Để hiểu về sự phát triển của con và đồng hành cùng con từ những ngày đầu tiên, mình tìm hiểu thêm về các đợt phát triển tinh thần và thể chất của con.
Những khái niệm vừa quen vừa lạ, nhưng thường sẽ khiến con mệt mỏi, khó chịu ra mặt. Bao gồm: Wonder week – tuần phát triển kỹ năng và tinh thần, Growth Spurt – thời kỳ phát triển thể chất, Tuần trăng mật, Tuần lễ đỉnh điểm cáu giận, Giờ cáu giận và Khóc dạ đề.
Bên cạnh khoa học về sữa mẹ, khoa học về nếp sinh hoạt cho con, mình thấy kiến thức khoa học về tuần phát triển kỹ năng và tinh thần của trẻ nhỏ là một trong những kiến thức giúp mẹ hiểu con và sẵn sàng đương đầu với những lúc con khó ở một cách chủ động, thay vì mông lung lo lắng, không biết phải làm gì, hay buộc phải tin vào những kiến thức dân gian như “giờ ma làm”, hay phải dùng đến các biện pháp dân gian chưa chắc đã mang lại kết quả tốt cho con.
Hãy cùng tìm hiểu về những khái niệm trên nhé!
1. Wonder weeks: Tuần phát triển kỹ năng và tinh thần
Wonder week còn được gọi là tuần khủng hoảng. Chính vì trong giai đoạn này, con quấy khóc hơn hẳn bình thường, và đảo loạn nếp sinh hoạt.
Đây thực chật là những giai đoạn mà con học hỏi và phát triển vượt bậc một kỹ năng mới. Cũng giống như người lớn, khi được học một thứ mới mà mình đam mê vậy. Con cũng sẽ thấy mông lung về cuộc đời (haha) khi được luyện tập một thứ quá mới mẻ, trong khi con rất nóng lòng thành thạo kỹ năng đó, muốn chuyên tâm học hành. Từ đó, con trở nên khó chịu trong người, quên cả các việc khác. Con vì thế mà trở nên khó tính hơn, hay quấy khóc và bám dính lấy người chăm sóc, mong cầu sự vỗ về, an ủi, động viên từ người mà con thấy an tâm nhất khi ở gần.
Các biểu hiện khiến bố mẹ đau đầu trong những tuần phát triển kỹ năng và tinh thần này là:
- Nếp ăn ngủ đang tốt đẹp có thể thay đổi.
- Con sẽ: Clingy – đeo bám, crankiness – cáu kỉnh, crying – khóc lóc.
- Theo thống kê, thời lượng của wonder week sẽ kết thúc sau một khoảng thời gian, cỡ 1-6 tuần.
Lợi ích lớn lao khi chúng ta cùng con trải qua wonder week là con học thêm một kỹ năng mới quan trọng và phát triển kỹ năng đó vượt bậc. Ba mốc đáng quan tâm bây giờ nhất là mốc tuần 5-8-12.
- Thời gian các nhà khoa học thường thấy là: Tuần 5-8-12-19-26-37-46-55-64-75.
- Tuần 5: Nhận thức về thế giới bên ngoài bắt đầu thay đổi, cảm nhận được xung quanh.
- Tuần 8: Nhận thức các khuôn mẫu bằng mọi giác quan, phân biệt bản thân với mọi thứ khác.
- Tuần 12: Cử động uyển chuyển hơn, cảm nhận được xung quanh rõ ràng, sinh động hơn.
Khi con đến wonder week, sau đây là những việc các bố mẹ có thể làm cho con qua cơn bĩ cực:
- Cho con ngủ giấc đêm sớm hơn bình thường 30-45 phút để con có thêm thời gian nghỉ ngơi, hoặc (rủi hơn) là để con có thêm thời gian gắt gỏng khó chịu trước khi đi vào giấc ngủ thông thường – kiểu ta trừ hao.
- Cắt đi 1 giấc ngày, để đêm con mệt hơn, ngủ tốt hơn, sớm hơn.
- Không ép con ăn, con có biểu hiện đói thì mới cho ăn. Điều này sẽ tránh để con chán việc ăn uống. Khi qua wonder week, con sẽ ăn ngủ bù và lớn trở lại thôi! Người ta bận học mà, ăn ngủ gì tầm này (haha).
- Quan tâm con nhiều hơn, cùng chơi các trò chơi luyện tập kỹ năng mà con đang học.
- Khi con quấy khóc, bố mẹ hãy giúp con quên đi sự khó chịu bằng việc ra ngoài chơi, cho chơi hoạt động con thích nhất, ví dụ như chơi món đồ chơi con yêu thích nhất, cho con nghịch nước…
- Kiên nhẫn đợi vì wonder week không phải là bệnh mà sẽ qua đi sau 1 khoảng thời gian.
2. Thời kỳ phát triển thể chất (Growth Spurts)
Thời kỳ phát tiển thể chất dễ bị nhầm với wonder week – tuần phát triển kỹ năng và inh thần do con có biểu hiện dậy đêm, ban ngày thỉnh thoảng cáu gắt.
Nhưng khác với wonder week – khi con phát triển trí não, kỹ năng, tinh thần, thời kỳ phát triển thể chất là lúc để con phát triển mạnh về chiều cao, cân nặng.
Biểu hiện là con ăn nhiều hơn, đòi ăn nhiều, có thể ngủ kém hơn, cáu bẳn nếu sữa về không kịp. Khi được đáp ứng đủ đồ ăn, con sẽ ngủ ngon và phát triển rõ rệt về thể chất.
