OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

Giấc ngủ và nếp sinh hoạt phù hợp cho trẻ sơ sinh

Đến tận tuần thai thứ 37 mình mới bắt đầu “rờ tới” chủ đề hot hit – Giấc ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Số podcast tuần thai 37 lên sóng với chủ đề này, thuộc chuỗi chủ đề Chăm sóc trẻ sơ sinh.

Chủ đề này đã lấy cũng khá nhiều thời gian của mẹ bầu này để học, đọc sách và hỏi han bạn bè xung quanh. Vì mình hiểu việc em bé ngủ thế nào còn tùy theo ý trời (haha). Nếu con khỏe mạnh dễ ngủ thì may, nhưng nếu con có vấn đề gì về sức khỏe, chúng ta cứ thật linh động, chẳng thể làm gì khác ngoài thương con.

Bởi vậy, khi tìm hiểu về Giấc ngủ của trẻ sơ sinh, mình xác định mình nắm được nhiều kiến thức nhất có thể, để linh động trên tình hình thực tế và điều chỉnh phù hợp. Mình xin tổng hợp những gì mình học được, và chắt lọc lựa chọn thực hiện trong trường hợp thuận lợi nhất để chúng ta cùng chuẩn bị nhé!

Hiểu về giấc ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Dù đã chia sẻ qua từ các số trước, mình vẫn muốn chia sẽ kỹ hơn về giấc ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, là kiến thức để chủ động chăm sóc giấc ngủ của con:

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh bao gồm nhiều chu kỳ, mỗi chu kỳ bao gồm chu kỳ Non-REM và chu kỳ REM.

  • Chu kỳ Non-REM là chu kỳ ngủ sâu, toàn bộ cơ thể thư giãn, nhịp thở đều đặn và khó tỉnh giấc.
  • Chu kỳ REM là chu kỳ ngủ nông, mắt đảo nhanh: nhịp thở nhanh nhưng không đều, cơ thể động, có thể ú ớ hay nói mơ, dễ tỉnh giấc.

Tổng thời gian ngủ của con thường có 5 chu kỳ ngủ. Với trẻ sơ sinh, chu kỳ ngủ nông – chiếm 80%, còn chu kỳ sâu chiếm 20% thời gian ngủ. Với trẻ ngoài 3 tháng, tỷ lệ sẽ là 50-50% với hai loại giấc ngủ.

Chu kỳ REM có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong chu kỳ ngủ REM, não bộ hoạt động mạnh, cơ thể có cảm nhận, con sẽ tỉnh dậy nếu đói, phù hợp với trẻ sơ sinh khi dạ dày con còn nhỏ và lượng ăn tích trữ năng lượng ít. Lúc này, não bộ phát triển mạnh mẽ, nhân bản tế bào thần kinh. Trong giấc ngủ, con học làm chủ giác quan và các bộ phận cơ thể, ôn bài để học nắm, học lẫy, bò, ngồi, thậm chí là học ngôn ngữ nữa… Trong chu kỳ non-REM, con ngủ sâu và dành thời gian phát triển cơ và xương.

Mỗi đêm, khi trải qua 5 chu kỳ ngủ trọn vẹn liên tiếp thì bước sóng não trở nên mạnh mẽ hơn. Giấc ngủ càng sâu và dài, bước sóng ở REM càng mạnh. Do đó càng về sáng, giấc REM càng chiếm tỉ lệ lớn hơn, con càng dễ tỉnh, gầm ghè ọ ẹ và trở mình nhiều hơn.

