Chủ đề tiếp theo trong series Nuôi con sữa mẹ là về Cách kích sữa hiệu quả ngay từ khi sinh. Với mình, đây là chủ đề cực kỳ quan trọng, giúp mẹ dễ dàng đến với con đường nuôi con sữa mẹ nếu biết cách làm đúng ngay từ đầu.
Trước hết, cần phân biệt khái niệm Hút sữa và khái niệm Kích sữa.
Hút sữa là dùng máy hút sữa hút sữa ra khỏi ngực. Còn Kích sữa là dùng các cách kích để lượng sữa tăng lên: bằng máy, bằng tay hoặc nhờ em bé.
Để kích sữa hiệu quả, mình vẫn phải nhắc lại 4 điều khắc cốt ghi tâm này:
- Sữa mẹ được sản xuất theo cơ chế hormon, gồm hormone prolactin giúp tiế sữa và hormone oxytoxin giúp đẩy sữa ra ngoài và cơ chế cung cầu, con ăn bao nhiêu, cơ thể mẹ sẽ sản xuất bấy nhiêu, con càng bú, sữa càng ra thêm.
- Sữa vàng đầu tiên, hay con gọi là sữa non, đã có sẵn trong ngực mẹ từ khi mang thai rồi, chỉ cần thực hiện cho con bú đủ và đúng, sữa sẽ về nhiều dần lên. Dù mẹ sinh thường, sinh mổ, con sinh non… mẹ cũng có sẵn sữa cho con
- Khớp ngậm đúng là thứ quan trọng giúp việc cho con bú và kích sữa hiệu quả.
- Các loại thức ăn dân gian không thực sự làm tăng sữa. Quan trọng là phải cho con bú nhiều hoặc hút và vắt sữa đủ số lần.
Vậy để kích sữa ngay trong tuần đầu tiên sau sinh, mẹ cần nhớ 3 việc quan trọng:
- Thực hiện da kề da (skin-to-skin) và cho con bú sớm nhất có thể ngay sau sinh.
- Chú ý khớp ngậm và tư thế bú.
- Biết cách vắt hút nếu không cho bú – hiểu đúng lượng ăn của bé
1. Thực hiện da kề da và cho con bú sớm nhất có thể
Trong 1000 phút đầu tiên, tức khoảng 16 giờ, cần tiến hành tiếp xúc da kề da, cho con bú cữ đầu tiên. Duy trì việc này để con được uống đủ sữa non trong 72 giờ đầu sau sinh và kéo lượng sữa mẹ về.
Da kề da hiện nay là một yêu cầu phổ biến ở các bệnh viện ở Mỹ theo chuẩn WHO. Ở Việt Nam, mình thấy việc này không hẳn được đảm bảo đúng 100%, và nếu có thực hiện, các mẹ có thể cũng chưa thực hiện triệt để.
Cách thực hiện: Ngay sau khi sinh, nếu sức khỏe của hai mẹ con bình thường, em bé sẽ được đặt nằm trên phần bụng và ngực của mẹ. Tất cả các hoạt động cần thiết với con như đo chiều dài cân nặng, đo tim phổi… đều có thể làm khi con nằm trên ngực mẹ. Mẹ và bố có thể luân phiên thực hiện da kề da.
Theo phản xạ, em bé sẽ dần tìm ti mẹ để bú mút cữ đầu tiên trong đời. Sau đó, hai mẹ con sẽ có thời gian ngủ để nghỉ dài 5-8 tiếng sau cuộc vượt cạn thành công. Từ ngày thứ 2 trở đi, bố mẹ tiếp tục cho con được da kề da, và dần cho con ăn theo cữ 2-3 giờ một lần.
Có rất nhiều lợi ích của phương pháp da kề da, mà mình thấy đây là ba yếu tố quan trọng nhất:
- Em bé được ổn định tâm lý đang hoang mang với thế giới mới lạ nhờ vào tiếng động quen thuộc của nhịp tim, âm thanh tiêu hóa, giọng nói của mẹ. Con được ổn định nhiệt độ nhờ hơi ấm từ cơ thể mẹ.
- Hai mẹ con cùng được tiếp xúc với nhau, cơ thể sẽ tiết ra hormone oxytoxin để làm cả hai hạnh phúc và giúp sữa mẹ xuống nhanh hơn.
- Con được đặt ở tư thế tự nhiên nhất để tìm ti mẹ và thực hành bú mút và có khớp ngậm đúng ngay từ đầu.