Các giai đoạn phát triển thể chất thường kéo dài 3-12 ngày, rơi vào các mốc: 7-10 ngày tuổi, 3 tuần tuổi, 6 tuần tuổi, 2-3 tháng tuổi, 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi, 9 tháng tuổi. Sau các thời kỳ này, con quay lại nhịp độ và có thể là lượng ăn bình thường. Hoặc con chuyển sang ăn nhiều hơn nhưng khoảng cách xa hơn do tích trữ năng lượng tốt hơn.
Để phục vụ đủ nhu cầu ăn tăng lên, mẹ hãy tìm cách tăng lượng sữa mẹ cho con trong mỗi cữ:
- Cho bú thường xuyên hơn vào ban ngày. Ví dụ thay vì khoảng cách giữa hai lần ăn là 3h/lần thành 2,5h/lần. Sau thời kỳ phát triển thể chất, lại quay lại với chu kỳ 3h/lần do con đã ăn được nhiều hơn và tích trữ năng lượng tốt hơn rồi.
- Sau khi con đã bú xong, con hài lòng, cho con nghỉ vài phút rồi tiếp tục để con bú thêm bên ti vừa cho bú 5-10ph để kích sữa cho phù hợp với nhu cầu ăn của con.
Một số mốc đáng chú ý sau sinh
1. Tuần trăng mật
- Trong 1-2 tuần đầu sau sinh, con sẽ rất ngoan và dễ chịu, chỉ ăn và sau đó ngủ những giấc khá dài (tổng thời gian ngủ 20-21h/ngày).
- Khi bé ngủ nhiều, tiêu tốn năng lượng ít hơn khi thức, các cơ quan, giác quan của cơ thể nghỉ ngơi. Do đó dù ăn ít, bé vẫn có thể phát triển tốt.
- Ban ngày, tối đa 3h gọi con dậy ăn một lần, đêm đến để con ngủ theo nhu cầu.
- Nếu có tuần trăng mật: mẹ hãy tận hưởng và nghỉ ngơi để sẵn sàng cho thời gian sắp tới.
- Nếu không dậy ăn nhiều bữa, không hỗ trợ mẹ kích sữa về được nhiều, mẹ có thể kích sữa bằng máy hút sữa hoặc vắt tay, dùng cốc hứng sữa thêm mỗi lần con bú.
2. Tuần lễ đỉnh điểm siêu cáu gắt
- Sau 2-3 tuần con chỉ ăn và ngủ ngoan cả ngày, mọi thứ thay đổi: cáu gắt, gào khóc, không ngủ, bú mút ti mẹ không giảm được sự gắt hờn, đêm con dậy liên tục, không chịu ngủ lại, con có thể bú liên tục (mốc 6 tuần), không chịu bú (mốc 8 tuần).
- Đây là giai đoạn phát triển tất yếu, kéo dài từ 3 ngày đến 2 tuần, khốc liệt nhất vào tầm chiều tối 6-8 giờ (witch hour).
- Có nhiều phân tích của khoa học nhưng chưa có kết luận về nguyên nhân: Có thể do thành phần sữa mẹ thay đổi do hormone trong cơ thể mẹ thay đổi, hoặc có thể do khủng hoảng giấc ngủ đầu đời làm hệ thần kinh của con bị quá tải, khiến con quấy khóc không kiểm soát.
- Sau giai đoạn này: có vài ngày đến 1 tuần con sẽ ngủ tốt, li bì để lấy sức lại. Mẹ hãy để dành thời gian nghỉ ngơi cho thời kỳ tiếp theo.
3. Phân biệt Giờ cáu gắt (witch hour) và Khóc dạ đề (colic).
Người phương Tây gọi là giờ mà làm, khoa học gọi là thời khắc chuyển giao. Nếu không đi kèm sốt, đây là một tình trạng hoàn toàn bình thường. Con sẽ khóc không kiểm soát trong khung giờ từ 6-8 giờ tối.
Trong khi nếu con khóc dạ đề (colic), con sẽ khóc tổng hơn 3 giờ/ngày, 2 ngày/tuần, nhiều hơn 3 tuần/tháng. Dấu hiệu của khóc dạ đề là con khóc nhiều, nắm chặt tay gồng mình, đầy bụng xì hơi, vặn vẹo người, mặt đỏ gay gắt, đầu gối co lên tận ngực. Khóc dạ đề diễn ra vào các khung giờ cố định trong ngày, đều đặn như đồng hồ hẹn giờ.
Với cả hai loại khóc cáu này, bố mẹ đều có thể áp dụng các phương pháp trấn an con để dỗ dành, hỗ trợ, đồng hành cùng con đi qua khoảng thời gian khó khăn này. Các cách bạn có thể làm là: Bế con trong địu để con được trấn an, đưa con đi ra ngoài chơi, để con nằm trong nôi và đẩy qua lại trong nhà, dùng tiếng ồn trắng và cuốn bé.
Trên đây là các kiến thức rất cơ bản về những đợt phát triển thể chất và kỹ năng, tinh thần của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hy vọng rằng với cơ bản những điều này, chúng ta sẽ sẵn sàng, chủ động hơn khi tình huống thực tế diễn ra. Đến lúc đó, tùy từng em bé, và tình hình cụ thể, chúng ta sẽ tìm cách đương đầu tiếp! Chuyện gì rồi cũng sẽ qua mà, phải không!
Kết nối thêm với mình:
– Instagram: danlonpodcast
– Email: oanhdnd@gmail.com
– Facebook cá nhân: Oanh Duong Sam
****
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!