Lớn dần, con sẽ ngủ ít đi. Trẻ sơ sinh, ngủ tổng 14-20 giờ mỗi ngày, cứ 2-3h dậy ăn một lần và ngủ liên tiếp. Dần dần, giấc đêm của con sẽ dài ra khi con biết ăn tích trữ năng lượng cho giấc ngủ dài, thậm chí có thể dài 4-6 tiếng liền mới tỉnh giấc xin ăn bữa đêm. Ngoài 6 tháng, con có thể duy trì ngủ giấc đêm 11-12 tiếng thẳng mà không cần dậy ăn, ban ngày chỉ 1-2 giấc thôi. Đến ngoài 4 tuổi, con sẽ chỉ cần ngủ giấc đêm 11-12 tiếng hoặc chia ra thêm 2 tiếng ngủ trưa mỗi ngày và 10 tiếng ngủ đêm tùy vào nếp sinh hoạt của gia đình.

Vui vui: Giấc ngủ của cháu mình khi cô bé đã ngủ ổn định, bỏ cuốn chũn hồi 6 tháng tuổi.


Mình chọn rèn nếp sinh hoạt cho con từ sớm

Hiểu về giấc ngủ của con, mình biết con có ngủ ngon mới phát triển tốt. Khi con ngủ ngon, con cũng sẽ ăn ngoan, ít quấy khóc, bố mẹ cũng có thêm thời gian nghỉ ngơi và dành cho bản thân. Bởi vậy nên mình tin tưởng vào việc tạo nếp sinh hoạt cho con ngay từ những ngày đầu. Nếp sinh hoạt chính là chu trình ăn – chơi – ngủ tuần tự và đều đặn hàng buổi, hàng ngày. Đó có thể là EASY mà các bạn hay nghe thấy. Hoặc chỉ đơn giản là một chu trình sinh hoạt tuần tự, lặp lại nhiều lần trong ngày để tạo cho con thói quen.

Người lớn của chúng ta cũng cần có giờ giấc sinh hoạt, trẻ nhỏ cũng nên được thiết lập giờ ăn – chơi – ngủ. Nếp sinh hoạt không phải thời khóa biểu, nhất nhất tuân thủ về giờ giấc. Cứ đúng chu trình ăn – ngủ – chơi trong những khoảng thời gian tương đối như nhau hàng ngày. Khi ba hoạt động quan trọng nhất này đi vào nếp sinh hoạt, con sẽ có nề nếp, ăn đủ, ngủ đủ, phát triển tốt. Bố mẹ chủ động đáp ứng đúng nhu cầu cho con ngay khi có tín hiệu đói hay tín hiệu ngủ, từ đó sắp xếp thời gian phù hợp dành cho con và cho bản thân.

Cá nhân mình cũng sẽ dựa trên nếp sinh hoạt EASY – Eat, Activity, Sleep, Yourself làm nền tảng để tạo chu trình sinh hoạt cho con. Nhưng mình cũng xác định rằng mọi kiến thức đều là cơ bản, mình sẽ điều chỉnh cho phù hợp với cân nặng, tính cách, tình trạng sức khỏe của con, với nếp sinh hoạt của gia đình và nhu cầu của bản thân. Miễn sao chúng ta đồng hành với con, hiểu được con và cùng con khôn lớn vui vẻ là được nhỉ!

Để thiết lập được nếp sinh hoạt cho con, mình cũng sẽ áp dụng sử dụng 4S, bao gồm: Swaddle, Sound, Suck, Swing – Cuốn chũn, Tiếng ồn trắng, Ti giả và Đu đưa con. Đây là cách thức đã được nghiên cứu và cũng có nhiều mẹ áp dụng thành công để đưa con vào giấc ngủ.

4S sẽ giúp con dần tự đi vào giấc ngủ dựa trên mục tiêu trấn an con, tạo cho con môi trường giống nhất với ở trong bụng mẹ để dễ đi vào giấc ngủ.

