OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

Hành trình chuyển dạ và sinh con tự nhiên diệu kỳ

Việc chuyển dạ và sinh con tự nhiên là điều mà mẹ bầu nào cũng mong muốn hướng đến. Hiểu về hành trình này, mẹ bầu sẽ tự tin hơn rất nhiều về năng lực làm chủ cuộc sinh của bản thân – nếu như không có vấn đề gì đặc biệt!


Hành trình chuyển dạ và sinh con tự nhiên bao gồm 03 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Cổ tử cung xóa mở, bắt đầu từ khi có cơn gò cho đến khi mở hoàn toàn 10cm
  • Giai đoạn 2: Cổ tử cung xóa mở hoàn toàn đến khi em bé ra đời
  • Giai đoạn 3: Từ khi em bé ra đời đến khi bánh nhau xổ ra

Việc chuyển dạ thường là một chuỗi các sự việc nối liền nhau, kéo dài vài giờ đến vài ngày. Thời gian chuyển dạ phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhưng sẽ có những dấu hiệu báo cho mẹ bầu biết ngày sinh sắp đến rồi. Mình đã chia sẻ ở blog này.

Khi cơ thể mẹ đã có những dấu hiệu báo chuyển dạ, bạn sẽ đến với hành trình chuyển dạ và sinh con, chúng ta cùng đi vào từng giai đoạn một.

Giai đoạn 1: Cổ tử cung xóa mở, bắt đầu từ khi có cơn gò cho đến khi mở hoàn toàn 10cm

Giai đoạn đầu tiên này dài nhất và chia thành 3 phần: chuyển dạ tiềm tàng, chuyển dạ tích cực và chuyển dạ chuyển tiếp.

1. Chuyển dạ tiềm tàng:

  • Trong thời gian chuyển dạ tiềm tàng, cổ tử cung mở từ 0 đến 6cm.
  • Các cơn gò giai đoạn này không mạnh, sẽ kéo dài trong 30-60 giây, cách đều 5 phút đến 20 phút một lần.
  • Lúc này, bạn cứ sinh hoạt bình thường do các cơn gò còn cách xa nhau. Bạn có thể dọn nhà cửa, xem ti vi xem phim, gọi điện cho mọi người, chuẩn bị đồ đi sinh.
  • Nếu các cơn đau khó chịu quá, bạn hãy nghỉ ngơi trên ghế hoặc di chuyển nhẹ nhàng. Hoặc bạn có thể đi bộ, tắm nước ấm, nghe nhạc, uống nước, ăn nhẹ để lấy sức.
  • Nếu bạn đau lưng, có thể thử chườm nóng hoặc chườm đá hoặc dùng bóng tennis lăn tròn trên lưng vùng đau.
  • Hãy nhớ theo dõi tần suất và thời lượng của cơn gò để xác định thời điểm đi bệnh viện (các cơn gò cách nhau 5 phút một lần).

2. Chuyển dạ tích cực:

  • Lúc này, cổ tử cung mở từ 6 đến 8 cm.
  • Các cơn co sẽ có tần suất dày đặc hơn, cường độ mạnh hơn, kéo dài khoảng 45 giây đến 60 giây, cách nhau 3-4 phút một đợt hoặc thậm chí 2-3 phút.
  • Bạn sẽ thấy khó chịu hơn với các cơn đau gò rồi. hãy áp dụng kỹ thuật thở phù hợp để tập trung vào hơi thở, thư giãn với cơn đau.
  • Khi cơn gò nghỉ, bạn hãy hít thở bình thường, lắc lư chuyển động cơ thể, đi bộ, buông lỏng cơ thể. Nếu điều kiện bệnh viện cho phép, bạn có thể chuyển động cùng quả bóng sinh, vận dụng các thư thế giảm đau khi chuyển dạ, tắm với nước ấm, ăn snack lấy sức.
  • Lúc này nếu thấy đau ngoài sức chịu đựng, tất nhiên, bạn có quyền hỏi về thuốc giảm đau.

