Trong phần Mẹ dần lớn của số podcast về tuần thai thứ 17, mình lại tiếp tục chia sẻ một chủ đề rất hay liên quan đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đó là về máy hút sữa. Đến bây giờ, khi thực sự hiểu về cơ chế tạo sữa mẹ, mình mới vỡ lẽ ra rằng bấy lâu nay mình vẫn hiểu nhầm vai trò của máy hút sữa.
Trước hết, mình cần nói qua về cơ chế tạo sữa mẹ (bài blog chi tiết tại đây). Khi hiểu đủ về cơ chế tạo sữa mẹ, mình ngộ ra rằng con chính là “máy hút sữa” xịn nhất, còn bầu sữa mẹ sẽ chẳng bao giờ để thiếu sữa cho con cả. Cơ thể mẹ, theo cơ chế tạo sữa nhờ hormone và cơ chế cung-cầu: cung cấp đủ sữa theo nhu cầu của con chắc chắn sẽ tạo đủ sữa cho con bú. Trừ những trường hợp có vấn đề đặc biệt.
Đến các mẹ sinh đôi, như chị Đào Chi Anh – sáng lập chuỗi The Kafe trước đây, hiện đang nuôi hai em bé sinh đôi, vẫn có thể nuôi hai bé phát triển ổn định bằng bú mẹ trực tiếp hoàn toàn. Cho dù cả bác sĩ và y tá đều khuyên không nên làm như vậy. Đến nay đã là tháng thứ 5 rồi, nhưng chị Chi Anh không hề có vấn đề về chảy sữa, tắc tia, hay thiếu sữa cho con bú.
Các nội dung trong bài viết này được tổng hợp từ nội dung được Bác sĩ Anh Thy – Bác sĩ sữa mẹ chia sẻ tại YouTube cùng tên. Các bạn có thể xem thêm các video để nắm được chi tiết hơn các kiến thức này nhé.
Mình đã hiểu nhầm về máy hút sữa như thế nào?
Mình đã theo số đông và nghĩ rằng, việc sử dụng máy hút sữa sẽ mang sữa về nhiều nhất có thể cho em bé, đảm bảo không bao giờ em bé thiếu sữa. Vì vậy, sử dụng máy hút sữa là một việc phải làm!
Bên cạnh đó, mình cũng đã nghe rất nhiều mẹ chia sẻ về việc họ đau khổ thế nào với những cữ vắt sữa đều như vắt chanh, mỗi lần 30 phút đến cả tiếng, mà ngày phải 5-6 cữ như vậy. Rồi nhiều người mẹ đau đớn vì tắc tia sữa thường xuyên do không kịp hút sữa, hay đau đầu ti do sử dụng sai phễu hút. Lại có những mẹ vật vã vì thiếu ngủ do phải thức vắt sữa, cần người hỗ trợ để dành thời gian vắt sữa.
Ban đầu mình nghĩ đó là nỗi khổ mà bà mẹ nào nuôi con bằng sữa mẹ cũng phải chấp nhận và đối diện vượt qua. Nhưng hóa ra không phải vậy. Những hiện tượng này mặc dù có xuất hiện với các mẹ cho con bú trực tiếp, nhưng chỉ là trong thời gian đầu khi mẹ con tìm hiểu nhau và tìm ra cách cho bú hữu hiệu thôi. Còn một khi em bé và mẹ đã cùng nhau thông hiểu việc ti mẹ rồi, sẽ chẳng có những đau khổ mà các mẹ dùng máy hút sữa thường gặp phải đâu.
Vậy, công bằng thì chúng ta nên nhìn nhận rõ những ưu điểm và nhược điểm của việc cho con bú mẹ trực tiếp và sử dụng máy hút sữa hoàn toàn. Mục đích là để lựa chọn hình thức phù hợp với bản thân, tận dụng ưu điểm và khắc phục khuyết điểm của phương án mà mình lựa chọn.
Cho con bú trực tiếp – Ưu điểm và nhược điểm
Với hình thức Cho bú trực tiếp, có 5 lợi ích có thể kể rõ:
1. Tăng sự gắn kết của 2 mẹ con. Khi con bú trực tiếp, cơ thể mẹ tiết hormone oxytocin hiệu quả – loại hormone giúp đẩy sữa xuống tốt hơn. Do đó cho bú mẹ trực tiếp là cách giúp mẹ tiết sữa hiệu quả nhất.
