OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

5 điều nhất định nên biết khi chăm sóc em bé những tuần đầu

Trải qua 7 tuần chăm sóc em bé Mia, mình quả thực đã có những trải nghiệm “lần đầu” rất nhiều cảm xúc và quá nhiều điều để nói. 7 tuần đầu tiên có những điều rất hạnh phúc, cũng có những lúc vật vã tìm cách chăm sóc con. Mình đã phải bật khóc vài lần, và có cả những lúc căng thẳng trong gia đình.

Rút kinh nghiệm từ bản thân, mình xin chia sẻ với bạn về 5 điều mà mình nghĩ mẹ bỉm sống còn cần biết trong tháng đầu tiên. Mong rằng với những chia sẻ này, bạn sẽ chăm sóc em bé thuận lợi, dễ dàng hơn, không vấp phải những khó khăn ban đầu mà mình đã gặp phải!

1. Khớp ngậm đúng là tiên quyết

Trừ khi bạn xác định hoàn toàn không cho ti mẹ trực tiếp hoặc không quan trọng việc nuôi con sữa mẹ, bạn cần một khớp ngậm ti đúng. Có khớp ngậm đúng, con mới thực sự ăn và ăn hiệu quả, ăn đủ no để ngủ đủ ngon. Khi có khớp ngậm đúng, con ti mẹ hiệu quả, mẹ duy trì được việc cho con ti trực tiếp. Điều này sẽ giúp sữa về và về dần nhiều hơn, kích sữa của bạn đến mức con cần và ổn định tương đối sau 2 tuần theo cơ chế cung cầu.

Có khớp ngậm đúng, sẽ không có hiện tượng nứt đầu ti, nứt cổ gà gây đau rát buốt, khiến bạn không thể cho con bú vì đau đớn, thậm chí không thể hút sữa. Khi gặp tình trạng này, mình đã phải dừng cho con bú, không thể hút máy vì đau. Mình đã vắt tay và thấy rất hiệu quả, nhất là khi sữa còn là sữa non đặc và ít. Sữa vắt ra, mình dùng cho con ti bình trong lúc đợi đầu ti bớt đau rát.

Khi việc ăn của con ổn thỏa, bạn sẽ có thời gian dành cho những việc mới mẻ khác! Hãy thử nhiều tư thế cho bú khác nhau để tìm ra tư thế dễ chịu nhất, phù hợp nhất với đầu ti, kích thước bầu ngực, kích thước mở miệng của con. Hãy học cách massage phản xạ gốc trên mặt để giúp con mở miệng to khi chốt khớp ngậm, tỉnh táo trong khi bú.

Kinh nghiệm của mình cho thấy dù bạn có chuẩn bị bao nhiêu kiến thức, thực hành vẫn là thứ cần thời gian luyện tập. Do đó hãy chuẩn bị sẵn sàng thông tin liên hệ với một vài bác sĩ hoặc chuyên gia sữa mẹ để hỗ trợ bạn trong việc có khớp ngậm và tư thế bú đúng. Việc này nếu được hướng dẫn, sẽ nhanh và hiệu quả hơn nhiều.

Đây là một số bên hỗ trợ và tư vấn Nuôi con sữa mẹ trực tiếp mà mình đã tìm đến:

2. Vỗ ợ là nhiệm vụ sống còn

Vỗ ợ đúng kỹ thuật và đủ thời gian sẽ giúp em bé ợ lên những bóng hơi bị nuốt vào bụng sau khi ăn, khóc, ê a. Những bóng khí này nếu dồn nén lại, nằm trong bụng lâu sẽ làm con đau bụng quằn quại, ăn không ngon ngủ không yên. Mà ăn ngủ không yên thì chơi cũng chẳng vui, dẫn đến khóc quấy cả khi thức.

Mình đã rất ngu ngơ nghĩ trẻ sơ sinh ăn có tí, cứ ăn xong là cho con ngủ thôi. Nên ngay trong tuần đầu Mia đã bị đầy bụng khó ngủ, nhất là vào giấc đêm. Đến 2-3 tuần tiếp theo, nhà mình vẫn chưa vỗ ợ đủ và đúng kỹ thuật cho em, làm em thi thoảng vẫn đầy bụng. Đến nay thì việc ợ hơi cho con đã trở thành nhiệm vụ sống còn của cả nhà, đêm con ti xong mình cũng vỗ ợ, dù ngắn hơn ban ngày. Nghe được tiếng con ợ là đích đến mà người người chờ đợi (haha). Đừng như mình nhé, hãy vỗ ợ cho con!

Vỗ ợ là nhiệm vụ sống còn của gia đình (haha). Mình đã xem bao clip để học cách vỗ ợ đúng, phổ cập cho cả nhà!



3. Quan trọng nhất trong EASY ở 4 tuần đầu là EAS, phân biệt ngày – đêm và 4S/5S

Ngay từ khi ở bệnh viện về, mình đã thiết lập rõ ngày và đêm cho Mia. Đêm ngủ trong phòng ngủ tối, ban ngày cứ dậy là ra phòng khách ăn chơi rồi mới quay lại phòng ngủ. Mia trộm vía không lẫn lộn ngày đêm, ngay cả sau hai tuần trăng mật ăn ngủ liên miên.

