Có bốn hình thức sinh trong hành trình Chuyển dạ và sinh nở mà các mẹ bầu nên biết để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào.
Trong hành trình Chuyển dạ và sinh nở, điều mà cả các mẹ bầu và y học ưu tiên nhất chính là sinh nở tự nhiên. Sinh nở tự nhiên trong chuyên môn gọi là sinh qua đường âm đạo, có thể là hoàn toàn hoặc không hoàn toàn vì sử dụng thuốc giảm đau. Việc sử dụng thuốc giảm đau hay không trong quá trình sinh thường là quyết định của bạn. Tư thế sinh thế nào đến nay ở Việt Nam cũng có nhiều bệnh viện để sản phụ được lựa chọn.
Nói chung, với sinh thường – sinh nở tự nhiên, bạn có nhiều quyền lựa chọn hơn. Mình cũng đã có bài viết chi tiết về sinh thường qua đường âm đạo tại đây.
Trong blog này, chúng ta đến với những hình thức sinh mà người mẹ có ít sự lựa chọn. Và bất kỳ quyết định nào cũng cần phải có sự trao đổi thực sự kỹ lưỡng với bác sĩ. Bao gồm: Sinh qua đường âm đạo có hỗ trợ, Sinh mổ và Sinh qua đường âm đạo sau khi sinh mổ.
Sinh qua đường âm đạo có hỗ trợ:
Nếu quá trình sinh thường của bạn không thuận lợi, bác sĩ sẽ dùng đến một số thủ thuật hỗ trợ sinh khó để đưa em bé ra ngoài. Những biểu hiện không thuận lợi có thể bao gồm:
– Thời gian chuyển dạ và sinh con đã quá dài, đầu em bé đã ngừng di chuyển và mắc kẹt trong đường sinh.
– Mẹ bầu có dấu hiệu kiệt sức.
– Một bệnh lý nào đó làm hạn chế khả năng đẩy của thai phụ (như bệnh tim).
Có hai loại thủ thuật hỗ trợ có thể sử dụng:
1. Dùng kẹp sản khoa: Đây là dụng cụ trông như hai chiếc thìa lớn có cán dài, được đưa vào âm đạo và kẹp hai bên đầu em bé. Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ này để tác động một lực kéo nhẹ nhàng nhằm giúp định hướng cho phần đầu của em bé ra khỏi đường sinh. Trong khi đó, sản phụ vẫn tiếp tục đẩy bé ra ngoài.
2. Dùng giác hút sản khoa: Một thiết bị hút chân không có hình dạng như một chiếc cốc nhỏ có tay cầm đi kèm. Cốc hút được đưa vào trong âm đạo, áp sát vào đỉnh đầu bé và tác động một lực hút nhẹ vừa đủ để giúp đưa phần đầu em bé ra ngoài dễ dàng hơn. Trong khi đó, các cơ vùng chậu của sản phụ vẫn tiếp tục co thắt để đẩy bé ra ngoài.
Khi sử dụng dụng cụ hỗ trợ sinh, sản phụ sẽ đối mặt với một số biến chứng như rách cổ tử cung, rách tầng sinh môn, rách âm đạo. Hậu sản có thể gặp hiện tượng tiểu không kiểm soát, són phân. Ngoài ra, bạn sẽ gặp nguy cơ cao phải thực hiện thủ thuật hỗ trợ này trong lần sinh tiếp theo.
Đối với em bé, con dễ bị bầm tím vùng mặt, cổ khi chào đời bằng phương pháp sinh có kẹp hỗ trợ. Hoặc tổn thương hộp sọ, xuất hiện vết bầm vùng đầu, xuất huyết võng mạc và tăng nguy cơ bị bệnh vàng da nếu dùng giác hút. Tuy nhiên các biểu hiện này thường mất đi trong vòng 48 giờ.
Mặc dù việc can thiệp hỗ trợ có những biến chứng như vậy, nhưng trong trường hợp cần thiết, và có thể thực hiện để tránh phải sinh mổ, chúng ta cũng hãy nghe theo chỉ định của bác sĩ để thực hiện, đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và em bé.
Sinh mổ
Không phải lúc nào bạn cũng có thể sinh con qua đường âm đạo. Khi đó, phương pháp sinh mổ (sinh con bằng phẫu thuật) là cần thiết để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi. Bác sĩ sẽ rạch một đường dài để mở ổ bụng và tử cung của người mẹ, đưa em bé ra ngoài.
