Baby Blue chắc sẽ không chừa một ai! Mình và nhiều mẹ bỉm bạn mình, vốn luôn là những người vui vẻ tích cực, nhưng cũng không thoát khỏi tay của Baby Blue.
Một lời nói vô ý, một ánh chiều tà, một cơn căng thẳng ước mình đáng ra nên học và tìm hiểu một kỹ năng nào đó sớm hơn, chắc hơn, để áp dụng tốt hơn, một lần dỗ con đi ngủ không được, một đêm đau đầu ti quá mức buộc phải cho con dặm bình sữa công thức, một bữa con lệch giờ giấc mẹ chẳng hiểu gì, một suy nghĩ tủi thân vì việc gì với con cũng đến tay mà không ai giúp được, hoặc có khi lại là chẳng được làm gì cho con ngoài cho tuti…
Rất nhiều lúc như thế, có thể làm mình thẫn thờ, hoặc rất buồn hoặc nước mắt trực lăn, hoặc tự dưng òa khóc nức nở.
Mình sang đến tuần thứ 3, dù đã dùng nhiều cách để tự điều hòa cảm xúc của mình, vẫn có những lúc buồn. Nếu bạn cũng như mình, hãy thử những cách này xem nhé:
- Ngắm nhìn em bé mỗi khi ở gần con, trò chuyện với con, lắng nghe hơi thở và nhịp tim của con.
- Nếu con khóc quấy quá lâu làm bạn căng thẳng, hãy tìm người trợ giúp dù chỉ là một lúc, nếu có thể. Hoặc vừa địu con vừa làm việc nhà – con vừa được trấn an, bạn vừa có thể làm việc khác. Hoặc đặt con lên xe đẩy đi ra ngoài hít thở chút không khí trong lành. Không cần ôm hết vào người hay làm hoàn hảo đúng giờ giấc, bạn nên được nghỉ ngơi. Chỉ cần cung cấp đủ thông tin cho người trợ giúp để bạn yên tâm và họ biết cần làm gì. Khi bạn thả lỏng, em bé cũng sẽ an tâm hơn.
- Không bày tỏ cảm xúc tiêu cực ngay mà hãy dành thời gian tự gặm nhấm nó. Bạn có thể đi tắm, massage nhẹ cổ vai gáy, chườm ấm những chỗ đau, ăn một thứ ngọt. Trong lúc đó dành thời gian suy ngẫm lại việc đã xảy ra xem có thể nghĩ về nó hướng nào tích cực hơn. Thường là mình sẽ thấy đỡ tiêu cực sau đó, xử lý sự việc đơn giản, nhẹ nhàng hơn.
- Cố gắng ngủ đủ để đủ tỉnh táo nghĩ tiếp. Đôi khi bản thân mệt mỏi quá mức mà không biết ấy.
- Nếu khó ngủ, cứ nghĩ quá mệt đầu, hãy viết ra. Viết cho bản thân, hoặc cho người bạn muốn bày tỏ. Viết là một cách làm tâm tĩnh lại, sắp xếp suy nghĩ.
- Thiền thư giãn, nếu bạn có thể. Hoặc xem một video thứ bạn thường xem để giải trí. Rồi sau đó lại tha hồ quay về xem video về vỗ ợ, easy, kích sữa, catnap…
- Nếu tự xử lý cảm xúc là chưa đủ, hãy chia sẻ với người thân – chồng của bạn, mẹ đẻ, chị em ruột, hoặc một người bạn bè bạn tin tưởng. Chia sẻ cũng là cách giải quyết cảm xúc, không cần cứ phải có lời khuyên.
- Đồng thời, trò chuyện với mẹ bỉm cùng trang lứa để được chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức. Các mẹ khác đã và đang giúp mình rất nhiều!
- Hãy tin là mình đang làm hết sức rồi. Nếu có gì chưa tốt, mình cố gắng làm tốt hơn. Nếu có gì đã sai, sửa được hãy sửa, không thì cũng chấp nhận những gì đang có và từ từ tìm cách.
- Hãy luôn nhắc mình rằng ai ở xung quanh cũng chỉ đang cố gắng giúp hai mẹ con, và đều vì thương em bé hết! Để mọi thứ đều đơn giản hơn, bớt đi những giây phút tủi thân, hay bực mình không cần thiết.
- Cuối cùng, hãy tin tưởng rằng em bé sẽ Dần Lớn, những lúc khó khăn này sẽ qua đi. Thay vì căng thẳng, hãy tận hưởng từng phút giây bên con và cùng con vượt qua những lúc thế này.
Trong số tất cả những cách mình liệt kê ở trên, mỗi cách mình đều làm ít nhất 1 lần rồi. Có lúc mình làm vài thứ cùng lúc, có lúc chỉ một. Có lúc cần nhiều thời gian, có lúc cần ít hơn, để vượt qua một cơn buồn. Cơ bản đến cuối cùng, mình thấy mọi sự không quá tệ, và luôn có cách giải quyết nào đó. Cho dù đó có thể không phải là cách hoàn hảo, được cái này mất cái kia, nhưng sẽ luôn có cách! Chúng ta cùng nhau cố gắng nhé!
Oanh Duong Sam
Kết nối thêm với mình:
– Instagram: danlonpodcast
– Email: oanhdnd@gmail.com
– Facebook cá nhân: Oanh Duong Sam
****
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!