OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

Bảo quản và sử dụng sữa mẹ trữ đông đúng cách

Blog này tiếp tục chia sẻ một nội dung kiến thức của series nuôi con sữa mẹ. Đó là về cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt ra và cách sử dụng sữa mẹ rã đông sao cho đúng.

Trên thực tế, dù cho việc nuôi con sữa mẹ bằng cách cho ti mẹ trực tiếp có thuận lợi vô cùng, thì cũng đến lúc mẹ sẽ quay trở lại đi làm. Nội dung này là để chuẩn bị cho chúng ta cách giúp con được uống sữa mẹ chất lượng nhất dù không còn ti mẹ trực tiếp được nhiều nữa.

Trước hết mình vẫn phải khẳng định rằng, việc cho con ti mẹ trực tiếp sẽ là điều tốt nhất cho con và cả mẹ mà chúng ta sẽ cố gắng hướng đến. Ti bình dù gì cũng có những tác hại xấu đến con, ví dụ như ảnh hưởng đến răng hàm mặt và nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn. Ti bình cũng có thể là nguyên do lớn khiến con rời xa ti mẹ, lượng sữa mẹ cũng giảm đi.

Tuy nhiên, có quá nhiều tình huống có thể xảy ra, và mẹ cũng cần đi làm trở lại. Do đó, chúng ta hãy cứ chuẩn bị kiến thức để dù là plan B hay C, D, M, con vẫn được uống sữa mẹ dài lâu nhất, trong điều kiện tốt nhất có thể nhé!

Mình sẽ chia nội dung hôm nay thành 3 phần: Cách bảo quản sữa mẹ, Cách rã đông sữa mẹ và Các lưu ý bổ sung.

Cách bảo quản sữa mẹ đúng

Theo khuyến cáo của WHO, thứ tự ưu tiên về sữa cho trẻ sơ sinh như sau: Sữa mẹ uống trực tiếp, sữa mẹ vắt trữ, sữa mẹ đi xin, sữa công thức. Như vậy, khi con không thể ti mẹ trực tiếp, con nên được ưu tiên uông sữa mẹ vắt trữ hay sữa mẹ đi xin. Lúc này, chúng ta cần tìm hiểu cách bảo quản sữa vắt ra và sữa trữ lạnh, rã đông như thế nào để đảm bảo nhất chất lượng của sữa.

Sữa mẹ vắt ra và sữa mẹ đi xin đều có dinh dưỡng tốt và đầy đủ như con cần. Hai loại sữa này chỉ kém sữa mẹ ti trực tiếp ở lượng kháng thể phù hợp với nhu cầu đúng thời điểm bú mẹ của con, và con không được tối ưu việc hấp thụ nhờ vào các chất dịch tiết ra từ gan mật tụy… tại thời điểm bú thôi.

Cùng xem cần lưu ý gì để hai sữa này giữ được chất lượng tốt gần nhất với sữa mẹ ti trực tiếp nhé:

  1. Cần rửa sạch tay trước khi vắt sữa và chạm vào các dụng cụ vắt hút sữa.
  2. Cần đảm bảo dụng cụ vắt sữa dù là cốc hứng, phễu máy hút… đều sạch khuẩn an toàn. Cho dù sữa mẹ thực chất rất diệu kỳ, có khả năng diệt khuẩn với cả các dụng cụ trữ, nhưng sạch vẫn hơn ạ. Giữa các cữ vắt gần nhau, có thể lưu dụng cụ vắt sữa trong hộp đậy kín rồi lấy ra vắt tiếp 2-3 lần rồi mới cần rửa sạch tiệt trùng.
  3. Thời gian bảo quản và sử dụng sữa vắt theo đề xuất trong cuốn 68 Ngộ nhận về sữa mẹ dựa trên điều kiện vệ sinh và thời tiết của Việt Nam như sau. Mình thấy đây là hợp lý nhất trong những kiến thức mình đã đọc được. Tùy vào hoàn cảnh thực tế và điều kiện gia đình, bạn hãy lưu trữ và sử dụng sữa phù hợp để đảm bảo chất lượng cho con nhé. Cụ thể là:
    • Sữa bảo quản ở nhiệt độ phòng trên 29 độ C, sử dụng trong tối đa 1h
    • Sữa bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 26 độ C – tức là phòng điều hòa, sử dụng trong tối đa 6h
    • Sữa bảo quản trong thùng giữ lạnh, túi giữ lạnh kèm túi đá khô để vận chuyển, sử dụng trong tối đa 24h
    • Sữa bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, sử dụng trong tối đa 48h
    • Sữa bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh nhỏ 1 cửa, sử dụng trong tối đa 2 tuần
    • Sữa bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh 2 cửa, ngăn đá có cửa riêng, sử dụng trong tối đa 3 tháng
    • Sữa bảo quản trong tủ đông chuyên dụng dưới 18 độ C, sử dụng trong tối đa 12 tháng
  4. Dụng cụ trữ sữa là các loại bình và túi chuyên dụng. Tất nhiên, bình thủy tinh là an toàn nhất cho con. Vì dù là loại nhựa gì, mình tin là vẫn có hạt vi nhựa có thể đi vào sữa. Tuy nhiên, bình thủy tinh chỉ phù hợp nếu mẹ vắt sữa trữ sữa để con uống trong vòng 48 giờ thôi do chiếm nhiều thể tích. Do đó Ta có thêm lựa chọn là các bình nhựa mềm bằng PP hoặc BPA free và túi trữ sữa chuyên dụng – giúp tiết kiệm nhiều thể tích ngăn đông và tiện lợi khi sử dụng. Nhưng ngược lại, vi nhựa vẫn không tốt cho trẻ, và nhựa dùng một lần thì không tốt cho môi trường, nên chúng ta vẫn cứ là cố gắng cho con ti mẹ trực tiếp hoặc vắt trữ trong bình thủy tinh để cho con bú trong vòng 48 giờ.
  5. Cần lưu sữa vắt ở các cữ khác nhau cho đến khi có chung mức nhiệt, trước khi trộn chung để cho con bú hoặc mang bỏ tủ đông. Lưu ý cũng không trộn sữa mới vắt vào chung với sữa đang rã đông. Mục đích là để đảm bảo chất lượng của sữa, không làm thay đổi chênh lệch lớn các loại sữa ở nhiệt độ khác nhau.
  6. Đối với sữa trữ trong ngăn mát tủ lạnh, bạn hãy bảo quản sữa ở ngăn cao nhất và để riêng với các thực phẩm khác. Có thể xếp các chai lưu sữa vào một hộp nhựa kín để riêng.
  7. Đối với sữa trữ trong ngăn đông, dù là trữ trong chai hay trong túi, ta cần chừa 20% dung tích để chỗ cho sự giãn nở của sữa khi rã đông. Nếu bảo quản bằng túi trữ sữa, cần ép tối đa lượng không khí trong túi ra ngoài trước khi khóa túi để đảm bảo chất dinh dưỡng. Mỗi túi hay chai chỉ nên chứa lượng tương đương với cữ bú của bé. Ví dụ từ 6 tháng đến một năm là trong khoảng 100-150ml thôi, đúng dung tích dạ dày con. Bạn có thể trữ vào túi to hơn nếu con ti bình hoàn toàn, nhiều cữ trong ngày để giảm thời gian rã đông.
  8. Khi lưu trữ sữa, dùng bút ghi lại giờ – ngày bắt đầu cấp đông để biết thời hạn sử dụng của sữa và sử dụng kịp thời.

Theo khuyến cáo của bác sĩ sữa mẹ Anh Thy, không nên cho con ti bình trong 4 tháng đầu đời để con đảm bảo có khớp ngậm đúng và không quên ti mẹ. Nếu mẹ cần quay lại đi làm khi con 6 tháng tuổi, hai mẹ con hãy bắt đầu tập hút vắt sữa và cho con ti bình từ khi con 4 tháng tuổi trở đi.

Nên tập ti bình xen kẽ với ti mẹ trực tiếp để con làm quen và không quên ti mẹ. Việc tập vắt sữa sớm một chút cũng giúp mẹ làm quen với việc vắt sữa. Mỗi ngày mẹ có thể vắt dư thêm 1-2 cữ, khoảng 150-200ml thôi để có lượng dự trữ đóng đông, chuẩn bị cho con trong thời gian sau.