2. Cần có khớp ngậm đúng và tư thế bế bú đúng cho con.
Mình đã có riêng một số podcast chia sẻ về Khớp ngậm đúng, được tạo bởi tư thế bú đúng và các thao tác hỗ trợ trong số về tuần thai thứ 21. Bạn có thể nghe và đọc thêm tại đây.
Nói qua lại về khớp ngậm đúng, Khớp ngậm đúng là khi con ngậm sâu được cả núm ti của mẹ vào miệng. Nếu mẹ kéo ti ra, ti sẽ không tuột ra ngay mà bị níu lại trong miệng con. Nếu khớp ngậm đúng, con sẽ mút cỡ 10 cái trở lên liên tiếp rồi mới nghỉ để mút tiếp. Một khớp ngậm đúng sẽ giúp con bú đều, và tạo ra tiếng mút sữa đều đặn mà bạn sẽ dần nghe thấy khi cho con ti thành thạo hơn.
Khi có khớp ngậm đúng, con sẽ bú mẹ thuận lợi, cân nặng và chiều cao tăng tốt. Ti mẹ được bú mút đều đặn sẽ phát tín hiệu để cơ thể giúp đẩy sữa về nhanh hơn, nhiều hơn và đáp ứng đủ nhu cầu của con. Phần đầu ti nếu được ngậm đúng sẽ ít có khả năng đau hoặc viêm. Phần ngực khi cho con bú mẹ hiệu quả cũng sẽ ít đau đớn và hạn chế gặp hiện tượng tắc tia.
3. Các cách vắt hút phù hợp với nhu cầu ăn của bé trong từng giai đoạn
Mình chia thành hai mốc thời gian: trong 7 ngày đầu tiên sau sinh và từ tuần thứ 2 trở đi.
Cách kích sữa trong 7 ngày đầu tiên
Trong 7 ngày đầu tiên, ba ngày đầu là thời gian khởi đầu thú vị nhưng cũng đầy khó khăn. Nhiều mẹ lúc này tưởng như mình không có sữa nhưng không phải đâu nhé!
Lượng sữa vàng đầu tiên lúc nàỳ đã có sẵn trong ngực mẹ rồi, chỉ đợi con bú mút là sữa sẽ về thôi. Nhu cầu ăn của con lúc này không nhiều, lượng sữa vàng đầu tiên cũng vì thế mà ít lắm. Trong 3 ngày đầu, con thường ngủ nhiều để hồi sức sau công cuộc chào đời. Nhất là trong ngày đầu, con ăn rất ít lượng và ít cữ. Nhưng mẹ đừng lo nhé, con vẫn có lượng mỡ và năng lượng dự trữ từ lúc ở trong bụng mẹ. Sau cữ bú đầu tiên ngay sau khi sinh, có khi phải điến 6-8 tiếng sau con mới dậy để bú cữ tiếp theo. Đây cũng là thời gian mẹ ngủ nghỉ lấy lại sức khoẻ để sữa dần về.
Đến ngày thứ 2, con sẽ bú thường xuyên hơn. Nếu con ngủ quá 4 tiếng thì mẹ nên đánh thức con dậy để cho con bú. Từ lúc này trở đi, việc cho con bú thường xuyên trong khoảng 2-4 tiếng một lần sẽ là cách kích sữa mẹ hữu hiệu nhất.
3 ngày đầu chính là lúc cơ thể mẹ bắt tín hiệu nhu cầu bú của con để biết được lượng sữa con cần và sản xuất gia tăng ở những ngày tiếp theo. Do đó, mẹ hãy cho con bú mút thường xuyên để báo hiệu cho cơ thể nhé.
Trong 7 ngày đầu, con chưa biết cảm giác đói đâu, nên bạn đừng lo con đói. Hãy cho con ăn theo nhu cầu. Khi đến giờ, mẹ thử cho con ti, nếu muốn, con chắc chắn sẽ ti ngay. Nếu không muốn ti mà thích ngủ thích chơi hơn, con cũng sẽ thẳng thắn từ chối.
Nếu có hiện tượng bú gộp, tức là con cứ bú – ngủ – bú ngủ, xen lẫn cả khóc nhè trong suốt 45 phút – 1, 2 tiếng, thì là do con muốn uống nhiều hơn lượng sữa mẹ đang sản xuất. Đây là thời gian để cơ thể mẹ bắt tín hiệu mà, nên việc để con bú gộp như vậy cũng không có vấn đề gì cả. Đó chính là cách rất hay và tự nhiên của con để đòi bằng được lượng sữa nhiều hơn mà con muốn. Dần dần khi lượng sữa đủ rồi, con cũng sẽ không bú gộp nữa đâu.
