Để đi qua 8 tuần vừa qua trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ trực tiếp, mình xin chia sẻ 7 thứ mình thấy là nên có, và mình đã dùng rất nhiều, để các bạn tham khảo.
So với các mẹ sử dụng thêm máy hút sữa và cho con ti mẹ bằng bình thay vì ti mẹ trực tiếp, chắc chắn số lượng đồ cần thiết sẽ ít hơn rất nhiều. Có lẽ bởi vì vậy mà đến giờ, mình quá mức lười nhác vác máy hút sữa ra dùng. Mình ngại cả việc rã đông sữa bỏ vào bình cho con, hay tiệt trùng đồ dùng vắt sữa trữ sữa. Ti mẹ trực tiếp thực sự quá nhàn và tiện. Bởi vì sữa luôn ở trong ngực, sẵn sàng cho em bé tuti bất kỳ lúc nào.
Sau đây, mình xin chia sẻ 7 thứ mình dùng nhiều nhất khi cho con ti sữa mẹ trực tiếp!
1. Khăn xô nhỏ, dày – loại 6 lớp
Mình sử dụng khăn này để thấm sữa, tránh chảy ra người con khi con bú. Ngay khi con áp vô ngực mình, chưa vào khớp bú, sữa đã bắt đầu chảy ra. Nếu con không ngậm bú ngay, hoặc con nghỉ giữa hiệp, sữa vẫn sẽ chảy ra. Ngoài yếm sữa sử dụng ban ngày, ban đêm mình dùng khăn xô dày này để lót dưới má con, hứng sữa chảy ra, hoặc để hứng sữa mình vắt bớt ra cơ động ngay khi ngực quá nhiều sữa làm con sợ, không chịu ngậm ti. Ngoài ra, mình dùng khăn xô 4 lớp để lau sạch nước bọt ở đầu ti sau khi cho con bú để giữ vệ sinh đầu ti.
2. Cốc hứng sữa
Thay vì dùng máy hút sữa, mình đã dùng cốc hứng sữa để: kích sữa, và hứng sữa vắt bằng tay. Khi gặp phải vấn đề nứt đầu ti, đau đớn không thể cho con ti trực tiếp và cũng không thể hút sữa bằng máy, mình chỉ sử dụng cốc hứng sữa để hút sữa ra khỏi ngực bằng áp lực âm. Để hứng được nhiều, mình massage và chườm ấm trước khi hứng. Sau khi hứng xong, mình vắt tay thêm để đạt lượng sữa tối đa. Trong lúc con ti mẹ, mình dùng cốc này để hứng sữa ở ngực còn lại, lợi dụng “phản xạ xuống sữa” của cơ thể khi con ti mẹ trực tiếp – việc mà máy hút phải massage rất lâu mới đạt được. Sữa hứng được, mình trữ mát rồi dồn lại đóng đông. Ở tuần thứ 2, mỗi ngày mình hứng tổng được 120-150ml, lượng phù hợp để kích dư mỗi ngày và đề phòng khi con cần thêm trong đợt phát triển nhảy vọt, hoặc khi mình phải đi ra ngoài không cho con ti trực tiếp được.
Với các mẹ trong thời gian đầu chưa cần dùng đến máy hút sữa để hút trữ sữa để dành cho con và chuẩn bị cho khi đi làm, mình nghĩ cốc hứng sữa là phương án vừa nhanh, gọn, lẹ, mà vẫn hiệu quả. Mình đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian ngồi hút sữa, cọ rửa tiệt trùng dụng cụ, trữ sữa… và dành thời gian đó để “vật vã” với những việc nuôi con khó nhằn khác (haha).
Bên cạnh cốc hứng, mình dùng lọ có nắp trữ sữa, hộp nhựa đóng kín để giữ cốc hứng và lọ trữ trong ngăn mát, túi đựng sữa bằng chất liệu an toàn để cấp đông sữa.
