Nối tiếp chủ đề Nuôi con sữa mẹ, chúng ta đến với nội dung Dấu hiệu bú đủ của con khi cho con bú mẹ trực tiếp. Vì không biết lượng con ăn thế nào rõ ràng như ti bình, chúng ta sẽ soi cân nặng, chiều dài của con, lượng tã ướt tã bẩn để xem con ăn đủ hay không mà yên tâm trong chặng đường cho con ti mẹ!
Khi cho con ti mẹ, chúng ta không nhìn được lượng ăn rõ ràng như khi cho ti bình. Bởi vậy, nhiều mẹ lo lắng rằng con ăn đã đủ chưa. Việc con ăn đủ được nhận biết qua 4 yếu tố: Số lần bé bú mỗi ngày, Cân nặng và chiều dài của con, Tã ướt – nước tè của con, Tã bẩn – số 2 poo poo của con. Sẽ có sự khác biệt ở 7 ngày đầu sau sinh và thời gian sau đó. Cùng đi vào chi tiết nhé!
1. Số lần bé bú mỗi ngày:
Trong 7 ngày đầu sau sinh:
Trừ ngày đầu tiên con cần ngủ để hồi sức sau cú chào đời mệt mỏi vì lạ lẫm, con có thể chỉ bú 3-4 cữ. Từ ngày thứ 2, con sẽ bắt đầu tìm ti bú mẹ 2-3 tiếng một lần. Mỗi ngày con sẽ bú từ 8-12 lần.
Cứ đói con sẽ tìm bạn. Và kỳ diệu là hormon trong cơ thể của bạn cũng sẽ giữ bạn ngủ rất tỉnh để dậy cho con bú kịp thời. Các dấu hiệu đói của con chia thành 3 nhóm: Sớm – rõ ràng – trễ. Dấu hiệu sớm là khi bạn thấy con há miệng đớp đớp, quay đầu qua lại kiếm ti mẹ, hoặc đưa tay lên mút, hoặc cạp vào vai mẹ. Dấu hiệu rõ ràng là khi con nhăn mặt, quấy nhẹ ư ư, khóc tiếng ọ ẹ. Dấu hiệu trễ là khi con khóc lớn liên tục. Nhiều em bé ngủ quên đói quá, sẽ thể hiện dấu hiệu trễ là khóc lớn luôn ngay từ khi thức dậy.
Nhu cầu ăn trong 7 ngày đầu của con rất ít. Dạ dày con còn bé, nên ngày đầu con chỉ cần 7ml/cữ, bằng quả cherry nhỏ. Ngày thứ 2 con cần khoảng 13ml/cữ, bằng quả mơ vàng. Ngày thứ 3 con cần khoảng 27ml, bằng quả mận hậu. Ngày thứ 4 là khoảng 46ml/cữ, bằng quả trứng gà ta. Trong khi nhiều mẹ, ngay từ ngày đầu tiên khi nghĩ sữa chưa về, sợ con đói, đã pha bình sữa công thức khoảng 20ml/cữ – là nhiều dư với con, và có thể làm con thích ti bình mà sợ và không bắt đầu ti mẹ nữa.
Và vì nhu cầu của con chỉ tí xíu như vậy thôi, con cũng còn nhiều năng lượng dự trữ từ khi ở trong bụng mẹ, nên mẹ đừng lo thiếu sữa cho con nhé. Từ ngày thứ 3, sữa mẹ sẽ theo cơ chế hormone và cơ chế cung cầu mà về nhiều hơn. Mà cũng không phải ngày nào, cữ nào con cũng ăn lượng như nhau. Con bú giảm, cơ thể mẹ sẽ sản xuất ít đi. Con cần thêm, động tác bú mút thể hiện nhu cầu của con sẽ báo hiệu cơ thể mẹ sớm sản xuất đủ sữa cho con. Phải mất 4-6 tuần thì cơ chế cung cầu mới đi vào hoạt động êm ru, mẹ cứ từ từ mà tiến.
