OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

6 việc chăm sóc vệ sinh trẻ sơ sinh hàng ngày

Cùng học những việc chăm sóc vệ sinh cho trẻ sơ sinh hàng ngày, những tưởng dễ mà nhiều chi tiết và lưu ý bất ngờ!

Mình muốn tách riêng việc Chăm sóc vệ sinh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì chủ đề này bao gồm nhiều thứ quá đi. Bao gồm: Tắm cho con và Chăm sóc dây rốn, Thay bỉm và Vệ sinh vùng kín, Vệ sinh răng miệng và Cách mặc đồ đúng cho trẻ sơ sinh.

Đây là những kiến thức mình học được từ các lớp tiền sản, và từ chính kinh nghiệm bản thân hồi trước của mình chăm sóc cháu gái mình và quan sát được từ các bố mẹ khác nữa. Xin chia sẻ để cùng ôn bài với các bạn.

1. Tắm cho con

  • Trẻ sơ sinh có thể tắm lần đầu trong vòng 24 giờ sau sinh.
  • Trong vòng 2-3 tuần đầu, khi dây rốn chưa khô và rụng đi, chỉ nên tắm bằng cách lau người cho con bằng khăn ướt, không cần tắm con bằng cách nhúng người trong chậu nước.
  • Trong vòng 2-3 tháng đầu, chỉ cần tắm 2-3 lần/ tuần để tránh tình trạng khô da. Khi con lớn hơn, có thể tăng lần tắm lên, nhưng cũng không cần thiết phải tắm hàng ngày. Chỉ cần đảm bảo con được lau người và vệ sinh kỹ vùng kín khi thay bỉm là đã đủ sạch với trẻ sơ sinh rồi.
  • Với trẻ sơ sinh, không cần dùng sữa tắm nếu thấy không cần thiết, nước sạch cũng đã đủ rồi. Với trẻ ngoài 3 tuần, khi đã tắm nhúng người trong nước, bạn có thể sử dụng sữa tắm an toàn cho trẻ nếu thích.
  • Nên cho trẻ ăn sau khi tắm tối thiểu 30 phút để con no nê vui vẻ và hợp tác với việc tắm. Giờ tắm có thể là giờ chuyển giao giữa ngày và tối để tạo thói quen cho con. Nhưng cũng có thể là sau cữ bú đầu tiên của ngày, tùy theo lịch sinh hoạt của gia đình bạn, nhưng nên cố định để con quen với nếp sinh hoạt.

Nguồn: Baby Center
  • Để tắm nhúng nước an toàn, bạn hãy làm theo 9 bước sau:
    • Bước 1: Chuẩn bị đủ đồ dùng cần thiết. Cơ bản gồm:
      + 2 chiếc khăn xô để cọ người,
      + 2 chậu tắm gồm một chậu tắm sữa tắm, một chậu tắm tráng nếu dùng sữa tắm, nước tắm khoảng 38-45 độ C, tùy vào mùa,
      + Sữa tắm dầu gội nếu dùng,
      + Khăn tắm và quần áo, bỉm, giấy ướt
      + Bông hoặc tăm bông vệ sinh vùng kín.
      + Ngoài ra, nếu sử dụng, bạn nên chuẩn bị thêm kem hăm, kem dưỡng da, dầu massage sẵn sàng cùng quần áo để thực hiện thao tác nhanh chóng cho con sau khi tắm để con không chịu lạnh.
    • Bước 2: Cởi đồ và bỉm của con, lau sạch mông nếu có poo poo, rồi cho con vào chậu tắm.
    • Bước 3: Đỡ tay dưới cổ và che nhẹ vùng tai bằng bàn tay để tắm từ cổ, ngực, nách, xuống đến bụng, mông, bẹn. Cuối cùng là rửa tay và bàn chân con.
    • Bước 4: Chuyển con sang chậu tắm tráng – nếu dùng sữa tắm.
    • Bước 5: Nhanh chóng lau người và bọc con trong khăn tắm lớn để giữ ấm.
    • Bước 6: Nếu muốn gội đầu, theo bệnh viện bên này hướng dẫn, và mình thấy cũng hợp lý hơn, là để đến cuối cùng, tránh để đầu con bị lạnh khi tắm. Ta sẽ gội đầu cho con trước. Lau khô đầu và sạch mặt cho con.
    • Bước 7: Kết thúc việc tắm, phủ khăn cả đầu con, mang con đặt con trên khăn tắm trải trên một mặt phẳng. Vệ sinh vùng kín cho con.
    • Bước 8: Bôi các loại kem cần thiết.
    • Bước 9: Mặc bỉm và mặc quần áo. Ok xong!

