Ở tuần thai thứ 33, khi thời điểm sinh sắp tới, mình cũng đi đọc kỹ hơn về những điều cần biết để chăm sóc tốt sức khỏe của người mẹ sau khi sinh.
Rất nhiều vấn đề về sức khỏe và tinh thần có thể xảy ra với mẹ sau sinh. Mỗi vấn đề lại cần có biện pháp phù hợp. Tựu chung lại, mình thấy rằng các mẹ sau sinh quan trọng nhất vẫn là giữ cho mình có đủ sức khỏe, chăm sóc cơ thể và giữ vững một tinh thần tích cực. Dưới đây là 8 điều cần biết, mong sẽ mang đến ý niệm ban đầu về những điều chúng ta có thể phải đương đầu sau sinh!
1. Sau khi sinh, cần cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ
Chẳng dễ để nghỉ ngơi khi chúng ta có quá nhiều thứ mới mẻ phải làm, khác hẳn với trước đây. Thế nhưng nếu có đủ điều kiện, các mẹ hãy cố gắng nghỉ ngơi khi có thể, để hồi phục sức khỏe sau sinh và chuẩn bị sức khỏe cho đường dài về sau. Ít nhất mỗi ngày hãy ngủ 1-2 giấc ngắn 15-30 phút cùng con vào ban ngày để lấy sức. Nếu cho con bú thay vì vắt hút sữa, bạn cũng sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi. Nếu được, hãy san sẻ việc nhà và việc chăm sóc em bé, tối ưu việc nấu nướng… để có thêm thời gian nghỉ ngơi.
Việc nghỉ ngơi này cũng nên bao gồm cả chăm sóc sức khỏe tinh thần. Nghỉ ngơi đủ, kèm theo các hoạt động thư giãn như nghe nhạc, xem phim, ra ngoài hít thở không khí, vận động nhẹ nhàng sẽ giúp mẹ giữ tinh thần tốt, ít căng thẳng, stress, giúp sữa về tốt hơn và sức khỏe sinh sản phục hồi nhanh hơn.
2. Chú ý chăm sóc cơ thể
Như đã nói từ số trước, bạn sẽ “rò rỉ” ở khắp mọi nơi. Nếu cứ để như vậy thật không thoải mái chút nào. Hãy dành thời gian chăm sóc cơ thể nhé. Tắm gội nhanh và thường xuyên để giữ cơ thể sạch sẽ, thoải mái. Mặc quần áo chất liệu tốt để thấm hút mồ hôi và co giãn thoải mái. Dùng miếng thấm sữa, cốc hứng sữa nếu sữa rò rỉ quá nhiều. Dùng băng vệ sinh lớn để thấm hút sản dịch, giữ vệ sinh vùng kín, ngâm rửa, massage và tiếp tục tập bài tập kegels để vùng kín và cơ sàn chậu nhanh phục hồi. Xin tư vấn của bác sĩ nếu có các dấu hiệu về bệnh đường sinh dục. Trong khoảng 6 tuần sau sinh, tử cung của bạn sẽ co rút về kích thước thông thường, do đó bạn không nên nằm ngửa nhiều, tránh để tử cung tụt ra phía sau lưng, không thuận lợi cho việc co rút, đẩy sản dịch… Chú ý việc tiểu tiện, đại tiện để phục hồi chức năng tốt. Nên tiểu tiện trong vòng 6 tiếng sau sinh và đại tiện đầy đủ sau khoảng 2 ngày sau sinh.
3. Đảm bảo ăn uống đủ chất
Việc này khỏi phải bàn. Bạn ăn cho bạn, và ăn để vào sữa cho con. Bạn chỉ cần ăn phong phú các loại thực phẩm, ưu tiên chất xơ, nhưng cũng đủ đạm – đường – chất béo tốt. Lưu ý uống THẬT NHIỀU nước, nước ấm sẽ tốt hơn, nhất là trước khi cho con bú; và không nên ăn quá nhiều chất béo kẻo tắc sữa nhé.