2. Tốt cho sức khoẻ của mẹ và con. Hormon oxytocin giúp mẹ mới sinh giảm stress, hồi phục sau sinh tốt hơn, giảm trầm cảm sau sinh… Đối với con, việc bú mẹ giúp cơ hàm của con phát triển tốt hơn
3. Cho con bú trực tiếp ban đêm khỏe hơn cho mẹ vì không phải vắt sữa, hâm sữa, chuẩn bị sữa
4. Sữa bú trực tiếp là sữa tốt nhất, đảm bảo 100% vấn đề an toàn vệ sinh và hàm lượng chất dinh dưỡng
5. Khi mẹ quay lại đi làm, nếu ban ngày bạn không cho con bú, đêm về vẫn cho bú trực tiếp, cơ thể sẽ hiểu và sản xuất sữa đúng giờ cho em bé. Như vậy có thể duy trì sữa mẹ cho con dài. Nếu hút sữa bằng máy, không thể duy trì được lượng sữa này khi đi làm.
Tuy nhiên, Cho bú trực tiếp cũng có những nhược điểm của nó:
1. Không biết lượng sữa con bú có đủ hay không. Tuy nhiên, chúng ta có thể biết được bằng cách theo dõi các dấu hiệu bú đủ ở con. Mình sẽ chia sẻ nội dung này ở các số podcast tiếp theo. Cơ bản sẽ thông qua lượng tã ướt – tã bẩn mỗi ngày và cân nặng của con vào cuối tháng.
2. Sợ con bú vặt. Do ti mẹ có thêm chức năng trấn an con, nên nếu không phân biệt được khi con đang lo lắng tìm ti. Việc này tốt cho em bé, nhưng nếu mẹ lạm dụng việc cho con ti sẽ dễ làm con bú vặt.
3. Cần tập cho bé bú bình để chuẩn bị cho giai đoạn mẹ đi làm trở lại.
Hút sữa hoàn toàn – Ưu điểm và nhược điểm
Với hình thức Hút sữa hoàn toàn, có 2 lợi ích rõ ràng nhất:
1. Biết được lượng sữa con bú vào bao nhiêu, cảm giác con bú ra cữ hơn bú mẹ do dùng đúng cữ
2. Người nhà có thể hỗ trợ cho con bú mẹ để mẹ nghỉ ngơi – nhưng bù lại, mẹ phải dành thời gian hút sữa.
Những nhược điểm của việc hút sữa và cho con ti bình gồm có:
1. Em bé bị sai khớp ngậm. 6 tuần đầu tiên là hiệu quả nhất để con học cách chốt khớp bú với ti mẹ. Nếu em bé buộc phải ti bình từ đầu, con rất dễ bú sai khớp và bú không hiệu quả, ngay cả khi ti bình, dẫn đến việc phát triển cân nặng không tốt. Việc tập luyện lại cho đúng khớp và luyện ti mẹ trở lại sẽ rất khó khăn.
2. Cần chú ý đảm bảo vệ sinh dụng cụ cũng như trang bị kỹ kiến thức bảo quản sữa và sử dụng sữa rã đông.
3. Mất nhiều thời gian của mẹ dành cho con
4. Giảm thời gian nuôi con bằng sữa mẹ do không duy trì được việc hút sữa. Trong khi sữa mẹ rã đông uống trong vòng 4 tháng vẫn sẽ tốt hơn nhiều lần so với sữa công thức.
5. Chấp nhận nguy cơ tổn thương đầu ti, tắc tia do dư thừa sữa, và có thể không kích được đủ sữa cho con. Nếu mẹ có đầu ti nhạy cảm, có thể sẽ gây tổn thương đầu ti gây viêm nhiễm, khiến mẹ phải dừng việc cho con ti hoàn toàn.
Như vậy, theo lời khuyên của bác sĩ Anh Thy, nếu bạn sinh con đầu lòng, nên cố gắng cho con ti mẹ. Bạn không nên ngay lập tức lựa chọn dùng máy hút sữa vì không biết cơ thể của mình có phù hợp với máy hút sữa hay không. Trong khi lợi ích của việc cho con bú mẹ trực tiếp rất lớn.
Vậy, sử dụng máy hút sữa như thế nào là hiệu quả?
Mình nghĩ là chúng ta có thể sử dụng máy hút sữa, nhưng không phải là một việc BUỘC PHẢI LÀM. Mọi công cụ đều sẽ phục vụ con người hiệu quả nếu ta dùng nó đúng cách.
Một số lưu ý cần nhớ là:
1. Cho con bú mẹ trực tiếp là phương án tốt nhất để mẹ có nhiều sữa nhất, con bú hiệu quả nhất.
2. Sữa mẹ đã có sẵn ở bầu ngực khi con sinh ra, cho con bú sớm sẽ giúp con tập dần với việc bú mẹ. Nếu cho con ti bình ngay từ những ngày đầu, con sẽ rất dễ bỏ ti mẹ từ sớm.
