Thuộc chuỗi nội dung về Chăm sóc trẻ sơ sinh, trong blog này mình sẽ chia sẻ về một số kiến thức cơ bản cần biết về em bé sơ sinh để làm tiền đề cho việc chăm sóc con khoẻ mạnh và an toàn.
Đây là các kiến thức mình tổng hợp được từ sách vở và các lớp tiền sản mà mình học được ở bệnh viện mà mình chuẩn bị đi sinh. Bao gồm hai nội dung về Các hành vi cơ bản của trẻ sơ sinh và An toàn cho con. Theo mình, nếu biết được các kiến thức này này, bố mẹ sẽ có những kiến thức cơ bản cần biết để từ đó cho con ngủ – ăn – chơi an toàn, hiệu quả theo đúng nhu cầu và tính cách của con.
Các hành vi cơ bản của trẻ sơ sinh
1. Phản xạ chức năng
Trẻ sơ sinh có những phản xạ tự nhiên với những thứ gì chúng nghe thấy, cảm thấy. Bạn sẽ thấy các em bé có những phản xạ này ngay từ những ngày đầu sau sinh, thể hiện sự phát triển mạnh khỏe của hệ thần kinh trung ương. Nếu không có, nên thông tin với bác sĩ để can thiệp kịp thời:
- Phản xạ mút: Từ khi ở trong bụng, con đã biết cách mút rồi. Con tập với mút ngón tay. Đây là phản xạ giúp con mút ti mẹ để duy trì nạp dinh dưỡng.
- Phản xạ Palmar (Phản xạ nắm tay): Trẻ sơ sinh có phản xạ này ngay từ ngày đầu, vì con đã thực hành từ cỡ tuần 28 ở trong bụng mẹ. Phản xạ này thường được mô tả là sự gập và khép các ngón tay khi có kích thích tại vùng lòng bàn tay giữa ngón trỏ và ngón đeo nhẫn. Em bé sẽ nắm ngón tay của ta khi ta đưa ngón tay vào lòng bàn tay con.
- Phản xạ Moro (Phản xạ giật mình): Đây là loại phản xạ giúp bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng mất cân bằng đột ngột hoặc trong trường hợp gặp phải một kích thích bất ngờ bởi âm thanh, ánh sáng hay một cú chạm nhẹ. Con sẽ giật mình, nâng và duỗi tay và chân ra ngoài, thu tay và chân về lại thân mình, có thể khóc hoặc không.
- Phản xạ Babinski (Phản xạ của các ngón chân): Khi vuốt nhẹ vào gan bàn chân con, ngón chân cái của con kéo dài lên trên và phần còn lại của các ngón chân xòe ra hoặc cụp lại về phía gan bàn chân.
- Phản xạ bước: Em bé sẽ phản xạ đưa chân như bước đi khi được bế đứng trên một mặt phẳng.
- Phản xạ phòng vệ: Khi con nằm, cổ và đầu xoay về bên nào thì tay con sẽ chìa thẳng về hướng đó, tay còn lại gập khuỷu, tạo thành tư thế như đấu kiếm (haha).
2. Các giác quan của con
- Xúc giác là giác quan phát triển mạnh nhất. Con sẽ cảm nhận được nhiệt độ, chất liệu, áp lực và cả cảm giác đau nhé. Thậm chí con thấy đau cùng với mẹ trong lúc sinh. Do đó, tiếp xúc da kề da đạt hiệu quả rất cao, cũng như việc cho con được tự do bàn tay để khám phá thế giới là rát quan trọng.
- Thính giác của con bắt đầu phát triển từ giữa thai kỳ. Khi ra đời đã nhận được giọng nói của mẹ, cũng như rất thư giãn với tiếng ồn trắng – tương đối giống âm thanh con nghe thấy trong bụng mẹ.
- Ra đời, vị giác và khứu giác của con cũng đã phát triển đầy đủ. Do đó nhận ra mùi mẹ hay mùi sữa dễ dàng.
- Thị giác của trẻ sơ sinh là giác quan phát triểm chậm nhất. Trong vài tháng đầu, con chỉ nhìn được khoảng 25cm xa thôi, bằng khoảng cách từ bầu vú đến mặt mẹ. Nếu chơi với con, hãy dí sát mặt vào mặt con để con nhận diện bạn.
