Chào các bạn! Cảm ơn các bạn đã quay trở lại với Podcast thứ 2 trong Podcast Dần lớn, thuộc chuỗi Podcast ghi lại những kỷ niệm về hành trình mình mang thai em bé đầu lòng.
Mình đang ở tuần thứ 7 của thai kỳ và đây là một tuần bắt đầu nổi sóng nổi gió với mình. Đã có đau đớn, nước mắt, mệt mỏi, buồn nôn xen kẽ với những lúc khoẻ mạnh nhiều niềm vui. Để mình kể các bạn nghe!
Con dần lớn
Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc cập nhật xem em lớn đến đâu rồi. So với tuần trước, ở tuần thai thứ 7, kích thước của em bé chỉ tăng lên không nhiều. Sách vở nói là giờ đây kích thước của em bé đã bằng quả blueberry, tức là to hơn hạt sen của tuần trước 1-2mm.
Tôi rất thích quan sát hình dáng phát triển của bào thai trong giai đoạn các tuần 5 tuần 6 tuần 7 này. Giai đoạn này, bào thai phát triển từ phôi có hình dáng rất giống với phôi thai của các loài động vật khác như chó, thỏ, rùa, cá. Điều này thể hiện nguồn gốc động vật của loài người. Tất nhiên qua thời gian, phôi thai của mỗi loài lại phát triển theo những hướng khác nhau, phát triển thêm hoặc bỏ bớt đi những phần không phù hợp nữa. Tuy nhiên, mình vẫn thấy thú vị khi quan sát được quá trình tiến hoá của sinh vật trong chính sự phát triển của bào thai.
Quay lại với em bé, từ tuần thứ 7 này, mắt của em bé mới thành hình rõ rõ, và nhất là cánh tay. Em bé đã bắt đầu có vai, cánh tay, và bàn tay xoè mang như một mái chèo chứ chưa rõ ngon tay. Ở tuần này, dây rốn kết nối em bé với mẹ cũng đã phát triển lên kích thước tương đối ổn định, và đã tích cực truyền máu từ mẹ vào cho em bé rồi đấy. Đến giờ nghĩ về việc trong bụng mình đang có 1 con người lớn lên mình vẫn thấy kỳ diệu!
Ở tuần 7 này, mình trải nghiệm việc nghén rất rõ nét. Những dấu hiệu của một mẹ bầu nghén điển hình đã xuất hiện không thể nào chối cãi nổi.
Đầu tiên là người mình không chỉ thấy mệt, mà thấy rất mệt. Có những ngày mình mệt đến mức chỉ nằm ngủ suốt. Sáng ngủ dậy, ăn sáng xong mình lại đi ngủ. Trưa ăn trưa xong mình ngủ tiếp đến 4h chiều tỉnh dậy mới thấy khoẻ khoẻ lại. Tối 10h hơn lại mệt và buồn ngủ rồi lên giường đi ngủ luôn.
Bên cạnh việc ngủ nhiều, mình còn dễ say xe. Hôm nào khoẻ hiếm hoi thì không sao, còn lại chỉ đi xe một đoạn ngắn 10 phút mình cũng thấy mệt. Một hôm mình hào hứng lên đường đi siêu thị Việt Nam ở cách nhà 30 phút lái xe để được ăn cốc chè sương sa hạt lựu đang thèm. Đến nơi, quán chè đóng cửa, còn người mình thì rã rời nôn nao. Đấy là mình còn mang theo 1 quả quýt để ngửi mùi cho đỡ say rồi. Từ hôm đấy mình không dám đi chơi xa nữa.
Trong tuần này, mình xuất hiện biểu hiện nghén với thịt động vật. Có hôm đi siêu thị, chỉ nhìn vào quầy thịt là mình đã nôn nao trong người. Đến khi nấu ăn mình cũng thấy sợ, mình nấu mà không dám nếm, và ăn được một miếng thịt gà hay tí thịt băm xào cà chua thôi là phải từ bỏ. Mình sợ thịt rồi chẳng ăn được mấy vào các bữa chính.
Theo quan điểm của mình thì việc không ăn thịt không ảnh hưởng đến sức khoẻ của chúng ta nhiều. Người ta vẫn ăn chay trường, hoặc ăn các chế độ hoàn toàn từ bỏ thịt và các sản phẩm từ động vật mà không hề gặp vấn đề gì về sức khoẻ cả. Các mẹ bầu theo các chế độ này vẫn mang thai và sinh con khoẻ mạnh, em bé sinh ra vẫn phát triển bình thường.