Từ tuần thứ 2 trở đi:
Từ tuần thứ hai trở đi, bé sẽ bú giảm xuống 8-10 lần/ ngày, lượng sữa tùy từng bé. Bé sẽ mút mạnh, chậm rãi, đều đặn và nuốt sữa liên tục khi có khớp ngậm đúng. Khi bú đủ và không gặp các vấn đề về tiêu hóa, con sẽ biểu hiện tinh thần vui vẻ, con ngủ tốt, chơi ngoan, ít quấy khóc, dậy ăn đều đặn mỗi 2-3 giờ, không bú vặt để kích sữa, không gắt đói thường xuyên.
Nếu ngực bạn nhỏ, lượng sữa chứa trong ngực ít hơn, con sẽ bú nhiều cữ hơn so với con của các bà mẹ có bầu ngực lớn. Nhưng vấn đề ngực nhỏ – ngực lớn chưa bao giờ ảnh hưởng đến chất lượng sữa hay tổng lượng sữa sản xuất cho con cả. Vì mẹ – con là cặp đôi hoàn hảo. Nên nếu mỗi cữ lượng sữa ít, con sẽ tự khớp với mẹ bằng cách bú nhiều cữ lên. Bởi vậy nên có em bé bú 10 cữ một ngày, có bé lại chỉ cần 7-8 cữ. Con sẽ bú theo nhu cầu của con, và mẹ chẳng cần phải vắt ra rồi đong đo xem được bao nhiêu sữa cả đâu.
2. Cân nặng và chiều dài của con
Để xem xét chuẩn xác nhất việc con bú đủ hay không, chúng ta dựa vào cân nặng và chiều dài của con, dựa trên bảng cân nặng – bảng chiều dài của WHO. Bạn có thể search trên mạng ra bảng này rất dễ dàng và các cách hướng dẫn theo dõi chi tiết. Dành một chút thời gian tìm hiểu, bạn sẽ tìm ra cách đánh dấu và đánh giá cân nặng của con theo bảng này thôi. Chỉ lưu ý với các mẹ rằng, cân nặng của con có thể dao động lên xuống nếu con gặp vấn đề sức khỏe. Nhưng chỉ cần sau khi khỏi bệnh, con phát triển cân nặng đi lên bình thường là yên tâm. Các trường hợp cân nặng đi ngang và lệch khỏi đường cơ sở mới đáng quan tâm và theo dõi nhé!
Riêng trong 7 ngày đầu, có những khác biệt mẹ cần lưu ý:
- Trong 3-4 ngày đầu, con sẽ sụt cân sinh lý khoảng 7% cân nặng. Nếu sụt quá 10%, cần xem xét con có bú thiếu hay không. Lưu ý là, các em bé có mẹ dùng thuốc giảm đau khi sinh sẽ tích nước nhiều hơn các em bé khác, gây nên hiện tượng sụt cân sinh lý mạnh hơn. Nếu con giảm mạnh, nhưng vẫn vui vẻ bú đủ cữ, ngủ ngoan, tè và ị bình thường thì không sao. Nếu con giảm nhẹ thôi, nhưng lại không có các dấu hiệu bú đủ khác, có thể con bú không đủ.
- Sau khoảng 10-14 ngày, con sẽ hồi cân lại bằng số cân lúc mới sinh. Nếu không đạt được mức cân ban dầu, có thể con cũng bú không đủ.
3. Số lượng tã ướt – nước tè của con
Vì sữa là nguồn ăn duy nhất của con, thay thế cả nước, nên việc theo dõi bỉm ướt là một cách khá đáng tin. Trong 5 ngày đầu, số bỉm ướt bằng số ngày. Ngày 1, một bỉm ướt, ngày 2, hai bỉm ướt, ngày 4, bốn bỉm ướt. Từ ngày thứ năm, con có 5 bỉm ướt trở lên. Bỉm ướt cũng chỉ là khái niệm tương đối do có mẹ thay bỉm thường xuyên, có mẹ thay khi bỉm nặng trĩu rồi.
Trong 3-4 ngày đầu, nhu cầu bú của con còn ít, nước tè có thể màu vàng hơi sậm. Trên tã có thể có thêm những vệt màu hồng là tinh thể urat – được tích tụ sau thời gian trao đổi chất lấy từ nhau thai của mẹ qua dây rốn. Nước tiểu sậm và tinh thể urat lúc này là hiện tượng bình thường, không đáng lo ngại. Từ ngày thứ 5 trở đi, nước tè của con, khi bú đủ sữa cũng sẽ dần có màu vàng nhạt. Nếu màu nước tiểu vẫn sậm, có thể con bú không đủ.