3. Dấu hiệu ngủ – thức:
Trẻ sơ sinh sẽ đi qua 5 giai đoạn với các dấu hiệu báo hiệu nhu cầu thức – ngủ. Nhận biết và phân biệt được sẽ giúp bạn đáp ứng nhu cầu ngủ của con sớm và giúp con ngủ ngon, luyện ngủ sau này cũng dễ dàng:
- Giai đoạn với các Dấu hiệu lặng yên: Con bình tĩnh, tỉnh táo, mắt mở to tròn, phản xạ năng động, cơ thể thư giãn. Đây là lúc phù hợp để chơi với con, trò chuyện, tummy time. Thời gian vui vẻ yên tĩnh này sẽ dài dần ra khi con lớn lên.
- Giai đoạn với các Dấu hiệu tích cực: Con vẫn tỉnh nhưng bắt đầu khó chịu. Con sẽ bắt đầu co chân co tay, ọ ẹ khó chịu, không tập trung chơi hay nhìn vào mặt bạn nữa. Lúc này bạn nên bắt đầu cho con đi ngủ để dễ chìm vào giấc ngủ.
- Giai đoạn với các Dấu hiệu lơ mơ ngủ: Mắt con lờ đờ, con ngáp ngủ hoặc thậm chí để lâu con có thể khóc gắt ngủ.
- Giai đoạn với các Dấu hiệu ngủ động: Con đi vào chu kỳ REM của giấc ngủ. Mắt dù nhắm cũng động qua lại. Em bé dễ tỉnh giấc, cơ thể có khi vặn vẹo. Lúc này não bộ đang hoạt động để phát triển.
- Giai đoạn với các Dấu hiệu ngủ tĩnh: Con đi vào giấc ngủ sâu. Mắt nhắm tĩnh, cơ thể nằm yên ít động đậy, khó gọi con dậy. Lúc này cơ thể đang phát triển xương và cơ.
Mỗi chu kỳ ngủ của trẻ sơ sinh sẽ dài 30 phút, bao gồm cả ngủ động và ngủ tĩnh. Chu kỳ này lặp lại liên tiếp, giúp em bé liên tục phát triển não và xương cơ, cũng như giúp con không ngủ sâu mà dễ dàng tỉnh dậy để ăn khi cơ thể có nhu cầu.
4. Dấu hiệu đói
Dạ dày trẻ sơ sinh rất bé. Sau một tuần, dạ dày con mới chỉ bằng quả nho và chứa khoảng 30-45ml sữa thôi, tức khoảng 6-9 thìa cà phê. Bởi vậy mà chúng ta sẽ phải cho em bé ăn rất nhiều lần trong ngày, thường cách 2-3 tiếng một lần, tức là 8-12 lần mỗi ngày, tùy vào em bé to hay nhỏ, bé trai hay bé gái… Khi dạ dày con to dần lên, thời gian giữa các cữ ăn sẽ giãn ra do con ăn được nhiều hơn, có nhiều năng lượng hơn rồi.
Các dấu hiệu cho thấy con cần ăn bao gồm 4 dấu hiệu sớm và 1 dấu hiệu muộn:
- Miệng chóp chép: Con mô phỏng phản xạ mút ti dù chưa được ti
- Đưa tay lên miệng mút mát
- Cơ thể không thư giãn nữa, chân tay bắt đầu co lên hạ xuống
- Xoay đầu tìm ti mẹ. Nếu được bế sẽ rúc đầu về phía ti mẹ
- Con khóc đòi ăn – đây là dấu hiệu muộn mà ta nên tránh. Cho ăn khi có 4 dấu hiệu sớm trên sẽ giúp con dễ vào khớp ngậm đúng và không gào khóc mệt mỏi, ăn sẽ kém hiệu quả.
