Blog này xin chia sẻ về 5 cách thở trong chuyển dạ và sinh con mà mình chọn lọc được từ những cách thở mình tổng hợp được từ nhiều nguồn các bệnh viện, những người hỗ trợ sinh (doula), y tá, bác sĩ, những mẹ đã từng sinh con.
Được học và trò chuyện với nhiều mẹ từng sinh con mình mới thấy việc thở đúng rất quan trọng trong sinh nở. Dù bạn sinh ở viện công hay viện tư, dù bạn được hỗ trợ ít hay nhiều, thì mình tin rằng thở đúng cách là một trong những biện pháp mà mẹ bầu nên học và tập dần để tự hỗ trợ bản thân mình có một cuộc sinh dễ dàng hơn. Mong rằng bài viết sẽ giúp được bạn ít nhiều trong hành trình sinh nở sắp tới nhé!
Chỉ cần thở đúng cách, bạn đã làm cuộc sinh dễ dàng hơn rất nhiều rồi! Với các lợi ích như sau:
- Hỗ trợ đẩy em bé xuống thấp và đẩy ra ngoài. Nếu thở đúng vào chu trình của các cơn gò, tác động vào tử cung, bạn sẽ hỗ trợ em bé và tử cung, giảm thời gian chuyển dạ và sinh con.
- Bảo vệ trực tràng và tầng sinh môn. Sẽ chẳng có lòi trĩ do rặn đẻ hay rách rộng tầng sinh môn phải khâu nhiều nếu bạn dùng hơi thở để đẩy em bé xuống cùng với cơn gò tự nhiên của tử cung đâu ý.
- Giữ sức. Cơn đau đẻ – quá trình cổ tử cung mở đủ 10cm có thể kéo dài đến 24h. Mỗi mẹ mỗi khác. Việc thở đều sẽ giúp cơ thể không gồng cứng chống chọi với cơn đau. Khi cơ thể gồng cứng, hormone bị ức chế, sức lực dồn vào các cơ thay vì dồn vào cơ sàn chậu hay tử cung để đẩy em bé ra ngoài. Do đó ta cần giữ nhiều sức lực nhất có thể để đến khi sinh có nhiều sức khỏe để đẩy hỗ trợ con ra ngoài.
- Giảm đau. Việc thả lỏng cơ thể khi thở sẽ giúp tinh thần thư thái hơn là căng thẳng. Từ đó gia tăng hiệu quả việc tiết các hormone oxytocin, endorphins và adrenalin – 3 loại hormone mà cơ thể sẽ tiết ra trong quá trình sinh nở tự nhiên giúp giảm đau, thư giãn.
- Giữ tinh thần. Việc thở đều thay vì là hét, gồng người, lăn lộn vật vã sẽ giúp giữ tinh thần lạc quan cho cả mẹ bầu lẫn những người thân xung quanh.
Sau đây, mình xin chia sẻ 5 phương pháp thở mà mình thấy là rất dễ dàng để áp dụng, rút ra từ những phương pháp thở mình đã tìm hiểu được. Hiện nay mình cũng không tập hết các phương pháp thở này. Ngay cả bệnh viện nơi mình đẻ cũng khuyên là đến khi chuyển dạ, hãy lựa chọn thở theo cách mà bạn thấy thoải mái nhất, phù hợp nhất vào lúc đó. Và khi sinh cũng vậy.
Thế nên việc nắm được các phương pháp thở sẽ giúp chúng ta có đủ tài liệu, khi đi thi biết giở gì ra dùng. Còn lúc đó dùng được hay không được hiệu quả lắm, cũng còn hơn tay không bắt giặc.
Khi đã tập thở rồi, mình thấy quan trọng nhất trong lúc thở là làm sao hơi thở của bạn mang được nhiều oxy vào cơ thể cho cả hai mẹ con khỏe mạnh và tác động được vào phần bụng – bây giờ chính là phần tử cung đang không ngừng tạo cơn gò để đẩy em bé xuống. Nhịp thở của bạn khi khớp vào cơn gò sẽ giúp cho cơn gò mạnh hơn, vậy là sẽ đẩy nhanh tiến độ rồi!
Mình có hướng dẫn chi tiết và thở để các bạn nghe âm điệu trong số podcast này – phần Mẹ dần lớn, các bạn nghe để nắm thêm nhé.
Khi chuyển dạ, có ba phương pháp hít thở mà mình thấy phù hợp:
1. Hít thở chậm (Slow breathing) – Còn gọi là thở xuống
Phương pháp thở này giống như cách thở trong yoga. Được khuyến khích sử dụng nhiều nhất vì cực kỳ hiệu quả để thả lỏng cơ thể, giảm đau và hỗ trợ cơn gò. Nếu mỗi hơi thở kéo dài khoảng 12-15 giây, thì chỉ cần 4 nhịp thở là bạn sẽ qua một cơn gò dài khoảng 45-60 giây – vốn là thời lượng phổ biến nhất của một cơn gò. Giữa các cơn gò, bạn lại về thở bình thường hoặc tiếp tục thở chậm.
Cách thở là: Bạn hít vào bằng mũi, bụng phình lên và thở ra bằng miệng với thời lượng dài hơn lúc hít vào. Bạn có thể đặt tay lên bụng để cảm nhận được việc bụng phình lên thế nào. Cho những bạn chưa biết cách tập thở yoga, bạn có thể bắt đầu bằng cách tập hít vào 4 giây và thở chậm ra dài 8 giây. Khi thở ra, bạn sẽ thấy miệng đưa hơi phà xuống bụng, nên có thể gọi đây là phương pháp thở xuống. Đến khi chuyển dạ, việc đếm giây này cũng có thể là cách để bạn đánh lạc hướng tâm trí, tập trung vào đếm và thở mà quên đi cơn đau.
