Mình đã trải qua một cuộc sinh thường không dùng thuốc giảm đau. Cuộc sinh có những điều bất ngờ, nhưng tổng thể là một cuộc sinh thuận lợi, may mắn, và mẹ con mình đã mẹ tròn con vuông.
Giai đoạn chuyển dạ
Cuộc chuyển dạ của mình tính ra kéo dài khoảng 39 tiếng. Từ 12h trưa ngày Thứ 6 đến 9-10 giờ tối ngày Thứ 7.
Mình bong nút nhầy, hay còn gọi là có máu báo, có máu cá, từ khoảng 12h trưa ngày Thứ 6. Từ lúc đó, các cơn gò giả xuất hiện nhiều hơn. Đến cuối buổi chiều, mình vẫn đi bộ một vòng quanh nhà cùng với các cơn tức gò giả, nhưng tinh thần rất thoải mái. Mình biết em bé sắp ra với mình rồi!
Mình tiếp tục có máu báo chút chút một như period những ngày gần hết. Đến tận sáng Thứ 7 hôm sau, các cơn gò thật xuất hiện, cách nhau 10 phút một, độ dài 25-30 giây và dần mau hơn. Đây chính là giai đoạn chuyển dạ tiềm tàng – Early labor. Sáng đó, cả nhà mình vẫn xem The mask singer nốt, sẵn sàng lâm trận sau đó.
Đến chiều Thứ 7 hôm đó, khoảng 3 giờ, mình đo thấy các cơn gò cách nhau 5 phút một, độ dài 50-60 giây. Lúc này đã chuyển sang giai đoạn chuyển dạ tích cực – Active labor. Như bệnh viện đã nói và theo đúng lời bác sĩ dặn mình, khi các cơn gò cách nhau 5 phút, kéo dài khoảng 1 phút, suốt 1 tiếng, mẹ bầu nên di chuyển đến bệnh viện. Đây là thời điểm khá đúng, nhưng mình thấy các cơn gò chưa mạnh nên mình chưa đi.
Đến khoảng 4 giờ, sau đó một tiếng, các cơn gò của mình đã thay đổi, cách nhau 3 phút một, độ dài 60-80s. Mình quyết định sẽ đi viện. Cả nhà hối hả chuẩn bị đồ đạc sắp xếp đi bệnh viện. Bà chuẩn bị đồ ăn tối cho cả nhà, trong lúc bố chuyển đồ ra ô tô. Mình cứ vừa đi qua cơn gò vừa tranh thủ giúp đỡ mọi người khi nghỉ giữa các cơn gò.
Cả nhà mình đến bệnh viện lúc 5 giờ chiều, khi y tá ở quầy đón tiếp biết mình đã đo cơn gò khá mau, họ cho mình nhập viện luôn. Sau khi mình thay đồ của bệnh viện, y tá kiểm tra thấy cổ tử cung của mình đã mở 3cm. Vậy là mình không phải đợi đến 44cm giống như các mẹ bầu tại Mỹ chia sẻ.
Mình được gắn máy theo dõi nhịp tim của em bé và đo cơn gò của tử cung. Ở phòng sinh đầu tiên, máy đo không có thiết bị di động nên mình phải ngồi và đi lại gần giường và máy. Lúc này cơn gò còn nhẹ. Nhưng sau đó, mình được chuyển sang một phòng sinh to rộng hơn, có thiết bị đo không dây.
Từ lúc đó, mình di chuyển đi lại nhẹ nhàng trong phòng và ngồi bóng mỗi khi nghỉ giữa các cơn gò. Khi cơn gò đến, ban đầu mình chỉ đứng yên một chỗ, chống tay vào thành bàn hoặc tủ để cúi gập người xuống, kết hợp lắc lư hông theo đường số 8, thở thả lỏng cơ thể để vượt qua cơn gò. Có cơn gò mạnh, xen kẽ với những cơn gò yếu hơn, không phải tập trung nhiều để vượt qua. Một số cơn gò mạnh, chồng mình thấy rõ được qua màn hình đo báo cường độ lên rất cao và kéo dài hơn 1 phút.
