OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

Podcast Dần lớn: Dần biết về các đợt phát triển tinh thần và thể chất ở trẻ – Mang thai tuần 38

Xin chào các bạn, wow, chúng ta lại được gặp nhau ở tuần thai 38. Tức là mình vẫn đang ở đây và chưa đi sinh. Bạn thì sao? Đã sinh em bé rồi hay cũng đang chờ đợi như mình? Nếu bạn đã sinh, xin chúc mừng gia đình bạn và mong bạn và con cùng khỏe nhé! Mình sẽ theo gương bạn sớm thôi!

Mình hồi hộp và tò mò xem em bé trông như thế nào lắm rồi. Mà chưa được nhìn tận mắt, nên chúng ta lại cập nhật trong Con dần lớn qua sách vở nhé.

Tuần vừa rồi, mình đã học về một số khái niệm cơ bản liên quan đến sự phát triển của con: Wonder week – tuần phát triển kỹ năng và tinh thần, Growth Spurt – thời kỳ phát triển thể chất, Tuần trăng mật, Tuần lễ đỉnh điểm cáu giận, Giờ cáu giận và Khóc dạ đề. Có khái niệm quen có khái niệm lạ nhỉ! Bởi vậy mình mới muốn tìm hiểu kỹ hơn một chút để làm chủ tình hình khi các sự kiện này diễn ra. Cùng học với mình trong phần Mẹ dần lớn.

Trong phần Mẹ làm gì khi con dần lớn, mình sẽ chia sẻ một chút về các loại đồ ăn, thức uống mình thấy nên sử dụng trong giai đoạn nằm ổ chăm sóc em bé sau sinh. Đây là những loại thực phẩm và đồ uống tốt cho sức khỏe, giúp lợi sữa và phù hợp với mẹ cho con bú.

Bắt đầu số hôm nay thôi.

Con dần lớn

Con dần lớn ghi nhận chỉ hết tuần này thôi là con sẽ phát triển hoàn thiện full-term để ra đời rồi. Mình cũng mong đợi em bé của mình ra đời vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau là vừa đẹp tròn 39 tuần.

Đến tuần này, em bé tiếp tục phát triển chức năng các bộ phận trong cơ thể nhằm hoàn thiện chức năng hô hấp, tiêu hóa, bài tiết. Đầu của con vẫn khá to so với thân, do đó thuận tự nhiên con sẽ chọn chui đầu ra trước rồi kéo theo toàn thân. Bảo sao có câu “Đầu xuôi đuôi lọt” nhỉ!

Những em bé đến tuần 36-37 vẫn chưa xoay đầu xuống, sẽ được bác sĩ cân nhắc việc sinh mổ. Để giúp em bé xoay đầu xuống dưới, mẹ có thể tập các động tác như kê chân lên giường, chúc đầu xuống đất, gần tương tự với tư thế đứa trẻ trong yoga, nhưng kê cao chân lên. Đến tuần 38, nếu em bé vẫn ở ngôi mông hoặc ngôi chân, bác sĩ sẽ xem xét tình hình để xem có cần đẻ mổ để đảm bảo an toàn cho em bé hay không. Em bé của bạn đã xoay đầu chưa? Mình mong dù rồi hay chưa, em bé cũng sẽ ra đời tròn trịa nhé.

Tuần này, mình thấy rõ chiếc bụng của mình tụt xuống thấp hơn. Biểu hiện dễ thấy nhất là mình ít ợ chua ợ hơi hơn do hệ tiêu hóa đã có thêm không gian hoạt động. Rồi mình cũng cảm thấy áp lực và các cơn gò tức xuống vùng dưới, nhất là khi ngồi ghế thẳng lưng và đi bộ nhiều. Bởi vậy mà cứ ngồi một lúc mình lại phải ngửa người ra, hoặc đứng lên đi lại, ôm bóng. Đi bộ thì phải chậm rãi. Cơn gò cũng nhẹ nhàng êm ái thôi, chỉ kéo dài vài giây,hít sâu thở dài bằng bụng là sẽ qua.

Ngoài ra, cái bụng của mình cứ cách ngày lại được con gái cho một buổi năng động. Con gái mình đạp trườn quẫy tưng bừng, nhìn cái bụng vừa sợ vừa buồn cười vì thành bụng cứ nhấp nhô lượn sóng. Ai nhìn cũng bảo em bé sẽ năng động lắm. Mình thì chỉ thấy bụng nhột nhột suốt lúc con trườn quẫy. Thế mà có bữa con trườn nguyên cả buổi trưa mình nằm nghỉ, hoặc sáng sớm 6h sáng đã dậy vươn vai trườn quẫy rồi. Đến chịu với cô gái tuổi hổ (haha).

Mong là em bé của mình ra đời cũng sẽ thật khỏe mạnh và năng động y như lúc trong bụng mẹ. Chúc cho em bé của bạn cũng vậy nhé!

Mẹ dần lớn

Tuần thai 38, Mẹ dần lớn học kỹ càng hơn về những khái niệm vừa quen vừa lạ, bao gồm: Wonder week – tuần phát triển kỹ năng và tinh thần, Growth Spurt – thời kỳ phát triển thể chất, Tuần trăng mật, Tuần lễ đỉnh điểm cáu giận, Giờ cáu giận và Khóc dạ đề.