Trong những tuần đầu tiên, dù đã luyện giờ sinh hoạt cho con hay chưa, bạn cũng hãy dựa vào các dấu hiệu báo đói của con để cho con ăn. Việc này sẽ giúp bạn quan sát và nhận biết được tốt các dấu hiệu này, cũng như để con trân trọng việc ăn, giờ ăn nữa. Đừng quá phụ thuộc vào khung giờ hay cứng nhắc là chắc chắn đúng boong 2 tiếng phải cho ăn. Con có thể ngủ sâu, dài thêm một chút rồi mẹ mới gọi con dậy để cho ăn. Khi dậy rồi nếu con chưa có dấu hiệu đói, mẹ cũng cứ trò chuyện thêm với con để con tỉnh táo hẳn, có rõ dấu hiệu rồi mới cho ăn nhé.
5. Tiếng khóc chính là cách con giao tiếp
Khóc là cách duy nhất để con nói cho bố mẹ về thứ mà con cần. Trẻ sơ sinh thường có 2 tuần trăng mật đầu tiên không khóc quá nhiều, rồi tăng dần đến đỉnh điểm là từ 6-8 tuần và giảm dần sau đó. Ban đầu, chúng ta có thể sẽ cần dành vài phút để lắng nghe tiếng khóc của con, đọc hiểu và phân biệt xem lý do nào thì con khóc kiểu nào. Để con khóc một chút cũng tốt, vừa để con chủ động giao tiếp, vừa để chúng ta học ngôn ngữ của con.
Khi con khóc, chúng ta cần rà soát ngay các yếu tố sau để loại trừ và tìm ra lý do thực sự khiến con khóc:
- Con đói không?
- Bỉm ướt và bẩn không?
- Con đến giờ ngủ chưa?
- Con có đang bị nhàm chán không?
- Con có đang quá bị kích thích không? (Do nhiều người bên cạnh, quá nhiều hoạt động xung quanh)
- Con có đang khó chịu sau khi ăn không? (Trào ngược hoặc ợ hơi)
- Con có đang bị quá nóng hay quá lạnh không?
- Con có bị ốm/mệt không?
Dần dần, khi hiểu được tiếng khóc, và nhận biết được các hành vi của con để đáp ứng nhu cầu đúng và kịp thời, con sẽ dần ít khóc đi.
Tuỳ vào nguyên nhân khiến con khóc, chúng ta sẽ đáp ứng nhu cầu của con. Có 3 cách dỗ con bạn có thể dùng để hỗ trợ, tuỳ tình huống phù hợp:
- Dỗ bằng âm thanh: Trò chuyện nhẹ nhàng, hát hoặc ru, tiếng ồn trắng tạo cảm giác an toàn, tiếng shù shù
- Dỗ bằng tiếp xúc: Bế con lên, tiếp xúc da kề da, trấn an con bằng ti, hoặc ti giả, địu con trước ngực hoặc trên lưng
- Dỗ bằng chuyển động: Bế đu đưa, đưa con ra ngoài đi bộ đổi khung cảnh.
An toàn cho trẻ
Phần tiếp theo, chúng ta cần lưu ý về các vấn đề An toàn cho trẻ sơ sinh để đảm bảo môi trường sống an toàn cho con.
1. An toàn ngủ
Môi trường ngủ an toàn cho trẻ sơ sinh là trên đệm cứng và không có bất kỳ đồ gì xung quanh có thể gây ngạt thở hoặc tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) thường xảy ra không lý do khi con ngủ.
Để làm điều này, nếu có điều kiện, bạn hãy cho con ngủ riêng, hoặc được ngăn tách với bố mẹ nếu nằm chung giường. Không để bất kỳ chăn, gối, gối ôm, đồ chơi lớn ở gần con khi con ngủ. Cơ bản trẻ sơ sinh chỉ cần được đặt nằm trên đệm hoặc một khoảng đủ rộng là ngủ được rồi.
Ngoài ra, cần lưu ý vấn đề nhiệt độ của con, đặc biệt là khi ngủ. Nhiệt độ phòng được khuyến cáo là trong khoảng 20-22 độ C.
