Trong blog này, hãy cùng học xem một em bé sơ sinh sẽ có những vấn đề sức khỏe nào mà chúng ta cần biết!
Đây cũng là số đầu tiên của chuỗi chủ đề Chăm sóc trẻ sơ sinh mà mình sẽ học và chia sẻ với các bạn cho đến khi mình sinh. Cùng học với mình cho vui nhé!
Trước hết, hãy cùng xem ngay khi ra đời, em bé sẽ được kiểm tra những chỉ số sức khỏe và chăm sóc sức khỏe như thế nào.
1. Đánh giá chỉ số Apgar
Ở bệnh viện mình sẽ sinh, đa phần các kiểm tra này sẽ được thực hiện trong lúc em bé tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau khi sinh mà không cần mang em bé đi đâu cả. Bao gồm, đo chỉ số Apgar 2 lần, sau khi sinh 1 phút và 5 phút. Đây là chỉ số đánh giá sức khỏe của em bé theo thang từ 0 đến 10, dựa trên các tiêu chí về màu sắc trên da, nhịp tim, khả năng phản xạ, chức năng cơ, chức năng hô hấp. Chỉ số này cơ bản chỉ đánh giá ngay lúc sinh. Nhiều em bé với chỉ số này thấp vẫn phát triển ổn thỏa nhé!
2. Cân đo
Thường sau khi mẹ cho bé bú cữ đầu tiên, em bé sẽ được mang đi cân đo chiều cao, cân nặng, chu vi đầu, đo nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở. Lúc này em bé và bố mẹ cũng sẽ được gắn băng đeo tên để không lạc nhau.
3. Thuốc và vaccine
Em bé sẽ được tra thuốc mắt để bảo vệ thị giác, tiêm vitamin K giúp con tăng cường chống đông máu và tiêm mũi vaccine Viêm gan B sơ sinh. Ở Việt Nam, có thêm mũi vaccine chống lao.
4. Kiểm tra chức năng
Em bé sơ sinh ở bên Mỹ này, sau 12 tiếng sau sinh sẽ được kiểm tra chức năng để xem con có bất kỳ vấn đề dị tật nào không. Ví dụ như bướu huyết thanh – có thể xuất hiện do con liên tục phải húc đầu vào cổ tử cung để mở đường ra, kiểm tra môi và hầu (tật sứt môi – chẻ vòm hầu), đếm ngón tay, ngón chân, kiểm tra tật dính ngón, cột sống của bé (tật chẻ đôi đốt sống), bé có đi phân su hay có tiểu chưa, cơ quan sinh dục ngoài và một vài bất thường khác.
5. Sàng lọc sơ sinh
Trước khi xuất viện, em bé sẽ được kiểm tra các vấn đề sức khỏe khác nữa, thông qua việc lấy máu ở gót chân. Ở Việt Nam, mình được biết là không thực hiện xét nghiệm sàng lọc này. Nếu gia đình nào có nhu cầu thì trả thêm tiền để thực hiện ở các bệnh viện tư. Gói cơ bản sẽ kiểm tra 3 bệnh lý phổ biến nhất ở châu Á gồm:
- Thiếu men GPD – loại men giúp cơ thể biển đổi các thành phần có hại thành vô hại trong cơ thể, lâu dần tích tụ trong máu sẽ làm tăng khả năng vàng da, thiếu máu.
- Suy giáp bẩm sinh.
- Tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh – bệnh gây rối loạn sự phát triển cơ quan sinh dục hoặc quá trình dậy thì của trẻ, nhất là bé gái.
Các bệnh này nếu được phát hiện sớm để can thiệp đều có thể chữa trị được.
Ở Mỹ, em bé của mình sẽ được kiểm tra thêm các bệnh khá khác, và thậm chí là mỗi bang ở Mỹ lại yêu cầu sàng lọc các bệnh lý khác nhau. Ví dụ như là rối loạn chuyển hóa acid amin (thường có trong đạm động vật), rối loạn chuyển hóa carbohydrate (chất đường bột), bệnh u xơ nang… Bên cạnh đó còn có kiểm tra cả thính lực của em bé và dị tật tim bẩm sinh nữa.
Với trẻ sơ sinh, ngoài việc chăm sóc sức khỏe như 5 điều mình vừa chia sẻ ở trên, còn có các vấn đề sức khỏe khác chúng ta cần theo dõi trong thời gian đầu:
1. Đầu của em bé sơ sinh sẽ có phần thóp mở
Đầu của em bé sơ sinh, nhất là ở em bé sinh thường qua đường âm đạo, có thể sẽ hơi bẹt, hoặc bị kéo dài, hoặc méo mó một chút. Hiện tượng này là bình thường do phần xương hộp sọ còn mềm, và được để mở một mảng nhỏ ở thóp để em bé dễ chui ra ngoài hơn. Bởi vậy mà chúng ta cần để ý phần thóp của em bé, không để có những tác động mạnh, sẽ làm ảnh hưởng đến xương sọ. Sau khoảng 9-18 tháng, phần xương sọ sẽ liền lại hoàn toàn, không còn phần thóp mở này nữa.
2. Da của em bé khi sinh sẽ có khá nhiều vấn đề thú vị
- Gây trắng bọc ngoài da: Không nên lau hay tắm sạch hết lớp gây này đi. Lớp gây này sẽ thấm vào da giúp bảo vệ da của con.