Bên cạnh đó, mình góp phần thêm bằng việc giúp Mia hiểu rõ lịch sinh hoạt là Ăn, vỗ ợ – Chơi – Ngủ vào ban ngày. Còn đêm thì chẳng chơi gì, chỉ ăn, vỗ ợ và ngủ thôi. Đây chính là cốt lõi của nếp sinh hoạt EASY. Còn lại các khung giờ dài bao lâu, đêm con ti khi nào, bắt đầu buổi sáng từ lúc nào, mình chưa đặt nặng mà hoàn toàn nương theo nhu cầu của con.

Mia dần có nếp sinh hoạt EASY 3 và đến giờ đã qua 3.15 và lên 3.5. Mình nghĩ có theo EASY hay không không quan trọng bằng lắng nghe nhu cầu của con. Có những cữ con mệt hơn ăn ít hơn, có cữ con đói nhanh hơn nên ngủ ngắn hơn, có lúc con chán muốn đổi trò chơi, nhưng có khi con gắt lên lại là buồn ngủ sớm. Rồi việc đi vào giờ giấc hoàn toàn là sinh lý cơ thể rất tự nhiên của con, mẹ chỉ cần đồng hành cùng con là đủ. Hãy học quan sát tiếng khóc của con, biểu hiện đói, biểu hiện buồn ngủ, biểu hiện ăn no, biểu hiện ngủ đủ giờ, quan sát bỉm, quan sát thái độ của con khi chơi! Đây là những điều rất quan trọng nhé!

4. Hút sữa bằng máy không phải là điều bắt buộc

Trước đây mình đã nghĩ như vậy. Nhưng từ khi được học về sữa mẹ, mình tự tin và hiểu ra rằng, chẳng cần máy hút sữa mới đủ sữa và có sữa cho con tuti.

Sau 1-2 tuần đầu khi lượng sữa chưa ổn định, cơ thể sau đó đã bắt được đủ dữ liệu từ con và sản xuất sữa đủ cho Mia, thể hiện qua bỉm ướt, bỉm bẩn và gương mặt phê pha của con sau khi ăn. Để làm được vậy, từ tuần 36 mình đã bắt đầu vắt sữa non 3 ngày một lần, mỗi lần 1-2 phút đến khi thấy ra giọt sữa. Sau đó mình cho Mia ti thường xuyên, tất cả các cữ.

Trong 2 tuần đầu, mình liên tục dùng cốc hứng sữa để hứng thêm ở ngực còn lại trong lúc con ti, vừa để kích sữa, vừa để có sữa trữ đề phòng lúc cần. 4 tuần sau đó, mình gần như chỉ cho con ti trực tiếp và sữa luôn chảy tong tỏng tè le khắp mặt con, nhưng không bao giờ cương tức khó chịu quá mức. Nếu có cục tắc, mình chườm nóng, cho con ti, massage trong lúc cho con ti, chườm lạnh sau đó, đồng thời tích cực cho con ti mẹ. Dù mới bị 2 lần do là hệ quả của đợt phát triển nhảy vọt grow spurt, nhưng chỉ sau 1 ngày là mình hết hẳn tắc tia.

Đến nay, việc cho con ti mẹ trực tiếp quá nhàn hạ làm mình vẫn còn lười chưa buồn cắm máy hút vào, thậm chí bối rối với máy và vẫn chọn vắt tay để dành sữa khi cần. Với các mẹ sẽ quay lại đi làm, mình nghĩ sẽ cần máy hút sớm để chuẩn bị cho con học ti bình, và dự trữ sữa cho giai đoạn giảm sữa khi đi làm. Còn lại, trong khoảng 4 tháng đầu, cho con ti mẹ chắc chắn sẽ làm bạn và em bé hạnh phúc, vui vẻ, ngủ được nhiều hơn rất nhiều! Xin hãy tin mình! Chắc chắn mình sẽ nói kỹ hơn về chủ đề này trong các số tiếp theo!

Trong tuần đầu mà mình đã dùng cốc hứng hứng được 50ml một cữ. Trong khi em bé chỉ bú 10-20ml/cữ thôi.


5. Hãy ngủ khi con ngủ, ăn đủ và tắm nhanh

Vâng ạ! Ngắn gọn là thế thôi! Đừng sợ béo, vì chắc chắn cho ti rồi bạn sẽ đói. Nhớ uống cùng thật nhiều nước ấm, canh ấm. Ngủ nhiều nhất có thể, ngủ ngay khi con ngủ, trong khi con ngủ. Tắm tranh thủ, vì sau đó rất dễ bạn sẽ cho con ăn cữ tiếp theo hoặc phải vào hỗ trợ con ngủ lại!

Nói vậy chứ thời gian con ngủ, mình vẫn cứ tranh thủ chộp giật, lúc thì đọc học về cách chăm con, lúc thì dọn dẹp đồ đạc mới chuyển nhà, lúc thì nhắn tin hỏi thăm kết nối với mọi người, khi thì đi tắm, hay ăn nhanh một bát cháo. Đúng là đến khi có con thì ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm gì cũng lè lẹ. Và thời gian dành cho bản thân thoải mái nhất chính là khi ở trong phòng tắm – trúng phóc điều các mẹ vẫn nói! Hãy trải nghiệm nhé (hì hì)!

Đây là 5 điều mà mình sẽ nói với bất kỳ mẹ bầu nào nếu biết họ sắp sinh em bé! Và mình viết ra để nhiều người biết đến điều này hơn. Nếu có điều gì NHẤT ĐỊNH cần phải biết nữa, bạn hãy chia sẻ cho mình biết với nhé!

Oanh Dương Sam

Kết nối thêm với mình:
– Instagram: danlonpodcast
– Email: oanhdnd@gmail.com
– Facebook cá nhân: Oanh Duong Sam

****

Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!


Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.