3. Để hút sữa bằng máy hiệu quả, phải hiểu về Phản xạ xuống sữa và tạo được phản xạ này. Nếu không, sẽ không hút sữa hiệu quả, không rút được hết sữa ra, dễ gây giảm lượng sữa và tắc tia.
4. Với một số trường hợp và cơ địa các mẹ, vắt sữa bằng tay hiệu quả hơn vắt sữa bằng máy.
5. Nếu sử dụng máy hút sữa, hãy nắm kỹ kiến thức về vệ sinh dụng cụ và bảo quản sữa.
Quay lại với việc sử dụng máy hút sữa thế nào thì hiệu quả. Quả thực là trên thực tế, mỗi nhà một hoàn cảnh, và có rất nhiều tình huống có thể xảy ra đối với việc cho con bú. Hãy sẵn sàng kiến thức để linh hoạt sử dụng máy hút sữa, giúp cho hành trình nuôi con bằng sữa mẹ dễ dàng hơn. Ở đây, mình sẽ chia các tình huống thành 2 nhóm: Nhóm mẹ con có thể bú mẹ trực tiếp và Nhóm mẹ con không thể cho con bú trực tiếp.
Đối với Nhóm mẹ con có thể bú mẹ trực tiếp
Như đã nói ở trên, việc chúng ta ưu tiên vẫn là cho con bú mẹ trực tiếp. Vậy mẹ hãy cố gắng cùng con tập khớp ngậm và cho bú mẹ trực tiếp từ những ngày đầu tiên nhé. Còn máy hút sữa lúc này sẽ trở thành công cụ hỗ trợ hữu dụng của các mẹ trong các trường hợp sau:
1. Bạn muốn có sữa để sẵn cho con bú khi bạn cần đi ra ngoài
Bạn chỉ nên hút 1-2 cữ thêm mỗi ngày thôi. Hút nhiều hơn sẽ khiến cơ thể hiểu nhầm và sản xuất dư sữa, dễ gây phụ thuộc máy hút sữa và tắc tia.
2. Ngực bạn thừa sữa, căng cứng
Ví dụ có thể do con bú giảm lượng đi trong ngày hôm đó. Bạn có thể dùng máy hút sữa để vắt bớt một ít sữa nhằm giảm cảm giác căng cứng này. Tuy nhiên, bạn không cần vắt kiệt. Vì khi đó cơ thể lại hiểu nhầm rằng em bé đang bú nhiều lên, sẽ ra sức sản xuất thêm sữa. Thay vì dùng máy hút sữa, mẹ có thể vắt sữa bằng tay – hiệu quả tốt hơn máy hút sữa nếu làm đúng cách, đặc biệt với sữa non đặc ở những ngày đầu rất khó hút ra bằng máy hút. Hoặc dùng cốc hứng sữa – 1 sản phẩm mới mà mình thấy rất hiệu quả vì vừa rảnh tay, vừa tận dụng được phản xạ xuống sữa khi cho con bú.
3. Bạn muốn kích để con có thêm sữa bú
Nếu thấy con bú mẹ, nhưng không bú hiệu quả, ví dụ khớp ngậm của con chưa tốt, hoặc miệng con con bé quá với đầu ti, mẹ có thể hút sữa để kích sữa, làm dư lượng cho con bú thêm cữ khi con đói, hoặc bú song song thêm bằng bình. Bạn có thể hút sữa kích thêm từ 5-10 phút sau khi cho con bú để cơ thể mẹ nhận tín hiệu về lượng sữa dư nhé. Lưu ý rằng nếu con bú mẹ hiệu quả, thì con là máy kích tốt nhất. Tuỳ nhu cầu con sẽ tự mút bú thêm, bạn không cần dùng đến máy hút sữa nữa nhé.
4. Khi mẹ phải quay lại làm việc
Bạn có thể sử dụng máy hút sữa từ khi em bé được 4 tháng để tập cho em bé ti bình, và để dư một lượng sữa cho con uống trong thời gian sau này. Bạn cũng dần dần quen với máy hút sữa để duy trì việc hút các cữ ngày khi đi làm, song song với việc cho con bú mẹ vào buổi tối. Tuy nhiên, bạn cần xác định rõ nhược điểm của việc vắt sữa toàn thời gian để khắc phục các vấn đề gặp phải sao cho tốt, đừng để việc vắt sữa làm bạn phải từ bỏ việc nuôi con bằng sữa mẹ sớm nhé!