4. Kích sữa non về
Kết hợp tích cực cho con bú thường xuyên mỗi lần cách nhau 2-3 giờ, với chườm ấm 3-5 phút và massage từ chân ngực đến đầu ti trước khi cho bú để sữa non dễ tiết ra.
5. Đương đầu với cương sữa sinh lý
Cương sữa sinh lý sẽ xuất hiện trong 3-5 ngày sau sinh, kéo dài vài ngày. Biểu hiện rõ ràng nhất là ngực sưng, đau tức, xuất hiện cục lổn nhổn ở khắp nơi trong hai bầu ngực. Để nặng, bạn có thể bị sốt, ngực sưng to và nổi hạch ở nách.
Giải pháp xử lý cương sữa sinh lý là hãy tích cực cho em bé bú trong khoảng 2-3 giờ một lần. Cho bé bú là cách thông tia nhanh nhất. Trước khi cho bú, hãy massage ngực bằng cách vuốt nhẹ từ chân đầu ti về phía nách, khắp chung quanh ngực. Nếu sữa không xuống, có thể vắt tay trước để kích sữa xuống rồi mới cho con bú. Sau khi cho bú, hãy chườm lạnh 10-15 phút để làm giảm sưng, viêm, 2-3 lần trong vòng 24-48 giờ sau khi thấy hiện tượng cương sữa.
Tham khảo video hướng dẫn cách kích sữa non về và giải pháp khi cương sữa sinh lý do bác sĩ sữa mẹ Anh Thy chia sẻ.
6. Đương đầu với tắc tia sữa
Tắc tia sữa là hiện tượng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, ngay cả khi 1 năm sau sinh vẫn có thể tắc tia. Biểu hiện là chỉ sưng cục cứng tức đau ở một số chỗ tắc, trong khi những vùng khác vẫn mềm mại. Nguyên nhân là do vi khuẩn xâm nhập gây viêm, sưng tia sữa.
Giải pháp xử lý tắc tia bao gồm: Chườm ấm 10 phút trước khi cho bú – chi chườm nếu ngực chưa sưng đỏ, viêm nặng, cho bé bú hoặc vắt hút đều đặn 2-3 giờ một lần, kết hợp thêm vắt tay và cốc hứng sữa nếu thấy bé bú khó hoặc hú máy không hiệu quả, chườm mát 10 phút sau khi cho con bú để giảm sưng viêm.
Để phòng tránh tắc tia sữa, bạn nhớ:
- Cho con bú đúng khớp ngậm để đảm bảo vi khuẩn khó xâm nhập vào bên trong ngực.
- Không để sữa ứ nhiều trong 1 thời gian dài. Nếu sữa quá nhiều, nên vắt bớt ra nhưng không vắt kiệt vì sẽ làm sữa về càng nhiều, càng dễ tắc tia.
- Không lạm dụng máy hút sữa, không hút sữa quá nhiều hay hút kiệt, hút thêm sau mỗi cữ bú vì sẽ làm sữa về càng nhiều hơn nhu cầu của con, gây dư thừa, ứ đọng, càng làm tắc tia.
- Tránh ăn đồ có quá nhiều chất béo dễ đóng cục gây tắc ứ ừ bên trong.
- Tránh mặc áo ngực bó chặt làm chèn ép, khó lưu thông nang sữa.
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress căng thẳng.
- Trong vòng 24 giờ trở đi, nếu hiện tượng tắc tia không giảm, cần có sự can thiệp ngay của bác sĩ.
Tham khảo video hướng dẫn cách xử lý vấn đề tắc tia sữa và 10 nguyên nhân gây tắc tia phổ biến và cách khắc phục do bác sĩ sữa mẹ Anh Thy chia sẻ.
7. Tắc sữa nhiễm khuẩn vú và Tắc sữa áp xe vú
Đây là hai hiện tượng bệnh lý nặng, xuất hiện khi việc tắc tia sữa gây viêm sưng nặng nề. Biểu hiện của tắc sữa nhiễm khuẩn vú là khởi sốt cao, nổi hạch to ở nách, bầu ngực sưng to, đau đớn, Vùng da phía trên ổ viêm có thể nóng đỏ, phù nề nếu ổ viêm nằm ngay dưới da hoặc trên bề mặt tuyến sữa. Biểu hiện của tắc sữa áp xe vú là tình trạng trong vú có túi chứa đầy mủ và bao quanh bởi các mô viêm, mẹ sốt cao, cơ năng đau nhức nhối, sâu trong tuyến vú, đau tăng khi vận động cánh tay, khi cho con bú.