Vậy nên mình cũng bình tĩnh với việc này và chọn những cách thay thế như là rang muối vừng với các loại hạt hoặc sao một lọ ruốc để ăn với cơm. Bên cạnh đó, mình cũng ăn đầy đủ rau xanh màu đậm, phong phú hoa quả đủ màu sắc hương vị và ăn thêm các loại hạt. Mình tin tưởng là cơ thể vẫn có thể tổng hợp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, bao gồm có cả chất đạm.
Tất nhiên, nếu bạn có thể bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng từ phong phú các loại thịt cá, rau củ quả, vẫn sẽ tốt nhất. Nhưng nếu không thoải mái với việc ăn một loại thực phẩm nào đó, mình vẫn sẽ có cách thay thế. Ăn gì cũng được, chỉ cần mẹ bầu giữ tinh thần thoải mái là được.
Tuần trước mình có chia sẻ về việc mình vẫn chưa được đi khám thai và vẫn đang đợi bác sĩ gia đình giới thiệu bác sĩ sản. Mình đã đợi thêm đến ngày thứ 10 mà vẫn không nhận được tin gì, nên hai vợ chồng quyết định lại chủ động tìm kiếm. Một đồng nghiệp của chồng mình đã giới thiệu một bác sĩ đã đỡ đẻ cho vợ của anh ấy và không ngớt lời khen. Vợ chồng mình quyết định thử liên hệ luôn với bác sĩ này. Gọi điện đến đặt lịch hẹn, phải mất đến gần 10ph, cô trực tổng đài mới giúp mình sắp xếp lại lịch của bác sĩ để đưa lịch khám thai lần đầu của mình vào lịch trình của bác sĩ. Và lịch đó phải sang đến cuối tuần thứ 9 mình mới được đi khám thai.
Mình đã phải hỏi lại cô trực tổng đài là mình đang ở tuần 7 rồi, việc khám thai ở tuần 9 có phải là quá muộn không? Cô ấy bảo mình là ở Mỹ này, việc khám thai lần đầu thông thường từ tuần 8 đến tuần 10. Cô ấy cũng cố hết sức để sắp cho mình một lịch phù hợp rồi nên mình không cần lo lắng mà cứ yên tâm giữ gìn sức khoẻ đợi đến ngày đi khám thai. Nghe cô trực tổng đài nói thế, mình cũng an tâm hơn. Sau đó mình đọc thêm ở hai quyển sách kinh điển là What to Expect và Guide to a Healthy Pregnancy cũng thấy việc khám thai lần đầu đúng là thường rơi vào từ tuần 8 đến tuần 10.
Nói là yên tâm hơn, nhưng ngay sau khi dứt cuộc điện thoại đặt lịch khám, mình đã phải khóc thút thít mất một lúc. Đó là lần đầu tiên mình khóc từ lúc biết tin mang thai đến giờ. Mình đã nghĩ là đáng lý mình có thể làm tốt hơn mà sao mình không cố gắng để được đi khám thai sớm hơn. Đáng lý mình có thể cố gắng chủ động hơn chứ không phải chờ đợi ai. Có lẽ cảm giác chính xác nhất là mình cảm thấy mình chưa làm đủ tốt trong vai trò này.
Đến khi bình tĩnh lại, mình hiểu rằng việc mang thai và làm mẹ là một việc quá mới mẻ. Mình không thể mong đợi bản thân làm tốt ngay được, và phải sẵn sàng tâm lý cho rất nhiều thứ không hoàn hảo. Giống như đi làm vậy, không người mới đi làm nào không phạm phải sai lầm để rút kinh nghiệm ngàn lần cho tới khi trưởng thành hơn trong công việc, biết việc và thạo việc, được thăng tiến lên những vị trí chuyên môn cao hơn hoặc làm quản lý. Việc làm mẹ cũng vậy thôi, cơ hội được làm mẹ không nhiều, nhưng mình dặn bản thân đừng gây áp lực thêm nữa, mọi chuyện rồi sẽ ổn.