  • S1: Cuốn chũn Swaddle sẽ tạo không gian ấm và chặt như trong bụng mẹ, trong 3 tháng đầu sẽ giúp con giảm giật mình do vẫn còn phản xạ giật mình Moro. Sau 4 tháng, khi con biết lật, chúng ta sẽ cai dần cuốn chũn cho con, chuyển sang cuốn nhộng hoặc bỏ tay ra ngoài.
  • S2: Tiếng ồn trắng Sound mô phỏng các âm thanh giúp triệt tiêu tiếng động xung quanh. Tiếng ồn trắng có thể sẽ giống như tiếng nhịp tim và co bóp dạ dày trong bụng mẹ, tiếng sóng biển, tiếng gió…
  • S3: Ti giả Suck được cho là mô phỏng của ti mẹ – giúp trấn an con với lợi thế rất lớn là không khiến con nhầm lẫn với giờ ăn, dẫn đến ăn vặt nếu mút ti mẹ để trấn an. Ti giả theo mình là lựa chọn tùy thuộc vào cá nhân từng mẹ. Có những em bé cũng yêu thích ti mẹ hơn ti giả. Cá nhân mình lựa chọn sẽ giới thiệu ti giả của con sau 2 tuần trăng mật ăn ngủ thỏa thích và đã có khớp ngậm tốt với ti mẹ rồi. Ưu tiên ăn vui trước, rồi ngủ khỏe sau.
  • S4: Đu đưa con Swing mô phỏng cảm giác đung đưa như khi con nằm trong bụng mẹ, được mẹ đưa đi lại.

Như vậy, để con ngủ yên, dễ dàng đi vào giấc ngủ, mình lựa chọn sẽ cuốn con trong chũn, bật tiếng ồn trắng, kéo rèm tối, để nhiệt độ phòng mát mẻ phù hợp là 21-24 độ C, bế đu đưa con đến khi con lơ mơ vào giấc ngủ là đặt con nằm ngửa trên cũi riêng, vỗ nhẹ và dùng ti giả hỗ trợ nếu cần để con tự đưa mình vào giấc ngủ. Nếu con chưa ngủ ngay, mẹ vẫn nên rời phòng để con dần tìm cách tự ngủ.

Nếu sau đó con khóc, mẹ hãy áp dụng nút chờ – cách để con tự khám phá cách đi vào giấc ngủ, và mẹ cũng biết cách để lắng nghe tiếng khóc của con. Mẹ đợi 3-5-7ph để con tự tìm cách điều chỉnh và ngủ lại. Không được, mẹ mới vào trợ giúp bằng cách đặt lên môi con và chờ con nút ti lại. Nếu con không có nhu cầu, không ép ti giả vào miệng con. Khi con đã ngủ mà ngậm ti giả, không rút ti ra mà để tự rơi ra khi con ngủ say.

Những lưu ý về rèn giấc ngủ và nếp sinh hoạt cho con

Về việc rèn nề nếp và giấc ngủ của con, mình tổng hợp được một số lưu ý như sau.

1. Trình tự sinh hoạt cần phù hợp với lứa tuổi của con

Với trẻ sơ sinh 0-2 tuần tuổi, việc thực hiện nếp sinh hoạt là không quá cần thiết. Lúc này hai mẹ con còn đang học để con làm quen với môi trường mới, mẹ làm quen với vai trò mới. Bởi vậy hai mẹ con cứ cho nhau ăn ngủ theo nhu cầu và bản năng của con. Lúc này ta chỉ cần áp dụng nút chờ để học về tiếng khóc của con – cách mà con giao tiếp với chúng ta.

Sau đó, các mẹ có thể bắt đầu lên nếp sinh hoạt cho con. Nếu theo nếp EASY sẽ là từ EASY 3 – chu kỳ 3 tiếng bao gồm cả ăn – chơi và ngủ, rồi lên EASY 3,5 – chu trình 3,5 giờ để chuyển tiếp lên EASY 4 – chu trình 4 giờ vào tháng thứ 4. Sau tháng thứ 4, con sẽ chuyển sang EASY 2-3-4 – với chu trình cuối cùng dài nhất trong 4 giờ và kéo dài ổn định với nếp sinh hoạt đó vì con đã quen rồi mà. Nếu không theo EASY, bạn cũng cứ thiết lập nếp sinh hoạt đều đặn theo chu kỳ ăn – chơi – ngủ và điều chỉnh theo nhu cầu và biểu hiện của con.