Bạn cố gắng đừng cho con uống sữa bột dù là trong 1-2 ngày đầu tiên, vì như vậy cơ thể sẽ không biết được con cần ăn bao nhiêu để thu thập dữ liệu sản xuất thêm sữa vào những ngày tiếp theo đâu.
Mẹ hãy theo dõi dấu hiệu bú đủ ở con để biết con có ăn đủ hay không. Mình đã chia sẻ chi tiết về dấu hiệu bú đủ khi bú mẹ trong số podcast tuần thai 22 rồi, bạn nghe và đọc thêm tại đây nhé!
Trong trường hợp nếu hai mẹ con phải cách ly nhiều giờ vì lý do sức khoẻ của con, mẹ hãy chịu khó vắt sữa 2-4h một lần để kích sữa.
Việc vắt sữa vừa để có sữa chuyển vào cho con uống, không bỏ lãng phí sữa vàng đầu tiên. Cũng vừa để cơ thể coi như đang có em bé ti mẹ, sẽ sản xuất sữa nhiều hơn vào các ngày tiếp theo, đáp ứng đúng nhu cầu của con khi con về bên mẹ.
Cách làm là mẹ vắt sữa 2-3 tiếng phải vắt sữa 1 lần, 8 lần trong 24h. Ban đêm có thể giãn cữ thành 4 tiếng một lần. Nhưng ban ngày không quá 3 tiếng và ban đêm không quá 4 tiếng, để đảm bảo không giảm lượng sữa tối ưu mà cơ thể có thể sản xuất.
Sữa vàng đầu tiên rất đặc, mẹ nên vắt tay thay vì dùng máy hút sữa. Những ngày tiếp theo khi sữa loãng hơn, mẹ kết hợp vắt tay 10 phút rồi vắt máy 10 phút để thu được hiệu quả tốt nhất. Bạn có thể hút cùng lúc 2 ngực cho cơ thể hiểu có 2 em bé bú và kích sữa tốt hơn.
Lưu ý rằng sữa vắt ra nên được cho con uống ngay. Sử dụng ống tiêm, thìa, hoặc cốc uống để con không quen với bình mà thích bình, và cũng để không hao tổn lượng sữa quý mà ít ban đầu. Nếu không thể cho con uống ngay, sữa cần được trữ kín, bảo quản lạnh, hâm nóng lại ở nhiệt độ thích hợp rồi mới cho con uống.
Cách kích sữa từ tuần thứ 2 trở đi
Có ba trường hợp mẹ cân nhắc dựa trên khả năng ti mẹ của con để lựa chọn cách kích sữa phù hợp. Bao gồm: con có dấu hiệu thiếu sữa nhưng ít, con có dấu hiệu bú chưa hiệu quả và mẹ cần kích sữa để dự trữ.
Trường hợp đầu tiên: con có dấu hiệu thiếu sữa nhưng ít. Cụ thể, con hợp tác ti mẹ, khớp ngậm tốt, nhưng thi thoảng con bú mà ngủ quên trên ngực mẹ rồi lại dậy bú tiếp, thường là do mẹ thiếu sữa nhưng thiếu ít, khoảng 10-20%.
Lúc này mẹ nên tích cực tiếp tục ôm cho con bú. Mẹ chấp nhận con bú gộp, hoặc thời gian bú mút của con lâu hơn, con có thể ngủ quên rồi lại dậy bú. Tuy nhiên, hãy cố gắng ôm con cho con bú nhiều nhất có thể. Đó là cách kích sữa hiệu quả nhất. Chỉ cần kiên nhẫn 5-7 ngày, sữa sẽ về đủ theo nhu cầu của con.
Một cách khác là mẹ vẫn cho con bú lâu hơn, thêm khoảng 15-20 phút để kích sữa. Sau đó, nghỉ 30 phút, mẹ dùng máy hút để hút kích sữa. Lượng sữa này mẹ cho con ti bình thêm theo nhu cầu của con nếu bú mút lâu gian vẫn không đủ no. Với cách này, sữa ở ngực mẹ được kích sẽ nhiều dần lên. Do vậy mẹ nên giảm dần lượng sữa uống bình bổ sung đến khi cắt hẳn để con quay trở lại ti mẹ hoàn toàn là sẽ nhàn nhất nhé.
Trường hợp thứ hai là con có dấu hiệu bú chưa hiệu quả. Cụ thể, con hoàn toàn không hợp tác ti mẹ, mà lựa chọn bú bình, hoặc bé bú mẹ không hiệu quả do ti mẹ quá ít sữa, bé bú trực tiếp đa phần ngủ quên và ít động tác nuốt. Khi đó mẹ thiếu nhiều sữa, nên chọn cách hút vắt sữa đều đặn để kích sữa thay cho con.