3. Chuyển dạ chuyển tiếp:

  • Chuyển dạ chuyển tiếp sẽ diễn ra rất nhanh, cổ tử cung mở từ 8 đến 10 cm.
  • Các cơn gò sẽ trở nên dồn dập, kịch tính, kéo dài 60-90 giây.
  • Mẹ bầu sẽ thấy đau lưng ở thắt lưng và phần trực tràng. Cơ thể mẹ bầu đến lúc này sẽ mệt lắm rồi, có những mẹ bầu thậm chí buồn nôn và nôn hết đồ ăn ra do mệt mỏi. Người bạn có thể lúc nóng lúc lạnh, đổ mồ hôi. Chân bạn có thể bắt đầu run và chuột rút.
  • Càng gần thời điểm sinh, bạn càng có ít lựa chọn sử dụng thuốc giảm đau. Hãy bàn bạc với bác sĩ về thuốc giảm đau càng sớm càng tốt để có phương án phù hợp nếu bạn quá đau. Nhưng bạn cũng hãy cố gắng áp dụng phương pháp hít thở phù hợp để thả lỏng cơ thể trong những cơn đau. Cơ thể càng thả lỏng, bạn sẽ càng thấy cơn đau dễ chịu hơn.
  • Phần này sẽ diễn ra rất nhanh thôi, một tí đau là đủ 10 cm, và mẹ bầu sẽ ngay lập tức sang giai đoạn tiếp theo là giai đoạn sinh con. Bạn cứ giữ nhịp thở lên thật đều đến khi được bác sĩ hướng dẫn sinh.

Vậy là khi nào bạn thấy có các cơn gò chuyển dạ thật, bạn nên quan sát kỹ các cơn gò, đo thời gian và tần suất bằng đồng hồ. Hãy di chuyển đến bệnh viện khi bạn thấy cơn gò chuyển dạ đã xuất hiện đều đặn cách đều 5 phút – trong giai đoạn Chuyển dạ tiềm tàng, hoặc khi có các biểu hiện đặc biệt khác thường như vỡ ối mạnh, hoặc vỡ ối kèm nhiều máu.

Có khi đến bệnh viện rồi mà cổ tử cung chưa có dấu hiệu mở, bác sĩ vẫn sẽ bảo bạn quay về. Chuyện này là hết sức bình thường. Ở Mỹ, cổ tử cung phải mở tối thiểu 4cm bạn mới được nhập viện. Thời điểm nên đến bệnh viện lúc nào, bạn nên bàn trước với bác sĩ đỡ đẻ của mình để nắm rõ và kịp thời liên lạc với bác sĩ hoặc bệnh viện chuẩn bị khi bạn trở dạ.

Đến nay các bệnh viện ở Mỹ cũng đã cho phép sản phụ di chuyển để giảm đau và chuyển dạ ở tư thế ngồi xổm – Tư thế tốt nhất, thuận lợi nhất cho việc chuyển dạ tự nhiên và sinh con. Nguồn: Website Bệnh viện đa khoa Tâm Anh


Giai đoạn 2: Từ lúc cổ tử cung mở đủ 10cm đến khi em bé ra đời

Như vậy, cho đến khi cổ tử cung mở đủ, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn đẩy để giúp em bé chui ra ngoài. Trong tiếng Anh, họ dùng từ “push”, tức là “đẩy”. Đó là vì cơ chế của việc hỗ trợ em bé lúc này, là mẹ đẩy tử cung, hỗ trợ tử cung co bóp và đưa em bé ra ngoài.

Trong tiếng Việt, chúng ta dùng từ “rặn”, làm lầm tưởng rằng để đẩy em bé ra ngoài, nhưng thực chất chỉ tác động đến cơ sàn chậu hoặc cơ hậu môn. 2 nhóm cơ ở phần cửa ra này thực chất không giúp em bé chui ra được đâu!

Chính hành động rặn làm cơ thể mẹ căng cứng, căng thẳng, giảm tinh thần, khiến cơ thể mệt mỏi, giảm khả năng tiết hormone oxytocin. Thiếu hormone oxytocin, vòng lặp thúc đẩy chuyển dạ và sinh con hoạt động kém hiệu quả, khiến việc sinh nở càng khó khăn hơn, có thể kéo dài hơn cần thiết mà lại làm mẹ rất mệt.

