Hiểu về cơn gò chuyển dạ giả giúp mẹ bầu chủ động với những cơn đau gò “tập trận” xuất hiện từ tuần 22 trở đi, và sẵn sàng đón nhận cơn gò chuyển dạ thật sẽ đến bất kỳ lúc nào trong tháng cuối thai kỳ.
Cơn gò chuyển dạ là hoạt động mở đầu hành trình sinh. Cơn gò có thể xuất hiện trước, sau hoặc cùng lúc với việc vỡ ối. Lúc này, tử cung sẽ co bóp – tạo nên những cơn gò cảm nhận được để di chuyển em bé xuống cổ tử cung, báo tín hiệu cho cổ tử cung xóa dần và mở ra, đưa em bé ra ngoài.
Quả thực mình không hề biết lại có cả cơn gò chuyển dạ giả. Mình ngây thơ nghĩ khi sớm mà đau cứng bụng thì là đau thôi, chả phải cơn gò gì cả. Gọi là cơn gò chuyển dạ giả nghe quả là ấm ức, nhưng đó thực ra là cách mà tử cung đang luyện tập để chuẩn bị cho những cơn gò thật cũng như thời khắc chuyển dạ. Cơn gò chuyển dạ giả có tên Tây là cơn chuyển dạ Braxton Hicks – đặt theo tên cái người đầu tiên nghiên cứu về nó.
Các mẹ bầu có thể bắt đầu gặp các cơn chuyển dạ giả từ cỡ tuần 22-24 trở đi. Các mẹ sẽ gặp nhiều hơn ở 2-3 tuần cuối trước khi sinh, lúc này cơ thể và tử cung luyện tập chăm chỉ hơn mà! Điều cần biết từ bây giờ đó là chúng ta cần phân biệt giữa cơn gò chuyển dạ giả với những cơn gò thật sự, để chủ động trong mọi tình huống, nhất là khi gặp nguy cơ sinh non và khi ta sắp xếp chuẩn bị đi đẻ.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa cơn gò chuyển dạ giả và thật là việc chỉ khi có cơn gò thật, cổ tử cung mới xóa mở. Tuy nhiên, đây không phải là thứ mà ta quan sát được rõ ràng khi chưa có trợ giúp của nhân viên y tế. Vậy chúng ta sẽ phân biệt hàng thật – giả dựa trên 4 yếu tố này nhé: tần suất, mức độ và thời lượng, cách cơn gò ứng xử khi ta hoạt động, và vị trí của cơn gò.
1. Tần suất:
- Cơn gò giả xuất hiện không có tần suất cố định, lúc gò lúc không, không đều đặn, và không xuất hiện với tần suất dày dần lên.
- Trong khi cơn gò thật sẽ xuất hiện đều đặn và thường xuyên hơn. Đến khi chúng xuất hiện hơn 6 lần trong một tiếng, tức cách đều 10 phút một lần, bạn nên bắt đầu liên lạc với bác sĩ đỡ đẻ của mình và chuẩn bị để di chuyển đến bệnh viện rồi.
2. Mức độ và thời lượng
- Cơn gò giả không có thời lượng cố định, thường ở mức gò yếu thôi, lúc nọ lúc kia không ổn định, nhưng cũng không đau mạnh.
- Trong khi cơn gò thật kéo dài từ tối thiểu 30 giây đến 60 giây lúc ban đầu, và sẽ ngày càng lâu hơn, mạnh hơn. Sách vở dạy là nếu có cơn gò, mang đồng hồ ra theo dõi cả tần suất và thời lượng. Nếu ổn định, đích thị là cơn gò thật rồi. Nếu cứ gò đau lúc này lúc nọ, mông lung như một trò đùa thì đó là cơn gò giả.
3. Cách cơn gò ứng xử khi ta hoạt động
- Cơn gò giả thường sẽ dừng lại nếu mẹ bầu đi bộ nhẹ nhàng, ngồi nghỉ lại, hoặc đổi tư thế.
- Trong khi cơn gò thật dù có làm gì, đứng ngồi nằm bò… đều sẽ không mất đi hẳn, thậm chí còn đau mạnh hơn nếu mẹ bầu di chuyển.
4. Vị trí cơn gò
- Cơn gò giả thường ở chính giữa bụng dưới
- Trong khi cơn gò thật sẽ đau quanh bụng, đau cả bụng trước và phần lưng ở đốt thắt lưng, đau từ vùng dưới bụng lên tận phần chân ngực.
Theo như sách vở nói, càng gần tuần dự sinh, các cơn gò giả sẽ xuất hiện nhiều hơn, và có thể đau đớn hơn so với chính chúng trước đó. Những lúc như vậy, nếu thấy không thoải mái, bạn có thể đi tắm nước ấm, và uống thật nhiều nước để xoa dịu.
Lưu ý rằng khi có cơn gò chuyển dạ thật với tần suất mau, thường là 5 phút một lần và ngày càng ngắn lại; hoặc bạn đã vỡ ối rồi nhưng vẫn chưa thấy cơn gò, bạn nên di chuyển ngay đến bệnh viện.
Mình đã từng gặp cơn gò giả khá mạnh vào tầm tuần 19-20 mà mình cũng đã chia sẻ trên podcast. Sau đó được bác sĩ chia sẻ và đọc sách, mình mới biết đó là cơn gò giả. Đến cỡ 2 tuần nay là ở tuần 26-27, mình mới thi thoảng gặp lại những cơn gò giả này. Nó có thể là kiểu nhói đau tức bụng dưới đến sâu vào bên trong, xuyên ra đằng sau lưng. Có lúc nó lại là cơn gồng cứng của tử cung, dồn áp lực xuống dưới bụng, làm mình không ngồi được phải nằm nghỉ. Có lúc nó lại âm ỉ âm ỉ đau tức bụng như lúc chúng ta đến kỳ kinh nguyệt thôi, một lúc lại hết.
Từ lúc biết hơn về các cơn gò giả, mình cũng quan sát kỹ hơn và quả thực là nó khá phong phú thú vị. Bởi vậy nên chúng ta cùng nắm chắc để có hình thức nghỉ ngơi phù hợp khi các cơn gò giả xuất hiện. Đồng thời, thu thập kinh nghiệm để phân biệt rõ được giữa cơn gò giả và cơn gò thật khi bắt đầu đến tháng cuối của thai kỳ – lúc mà khả năng sinh non tăng cao. Hiểu về cơn gò giả cũng là cách để ta hiểu về cơn gò thật, tức là chúng ta sẽ chủ động hơn vào ngày sinh chính thức rồi!
Hãy cùng mong chờ ngày đó nhé!
Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast nhé!
OanhDuongSam
—-
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!