2. Hít thở nhanh đều (Paced breathing)
Phương pháp này có thể áp dụng khi bạn đau dữ dội hơn, thường là ở giai đoạn chuyển dạ thứ 2 – giai đoạn tích cực trở đi.
Cách thở là bạn sẽ hít – thở 2 lần thật sâu vào khi cơn gò bắt đầu, rồi hít thở đều và nhanh liên tục trong khoảng giữa của cơn gò. Đến khi cơn gò qua đi, lại về hít thở chậm để đợi các cơn gò tiếp theo lặp lại. Nhớ là vẫn hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng và tác động vào bụng nhé.
3. Hít thở theo nhịp (Pattern Breathing)
Phương pháp này mục đích là để bạn bị phân tâm khỏi cơn đau bằng chính nhịp thở.
Cách thở là bạn sẽ hít vào hai hơi sâu rồi lặp lại liên tục 2-3 hơi hít thở nhanh theo nhịp điệu hee-haa-hee-haa-hoooo, kết thúc bằng hai hơi thở sâu rồi chờ cơn gò tiếp theo quay trở lại và lặp lại.
Khi sinh, có hai phương pháp thở mà mình thấy phù hợp. Đó là Thở thổi nến (Candle Breathing), và Thở ra đằng bụng (Moo Breathing).
Hai phương pháp này đều giúp tác động lực siết sâu và lâu vào tử cung, giúp đẩy em bé ra ngoài, tức là khi mà bình thường cần rặn ấy. Và thực tế nếu chỉ cần thở đúng phương pháp này, hòa cùng nhịp với cơn gò khi sinh, cơ thể sẽ giúp đẩy em bé ra ngoài dễ dàng.
4. Thở thổi nến – còn gọi là thở lên
Cách làm là bạn sẽ hít vào một hơi sâu bằng mũi rồi thở ra ngoài như cách bạn dùng hơi thổi đến 30 ngọn nến trên bánh sinh nhật. Mục đích là để thở ra một hơi thật dài ra đằng miệng, bụng được siết lại. Lúc này miệng sẽ đưa hơi thở hướng ra hoặc hướng chếch lên mũi một chút để thổi tắt nến, nên cách này được gọi là thở thổi nến.
5. Thở ra đằng bụng (Moo Breathing)
Cách làm là bạn sẽ hít vào một hơi sâu bằng mũi, rồi thở ra bằng cách dùng miệng tạo tiếng moooo. Với cách này, nếu đặt tay ở trước miệng, bạn sẽ thấy hơi đi ra từ miệng rất ít. Bởi vì mục đích của cách thở này là đẩy ép hơi xuống tử cung, giúp tử cung co bóp và đẩy em bé ra ngoài. Lúc này bạn kết hợp thêm tác động siết vào cơ hoành – cơ dưới ức, giúp đẩy thêm vào phần tử cung.
Nếu tập phương pháp thở này, bạn sẽ thấy chuyển động bụng khá giống như khi bạn rặn đi nặng, và giống tưởng tượng về rặn đẻ của bạn. Nhưng lại nhẹ nhàng hơn nhiều, mà thoải mái, thư thái, cảm giác rất đủ oxy. Để cho vui, bạn có thể đổi âm mooo thành ahhhh, ooohhh.
Sau khi tìm hiểu và luyện tập một cơ số phương pháp thở, mình thấy 5 phương pháp thở này là dễ dàng và thoải mái nhất, đáp ứng được hai yếu tố quan trọng của thở là đưa oxy vào cơ thể để thấy thật khỏe, và tác động được vào phần bụng – tử cung giúp đẩy em bé xuống và đẩy em bé ra ngoài.
Mình cũng đã luyện tập một vài phương pháp thở khác, thậm chí là các phương pháp khá phổ biến, được dạy ở cả viện tư lớn ở Việt Nam, và có cả phương pháp khá truyền thống được dạy ở bệnh viện bên này, nhưng thấy quá chóng mặt vì ví dụ việc giữ hơi thở làm mình thấy thiếu oxy vào não và cách thở cũng khá khó để làm hiệu quả.
Hiện nay, mình đang lựa chọn tập nhiều hơn phương pháp Hít thở chậm, hít thở nhanh đều và Thở ra đằng bụng. Chỉ là vì mình thấy thoải mái với ba phương pháp này hơn thôi. Các bạn cũng hãy cứ học các phương pháp thở được dạy, nhưng chọn lọc cho mình phương pháp nào thoải mái, phù hợp nhất nhé!
Không bao giờ là quá muộn để tập thở cả. Hãy nắm chắc tài liệu để đến khi vào phòng thi ta không bỡ ngỡ bắt đầu. Chúc chúng ta vượt cạn thành công!
Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast nhé!
OanhDuongSam
Nguồn học:
- Nghe thêm về hành trình chuyển dạ và sinh con tự nhiên
- Chia sẻ về cách thở xuống bụng (Tiếng Anh) – Moo Breathing của Bridget Teyler
- Lớp học mini về 5 tips khi chuyển dạ và sinh nở cần biết của Bridget Teyler (Tiếng Anh)
- Lớp học về Thai kỳ an yên của Flowers Team
- Lớp học tiền sản bệnh viện Baylor Scott & White Health (Mỹ)
- Lớp học về Lamaze – Phương pháp sinh nở tích cực (Tiếng Anh)
****
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!