Mẹ cần hút đều đặn 8 lần/ngày, cách nhau 2-3-4 tiếng. Ví dụ theo khung 0-4-7-10-12-15-18-21. Và cần kiên trì ít nhất 3-4 tuần trở lên để kích sữa. Tuy nhiên, mẹ cũng không cần quá căng thẳng phải theo chuẩn khung giờ. Nếu quên 1 cữ, hút ngay khi nhớ ra, vì sữa càng ở trong ngực lâu, cơ thể càng dễ hiểu là giảm sữa. Sau đó, mẹ thay đổi thời gian vắt sữa để đảm bảo sữa không ở trong ngực quá 3 tiếng ban ngày, và không quá 4 tiếng vào ban đêm là được.
Nếu con vẫn chịu bú mút dù bú không hiệu quả, mẹ cứ để con bú mút ti khoảng 15-20 phút để con không quên ti mẹ. Sau đó mới cho con ti bình để no. Khoảng 30 phút sau, mẹ mới vắt hút sữa để thu lượng sữa tối ưu.
Trường hợp thứ 3 là khi mẹ muốn kích sữa dự trữ để chuẩn bị quay lại đi làm.
Nếu bé bú mẹ trực tiếp, mẹ vắt hút thêm 1-2 cữ trong ngày, sau khi con bú trực tiếp. Ví dụ nếu con bú 8 cữ, mình tăng lên vắt sữa thêm thành tổng 10 cữ một ngày. Nếu bé chỉ bú 1 bên, vắt hút kích ở bên còn lại.
Nếu mẹ vốn đã hút vắt sữa từ trước, mẹ lưu ý không để sữa trong ngực quá 3 giờ, để phát tín hiệu cho cơ thể tiết sữa đều đặn và ổn định lượng sữa. Mẹ hãy ưu tiên vắt sữa kích thêm thời gian vào cữ con ngủ dài hoặc cữ đầu giờ sáng vì lúc này sẽ có nhiều sữa dồn qua đêm. Thời gian vắt kích sữa nên tương đối giống nhau hàng ngày để cơ thể sản xuất lượng sữa tối ưu.
Lưu ý là mẹ không nên hút quá nhiều. Chỉ nên kích sữa lên mức dư khoảng 150-200ml mỗi ngày thôi. Nếu kích lên nhiều hơn, sẽ rất dễ gây tắc tia do lượng sữa về quá nhiều. Việc vắt sữa cũng trở nên mệt mỏi do thời gian kéo dài, chiếm mất thời gian nghỉ ngơi và chơi với con của mẹ.
Kết luận: Hiểu về sữa mẹ giúp kích sữa hiệu quả
Như vậy, dù là cách kích sữa nào, cũng đều dựa trên những kiến thức cơ bản về sữa mẹ là cơ chế hormone và cơ chế cung cầu. Khi nắm được những kiến thức cơ bản về sữa mẹ rồi, mình tin là việc kích sữa ngay từ những ngày đầu sau sinh sẽ dễ dàng hơn với các mẹ. Hoặc ít nhất, nếu có những tình huống đặc biệt xảy ra, chúng ta cũng sẽ biết cách điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp.
Hãy cùng mình tin tưởng rằng chúng ta sẽ được gặp tình huống tuyệt nhất là hai mẹ con cùng được tập cho con ti mẹ trực tiếp ngay từ những ngày đầu sau sinh, và lượng sữa dần sẽ về nhiều hơn!
Chúc cho chúng ta vững bước trên con đường nuôi con sữa mẹ!
OanhDuongSam
Đọc thêm Series Nuôi con sữa mẹ:
- Cơ chế tạo sữa mẹ và chiếc máy hút sữa kỳ diệu nhất
- Hiểu đúng để sửa dụng máy hút sữa hiệu quả
- Khớp ngậm đúng khi cho con bú mẹ trực tiếp
- Dấu hiệu con bú đủ khi cho con bú mẹ trực tiếp
- Sữa mẹ tốt và cách để tốt sữa
- Cách kích sữa mẹ ngay từ những ngày đầu sau sinh
- Bảo quản và sử dụng sữa mẹ trữ đông đúng cách
Nguồn tham khảo:
- Sách The womanly art of Breastfeeding – La Leche League International
- Sách Guide to a Healthy Pregnancy – Mayo Clinic/ Myra J. Wick, M.D., Ph.D.
- Bác sĩ sữa mẹ Anh Thy
- Sách 68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con sữa mẹ – Lê Nhất Phương Hồng
—-
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!