Bạn có thể search tìm thấy các video dạy cách tắm cho em bé rất nhiều trên YouTube. Ở Việt Nam, mình thấy mọi người lại thường gội đầu cho em bé trước. Bạn cân nhắc cách phù hợp nhé!

Cá nhân mình thì lựa chọn giảm hóa chất sử dụng cho con nên sẽ không sử dụng sữa tắm mà chỉ dùng nước sạch thôi. Đến khi con lớn hơn, ngoài 6 tháng, con ăn dặm bẩn người hơn, hoặc con ra ngoài chơi và ra nhiều mồ hôi rồi, mình mới sử dụng sữa tắm khi cần thiết và có giới hạn để tắm sạch cho con. Ngoài ra, em bé của mình sẽ sinh vào mùa đông, nên mình cũng sẽ tắm cho con với 1-2 giọt dầu tràm trà để phòng lạnh và bảo vệ da cho con luôn. Lưu ý rằng không phải loại dầu nào cũng bôi trực tiếp được lên da nhạy cảm của em bé, bạn cần tham khảo kỹ càng trước khi sử dụng nhé. VD dầu tràm trà có tính nóng, nếu bôi trực tiếp có thể làm con nóng da mà nổi mẩn đỏ đấy.

Em bé của mình cũng sẽ dùng tã vải cotton, loại bỉm sẽ khó làm con bị hăm, nên cơ bản mình sẽ dùng thêm các loại kem từ thiên nhiên hoặc dầu dừa tự nhiên để bôi thêm giữ ẩm cho con nếu cần và phòng hăm tã thôi. Nếu con hăm tã nặng, mình mới dùng đến các loại kem đặc trị cần thiết. Đây là lựa chọn của cá nhân mình. Các mẹ cứ lựa chọn loại bỉm, sữa tắm, kem dưỡng phù hợp theo nhu cầu của gia đình nhé!

2. Chăm sóc dây rốn

Dây rốn là vết thương đầu đời của con, chúng ta cần lưu ý:

  • Giữ cho dây rốn và khu vực xung quanh khô thoáng. Tức là không nên mặc bỉm che phần cuống rốn kín lại, cũng không cần dùng băng gạc bó kín lại. Chỉ cần để không khí lưu thông, dây rốn sẽ se dần lại và rụng đi.
  • Không cần dùng thuốc đỏ hay cồn để lau vùng dây rốn này nếu không có hướng dẫn đặc biệt từ bác sĩ.
  • Khi tắm, bạn chỉ cần lau xung quanh khu vực này là được.
  • Chỉ sau 1-2 tuần, cuống rốn sẽ rụng đi thôi. Bạn không cần bóc cuống rốn ra đâu nhé, cứ kiên nhẫn đợi cuống rốn tự rụng.
  • Nếu có một ít mủ, hoặc dính nước tè, poo poo của con, bạn có thể dùng khăn thấm ướt, hoặc thấm nước có một ít sữa tắm để lau sạch.
  • Nếu có dấu hiệu bưng mủ nhiều, chảy nước từ cuống rốn hay 4-6 tuần rồi vẫn chưa rụng cuống rốn dù đã giữ vệ sinh khô ráo rồi, bạn hãy xin tư vấn của chuyên gia y tế nhé.

3. Thay bỉm và chăm sóc vùng kín

Bên cạnh lúc tắm, khi thay bỉm cho con, bạn cũng nên lưu ý vệ sinh thật sạch cho con đề phòng các vết bẩn từ nước tè và poo poo đọng lại trên da sẽ làm con hăm mông.