Theo mình, việc hiểu về EASY sẽ giúp chúng ta linh hoạt trong việc xây dựng nếp sinh hoạt của con. Ta không cần nhất nhất phải 3 tiếng hay 4 tiếng. Nhưng ta biết để điều chỉnh, ví dụ có thể ngủ thêm 15-30 phút, hoặc chơi thêm một chút khi con có thể thức lâu hơn. Nhưng từ đó ta biết để phân biệt được khi nào con đói, khi nào đến lúc con cần đi ngủ, và đáp ứng đúng nhu cầu của con theo chu trình.

2. Hiểu và kết nối với con

Dù ở bất cứ lứa tuổi nào, bố mẹ cần chú ý đến tính cách, thể trạng của con và hoàn cảnh môi trường sống để rèn hay thay đổi nếp sinh hoạt. Ví dụ thời tiết lạnh quá cũng không cần thiết ngày nào cũng phải tắm rồi mới cho con đi ngủ. Hoặc ở những nơi mặt trời xuống muộn, có thể điều chỉnh lịch ngủ của con muộn hơn 1 chút, nhưng vẫn đảm bảo thời lượng ngủ.

3. Các sai lầm nên tránh:

  • Giữ con thức quá lâu: Cần phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu ngủ của con.
  • Thay đổi đột ngột: Một vài biến động nhỏ không thể làm ảnh hưởng nhiều đến bé sơ sinh. Khi áp dụng trình tự sinh hoạt, có thể đoán trước điều gì sắp xảy ra để đáp ứng nhu cầu đúng lúc cho con được vui vẻ.

4. Lúc tưởng đã ổn, mọi thứ lại thay đổi

Con luôn luôn phát triển, đôi khi là wonder week mà con ngủ quên ăn, hoặc mọc răng nên khó chịu khó ngủ. Bởi vậy, chúng ta cần nhận biết rõ vấn đề của con, chấp nhận vấn đề con đang gặp phải, điều chỉnh lịch sinh hoạt theo nhu cầu của con, đợi khi khó khăn qua, mọi việc sẽ tốt đẹp trở lại.

5. Ăn và ngủ liên quan mật thiết đến nhau

Con ăn đủ, sẽ ngủ ngon. Ngày ngủ đủ, đêm ngủ ngon và dài. Ăn vặt làm con nhanh đói, sẽ ngủ vặt, nhanh dậy. Ăn đêm làm con giảm ăn ngày, ngày thành ăn vặt rồi ngủ vặt. Bởi vậy nên một nếp sinh hoạt tốt sẽ giúp con ngủ tốt, ăn tốt, chỉ có lợi chứ không có hại đâu.

Cá nhân mình cũng thấy đây chính là những nút thắt để chúng ta không cần quá căng thẳng áp dụng dù là nếp sinh hoạt, hay cách đưa con vào giấc ngủ, nhưng vẫn biết chúng ta đang làm những điều tốt nhất cho con. Sự linh hoạt cũng giúp chúng ta không căng thẳng khi gặp khó khăn, tránh được tranh cãi với người nhà nếu mọi người không hiểu được những gì chúng ta đang làm.

Quan trọng nhất là kết quả cuối cùng. Khi con ngủ ngoan, ăn tốt, mọi người sẽ ghi nhận nỗ lực của chúng ta, như rất nhiều bà mẹ khác đã được công nhận! Hãy luôn giao tiếp dựa trên điều cốt lõi nhất mà tất cả mọi người đều quan tâm – đó là hướng đến một em bé khỏe mạnh, vui vẻ! Chúc chúng ta thành công (haha).

OanhDuongSam

Kết nối thêm với mình:

****

Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.