Đối với Nhóm mẹ con Không thể cho con bú mẹ trực tiếp
1. Khi hai mẹ con phải cách ly hoàn toàn trong thời gian dài
Đó có thể là do sức khỏe của em bé không tốt, hoặc sức khoẻ mẹ không tốt, hai mẹ con buộc phải cách ly nhau, hoặc bạn có vấn đề với các hormone tiết sữa hoặc việc cho con bú có những vấn đề khó khăn nhất định. Khi đó con không thể bú mẹ trực tiếp, cơ thể không có mục đích để thực hiện cơ chế hormone và cơ chế cung cầu. Vậy dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào, bạn vẫn có thể gọi sữa về bằng cách vắt sữa ra để tạo tín hiệu tiết sữa cho cơ thể.
Với các mẹ phải cách ly con, sữa vẫn có thể chuyển vào cho con uống, hoặc nếu con không được uống, bạn có thể mang cho những em bé khác. Với các mẹ sức khỏe không tốt, hay không có sữa, việc vắt sữa sẽ giúp cơ thể nhận tín hiệu và vẫn sẽ sản xuất sữa, dần sẵn sàng lượng sữa cho em bé bú ngay khi hai mẹ con được về bên nhau. Lúc này bạn cần duy trì vắt 8 cữ mỗi ngày, các cữ cách nhau 2-3h ban ngày và 3-4,5h ban đêm. Ban ngày, cữ hút có thể rút ngắn hơn, linh động theo giờ thức bú của con, để ban đêm có thể giãn cữ hút cho mẹ có giấc ngủ dài hơn. Không nên bỏ cữ hút nào vì như vậy cơ thể sẽ hiểu nhầm rằng con uống giảm đi, và làm giảm lượng sữa mẹ.
2. Trong trường hợp bạn phải quay lại làm việc
Bạn có thể hút sữa các cữ ban ngày khi mẹ đi làm để duy trì lượng sữa cho con. Tuy nhiên, sẽ tốt nhất nếu bạn kết hợp cho con ti bình với việc cho con bú mẹ trực tiếp vào buổi tối hoặc tranh thủ giờ trưa để duy trì lượng sữa mẹ lâu dài nhất!
Mình được biết một vài người bạn cho con ti mẹ đến ngoài 2 tuổi. Khi em bé đã ăn dặm, rồi đi học, lượng con bú mẹ sẽ giảm đi nhiều. Một ngày con có thể chỉ bú 1-2 cữ sau khi tan học về nhà. Như vậy cơ thể mẹ cũng không cần phải sản xuất quá nhiều sữa, mẹ cũng không cần vắt sữa mãi đến năm con 2 tuổi đâu. Cơ thể mẹ biết con cần bao nhiêu để sản xuất lượng sữa phù hợp mà. Vậy bạn đừng vội lo việc duy trì cho con bú dài sẽ khó khăn nhé.
Trên đây là những kiến thức mà mình tìm hiểu được về máy hút sữa và cách sử dụng chiếc máy này sao cho hiệu quả. Khi nắm được những ưu – nhược điểm của việc cho con bú trực tiếp và nuôi con bằng cách hút sữa hoàn toàn, cùng với những công dụng hữu hiệu của máy hút sữa, các mẹ có thể lựa chọn chủ động cho mình hình thức phù hợp. Tùy vào hoàn cảnh nuôi con của từng nhà, sức khỏe của hai mẹ con và rất nhiều điều khác, bạn hãy cứ linh hoạt lựa chọn cách thức nào tiện lợi nhất. Miễn sao chúng ta có thể duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ lâu dài nhất.
Với mình, những kiến thức trên đã phá vỡ hiểu lầm của mình về việc sử dụng máy hút sữa, và cho mình một tâm lý vừa vững vàng vừa nhẹ nhõm và đầy tin tưởng về việc nuôi con bằng sữa mẹ. Mình mong rằng những kiến thức này cũng sẽ hữu ích với bạn!
OanhDuongSam
Đọc thêm Series Nuôi con sữa mẹ:
- Cơ chế tạo sữa mẹ và chiếc máy hút sữa kỳ diệu nhất
- Hiểu đúng để sửa dụng máy hút sữa hiệu quả
- Khớp ngậm đúng khi cho con bú mẹ trực tiếp
- Dấu hiệu con bú đủ khi cho con bú mẹ trực tiếp
- Sữa mẹ tốt và cách để tốt sữa
- Cách kích sữa mẹ ngay từ những ngày đầu sau sinh
- Bảo quản và sử dụng sữa mẹ trữ đông đúng cách
Nguồn tham khảo:
- Sách The womanly art of Breastfeeding – La Leche League International
- Sách Guide to a Healthy Pregnancy – Mayo Clinic/ Myra J. Wick, M.D., Ph.D.
- Bác sĩ sữa mẹ Anh Thy
- Sách 68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con sữa mẹ – Lê Nhất Phương Hồng
—-
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!