  • Trẻ sơ sinh trong 5 ngày đầu sẽ có lượng tã ướt tăng dần từ tối thiếu 1 bỉm ướt ở ngày 1, 2 bỉm ướt ở ngày 2, 3 bỉm ướt vào ngày 3, và ổn định ít nhất 5 bỉm ướt và 3 bỉm bẩn từ ngày 5 trở đi. Như vậy, với trẻ sơ sinh từ ngày thứ 5 trở đi, bạn chú ý thay bỉm cho con 2-3 giờ/lần, hoặc khi thấy bỉm con nặng đầy, để đảm bảo poo poo và nước tè ứ đọng cùng với hóa chất trong tã giấy không làm hại da con.
  • Khi thay bỉm, đặt con trên tấm lót thấm nước trải trên một mặt phẳng rộng an toàn. Thông báo với con rằng chúng ta sẽ thay bỉm nhé, để con biết tình huống và hợp tác. Mẹo khi thay bỉm là đặt bỉm mới dưới mông con rồi mới mở bỉm cũ ra để vệ sinh. Cách này giúp đề phòng nếu con tè hoặc ị giữa chừng, sẽ không làm bẩn ngay chiếc bỉm mới.
  • Vệ sinh mông của con bằng giấy ướt. Lau sạch chất bẩn và lau lại một lần nữa bằng miếng giấy ướt mới cho thật sạch. Chú ý lau từ trước ra sau, từ bẹn ra mông để tránh poo poo dính bẩn lên phần bộ phận sinh dục nhé.
  • Dùng bông hoặc tăm bông thấm nước hoặc nước muối sinh lý, chùi sạch âm môi của bé gái từ trước ra sau cho sạch các dịch tiết trắng trong như lòng trắng trứng gà – nếu có.
  • Riêng với bé trai, không cần cố gắng vệ sinh phần chim, đầu chim cho dù bé đã bắt bao quy đầu hay chưa. Khi tắm, bạn xối nước lên phần chim và đầu chim là được. Các chất trắng đọng dưới da quy đầu của con – nếu chưa cắt bao quy đầu không đáng ngại, sẽ dần tự mất đi.
  • Không cần thiết sử dụng phấn rôm vào vùng kín của bé. Nếu có, chỉ bôi ở phần mông ẩm và bị hăm thôi.
  • Bôi thêm kem hăm ở hai bờ mông sát với hậu môn – nếu sử dụng.
  • Mặc tã cho con. Kiểm tra độ lỏng – chặt ở phần bụng và đùi để chỉnh lại nếu cần thiết, để không tràn bỉm.

4. Chăm sóc răng miệng

Như mình học ở lớp tiền sản của bệnh viện bên này, cũng như đọc ở sách, việc chăm sóc răng miệng của trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi là không cần thiết, bất kể con bú sữa mẹ hay bú sữa công thức. Từ 6 tháng trở đi, khi con bắt đầu ăn dặm, bố mẹ sẽ bắt đầu giới thiệu bàn chải cho con.

Ở Việt Nam, mình thấy các sách vở và dân gian khuyến khích việc chăm sóc răng miệng từ sớm, ngay cả khi con chưa mọc răng. Sử dụng khăn hoặc gạc thấm nước lau sạch lợi và sau này là hai mặt của răng, vào buổi tối và buổi sáng, sau cữ bú của con. Từ 12 tháng tuổi trở đi mới bắt đầu giới thiệu bàn chải cho con.

Cá nhân mình thấy, đi cùng việc rơ lưỡi, có thể việc dùng ngón tay đưa vào miệng để vệ sinh răng miệng cho con sẽ làm con khó chịu và nôn trớ. Cũng giống như chúng ta khi bị ai đó chọc tay vào miệng thôi. Vì vậy, cá nhân mình lựa chọn sẽ không vệ sinh răng miệng cho con hàng ngày trước khi con ăn dặm. Nếu con có biểu hiện tưa lưới, nấm trắng trên lưỡi dày, càng không nên dùng gạc với nước muối hay như dân gian là dùng mật ong để làm sạch cho con vì có thể làm lan vùng nấm hơn. Hãy liên lạc với bác sĩ nếu thấy cần thiết.