Có nhiều lý do khiến sản phụ phải thực hiện sinh mổ để đưa em bé ra ngoài:
- Việc chuyển dạ không diễn ra thuận lợi, thường là khi giai đoạn chuyển dạ tích cực diễn ra chậm hoặc dừng hẳn.
- Mẹ được phát hiện có vấn đề trong quá trình sinh thường, khiến phải chuyển sang sinh mổ. Hoặc em bé có dấu hiệu tim thai bất thường.
- Em bé nằm ở tư thế khó sinh: ngôi chân, ngôi mông.
- Đầu của em bé không ở tư thế thuận lợi, thường là ngửa cằm hoặc đầu xoay nghiêng.
- Bánh nhau có vấn đề, thường là bánh nhau bong non – khiến em bé gặp nguy hiểm do không tiếp tục được nhận oxy và dưỡng chất từ mẹ, và bánh nhau tiền đạo – che cổ tử cung để em bé ra ngoài.
- Dây rốn có vấn đề, thường là sa dây rốn – dây rốn tuột ra ngoài trước khi em bé đến thời điểm sinh, và dây rốn cuốn cổ, dây rốn nằm chắn lối ra – nguy hiểm nếu không cung cấp đủ oxy và máu cho em bé trong quá trình chuyển dạ.
- Em bé quá to, không vừa với khung xương chậu.
- Em bé gặp vấn đề về sức khỏe, được chẩn đoán ngay từ khi ở trong bụng mẹ.
- Mẹ có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như tiểu đường thai kỳ, bệnh tim, phổi và huyết áp cao.
- Mẹ mang song thai.
- Mẹ đã từng sinh mổ, và không thể thực hiện sinh thường sau sinh mổ.
Việc sinh mổ có những rủi ro cho cả mẹ và em bé. Sản phụ có thể gặp:
- Hiện tượng mất máu nhiều, thường là gấp đôi so với đẻ thường.
- Xuất hiện cục máu đông ở chân, phổi và các bộ phận sinh dục.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng do phẫu thuật.
- Dị ứng thuốc mê.
- Tổn thương các cơ quan khác như bàng quang hoặc ruột.
- Nhau cài răng lược – hiện tượng bám bất thường hoặc xâm lấn một phần hay toàn bộ bánh nhau vào lớp cơ tử cung, dẫn đến việc phải cắt tử cung. Hiện tượng này khá hiếm khi xảy ra.
- Phải ở lại bệnh viện lâu hơn sau sinh. Sự đau sẽ diễn ra sau sinh để làm lành vết mổ cả trong tử cung và ngoài ổ bụng.
- Các cơ quan nội tạng cần nhiều thời gian để hoạt động lại bình thường hơn so với sinh thường.
Đối với em bé:
- Nguy cơ sinh non khiến em bé chưa trưởng thành phổi và đầy đủ các cơ quan chức năng.
- Tăng nguy cơ cao mắc các bệnh lý về hô hấp.
- Tổn thương nội tạng trong quá trình sinh mổ – hiếm gặp.
Để tiến hành sinh mổ, bạn sẽ được gây tê tủy sống, hoặc gây mê. Nếu gây tê tủy sống, bạn sẽ được làm giảm đau – mất cảm giác từ vùng ngực trở xuống và vẫn tỉnh táo tham gia cuộc sinh mà không cảm thấy đau. Tùy vào mức độ cấp thiết của cuộc sinh mà bác sĩ sử dụng loại phù hợp.
Thường với trường hợp sinh mổ chỉ định, bác sĩ sẽ dùng gây tê tủy sống. Nếu trường hợp cấp cứu cần đưa em bé ra nhanh nhất, bác sĩ sẽ thực hiện gây mê. Trong khi đó, gây tê ngoài màng cứng thường chỉ dùng với việc sinh thường qua đường âm đạo để giảm đau nhưng vẫn để lại cảm giác cơn gò cho mẹ đẩy em bé ra ngoài.
Sau khi đã được gây tê hoặc gây mê, bác sĩ sẽ tiến hành mổ với hai đường mổ. Một là đường mổ ở ổ bụng, hai là đường mổ ở tử cung. Hai vết mổ này có thể khớp cùng hướng với nhau nhưng cũng có thể không cùng hướng.