Với hai bệnh lý này, tốt nhất bạn nên cố gắng phòng tránh và nếu gặp phải, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hay chuyên gia sữa mẹ để có can thiệp kịp thời.
8. Các bệnh hậu sản phổ biến cần lưu ý
- Băng huyết: Băng huyết là một trong những tai biến sản khoa hay gặp nhất với nguy cơ cao trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Triệu chứng khi băng huyết sau sinh là ra máu nhiều, khó cầm máu khiến mẹ bị mất máu gây choáng váng, da xanh nhợt nhạt, huyết áp giảm nhanh chóng, tay chân lạnh, đổ nhiều mồ hôi…
- Bế sản dịch: Bế sản dịch là hiện tượng sản dịch không thoát ra ngoài được, ứ đọng lại trong tử cung. Sản phụ bị bế sản dịch nếu can thiệp muộn có thể dẫn tới rối loạn đông máu, chảy máu không cầm, nguy hiểm đến tính mạng.
- Tiền sản giật: Tiền sản giật sau sinh tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra trong vòng 48 giờ hoặc muộn nhất là sáu tuần sau khi sinh. Nó tương tự như chứng tiền sản giật (nhiễm độc thai nghén) xảy ra trong thai kỳ. Bệnh không có biểu hiện rõ ràng trừ khi theo dõi huyết áp hoặc có các biểu hiện như đau đầu nặng, phù nề, ù tai…
- Nhiễm trùng sau sinh: Nhiễm trùng hậu sản là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở sản phụ sau khi sinh xuất phát từ đường sinh dục như âm đạo, cổ tử cung, tử cung trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh. Biểu hiện bệnh như là Sản dịch có mùi hôi, có thể bị sốt, tử cung co chậm và đau.
- Táo bón và trĩ: Do ảnh hưởng của quá trình sinh nở mà sản phụ ăn uống không đủ chất và rặn đẻ không đúng cách.
- Viêm đường tiết niệu: B buồn tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu lại rất ít. Khi tiểu, sản phụ có cảm giác đau buốt, ngứa rát và nước tiểu bị đổi màu. Ngoài ra, sản phụ còn đau âm ỉ vùng bụng dưới. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như sốt, buồn nôn, ớn lạnh.
- Trầm cảm sau sinh: Triệu chứng baby blues là dễ gặp do thay đôi về tâm lý, cuộc sống, môi trường sống và có thể qua sớm nếu mẹ sinh hoạt, nghỉ ngơi đầy đủ và giữ tâm lý tích cực. Trong khi nếu có những biểu hiện nặng hơn như chứng trầm cảm nặng, cần can thiệp của chuyên gia tâm lý.
Như vậy, cơ thể mẹ có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe sau sinh. Mẹ hãy lưu tâm đến sức khỏe của mình để can thiệp kịp thời và liên hệ bác sĩ điều trị khi cần thiết.
Mình mong rằng chúng ta sẽ không gặp các vấn đề hậu sản nặng nề. Nếu có, hãy chỉ thật nhẹ nhàng thôi, để hành trình làm mẹ được thuận lợi và bớt khó khăn hơn!
Nguồn tham khảo:
- Sách Guide to a Healthy Pregnancy – Mayo Clinic/ Myra J. Wick, M.D., Ph.D.
- Sách Bách khoa Thai nghén, sinh nở và Chăm sóc em bé – Trạch Quế Vinh (Công Bình dịch)
- Website Bệnh viện đa khoa Tâm Anh
- Website Bộ Y tế – Mục Kiến thức
- Bác sĩ sữa mẹ Anh Thy – YouTube
OanhDuongSam
Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast!
****
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!