Cá nhân mình cũng xác định sẽ vắt sữa trữ ở ngăn mát và cho con uống nếu cần đi ra ngoài trong 6 tháng đầu. Và nếu phải quay trở lại đi làm, mình cũng sẽ lựa chọn vắt sữa trước 2 tháng so với thời điểm phải quay lại đi làm để dự trữ cho con. Và dù lúc đó có cho con ti bình, mình cũng sẽ vẫn cho con ti mẹ vào các cữ buổi tối để con vẫn được bảo vệ bằng sữa mẹ ti trực tiếp. Đây cũng là cách để duy trì sữa mẹ dài lâu. Bằng cách này mà bạn bè mình có người duy trì cho con uống sữa mẹ được đến 2-3 tuổi lận!

Nguồn: WHO.


Cách rã đông sữa mẹ đúng

Biết về cách bảo quản sữa mẹ rồi, giờ phải xem rã đông sữa mẹ sao cho đảm bảo chất lượng nhất nhé!

  1. Ưu tiên sử dụng trước sữa cũ hơn, sữa mới hơn để sau.
  2. Có 2 cách rã đông sữa:
    • Rã đông chậm: để xuống ngăn mát qua đêm. Đây là cách giữ được chất dinh dưỡng tốt nhất.
    • Rã đông nhanh: Để chai hay túi sữa trực tiếp dưới vòi nước ấm hoặc ngâm vào một tô có nước ấm KHÔNG QUÁ 40 độ. Thay nước thường xuyên đến khi sữa rã đông hoàn toàn. Thường mất khoảng 20-30 phút tùy vào dung tích.
  3. Bạn có thể mua máy hâm sữa, thường có mức nhiệt 40 độ hoặc 70 độ. Mức 40 độ là phù hợp để rã đông. Mức 70 độ là phù hợp để thanh trùng.
  4. Nếu là sữa mẹ ruột rã đông, mức 40 độ, bằng với mức nhiệt dùng để rã đông là nhiệt độ phù hợp để cho con uống rồi.
  5. Nếu là sữa mẹ đi xin và không biết rõ tình trạng sức khỏe của họ bằng xét nghiệm máu, bạn hãy thanh trùng sữa bằng cách dùng mức nhiệt 70 độ trong khoảng 20-30 phút để diệt khuẩn. Việc thanh trùng sẽ làm giảm một ít kháng thể và vitamin, nhưng bù lại chúng ta sẽ đảm bảo chất lượng sữa cho con. Sữa thanh trùng cần được để nguội về mốc 36-40 độ C để con uống. Bạn cũng có thể thanh trùng bằng cách đun sữa trong nồi đến mức 70 độ C rồi chuyển vào bình. Nhưng mình thấy cách này không hay lắm do khó căn nếu bạn không có nhiệt kế. Nhiệt độ cao quá sẽ làm mất chất dinh dưỡng trong sữa.
  6. Thực chất, con có thể uống sữa nguội, tức là sữa chỉ cần hết lạnh, rã đông, không cần đạt mốc 40 độ C mà vẫn đảm bảo chất lượng sữa và sức khỏe tiêu hóa. Vậy là, nếu sữa lấy từ ngăn mát tủ lạnh có nhiệt độ khoảng 0-5 độ C con cũng có thể uống được. Hoặc bạn cũng chỉ cần làm bớt lạnh, tăng đến 20-30 độ C thôi. Mình nghĩ chúng ta nên luyện cho con uống sữa nguội để những lúc vội vàng, quên rã đông, hoặc con quá đói mà khóc quấy, vẫn đáp ứng được nhu cầu của con.
  7. Sữa rã đông rồi cần dùng trong vòng 24h, bảo quản ngăn mát tủ lạnh. Nếu dùng không hết, cần bỏ đi, hoặc mẹ lấy làm sữa chua cho người lớn ăn, hoặc đắp mặt nạ cho đỡ phí chứ không cấp đông lại.
  8. Khi con uống mới mang đúng lượng sữa cần bỏ vào bình để hâm nóng hoặc để nguội, trước 20-30 phút là được. Không nên ngâm trong nước ấm hay máy hâm sữa quá lâu.
  9. Sữa mới làm ấm mà bé không bú mà chưa dính nước bọt thì bỏ lại tủ lạnh, uống trong vòng 2h. Nếu đã dính nước bọt của con thì nên uống trong vòng 1h.