Có hai loại vết mổ ở bụng là vết mổ nằm ngang một đường ở phần bụng dưới, sát vùng kín, hoặc vết mổ nằm dọc ổ bụng. Việc thực hiện vết mổ theo hướng nào tùy thuộc vào yêu cầu mổ, kích thước của em bé, vị trí của nhau thai, và việc trước đây bạn có vết mổ nào trên bụng chưa.
Khi đã rạch xong vết mổ ở bụng, bác sĩ sẽ di chuyển vị trí bàng quang để thực hiện vết mổ ở thành tử cung. Vết này thường sẽ ngắn hơn vết ở bụng. Tương tự như ở ổ bụng, vết mổ ở tử cung cũng có thể nằm ngang hoặc dọc hoặc dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào mức độ cấp thiết và vị trí của em bé, của bánh nhau…
Sau khi mổ mở tử cung rồi, bác sĩ sẽ mở bọc ối để đưa em bé ra ngoài. Các hộ sinh sẽ hỗ trợ để làm sạch mũi, miệng của em bé, đảm bảo em bé thở được và đưa em bé đến cho bạn nhìn con.
Sau khi em bé chào đời, bác sĩ sẽ tiếp tục xử lý để bóc bánh nhau ra khỏi tử cung và khâu các vết mổ. Trong lúc này, em bé sẽ không được tiếp xúc với mẹ ngay. Bạn sẽ phải đợi đến khi hết thuốc gây mê hoặc khi được chuyển về phòng phục hồi sau sinh. Việc sinh sớm do nguy cơ sức khỏe dù là của mẹ và con cũng có thể khiến bạn và em bé phải cách ly sau sinh, không thể ngay lập tức tiếp xúc da kề da hay cho bú.
Sinh qua đường âm đạo sau lần sinh mổ trước
Trước đây mình chỉ biết rằng nếu đã sinh mổ một lần là sau đó luôn phải sinh mổ. Nhưng thật ra, nếu điều kiện cho phép, bạn vẫn có thể sinh qua đường âm đạo sau khi sinh mổ. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để xem bạn có thể sinh qua đường âm đạo sau khi sinh mổ không. Vì vốn việc sinh thường sẽ giảm nhiều nguy cơ về sức khỏe như mình đã chia sẻ ở phần về sinh mổ.
Các điều kiện có thể thực hiện sinh qua đường âm đạo sau khi sinh mổ là:
- Nếu ở lần sinh mổ trước, bác sĩ thực hiện sinh mổ bằng đường rạch nằm ngang thấp trong tử cung.
- Khung chậu của bạn đủ lớn để một em bé có kích thước trung bình lọt qua. Kích thước của em bé cũng không quá lớn.
- Bạn mang đơn thai chứ không phải đa thai.
- Lần sinh mổ đầu tiên của bạn là do chuyển dạ ngôi mông, hoặc do các yếu tố không lặp lại khác như là nhau tiền đạo, tiền sản giật ở mẹ…
- Cả bạn và em bé đều phải có sức khỏe tốt.
Nhiều mẹ bầu đã sinh thường sau khi sinh mổ thành công, nhờ vào tay nghề cao và sự sẵn sàng hợp tác của bác sĩ. Nếu bạn có nguyện vọng này, hãy tìm kiếm cho mình một bác sĩ phù hợp nhé!
Như vậy chúng ta đã đi qua 3 hình thức sinh khác, ngoài sinh thường qua đường âm đạo. Bao gồm sinh thường có hỗ trợ, sinh mổ và sinh thường sau khi sinh mổ. Dù ít lựa chọn hơn so với hình thức sinh thường, quyết định cuối cùng vẫn là ở mẹ bầu. Mẹ bầu có thể sinh thường được là tốt nhất, nhưng tùy vào hoàn cảnh thực tế, nhất là ưu tiên vấn đề sức khỏe của con, mẹ hãy theo tư vấn của bác sĩ để làm sao có cuộc sinh thành công.
Chúc cho chúng ta sẽ đạt được điều mà chúng ta mong muốn trong việc chuyển dạ và sinh nở, với kết quả tốt nhất về sức khỏe cho cả mẹ và em bé!
Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast nhé!
OanhDuongSam
****
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!