Sau hơn 2 tiếng tiếng, các cơn gò mạnh lên rất nhiều, mình buộc phải ngồi xuống ghế lắc lư (rocking chair) để xoa dịu cơn đau, hỗ trợ việc thở thả lỏng. Mình liên tục tập trung tâm trí thả lỏng cơ thể để vượt qua từng cơn gò một. Ngoài ra, mình cũng dùng phương pháp tưởng tượng để xoa dịu tâm hồn. Mình đã nghĩ về lúc mình bế em bé trên tay, hôm sau là Chủ Nhật, trời sẽ nắng ấm trở lại thay vì hơi gió như Thứ 7 hôm đó, và mình sẽ được nằm dài nghỉ ngơi sau cuộc sinh này (haha thật là ngây thơ – vì hôm sau trời mưa to xầm xì hơn cả thứ 7, và mình thì không được nằm nghỉ mấy đâu).
Lúc này đã có cảm giác muốn rặn đẻ. Đây thực ra là cảm giác rất rõ ràng rằng em bé đang húc đầu xuống cổ tử cung, trong khi tử cung gò bóp rất mạnh tạo nên các cơn gò. Mình cảm nhận được tất cả những hoạt động đó ở bụng dưới của mình – có lẽ đó là điểm đặc biệt của việc không dùng thuốc giảm đau. Mình biết con đang cố gắng tìm đường đến với mình, và mình lấy đó làm động lực tiếp tục vượt qua từng cơn gò một.
Cuộc sinh – Đón em bé ra đời
Đến 8 giờ, sau 3 tiếng từ lúc nhập viện, y tá kiểm tra thấy cổ tử cung của mình mở lên 8cm. Mình khá mệt nên đã lên giường ngồi ở tư thế như ngồi ở ghế tựa. Y tá gọi đấy là tư thế ngồi ngai vàng. Đến lúc này, cảm giác muốn rặn đẻ – giống cảm giác muốn rặn đại tiện ngày càng dày lên.
Đến 9 giờ tối, cổ tử cung của mình mở lên 9cm và duy trì không mở thêm. Các cơn gò lúc này trở nên rất mạnh, mình chỉ có thể nhắm mắt, duy trì thở để đi qua cơn gò. Chồng mình lúc này đã bắt đầu phải đứng cạnh sát giường và nắm chặt tay mình. Mình gần như không trò chuyện được nữa – đúng y như sách vở mô tả về cơn gò ở giai đoạn chuyển tiếp – Transition labor, chuẩn bị bước vào cuộc sinh. Mình chỉ nhắm mắt thở mạnh, dài, và khi cơn gò ngừng là xin được tiếp nước.
Do em bé và tử cung gò rất mạnh, y tá đã bắt đầu cắm truyền nước cho mình. Đồng thời, bác sĩ muốn đảm bảo sức khỏe cho hai mẹ con, đề xuất chọc ối để giảm cường độ của cơn gò. Lần 1 vào lúc mở 8cm, mình đã từ chối, vì mình muốn tiến trình được tự nhiên nhất có thể. Nhưng đến lúc mở 9cm đến gần 1 giờ mà không mở thêm được, mình đã đồng ý thực hiện việc bấm ối.
Lúc này, vì quá lâu cổ tử cung không có dấu hiệu mở thêm, mà cảm giác rặn đẻ đã rất mau rồi, bác sĩ và y tá cũng đã đề xuất mình bắt đầu tập thở để chuẩn bị đẩy em bé ra ngoài. Mình đã dùng cả phương pháp thở moo, thở thổi nến mỗi khi có cơn gò nhưng không hiệu quả.
Việc uống nước thường xuyên cùng với được liên tục lau mặt bằng khăn mát giúp mình khá nhiều trong đoạn này. Đồng thời, khi các cơn gò mạnh xuất hiện, mình tập trung vào việc thở và gần như không cảm nhận nhiều về cơn đau gò nữa.
Đến lúc này, bác sĩ kiểm tra thấy em bé của mình có ngôi mặt, tức là mặt ngửa về phía bụng, thay vì nên úp vào phía lưng – tư thế thuận lợi nhất để em bé ra đời. Điều này khiến cho việc đẩy em bé ra ngoài gặp khó khăn hơn so với dự kiến.