Mình từng xem vlog của một số người nổi tiếng và cũng có nghe họ chia sẻ cảm giác lo lắng và buồn bã khi suy nghĩ về việc mình có thể trở thành một người mẹ không đủ tốt. Như vậy đây cũng là một suy nghĩ, một cảm giác bình thường và phổ biến thôi. Nếu bạn cũng có cảm giác như vậy, cùng nhau chia sẻ nhé, và chúng ta rồi sẽ ổn thôi!
Mẹ dần lớn
Nối tiếp câu chuyện đặt lịch khám thai với bác sĩ, mình xin chia sẻ với các bạn về những mốc khám thai quan trọng mà mình tìm hiểu và ghi nhớ cơ bản để nắm được. Một khi đã theo một bác sĩ khám thai rồi, mình nghĩ là chúng ta cứ căn cứ theo lịch hẹn của bác sĩ để tái khám và làm các xét nghiệm quan trọng theo lịch trình mang thai thôi. Tuy nhiên, mình nghĩ nếu nắm được những mốc quan trọng cũng giúp chúng ta chủ động chuẩn bị thời gian, tâm lý và một số kiến thức cần thiết hay các câu hỏi phù hợp cho từng lần khám thai tương ứng.
Trong suốt hành trình mang thai, chúng ta sẽ có khoảng 10-12 lần khám thai. Nếu tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, ta sẽ có khoảng 40 tuần thai. Từ tuần thứ 4 đến tuần 28, các mẹ bầu sẽ đi khám thai trong 1 tháng 1 lần. Từ tuần 29 đến tuần 36, số lần đi khám tăng lên, 2 tuần cần đi khám 1 lần. Sau đó, từ tuần 37 đến tuần 40 là khoảng thời gian quan trọng, chúng ta có thể sinh em bé bất kỳ lúc nào, nên mẹ bầu cần đi khám hàng tuần để sẵn sàng cho việc sinh em bé!
Sau khi tìm hiểu, mình thấy mỗi lần khám thai đều quan trọng để nhìn thấy tổng quan sức khoẻ của mẹ và sự phát triển của em bé, và có rất nhiều xét nghiệm cần thực hiện. Tuy nhiên mình ghi lại ở đây, 4 mốc quan trọng mà mình thấy cần ghi nhớ nhất.
- Mốc từ tuần 11 đến hết tuần thứ 14 trong Tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ.
Đây là thời điểm vàng để bác sĩ tiến hành siêu âm độ mờ da gáy và thực hiện Double Test hay còn gọi là Combine Test – Xét nghiệm sàng lọc để đánh giá nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi, có thể dẫn đến các biểu hiện như Hội chứng Down, Edward v.v. Nếu nguy cơ cao được phát hiện, các bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu hơn cần thực hiện, hoặc thực hiện thêm Tripple Test ở mốc thời gian 16-18 tuần. Bên cạnh đó, ở mốc này, các bác sĩ cũng sẽ làm xét nghiệm để tầm soát các nguy cơ tiền sản giật – một trong những biến chứng thai sản nguy hiểm nhất đối với mẹ bầu và em bé.
- Mốc từ tuần 20 đến tuần 24 trong Tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ.
Trong mốc này, em bé đã phát triển rất đầy đủ và rõ nét, giúp cho các bác sĩ có thể siêu âm và nhìn được chính xác hình thái của thai nhi nhằm phát hiện những dị tật bẩm sinh về mặt vật lý ở cơ thể em bé. Các bác sĩ cũng sẽ đánh giá được dấu hiệu sinh non bằng cách đo chiều dài kênh cổ tử cung.
- Mốc từ tuần 25 đến tuần 28 trong Tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ.
Ở mốc này, các mẹ bầu sẽ được làm xét nghiệm dung nạp đường. Xét nghiệm này giúp phát hiện nguy cơ tiểu đường thai kỳ, nguy cơ tăng huyết áp và tiền sản giật. Mẹ bầu cũng sẽ được tiêm mũi uốn ván đầu tiên. Mũi thứ hai sẽ được tiêm muộn nhất 1 tháng trước ngày dự sinh.
- Mốc khám thai vào tuần 30-32 thai kỳ trong Tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ.
Thời điểm này thai nhi đã lớn, những bất thường chưa phát hiện được ở các mốc khám thai trước đó thì nay đã có thể thấy rõ. Khám thai đúng lịch ở giai đoạn này sẽ giúp bố mẹ chủ động trong công tác chuẩn bị cho ngày con chào đời: chuẩn bị tâm lý, lựa chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ, sinh vào thời điểm nào, cách chăm sóc, điều trị cho bé sau sinh nếu có vấn đề đã được phát hiện trước đó.