Trong thời điểm mẹ đẩy để sinh, chỉ cần dùng kỹ thuật thở phù hợp để tác động lên cơ hoành và phần bụng, là mẹ đã hỗ trợ được em bé rồi. Chúng ta sẽ tìm hiểu về kỹ thuật thở phù hợp trong các nội dung sắp tới trên blog nhé!

Đi vào Giai đoạn 2, khi em bé đi từ trong tử cung ra ngoài, mình lại muốn nói thêm về sự kỳ diệu của tạo hóa khi em bé tìm cách “lách” vào đời qua cổ tử cung của mẹ. Khung xương chậu của mẹ có cấu trúc khá phức tạp, em bé sẽ phải luồn lách khôn ngoan mới chui ra được. Ở đoạn trên, khung xương chậu rộng nhất ở khoảng cách từ bên phải sang bên trái. Trong khi ở đoạn dưới gần lối ra, khung xương chậu sẽ rộng nhất ở khoảng cách từ trước bụng ra đằng sau.

Còn đầu của em bé to nhất là khoảng cách từ trước trán ra sau, và vai thì to nhất là từ bên phải sang bên trái. Bởi vậy mà em bé sẽ phải luồn lách trở người sao cho khoảng cách to nhất ở đầu và vai phải được xoay đúng vào nơi mà khung xương chậu của mẹ là rộng nhất.

Trên quãng đường chui ra, ban đầu em bé ban đầu sẽ quay nghiêng người về một trong hai bên hông của mẹ. Đi được nửa đường, em bé sẽ xoay người để phần đầu khớp với khoảng cách rộng nhất ở đoạn dưới của lối ra, tức ngửa ra trước bụng mẹ hoặc úp mặt về xương cụt. Khi đầu đã ra ngoài rồi, em bé lại xoay người một lần nữa về một trong hai bên hông của mẹ để vai có không gian rộng nhất chui ra.

Một khi vai đã trồi ra rồi, phần thân dưới sẽ theo đà và nhận thêm hỗ trợ đẩy của mẹ để lọt hết ra ngoài thôi! Ngay lúc em bé ra ngoài, em bé vẫn còn nối với bánh nhau trong bụng mẹ bằng dây rốn.

Một điều thú vị đó là em bé ra đời với chỉ 2/3 lượng máu cơ thể tích trữ được thôi, để cơ thể bé lại, dễ chui ra hơn. 1/3 còn lại sẽ được truyền vào người con sau đó qua dây rốn. Đợi đến khi dây rốn ngừng đập rồi thì em bé mới nhận được đủ lượng máu, lượng tế bào gốc và lượng sắt để sống xịn sò qua 6-9 tháng tiếp theo. Đó là lý do cần trì hoãn việc cắt dây rốn từ tối thiểu 3 phút, đến khi dây rốn ngừng đập. Bệnh viện bên Mỹ cho trì hoãn việc cắt dây rốn đến một phút. Tuy nhiên, mình sẽ trao đổi với bác sĩ để thời gian này kéo dài nhất có thể!

Sau khi được cắt dây rốn, chuẩn nhất là em bé sẽ được đặt lên bụng mẹ để tiếp xúc da kề da ngay lập tức, bắt đầu hành trình nghỉ ngơi, làm thân và cho con bú cữ đầu tiên của hai mẹ con. Ở nhiều bệnh viện, việc tiếp xúc da kề da chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, rồi em bé sẽ được mang đi để cân đo, kiểm tra sức khỏe. Nếu những việc đó có thể thực hiện trên bụng mẹ là tốt nhất. Nếu không, hãy thương lượng với bác sĩ để mang em bé về tiếp xúc da kề da với mẹ sớm nhất có thể. Bởi vì đó chính là môi trường tốt nhất cho em bé, cả về tâm lý lẫn ổn định sức khỏe.