Sau gần 2 tiếng thở đẩy không hiệu quả, mình chuyển sang cách rặn để đẩy em bé ra theo hướng dẫn của bác sĩ tại bệnh viện. Y tá hướng dẫn mình hãy ghì phần mông xuống giường, không đẩy chân vào bàn đạp mà kéo về phía người, không tạo ra tiếng gằn làm mất sức mà chỉ nhịn thở và ép hơi xuống dưới.
Cách thở này mình thấy đúng là giống như cách rặn đại tiện – cách mà chắc chắn sẽ làm mình lòi búi trĩ hơn, cũng như có thể tổn thương cổ tử cung, tầng sinh môn nhiều hơn. Tuy nhiên, do cách này có hiệu quả, em bé đã hở đầu ra ngoài, nên mình vẫn tiếp tục.
Sau khoảng thêm 10 cơn thở đẩy theo cách mà bệnh viện hướng dẫn, mình vẫn không đẩy được em bé ra ngoài thêm. Bác sĩ lúc này đề xuất sẽ sử dụng giác hút để hỗ trợ đẩy đầu em bé lên phía bụng một chút, hỗ trợ phối hợp với việc thở đẩy của mình để đẩy em bé ra ngoài. Mình đã cân nhắc về tổng thời gian thở đẩy sinh em bé là hơn 2 tiếng rồi, tư thế của em bé cũng không thuận lợi, và đồng ý để bác sĩ hỗ trợ.
Từ lúc bác sĩ bắt đầu đưa dụng cụ vào hỗ trợ, mình cảm nhận được việc con thay đổi vị trí. Lúc đó, cơn gò tới, mình đã thở đẩy cùng nhịp với bác sĩ. Chỉ sau 3-4 lượt thở đẩy, em bé đã lách được vai ra ngoài, và sau đó mình cảm nhận được cả thân con trôi tuột ra khỏi cổ tử cung. Bác sĩ giơ em bé lên cao cho mình nhìn thấy. Cô bé co người lại như một con mèo con, da tím lại thuận tự nhiên vì thay đổi áp suất ảnh hưởng tuần hoàn máu.
Y tá nhanh chóng đặt em bé lên ngực mình để tiếp xúc da kề da nhằm đảm bảo ổn định nhiệt độ, tâm lý và sức khoẻ cho em bé. Trong lúc đó, người chăm sóc em bé dùng khăn lau sạch người con. Sau cỡ 2 phút, bác sĩ đã hỗ trợ kẹp rốn để chồng mình cắt dây rốn cho con. Từ lúc đó, con nằm nguyên trên người mình.
Sau sinh
Do mình mất máu nhiều hơn thông thường và tầng sinh môn sưng nên mình được tiêm một mũi thuốc giúp cầm máu và giảm sưng đau ngay khi vừa sinh xong. Trong lúc mình ôm em bé trên ngực, các cơn gò vẫn tiếp tục, ở cường độ nhẹ nhàng để đẩy bánh nhau ra ngoài.
Y tá dùng tay ấn vào bụng mình để hỗ trợ cùng cơn gò. Bác sĩ đón bánh nhau ra và thực hiện việc khâu tầng sinh môn của mình. Ban đầu, các mũi khâu không quá đau, nhưng về sau, khi mình nhận biết rõ hơn là bác sĩ đang khâu, thì có những mũi khâu mình vẫn phải nắm tay chồng để vượt qua. Lúc này, em bé cũng được đưa ra khu vực bàn đèn để kiểm tra chỉ số APGAR về cân nặng, chiều dài, vòng đầu, lấy máu gót chân để kiếm tra các vấn đề sức khỏe cơ bản.
Sau khi hoàn tất phần việc của mình, bác sĩ rời khỏi phòng. Các y tá giúp mình ấn vào bụng để đẩy nhiều nhất có thể phần sản dịch còn lại bên trong ra ngoài. Y tá cũng giúp mình dọn dẹp giường, chuyển khung giường về thành giường bệnh bình thường để hỗ trợ mình cho em bé ti mẹ. Các y tá lúc này thực hiện đeo băng tay cho cả mình, chồng và em bé để đảm bảo khớp con với bố mẹ. Con cũng được đeo thêm một con chip ở cổ chân, không cho phép em bé bị đánh cắp mang ra khỏi khu vực phòng bệnh mà không có sự giám sát của nhân viên bệnh viện.