Do em bé chưa có khả năng điều hòa nhiệt độ tốt như người lớn. Khi ngủ, em bé thường được mặc kín hoặc quấn vào chũn, đắp chăn, nên con càng khó điều chỉnh nhiệt khi nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh. Dù ra quá nhiều mồ hôi, thấm ngược lại vào người, hay quá lạnh, con đều dễ ốm, và có nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
2. An toàn hoạt động
- An toàn trên ô tô:
Con nên được ngồi ghế riêng cho trẻ em, đặt ở băng ghế sau, khi đi ô tô để đảm bảo an toàn. Các lứa tuổi khác nhau cần loại ghế ngồi ô tô khác nhau. Cần thiết nhất là ghế quay lưng lại người lái cho trẻ sơ sinh đến khoảng 2-3 tuổi, và ghế quay mặt ra trước cho trẻ từ 2-3 tuổi đến 5 tuổi.
Ở Việt Nam, mọi người chưa có thói quen dùng ghế ngồi ô tô lắm, nhưng ở Mỹ này ngay từ khi mang em bé ở bệnh viện về đã phải ngồi ghế riêng rồi, không được bế ẵm hay ngồi ở ghế trước đâu.
Trên ô tô, cũng cần lưu ý không để trẻ ở một mình trên ô tô bất kể bạn chị chạy ù vào đâu đó 1 phút, đề phòng ngạt khí dẫn đến tử vong do trẻ không có khả năng chủ động phản ứng trước các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
- An toàn trong nhà:
Có nhiều thứ có thể gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà chúng ta cần lưu ý. Đối với trẻ sơ sinh, cần chú ý về hệ thống thông khí, dụng cụ cứu hoả cần thiết…
Đến khi con bắt đầu biết khám phá thế giới, mút mọi thứ đồ vật xung quanh, bò trườn di chuyển…, cần phải chú ý đến mọi thứ trong nhà để đảm bảo an toàn cho con. Bao gồm: Các cạnh bàn ghế sắc vuông góc, các đồ dùng mà trẻ có thể leo trèo, các dây kéo mà trẻ có thể nghịch cuốn cổ, các khu vực trẻ không nên vào cần có cổng chắn như bếp, nhà vệ sinh, cầu thang lên xuống, các cánh cửa ra vào, cửa sổ con có thể đẩy ra vào dễ dàng, các đồ đạc con có thể với tới làm rơi xuống người, các món đồ chơi có chi tiết nhỏ vừa chui vào ống có đường kính bằng ngón tay cái của chúng ta cũng nên được loại bỏ khỏi tầm với của con…
Lưu ý rằng khi trông con, không bao giờ để con một mình, luôn để mắt đến khi, trừ khi đặt con an toàn nằm trong cũi.
3. Sơ cấp cứu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Có rất nhiều kiến thức về sơ cấp cứu mà mình thấy chúng ta nên biết để thực hiện cho con, và cả người lớn khi gặp tai nạn. Sơ cấp cứu cần được dạy bởi chuyên gia và thực hành chứ không đơn thuần là xem video trên mạng.
Quan trọng nhất với trẻ em là sơ cấp cứu khi hóc dị vật và sơ cấp cứu hồi sức tim phổi CPR. Rất nhiều em bé gặp tình trạng xấu về sức khoẻ ví dụ như dấu hiệu đột tử bất ngờ khi ngủ, nhờ được hồi sức tim phổi kịp thời khi chờ xe cấp cứu đến mà được cứu sống đó!
Sau khi được học về hai loại sơ cấp cứu trên ở bệnh viện, mình mới thực sự tự tin, và còn hiểu được bản chất để thậm chí có thể thực hiện hồi sức tim phổi cho cả người lớn nếu cần thiết.
Ngoài hai loại trên ra, còn có các loại sơ cấp cứu đơn giản hơn như: sơ cấp cứu khi bị côn trùng cắn, khi ăn/uống nhầm các loại hoá chất hoặc thuốc không phù hợp, khi bị bỏng, bị điện giật, bị đuối nước… Nếu có điều kiện, bạn có thể đăng ký học các lớp sơ cấp cứu có đủ các loại này nhé. Hiện ở Việt Nam cũng có nhiều tổ chức cung cấp loại kiến thức này rồi, ví dụ như tổ chức Wellbeing.
Trên đây là những kiến thức cơ bản mình thấy khá quan trọng để làm tiền đề cho việc chăm sóc con ăn – ngủ – chơi an toàn.
OanhDuongSam
Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast!
****
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!