Mẹ ăn gì khi con dần lớn
Đến với phần cuối – Mẹ ăn gì khi con dần lớn, tuần này mình chẳng có gì để chia sẻ cả. Mình thèm ăn nhiều món Việt Nam, nhưng lại không thoải mái với thịt nên gần như không nấu món gì mà thấy ngon miệng cả. Đây là nỗi buồn lớn của mình vì mình rất thích nấu ăn và hay thèm đồ ăn lắm.
Thay vào ăn, mình có 3 đồ uống có vị mà mình làm để uống thay cho nước lọc để đạt chỉ tiêu uống đủ nước mỗi ngày. Để mình chia sẻ với các bạn!
- Trà đen pha loãng, thêm 1 ít mật ong với vài lát cam vàng hoặc chanh vàng.
Mình không dám để trà quá đậm sợ lượng caffein cao lại khó ngủ. Mật ong giúp diệt khuẩn, tăng sức đề kháng. Cam và chanh giúp tăng hương vị cho đồ uống. Vị nước nhạt nhạt thôi nhưng cảm giác fresh và dễ uống hơn nước lọc.
- Sữa hạt.
Mình ngâm khoảng 10 hạt điều và hạnh nhân với một quả chà là qua đêm. Hôm sau mang xay mịn với 300ml nước ấm là được một cốc sữa hạt thơm ngon. Hạt có thể rang hoặc không rang, không ảnh hưởng đến chất lượng của sữa đâu. Nếu muốn tăng vị ngọt, bạn tăng lượng chà là lên. Công thức các loại sữa hạt thì phong phú lắm, cứ có cỡ 5 loại hạt là kết hợp nhoè luôn ấy.
- Sinh tố rau xanh.
150ml nước hoặc sữa hạt với một nắm rau xanh như spinach hoặc kale và vài miếng hoa quả tuỳ loại bạn có là ra một cốc khoảng 250ml uống no căng lại bổ sung thêm rau. Mình thường uống trong khoảng 1 tiếng trước bữa ăn tối. Bạn có thể tạo ngọt bằng chuối hoặc chà là. Nếu dùng nước không, bạn có thể thêm 1 vài loại hạt vào để bổ sung chất béo. Với một cốc thì 4-5 hạt điều là ngon rồi ấy. Mình toàn thái sẵn hoa quả bỏ ngăn đá, lúc xay với rau và nước là vừa mát luôn, không cần bỏ thêm đá. Bạn có thể dùng nước hoặc sữa để mát, hoặc thêm đá nếu các nguyên liệu đều không lạnh nhé.
Mình lười uống nước lắm nên vẫn đang tiếp tục tìm những cách để bổ sung nước cho cơ thể. Uống đủ nước giúp ích rất nhiều cho bà bầu, mà nhất là có thể giúp giảm phần nào những biểu hiện mệt mỏi và chứng đau đầu nhẹ của những tháng mang thai đầu tiên nên mình càng cố. Các bạn cũng cố gắng uống đủ nước nhé!
Chia sẻ thêm với các bạn cách tính lượng nước mà cơ thể cần uống mỗi ngày:
Lượng nước (ml) = Cân nặng (kg) x 30
Ví dụ nếu bạn nặng 50kg, mỗi ngày bạn nên uống 1500ml nước, tức 1,5l nước. Nước uống vào cơ thể bao gồm cả nước giải khát (nước lọc, trà, cà phê, nước ép…), nước từ đồ ăn (món nước như bún phở, canh, trái cây…).
Uống quá nhiều hơn lượng nước cần thiết có thể gây áp lực cho gan và thận, nhất là khi gan và thận của mẹ bầu trong thời gian này phải làm việc nhiều hơn để lọc máu nuôi dưỡng cơ thể mẹ và em bé.
Tuần bầu thứ 7 với những nghén ngẩm, những cảm xúc buồn – vui cũng đã qua. Hẹn gặp lại các bạn vào thứ 7 tuần sau nhé!
Podcast của mình sẽ lên vào tối thứ 7 hàng tuần trên các nền tảng Spotify, Apple Podcast, Google Podcast.
Chào bạn và hẹn gặp lại!