5. Chăm sóc móng tay và tóc của con

Nguồn: Mount Sinai

Bệnh viện dạy mình nên dùng dũa để dũa móng tay cho con thay vì dùng kéo hay bấm móng tay, đề phòng cắt vào thịt của con. Mình thấy cũng hợp lý, nhất là khi móng tay con nhỏ xíu và rất mềm. Khi con lớn hơn một chút, khoảng 4 tháng trở lên, bạn có thể dùng kéo hoặc bấm móng tay để vệ sinh móng tay móng chân cho con khi con ngủ.

Rụng tóc vành khăn là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Cơ bản tóc trẻ sơ sinh sẽ rụng bớt so với lúc mới sinh. Phần đầu nằm trên đệm, gối bị tiếp xúc nhiều hơn nên rụng nhiều hơn, tạo thành vành khăn mà thôi. Tóc các con sẽ mọc lại dày đều đẹp, không cần lo lắng đâu. Bạn có thể cắt tóc máu của con nếu thấy quá dầy, để việc thoát nhiệt qua đầu của con được dễ dàng hơn, tránh nóng. Nếu không thấy cần thiết, có thể không cắt. Nhiều em bé tóc lưa thưa lắm, cũng không có gì mà cắt (hihi).

Nếu trên đầu có hiện tượng cứt trâu – các vảy nâu xám bám trên da dầu, xen vào chân tóc, mẹ chỉ cần dùng khăn ẩm lau đi, dần dần sẽ hết nhé!

6. Mặc đồ cho bé thế nào là đủ?

Trẻ sơ sinh có nhịp tim nhanh hơn chúng ta, đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn máu, khiến thân nhiệt của con tăng cao hơn nhanh chóng. Trong khi cơ thể con lại chưa hoàn thiện cơ chế tản nhiệt. Bởi vậy bố mẹ nên chú ý mặc đồ phù hợp cho con, nhất là khi ngủ, để tránh việc quá nóng làm con toát mồ hôi, thấm ngược vào người gây cảm lạnh, và tránh nguy cơ Hội chứng đột tử trẻ sơ sinh SIDS.

Theo khuyến cáo của Anh, Mỹ, nhiệt độ phòng nên khoảng từ 16-20 độ. Tuy nhiên, cân đối với nhiệt độ môi trường thông thường ở Việt Nam, các bác sĩ khuyến cáo mức nhiệt độ phòng phù hợp cho trẻ sơ sinh là 20-24 độ C. Khi đó, con được mặc một lớp áo quần thôi, kèm theo cuốn chũn hoặc chăn mặc trên người để ngủ.

Lưu ý:

  • Nên mặc đồ lỏng một xíu so với người để có thêm một lớp không khí ở giữa, giúp trẻ giữ nhiệt tốt hơn.
  • Con nên mặc hơn chúng ta một lớp quần áo để đảm bảo thân nhiệt.
  • Việc đội mũ chỉ thật sự cần khi bồng con ra ngoài chơi khi trời lạnh thôi. Còn lại khi ở nhà, phần đầu nên được để hở để con tỏa nhiệt.
  • Việc mang găng tay, tất chân cũng không thực sự cần thiết và giúp giữ nhiệt cho con. Cho dù bàn tay bàn chân của trẻ sơ sinh, do cơ chế của cơ thể mà thường sẽ mát hoặc lạnh hơn so với phần thân. Nhưng không vì thế mà con lạnh đâu. Hãy để tay con được tự do khám phá thế giới.



Trên đây là 6 điểm về chăm sóc vệ sinh để đảm bảo sức khỏe cho con. Mình nghĩ cũng đã hòm hòm đủ những vấn đề cơ bản rồi. Mong là có thể giúp chúng ta chăm sóc em bé thật tốt trong thời gian tới nhé. Khó đâu, chúng ta lại cùng học hỏi thêm đến đó!

Tuần sau, mình sẽ tiếp tục chuỗi nội dung Chăm sóc trẻ sơ sinh với chủ đề về Nếp sinh hoạt và Giấc ngủ con con nhé!

OanhDuongSam

Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast!

Đọc thêm Series Chăm sóc trẻ sơ sinh:

  1. Những vấn đề sức khỏe của trẻ sơ sinh
  2. Chăm sóc trẻ sơ sinh và những điều cần biết

****

Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.