Giai đoạn 3: Từ lúc em bé ra đời đến khi bánh nhau xổ ra

Thuận theo tự nhiên, sau khi em bé ra đời tối đa là 20 phút, bánh nhau sẽ tự bong ra. Để bánh nhau bong ra, cơ thể vẫn tiếp tục tiết hormone oxytocin, vừa để giúp mẹ tiết sữa, vừa để bánh nhau được tử cung co bóp sẽ bong ra tự nhiên.

Lúc này, tử cung vẫn sẽ tạo ra các cơn gò, nhưng bạn sẽ không cảm thấy đau nhiều như khi trở dạ sinh em bé đâu. Nếu bánh nhau không tự bong ra ngay, bạn có thể cần đẩy bánh nhau ra như cách đã đẩy em bé. Bác sĩ cũng sẽ hỗ trợ massage vùng bụng để đẩy nhanh tốc độ bong bánh nhau. Việc can thiệp bất kỳ hình thức nào khác đều không tốt cho hành trình sinh nở tự nhiên của cơ thể đâu nhé. Điển hình là việc tiêm hormone oxytocin vào đùi để kích thích việc bong bánh nhau – sẽ làm giảm khả năng tiết hormone oxytocin tự nhiên của cơ thể mẹ. Hoặc việc bác sĩ kéo dây rốn để lôi bánh nhau ra – việc có thể gây chảy máu nguy hiểm hơn so với việc bánh nhau bong tự nhiên.

Sau khi bánh nhau bong ra, bác sĩ sẽ kiểm tra xem bánh nhau có sót lại phần nào không và xử lý để đảm bảo tử cung trở về trạng thái tốt nhất. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ khâu tầng sinh môn bị rách của bạn và làm thêm các thủ thuật hỗ trợ hồi phục cổ tử cung sau sinh nếu cần thiết. Trong lúc này, bạn cứ tận hưởng niềm vui bên em bé thôi!

Nhìn em bé thư giãn trên bụng mẹ rồi lần đi tìm ti mẹ dễ thương thật sự! Nguồn: Bộ Y tế.


Trên đây là ba giai đoạn trong Hành trình chuyển dạ và sinh con tự nhiên mà mình đã học và đọc được thông qua các lớp học và sách vở. Biết về hành trình sinh tự nhiên rồi, mình tin tưởng rằng cơ thể người mẹ được tạo hóa xây dựng để sinh nở, và mọi thứ đều được tối ưu để phục vụ cho việc đó. Bài viết này thuộc Series Chuyển dạ và sinh nở, được chia sẻ trên Podcast Dần lớn và trên blog này.

Tuy nhiên, việc sinh nở tiềm ẩn những rủi ro. Bài viết tiếp theo trong series sẽ đi đến với các phương pháp sinh con khác ngoài sinh tự nhiên, trong đó có sinh mổ.

OanhDuongSam

Nguồn tham khảo:

  1. Sách Guide to a Healthy Pregnancy – Mayo Clinic/ Myra J. Wick, M.D., Ph.D.
  2. Website Bệnh viện đa khoa Tâm Anh
  3. Website Bộ Y tế – Mục Kiến thức
  4. Khoá học về “Trải nghiệm Thai kỳ tích cực và Sinh nở an yên” – Flowers Team (Mình đã học ở khóa học này rất nhiều kiến thức khoa học về hành trình chuyển dạ sinh nở, cùng với các kiến thức về Khuyến cáo của WHO cũng như nghị định của Bộ Y tế liên quan đến chuyển dạ, sinh nở và cho con bú).
  5. Các khóa học tiền sản về chuyển dạ và sinh nở (Build to birth của Bridget Teyler, Birth Class của Bệnh viện Baylor Scott & White – nơi mình sẽ sinh em bé. Mình đã học ở các khóa này về trình tự của hành trình chuyển dạ và sinh nở, các tư thế giảm đau tự nhiên, các loại thuốc giảm đau, cách mẹ thở để hỗ trợ em bé và cách em bé sẽ ra ngoài như thế nào).


****

Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.