4. Số lượng tã bẩn – số 2 poo poo của con
Trong 4-5 ngày đầu sau sinh, sữa vào dạ dày sau khi được tiêu hóa sẽ làm mềm phân su đã tích lâu ngày và đẩy phân su ra ngoài. Phân su có màu đen hoặc nâu sậm, dần chuyển sang màu xanh rêu, nâu nhạt. Rồi từ sau đó, phân của con sẽ chuyển sang màu vàng hoa cải, thi thoảng xanh thôi. Nếu có ý định dùng tã vải cho con như mình, sách vở khuyên là nên dùng tã giấy đến khi hết phân su rồi hẵng dùng tã vải vì cái màu khó đỡ của nó đó (haha).
Lưu ý rằng, khi đã ổn định việc bú hơn, cỡ khoảng 4 tuần sau sinh trở đi, nhiều em bé có hiện tượng 7-10 ngày mới ị một lần. Các bác sĩ và sách vở đều lưu ý rằng: Sẽ không đáng lo ngại nếu con cách lâu ngày mới ị một lần, nhưng con không có biểu hiện quấy khóc thường xuyên, không chướng bụng, xì hơi tốt, sinh hoạt bình thường, bú và ngủ tốt, khi ị phân sệt và nhiều. Nếu không có các biểu hiện trên, có thể bé đang gặp vấn đề về đường ruột, cần phải kiểm tra với bác sĩ ngay nhé!
Trên đây là 04 biểu hiện mẹ cần theo dõi để xem con có bú đủ không. Nếu em bé của chúng ta có đủ các biểu hiện này, quá tốt rồi, hãy tiếp tục hành trình cho con ti mẹ của chúng ta! Nếu các biểu hiện này không đồng đều, có những vấn đề nổi bật, có thể con chưa bú đủ. Hãy tìm cách khắc phục và xem lại điều quan trọng là con đã có khớp ngậm đúng hay chưa, hay con đang gặp vấn đề gì về sức khỏe.
Nếu không tự xoay sở được, hãy tìm đến các bác sĩ, chuyên gia tư vấn về sữa mẹ, bác sĩ nhi khoa, để kịp thời can thiệp, giúp cho hành trình nuôi con sữa mẹ êm ả hơn nhé! Cứ thật bình tĩnh, tự tin các bạn ạ! Chắc chắn mẹ sẽ có đủ sữa cho con bú. Và chắc chắn sẽ có người hỗ trợ được vấn đề mà ta có thể gặp phải!
Hẹn các bạn ở blog tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục chuỗi nội dung về Nuôi con sữa mẹ với chủ đề về Sữa tốt và cách để tốt sữa nhé!
OanhDuongSam
Đọc thêm Series Nuôi con sữa mẹ:
- Cơ chế tạo sữa mẹ và chiếc máy hút sữa kỳ diệu nhất
- Hiểu đúng để sửa dụng máy hút sữa hiệu quả
- Khớp ngậm đúng khi cho con bú mẹ trực tiếp
- Dấu hiệu con bú đủ khi cho con bú mẹ trực tiếp
- Sữa mẹ tốt và cách để tốt sữa
- Cách kích sữa mẹ ngay từ những ngày đầu sau sinh
- Bảo quản và sử dụng sữa mẹ trữ đông đúng cách
Nguồn tham khảo:
- Sách The womanly art of Breastfeeding – La Leche League International
- Sách Guide to a Healthy Pregnancy – Mayo Clinic/ Myra J. Wick, M.D., Ph.D.
- Bác sĩ sữa mẹ Anh Thy
- Sách 68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con sữa mẹ – Lê Nhất Phương Hồng
- Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng – Trần Thị Huyên Thảo
- Nuôi con không phải là cuộc chiến, Quyển 1: Chào con – Em bé sơ sinh – Hà Chũn, Hương Đỗ
—-
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!