3. Miếng thấm sữa
Ở những tuần đầu, mình thường xuyên chảy sữa. Có ngày dùng miếng thấm rồi mà nằm nghiêng, miếng thấm dùng một lần không đi theo đầu ti, sữa thấm ướt áo luôn. Khi cho con ti, miếng thấm cũng giúp ngăn sữa chảy ra ở bên ngực còn lại.
Mình dùng loại giặt đi dùng lại vì loại này cứng cáp hơn, khi mở áo cho con ti, miếng thấm không bị dính díu làm khó mở áo. Khi nằm nghiêng, miếng thấm di chuyển theo đầu ngực, hạn chế việc thấm sữa ra áo, thay vì cố định như miếng thấm dùng một lần. Đồng thời, miếng thấm loại dùng lại này dày dặn, dùng được lâu hơn, mà lại giúp bảo vệ môi trường nữa.
4. Cốc nước giữ nhiệt
Việc uống nước là siêu quan trọng để tạo sữa. Nước ấm lại càng tốt, mà nhất là vào mùa đông giá rét. Bởi vậy mình đã sắm hai chiếc cốc giữ nhiệt, lưu nhiệt được 4-6 tiếng, đảm bảo lúc nào cũng có nước ấm để uống, dù sáng sớm hay đêm thâu. Uống thật nhiều nước ấm khoảng 10 phút trước khi cho con bú sẽ giúp sữa xuống nhiều hơn.
5. Túi chườm lạnh
Bầu ngực mình trong 2-3 tuần đầu thường xuyên nóng rực. Vào lúc cương sữa sinh lý, đầu ti bị nứt, hay lúc tắc tia, việc chườm lạnh sau khi cho con bú giúp mình cảm thấy đỡ đau đớn, nóng rát đi rất nhiều. Mình dùng túi chườm dùng nhiều lần, loại vỏ silicon, đựng trong túi vải nhằm tránh bỏng ngực. Mình trữ miếng chườm trong túi zip, lấy ra dùng khi cần rồi lại cất lại. Chỉ 10 phút thôi, ngực đỡ khó chịu đau đớn đi nhiều!
Bên cạnh đó, mình dùng máy massage cầm tay có rung và nhiệt ấm để massage trước khi hứng cốc, hoặc day thẳng vào những cục tắc trong ngực giúp tan tắc tia.
6. Kem bôi đầu ti tốt nhất chính là sữa mẹ
Với việc nứt đầu ti, sữa mẹ giúp ích rất nhiều do có kháng sinh tự nhiên. Ban đầu, mình bôi kem dưỡng an toàn cho đầu ti, nhưng sau đó, mình chỉ dùng sữa mẹ thôi mà đầu ti cũng lành lặn.
7. Áo ngực vừa vặn, tiện lợi
Ngực dù to hay nhỏ, mềm hay cứng, đều nên mặc áo ngực để hỗ trợ tối đa nhé. Nhiều người chính vì không mặc áo ngực mà dễ nứt đầu ti do chạm vào quần áo, sa trễ bầu ngực do nặng hơn trước đây. Kinh nghiệm của mình là hãy mua một vài dáng, loại áo ngực cho bú khác nhau từ trước khi sinh, mặc thử và chọn ra loại phù hợp nhất với mình. Đến khi cho bú, bạn tiếp tục chốt xem loại nào tiện lợn nhất với cách cho bú hoặc hút sữa của bạn để mua thêm. Với mình là các loại áo có đệm mút, không gọng, liền mảnh không cần cài quai, chất liệu co giãn, mềm mại, ôm cơ thể và không cần nhiều lớp mở với nút cài do mình kéo áo lên cho bú luôn.
Hành trình nuôi con sữa mẹ 8 tuần là chưa dài, nhưng mong rằng những kinh nghiệm nhỏ của mình có thể giúp các mẹ bỉm khác trong hành trình này.
Đọc thêm về chủ đề Nuôi con sữa mẹ tại hashtag này nhé!