Lưu ý bổ sung

  1. Sữa mẹ sẽ tách lớp khi để trong tủ mát. Nhìn vào sẽ thấy rõ phần nước, và phần chất tách biệt. Bạn chỉ cần khuấy nhẹ cho tan đều, hoặc chuyển từ túi qua bình thôi là có thể uống được. Không nên khuấy mạnh làm mất chuỗi liên kết các chất bên trong sữa mẹ.
  2. Khi sữa mẹ rã đông, có thể có một lớp vàng ở trên hoặc các tinh thể hơi cứng. Đây là chất béo đổi hình thái nên các bạn không cần lo về chất lượng sữa nha.
  3. Vẫn là về chất béo, do có chất béo nên sữa mẹ bảo quản có thể có mùi hắc hắc xà phòng.
    • Nếu bé hợp tác, mình vẫn cho con bú bình thường.
    • Nếu con không hợp tác, trộn sữa rã đông với sữa mẹ mới vắt ở nhiệt độ mát theo tỉ lệ tăng dần để con dần quen.
    • Nếu con từ chối sữa trộn, mẹ có thể thanh trùng sữa mẹ để khử mùi. Bạn cũng có thể đun thanh trùng sữa mẹ trước khi cấp đông để khử mùi hắc này. Đun rồi nhớ để nguội rồi mới cấp đông nhé.
  4. Nếu cho sữa hoặc xin sữa, bạn nên lưu ý việc vận chuyển sao cho đảm bảo an toàn:
    • Nếu đi gần, hoặc số lượng ít: vài lọ bảo quản trong túi kín với đá khô
    • Nếu đi xa, hoặc vận chuyển số lượng nhiều: Bỏ vào thùng xốp, cho đá xen kẽ để bảo quản sữa.
    • Nếu mất điện: Bảo quản bằng thùng xốp rồi cho lại vào ngăn đá. Nếu có túi nào tan, nên dùng sớm trong 2h.
  5. Căn theo lượng sữa con cần để trữ đông và rã đông sữa phù hợp với nhu cầu của con. Cụ thể là ở 1 ngày tuổi chỉ cần 5-7ml sữa mẹ mỗi cữ, ở 3 ngày tuổi cần 22-27ml sữa mẹ, ở 1 tuần tuổi cần 45-60ml sữa mẹ. Đến khi 30 ngày tuổi, kéo dài ổn định đến 6 tháng tuổi, con chỉ cần 80-150ml sữa mẹ. Ngoài 6 tháng trở đi, khi kết hợp ăn dặm rồi, con cũng duy trì mỗi cứ uống khoảng 100-150ml sữa mẹ. Vậy cứ đúng thế hoặc xê xích hơn chút bạn cho con uống nhé. Không phải cứ uống nhiều hơn là hay hơn đâu, dạ dày con sẽ bị giãn quá mức đấy.


Đó là toàn bộ những gì mình học được về việc bảo quản sữa mẹ và rã đông, sử dụng sữa vắt ra cho con sao cho đảm bảo nhất về chất lượng. Vẫn cứ phải nhấn mạnh rằng, mẹ hãy cố gắng duy trì cho con bú mẹ dù đã ti bình sữa mẹ vắt trữ.

Bạn hãy nắm chắc cơ chế tạo sữa mẹ, kiên nhẫn vắt sữa đúng cữ để duy trì lượng sữa cho con dù đi làm trở lại. Ngay cả khi con ăn dặm và uống thêm các loại sữa khác, mẹ vẫn có thể duy trì cho con bú cữ tối để tiếp tục cho em bé nguồn dinh dưỡng và kháng thể chuẩn nhất với nhu cầu của con nhé.

OanhDuongSam

Đọc thêm Series Nuôi con sữa mẹ:

  1. Cơ chế tạo sữa mẹ và chiếc máy hút sữa kỳ diệu nhất
  2. Hiểu đúng để sửa dụng máy hút sữa hiệu quả
  3. Khớp ngậm đúng khi cho con bú mẹ trực tiếp
  4. Dấu hiệu con bú đủ khi cho con bú mẹ trực tiếp
  5. Sữa mẹ tốt và cách để tốt sữa
  6. Cách kích sữa mẹ ngay từ những ngày đầu sau sinh

Nguồn tham khảo:

  1. Sách The womanly art of Breastfeeding – La Leche League International
  2. Sách Guide to a Healthy Pregnancy – Mayo Clinic/ Myra J. Wick, M.D., Ph.D.
  3. Bác sĩ sữa mẹ Anh Thy
  4. Sách 68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con sữa mẹ – Lê Nhất Phương Hồng

—-

Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.