OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

Các ông bố có lẽ cũng tủi thân

Theo như mình quan sát và trò chuyện với các mẹ bỉm khác, trong giai đoạn con còn nhỏ, các ông bố có lẽ là người ít được kết nối với con nhất trong gia đình. Và điều này có thể làm các ổng tủi thân, dù ít dù nhiều, có nói ra hay cảm nhận rõ hay không.

Nếu không phải là lựa chọn của bố mẹ, chủ động tách con hoặc giảm kết nối với con, thì có lẽ các ông bố sẽ ít có cơ hội kết nối với con hơn so với các thành viên khác trong gia đình như mẹ hay bà. Nếu mẹ là người cho bú trực tiếp, và bà là người hỗ trợ sát sao việc cho con ngủ, tắm cho con, thì phần việc của các ông bố không còn nhiều.

Với trẻ sơ sinh, phần việc còn lại bố có thể đảm nhiệm là chơi với con. Nhưng nhất là với trẻ mới trong tháng, thời gian thức của con rất ít, chỉ 5-15 phút sau mỗi lần bú. Điều này khiến thời gian hai bố con ở cạnh nhau ngắn hơn nhiều so với việc cho con ăn, ngủ hay tắm táp cho con. Khi thức chơi là lúc con đang thoải mái nhất vì được ăn no, có bỉm sạch. Con ít quấy khóc, trừ khóc gắt ngủ hoặc do ốm bệnh. Mặc dù việc này giúp các ông bố “lóng ngóng” được bên con trong yên bình, nhưng lại tước đi cơ hội được lắng nghe, đọc hiểu và kết nối với con trong những thời điểm con khó chịu khác.

Chồng mình và em bé Mia nhà mình lúc em bé mới chỉ 5 ngày. Đêm đầu bố skin-on-skin với em để mẹ ngủ. Bố cũng biết bế em rất khéo ngay từ đầu. Đến giờ, bố là “vệ sĩ vỗ ợ” của em bé (haha).


Mình từng thấy rõ chồng mình tủi thân thế nào khi dỗ mãi mà con không nín khóc, ngay từ ngày thứ 2 ở cùng mình và con trong bệnh viện. Các ông bố đều rất muốn giúp, giúp con và giúp vợ. Nhưng kỹ năng, kinh nghiệm, bản năng trong việc chăm con còn ít khiến họ bối rối, không biết giúp sao, và có thể tủi thân cho sự vô dụng của mình.

Hoặc có lúc bà và mẹ dở tay, con đang ngủ bỗng khóc quấy, bố là người vào dỗ con. Dù chồng mình dỗ thế nào con cũng không nín. Nhưng đến khi bà hoặc mẹ vào giúp, con lại xuôi trận, nín khóc ngay. Mình nghĩ chồng mình đã ít nhiều tủi thân. Ngày thứ 2 là do thiếu kinh nghiệm, nhưng đến ngày thứ n, thì có thể là do chồng bạn chưa có nhiều cơ hội để thực hành và học cách dỗ dành con, kết nối với con.

Mình tin là các ông bố rất muốn giúp đỡ trong việc chăm sóc em bé, bởi vậy dưới đây là một số cách mình thấy các mẹ bỉm chúng ta có thể hỗ trợ bố:

  • Luôn chủ động tạo điều kiện và trao cơ hội để bố được gần bên con và kết nối với con khi bạn thấy phù hợp.
  • Bên cạnh thời gian chơi, hãy rủ bố ngồi cạnh khi mẹ cho con ti mẹ. Hoặc nếu bạn cho con ti bình, bố có thể là trợ thủ đắc lực trong việc cho con ăn. Hoặc bố sẽ là chuyên gia vỗ ợ cho con trong nhà.
  • Rủ bố cùng học cách ru em bé ngủ, từ sách vở, video, hoặc từ chính các bà, rồi cùng bố thực hành với em bé.
  • Hướng dẫn bố cách nói chuyện với em bé – điều mà các mẹ và bà thừa khả năng nhưng lại không dễ dàng với nhiều ông bố.
  • Hướng dẫn bố cách chơi với con: cùng con tập thể dục như giãn gân cốt, đạp xe co duỗi chân chống đầy bụng.
  • Giải mã về tiếng khóc của con với bố mỗi khi con quấy khóc, cùng phân tích nguyên nhân và tìm ra cách làm tốt hơn vào lần sau. Việc này giúp bố không lo lắng, bối rối khi thấy con khóc, cùng mẹ hiểu được tiếng khóc của con, và không có cảm giác “ra rìa” vì không hiểu chuyện gì đang diễn ra.

Bản thân mình là mẹ, mà trong những tuần đầu khi được ưu tiên nghỉ ngơi tối đa, gần như chỉ cho con tuti và ngắm con chơi với mọi người, mình cũng có cảm giác mất dần kết nối với con. Trong khi em bé thật ra rất cần được kết nối với mẹ, sau đó đến bố – hai người bên con sát gần nhất trong suốt 9 tháng thai kỳ, rồi mới đến ông bà, người thân khác.

Bởi vậy, việc duy trì kết nối giữa bố mẹ và em bé là rất quan trọng. Cho dù sau khi mẹ sinh, bố bận đi làm, bố cũng hãy cố gắng dành thời gian ở bên con nhé! Vì con sẽ lớn rất nhanh, một ngày trôi qua, bố có thể sẽ bỏ lỡ hẳn vài điều mới mẻ ở con. Đừng bao giờ buông xuôi trên hành trình kết nối với các bố nhé. Có kết nối, các ông bố sẽ thấy tình cảm dạt dào hơn với con, và bản thân cũng thấy mình có ích trong việc giúp đỡ mẹ chăm sóc em bé! Không ai bị bỏ lại ngoài rìa đâu!

Thông qua blog này, mình cũng xin thay mặt các bà mẹ gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những nỗ lực của các bố trong việc giúp hai mẹ con, từ những ngày đầu tiên, cho đến những lúc về sau. Dù cho bố bận đi làm không thể có nhiều thời gian ở bên hai mẹ con, hay nhiều thời gian dành cho con so với mẹ, bà, bố vẫn luôn là người quan trọng với cả nhà, với con.

Yêu thương các ông bố rất nhiều!

Oanh Dương Sam

Kết nối thêm với mình:
– Instagram: danlonpodcast
– Email: oanhdnd@gmail.com
– Facebook cá nhân: Oanh Duong Sam

****

Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.