ có ít sự lựa chọn. Và bất kỳ quyết định nào cũng cần phải có sự trao đổi thực sự kỹ lưỡng với bác sĩ. Bao gồm: Sinh qua đường âm đạo có hỗ trợ, Sinh mổ và Sinh qua đường âm đạo sau khi sinh mổ.
Bài viết chi tiết, xin mời bạn đọc tại đây.
Mẹ làm gì khi con dần lớn
Vì đã đi qua những hình thức sinh nở ở số tuần trước và tuần này, hôm nay trong phần Mẹ làm gì khi con dần lớn, mình muốn chia sẻ với các bạn về việc mình đang chuẩn bị Kế hoạch sinh và Kế hoạch cho con bú để trao đổi với bác sĩ và y tá trước khi sinh như thế nào.
Kế hoạch sinh là một khái niệm khá phổ biến ở Mỹ rồi, được các tổ chức y tế khuyến khích thực hiện để mẹ bầu sẵn sàng và chủ động với cuộc sinh của mình. Ở Việt Nam, nếu có đủ tài chính để sinh ở các bệnh viện tư, hoặc sinh tại nhà, mình thấy các mẹ bầu cũng có điều kiện để thực hiện việc trao đổi về kế hoạch sinh với bác sĩ hoặc bệnh viện mình sẽ sinh. Cho dù mình thấy việc này là do các bệnh viện gợi ý nhiều hơn là các mẹ chủ động, nhưng đó cũng là tín hiệu đáng mừng.
Sau khi học về việc chuyển dạ, sinh nở và cho con bú, mình rất vui khi bản thân có cơ hội được trao đổi về Kế hoạch sinh của mình với bác sĩ. Bác sĩ khám thai và cũng sẽ là người đỡ đẻ của mình khá cởi mở với tất cả những trao đổi của mình từ trước đến nay. Do đó, mình cũng đang chuẩn bị một Kế hoạch sinh để thảo luận với bác sĩ và lựa chọn những phương án phù hợp nhất, sát nhất với nguyện vọng của mình trong cuộc sinh nở. Mình xin chia sẻ sơ qua ở đây để các bạn cùng biết nhé.
Danh sách này vốn có rất nhiều điểm. Bao gồm trong 4 nhóm:
1. Trước khi sinh bạn có nguyện vọng gì – về phòng đẻ, việc được đi lại, được tắm, được dùng dụng cụ hỗ trợ giảm đau khi chuyển dạ, có cắm dây đo tín hiệu sống cố định hay có thể di chuyển theo người, …
2. Trong khi sinh bạn có nguyện vọng gì – về sinh thường hay sinh mổ, sinh tự nhiên hay dùng thuốc giảm đau loại gì, tư thế khi sinh thế nào, có muốn được hướng dẫn thở không, có tiêm oxytocin kích thích cơn gò đẩy nhau thai ra ngoài không, có bóc ối chọc ối phi tự nhiên không, có rạch tầng sinh môn không…
3. Trong trường hợp phải sinh mổ, bạn có nguyện vọng gì – dùng hình thức giảm đau nào, được cho con bú sớm nhất có thể…
4. Sau khi sinh bạn có nguyện vọng gì – có trì hoãn cắt dây rốn cho con không, tiếp xúc da kề da ngay lập tức, có cần hỗ trợ của chuyên viên về sữa mẹ không, có lưu trữ tế bào gốc dây rốn hay quyên góp không, có cho con ngủ tách phòng để mẹ được nghỉ ngơi không…
Tương tự với kế hoạch sinh, một kế hoạch cho con bú ngay sau sinh cũng sẽ là sự chuẩn bị về những nguyện vọng của bạn để trao đổi với y tá hộ sinh – ekip sẽ hỗ trợ bạn và em bé sau sinh. Có thể bao gồm: Được chuyên gia sữa mẹ hỗ trợ, không cho con bạn dùng ti giả hay bú bình ngay sau sinh, tạo điều kiện để bạn cho con bú ngay sau khi sinh theo dấu hiệu bú của con…
Kế hoạch sinh cơ bản là thứ để mẹ chuẩn bị tâm lý, hiểu rõ việc gì sẽ xảy ra với sự giải thích rõ ràng và đầy đủ nhất từ bác sĩ. Ở Mỹ, bạn cũng có thể in ra một bản để mang đi sinh, đề phòng bạn được đỡ đẻ bằng một bác sĩ khác do bác sĩ của bạn bận.
Tất nhiên, nhiều mẹ ở Mỹ cũng không chuẩn bị kế hoạch sinh hay kế hoạch cho bú gì cả. Đây cũng không cần phải là một văn bản nghiêm túc, có thể chỉ cần là những trao đổi trực tiếp với bác sĩ để lựa chọn phương án phù hợp vào lúc cần thiết thôi. Cái chính vẫn là để chúng ta chuẩn bị tâm lý và để mang điều tốt nhất đến cho em bé thôi ấy mà.
Mình nghĩ một khi đã lên được hết nguyện vọng cho các điều trong kế hoạch sinh, thì tức là các mẹ bầu cũng đã tìm hiểu đầy đủ kiến thức cho một cuộc sinh rồi. Đó là điều quan trọng nhất! Còn lại, bạn có thể được thực hiện mọi nguyện vọng hoặc không, cũng đừng quá nặng nề về tâm lý. Hãy có một cuộc sinh vui vẻ, khỏe mạnh, thuận lợi. Như vậy là rất tốt rồi!
Mong rằng khi đã đồng hành cùng việc mang thai của mình đến đây, chúng ta đều đã sẵn sàng và tự tin với cuộc sinh sắp tới! Mình đã bắt đầu hồi hộp mong chờ rồi đây.
Cảm ơn bạn lại thêm một tuần nữa lắng nghe podcast Dần lớn của mình. Hoặc cảm ơn bạn lần đầu ghé đến và nghe đến đây của số podcast này!
Trong những tuần tiếp theo, chúng ta sẽ đi tiếp đến các nội dung về chăm sóc sức khỏe của mẹ sau sinh và chăm sóc em bé sơ sinh nhé! Chỉ còn cỡ 8 tuần để học những điều đó. Mình mong là sẽ kịp để chúng ta sẵn sàng làm bố mẹ!
Xin hẹn gặp lại các bạn ở những số podcast khác và các số sau nhé! Bye bye!
Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast nhé!
OanhDuongSam
****
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!