Bên cạnh khoa học về sữa mẹ, khoa học về nếp sinh hoạt cho con, mình thấy kiến thức khoa học về tuần phát triển kỹ năng và tinh thần của trẻ nhỏ là một trong những kiến thức giúp mẹ hiểu con và sẵn sàng đương đầu với những lúc con khó ở một cách chủ động, thay vì mông lung lo lắng, không biết phải làm gì, hay buộc phải tin vào những kiến thức dân gian như “giờ ma làm”, hay phải dùng đến các biện pháp dân gian chưa chắc đã mang lại kết quả tốt cho con.

Hãy cùng tìm hiểu về những khái niệm trên trong bài viết này.

Mẹ làm gì khi con dần lớn

Ở tuần bầu gần cuối này, khi em bé dần lớn, mẹ bầu này đã bắt đầu tính toán đến các thực đơn phù hợp cho mẹ sau sinh nhằm đảo bảo chất dinh dưỡng và sức khỏe cho mẹ.

Theo khoa học, mẹ sau sinh không cần kiêng khem hay ăn quá nhiều một loại thực phẩm cụ thể nào. Thực đơn hàng ngày của mẹ nên được đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: Tinh bột, chất đạm, rau củ, hoa quả. Mục đích là các mẹ nên ăn đầy đủ thực phẩm từ tự nhiên để thu thập đủ chất đường tốt, chất đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Tỷ lệ phần ăn nên là 1 phần rau củ hoa quả, 1 phần gồm tinh bột và đạm.

Trừ khi mẹ sinh mổ thì nên tránh một số thứ theo dân gian như đồ nếp – có thể gây mủ, rau muống và trứng – gây lồi sẹo, hải sản – gây ngứa. Nhưng cơ bản ở những lần mổ gần đây, các bác sĩ cũng không lưu ý mình phải kiêng khem bất kỳ thứ gì. Bởi vậy, mình cứ quan sát vết mổ và phản ứng của cơ thể để lựa chọn thực phẩm phù hợp. Khi vết mổ lành là có thể ăn phong phú trở lại.

Về việc tốt sữa, cơ bản người mẹ cũng chỉ cần ăn đủ bữa, ăn đầy đủ chất và ăn vui vẻ. Để được như vậy, mình nghĩ chúng ta chỉ cần ăn đủ các nhóm chất, thay đổi phong phú thực phẩm để tạo cảm giác ngon miệng. Ăn ngon miệng, ăn đầy đủ, em bé cũng sẽ nhận được đầy đủ chất từ sữa mẹ.

Bạn nên ưu tiên ăn nhiều canh ấm, mục đích là để góp phần vào việc nạp đủ nước cho cơ thể. Các cách nạp nước có thể qua: uống nước lọc, các loại nước không có cafein như nước vối, chè vằng, chè bồ công anh…, uống nước canh, uống sữa ấm – sữa hạt, sữa bò… tùy sở thích. Lưu ý là các loại nước uống vào cơ thể nên ấm. Mình thấy rất nhiều mẹ chia sẻ là uống một cốc sữa hạt ấm trước khi cho con bú hoặc vắt sữa, lượng sữa sẽ nhiều hơn. Bởi vậy mà mình đã dự trữ rất nhiều sữa hạt, hạt khô để làm sữa hạt tươi, cao chè vằng để pha uống ấm – vì mình vốn không thích nước lọc nên mấy món này sẽ là chân ái của mình!

Ngoài ra, mình cũng đã nhờ mẹ sau sinh sẽ nấu các loại canh ấm như canh sườn bí đỏ, canh rau tôm thịt, canh khoai cà rốt… Nhưng cũng không cần thiết phải ăn nhiều canh móng giò đâu nhé. Do móng giò quá nhiều mỡ, nếu ăn quá nhiều có thể gây tắc tia sữa do lượng chất béo trong sữa quá cao. Mấu chốt của việc nhiều sữa là uống nước, chúng ta ưu tiên việc này. Còn canh là cách dễ nhất giúp chúng ta nạp nước và các chất dinh dưỡng vào cơ thể, nhất là trong giai đoạn phục hồi, cơ thể còn mệt mỏi.

Đó là những gì mình muốn chia sẻ về cách mình sẽ ăn uống cho giai đoạn sau sinh. Các bạn cùng tham khảo nhé!

Hôm nay, ngày mình thu âm rơi vào đúng 20/10. Đêm qua trước khi đi ngủ mình còn hồi hộp nghĩ xem không biết con gái mình có ra đời đúng ngày 20/10 – ngày phụ nữ Việt Nam hay không (haha). Đến giờ là 2 giờ chiều rồi, mình vẫn chưa thấy tín hiệu gì của nàng cả! Chắc nàng muốn ngày nào ra ngày nấy, chứ dễ gì nhận gộp quà sinh nhật vào 20/10 đúng không!

Bạn thì sao, ngày dự sinh của bạn có sắp tới như mình không? Lại hồi hộp chờ đợi tiếp nhé! Cảm ơn bạn đã lắng nghe, và mong sẽ gặp lại bạn ở các số sau! Bye bye!

Kết nối thêm với mình:
– Instagram: danlonpodcast
– Email: oanhdnd@gmail.com
– Facebook cá nhân: Oanh Duong Sam

****

Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.