Y tá chăm sóc nhi vào kiểm tra kỹ sức khỏe của con một lần nữa, hỏi ý kiến của mình và tiến hành tiêm vaccine cho con, mũi Viêm gan B và vitamin K, đồng thời nhỏ thuốc mắt bảo vệ mắt của con khỏi sản dịch còn sót lại.
Em bé ra đời lúc 11 giờ tối, và các công tác hoàn tất của bác sĩ, y tá kết thúc lúc khoảng sau 12 giờ. Mình khá mệt và có vẻ em bé cũng vậy, con có vẻ buồn ngủ. Mặc dù con tìm cách bò trên ngực mình nhưng con không tìm đến ti mẹ. Hai mẹ con cũng đã nỗ lực có cữ bú đầu tiên nhưng không thành công cho lắm.
Đến khoảng 2 giờ sáng, mình được chuyển qua xe đẩy, bế em bé trên tay và được chuyển về phòng hậu sản. Khi về đến phòng, các y tá chăm sóc vẫn đang dọn phòng cho mình và bảo đợi vì họ bất ngờ là mình sinh nhanh hơn họ dự tính nên họ chưa hoàn tất công việc.
3 giờ sáng, ổn định giường chiếu, hai vợ chồng mình bắt đầu luân phiên tiếp xúc da kề da với con. Mình không hiểu sao lại tỉnh táo, lúc này mới nhận ca 1 ôm con và dùng điện thoại lần đầu từ lúc sinh. Chồng mình ngủ trước và dậy thay ca ôm con đến 5 rưỡi sáng thì bà nội dậy thay ca để hai vợ chồng ngủ.
Ngày mới lên, mình vẫn ưu tiên da kề da với con buổi sáng, và chuyển con qua cũi cạnh giường để ngủ gần mẹ an toàn từ buổi chiều. Ngày đầu tiên tạm suôn sẻ trôi qua, y tá hỗ trợ khá nhiều. Em bé có đợt kiểm tra sức khỏe 24 giờ sau sinh, được kiểm tra thính giác, được lau người lau đầu lần đầu đời.
Sau 24 giờ, mình đã tự dậy khỏi giường được và đi vệ sinh bình thường. Vết khâu và búi trĩ sưng khá to, mình được cho thuốc uống giảm sưng đau đến tận ngày ra viện.
Ngày Thứ Hai – tức ngày thứ 3 mình ở bệnh viện, bác sĩ sản của mình đã đến kiểm tra sức khỏe của mình và em bé. Bác sĩ nhi đã đến kiểm tra phê duyệt sức khỏe của em bé để xem con có được xuất viện không. Sức khỏe của hai mẹ con hoàn toàn bình thường nên chúng mình được về nhà vào lúc 2 giờ chiều.
Hành trình sinh của mình tiếp nối bằng những ngày đầu ở bên con, cùng bố và bà nội em bé học rất nhiều điều mới mẻ trong việc chăm sóc con. Mình mong rằng câu chuyện cuộc sinh của mình có thể truyền cảm hứng và tự tin, cũng như kinh nghiệm cho những người mẹ khác đến với cuộc sinh của các mẹ.
Dù các mẹ sinh thường hay sinh mổ, có hay không dùng thuốc giảm đau, hãy cứ theo chỉ dẫn của bác sĩ và lắng nghe cơ thể của mình để trải qua cuộc sinh nhé. Hãy nắm kỹ các kiến thức cần thiết để hiểu bản chất và đưa ra quyết định đúng lúc, hiệu quả. Điều cuối cùng mà chúng ta hướng đến chính là làm sao đảm bảo sức khỏe của em bé và mẹ.
Chúc bạn và em bé cũng mẹ tròn con vuông nhé! Cảm ơn bạn đã đọc blog và chia sẻ niềm vui mẹ tròn con vuông của mẹ con mình!
Oanh Duong Sam
Kết nối thêm với mình:
– Instagram: danlonpodcast
– Email: oanhdnd@gmail.com
– Facebook cá nhân: Oanh Duong Sam
****
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!