- Bệnh hạt kê: Em bé có thể nổi những hạt trắng li ti trên mặt, sẽ hết trong khoảng 1-2 tuần tuổi.
- Bệnh cứt trâu: Đây là lớp bám cứng cứng ở trên đầu, lẫn vào tóc. Chỉ cần khi tắm mẹ lau gội, hoặc bình thường chải đầu bằng lược mềm cho con là lớp này sẽ bong dần đi.
- Bớt hồng cam (bớt cá hồi, bớt cò mổ): Đây là hiện tượng nổi vệt màu hồng cam do mao mạch bị giãn nở, thường xuất ở mặt, tay chân hoặc sau gáy. Em bé nào cũng có bớt hồng cam trước khi sinh. Sau khi sinh, các bớt này cũng xuất hiện rất phổ biến và có thể sẽ biến mất sau 1-2 tuổi, hoặc tồn tại như những bớt hồng mãi luôn.
- Chàm xanh (bớt Mông cổ): xuất hiện phổ biến ở trẻ Đông Á và châu Mỹ châu Phi do sắc tố da và sẽ nhạt mờ mất dần đi khi em bé lớn lên.
- Nổi mụn đỏ nho nhỏ: Xuất hiện trên mặt, cổ và lưng, ngực, thường cũng sẽ tự hết sau khoảng 1-2 tháng.
3. Cắt bao quy đầu
Với các bé trai, bố mẹ có thể cân nhắc cắt bao quy đầu cho em bé ngay từ sơ sinh nếu đánh giá là cần thiết. Tuy nhiên, đây là quyết định của gia đình, có thể thực hiện hoặc không. Ở Mỹ hiện nay, bạn có thể cân nhắc lựa chọn và báo với bác sĩ trước khi sinh. Bệnh viện sẽ thực hiện cho em bé trước khi về nhà.
4. Vàng da sinh lý
Tỷ lệ ở Mỹ là hơn 50% trẻ sơ sinh gặp hiện tượng vàng da sinh lý, xuất hiện ở da và mắt và rõ hơn sau khoảng 2-3 ngày sau sinh và cũng sẽ dần hết. Việc cho con bú mẹ thường xuyên sẽ giúp bệnh lý này mau hết. Nhưng nếu mức độ vàng da cao, có thể em bé sẽ cần chiếu đèn, hoặc có can thiệp y tế.
5. Nhiễm trùng, nhiễm virus
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa đủ để chiến đấu với mọi loại vi khuẩn. Do đó có một số loại nhiễm trùng có thể nguy hiểm với trẻ sơ sinh hơn là với trẻ trưởng thành hay người lớn. Ví dụ nếu mẹ có vi khuẩn liên cầu khuẩn nhóm B ở đường sinh dục, hoặc bất kỳ loại vi khuẩn nào trong quá trình mang thai, hoặc virus HIV, em bé sẽ được bác sĩ khuyến cáo các biện pháp phòng khuẩn.
6. Sụt cân sinh lý
Trẻ sơ sinh nào cũng sẽ sụt cân sinh lý trong tuần đầu tiên, khoảng 10% so với lúc mới sinh. Thật ra là mất đi lượng nước úng trong cơ thể sau suốt 9 tháng con nằm trong nước ối. Cùng với việc bài tiết phân su, và thay lông, tóc, da… Nếu được cho bú đầy đủ và hấp thụ tốt, thông thường các em bé sẽ hồi cân lại bằng lúc mới sinh sau khoảng 2 tuần.
Ở Mỹ, trẻ sơ sinh được yêu cầu thăm khám với bác sĩ nhi lần đầu trong vòng 3-5 ngày sau sinh để được kiểm tra các vấn đề về sức khỏe, cả từ vận động, phản xạ, thính giá, thị giác, tim phổi, vàng da, đến các bệnh lý đáng chú ý như mình đã chia sẻ. Lần tiếp theo là trong khoảng 2-4 tuần tuổi. Và sau đó là định kỳ 1 tháng một lần rồi dần giãn ra. Trong 2 lần khám đầu tiên, bác sĩ cũng sẽ trao đổi để em bé bắt đầu lên lịch tiêm chủng.
Ở Việt Nam, quy trình này hơi khác nhỉ! Các gia đình sẽ chủ động tìm hiểu về tiêm chủng – các mũi cần thiết, tiêm ở đâu, tiêm theo lịch như thế nào. Và chỉ đưa em bé đi thăm khám bác sĩ nếu cần thiết, hoặc khi con đau ốm. Tuy nhiên, mình lại khá thích khái niệm “well-baby visit” ở Mỹ, chỉ những lần thăm khám bác sĩ dù không mang bệnh để kiểm tra sức khỏe tổng quát. Có lẽ ở Việt Nam cũng nên như vậy!
Trên đây là toàn bộ các vấn đề về sức khỏe của trẻ sơ sinh mà các bố mẹ cần quan tâm ngay khi trẻ sinh ra đến ít nhất 1 tháng đầu tiên của con. Mong là giúp ích được cho các bố mẹ! Nếu còn thiếu điều gì, chúng ta lại cùng học thêm nhé!
OanhDuongSam
Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast!
****
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!