OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

3 vấn đề sức khoẻ mà mẹ bầu 8 tuần đã đương đầu

Tuần 8 trong thai kỳ của mình một nửa là những cơn mệt và đau đầu nặng, nửa sau lại dịu êm như một người khoẻ mạnh. Cùng với đau đầu, mình vẫn thường xuyên gặp biểu hiện đầy bụng và đau tức ngực. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về các vấn đề này và những cách mình đã làm để đương đầu với chúng trong bài viết này.

Nội dung này được chia sẻ trong Podcast Dần lớn, số “Mang thai tuần 8 – Dần đau cái nọ cái kia và Dần biết tính tuần tuổi thai”. Bạn có thể nghe tại đây.


Biểu hiện đau đầu trong tam cá nguyệt đầu tiên

Ngày thứ 2 đầu tuần mình trải qua nguyên một ngày đau đầu khủng khiếp. Hôm đó đau nặng quá mình đã lần đầu phải đi tìm đọc các kiểu để xem đau đầu như vậy có bình thường không và mình nên làm gì. 

Đau đầu là một biểu hiện rất phổ biến với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu. Nguyên nhân chính là do việc cơ thể mẹ đang cần tăng cường tuần hoàn máu để nuôi em bé và do sự biến đổi của các hormones. Ngoài ra còn có các nguyên nhân bổ trợ khác như chính việc cơ thể mệt mỏi do nghén, sự căng thẳng trong công việc, cuộc sống, việc đau mỏi mắt do tiếp xúc lâu với màn hình điện tử, việc khó thở do hô hấp có vấn đề, hoặc chính do sự lo lắng về việc mang thai. Việc cắt giảm caffein đột ngột cũng có thể gây đau đầu. Hoặc nếu trước khi mang bầu, mẹ đã thường xuyên có những cơn đau đầu thì đến khi mang thai, biểu hiện này chỉ nặng hơn thôi.

Nếu bạn thường xuyên có những cơn đau đầu từ cả trước khi mang thai, bạn nên lưu tâm đến vấn đề tuần hoàn máu của mình. Có lẽ đang có vấn đề gì đó khiến máu không lên não đủ và kịp thời khiến bạn đau đầu. Trước đây mình thường chịu cơn đau đầu như búa bổ hàng ngày do thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng đến dây thần kinh. Chỉ đến khi mình chữa được bệnh thoát vị đĩa đệm, mình mới thoát khỏi những cơn đau đầu mà chỉ muốn nắm tóc giật bụp bụp cho đỡ đau ấy.

Khi mang bầu, nếu những cơn đau đầu chỉ ở mức nhẹ, lâu lâu mới đau, bạn cứ từ tốn theo dõi. Nếu những cơn đau đầu nặng kéo dài, xuất hiện liên tục và đều đặn, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Ra ngoài hít thở không khí trong lành hoặc đi bộ khoảng 30 phút là một trong những cách giảm đau đầu hoặc đầy bụng mà mình làm.

Lần này đau đầu do mang thai, mình cố gắng không uống thuốc. Mặc dù sách vở nói là các thuốc giảm đau chứa thành phần chính là Acetaminophen hay còn được biết phổ biến là Paracetamol (có trong Tylenol ở Mỹ này hay trong Panadol, Afenaghan ở Việt Nam) là an toàn cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, nhưng nếu giảm được chúng ta vẫn nên cố gắng giảm. 

Mình đã áp dụng 7 cách sau để vượt qua 2 ngày đầu tuần đau đầu khủng khiếp:

1. Cố gắng ngủ thật nhiều

2. Nếu quá đau đầu không ngủ được ngay, mình sẽ uống một hai ngụm nước ấm. Uống đủ nước trong ngày là một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng khả năng tuần hoàn máu

3. Cũng để tăng tuần hoàn máu, các bạn có thể đắp 1 cái khăn ấm lên trán để xoa dịu cơn đau. Mình không dùng đến cách này vì không có khăn mặt nhỏ và vì lười dậy làm ấm khăn do ở nhà một mình. 

4. Thay vào đó, mình tắm nước ấm. Nước ấm cũng giúp lưu thông khí huyết tốt hơn. 

5. Massage cổ vai gáy và vận động phần đầu. Bạn có thể tìm kiếm được rất nhiều bài tập cho cổ vai gáy hiệu quả. Tập khoảng 5-10ph thôi mình đã thấy thư giãn hơn nhiều. 

6. Giảm thiểu sử dụng thiết bị điện tử. Mình nằm nghe nhạc hoặc podcast thôi để dễ chìm vào giấc ngủ. 

7. Ra ngoài hít thở không khí trong lành và đi bộ 15-30 phút tuỳ theo điều kiện sức khoẻ. Cách này giúp mình giảm các cơn đau đầu nhẹ rất hiệu quả trong 2 tuần qua. 


Biểu hiện đầy bụng, khó tiêu hàng ngày

Mình đã gặp triệu chứng đầy bụng suốt từ lúc bắt đầu mang thai đến bây giờ. Những cơn đầy bụng thường xuất hiện sau bữa cơm trưa trở đi. Có những ngày cơn đau bụng âm ỉ khiến mình khó chịu đến mức không ngủ được. Việc đầy bụng khiến mình ợ hơi nhiều, cũng khiến mình luôn muốn trung tiện, đại tiện nhưng không được. 

Dưới đây là 7 cách mình đã làm để giải quyết vấn đề này với 3 tuần kinh nghiệm vừa qua:

1. Chia nhỏ các bữa ăn. Ăn ít hơn ở bữa chính và ăn thêm các bữa phụ. Bữa chính chỉ nên ăn lưng lửng no thôi, các bữa phụ cần tăng thêm chất dinh dưỡng. Một cốc sữa chua hoa quả hoặc sữa chua với các loại hạt, quả khô; 1 miếng bánh mỳ với bơ lạc, 1 quả trứng luộc với 1 quả táo, 1 cốc sữa hạt với 3 cái bánh quy mặn hoặc bánh gạo. Có rất nhiều cách các bạn ạ, cũng tiện lợi cho các mẹ đi làm ở văn phòng nữa. 

2. Khi ăn, hạn chế uống nước, thậm chí giảm cả lượng canh vì ăn canh rất nhanh no đầy bụng. 

3. Khi ăn nên nhai chậm và kỹ, hạn chế nói để giảm lượng không khí vào đường ruột. 

4. Khi uống nên uống thẳng vào cốc, không nên dùng ống hút để giảm lượng khí vào ruột luôn 

5. Hạn chế các loại thức ăn gây đầy hơi khó tiêu như quá nhiều tinh bột, các loại đồ ăn chiên rán, các loại bim bim nước ngọt, thậm chí là một số loại rau nhiều carbonhydrate như bắp cải, súp lơ, hành tây sống. Các loại hạt đậu hay chính gạo ăn hàng ngày cũng nên được ngâm qua đêm rồi mới nấu để dễ tiêu hơn. 

6. Uống thật nhiều nước để dung hoà lượng acid trong dạ dày, giúp tiêu hoá và hấp thụ thức ăn tốt hơn. 

7. Ăn trái cây trước bữa ăn 30 phút, ăn rau và canh vào đầu bữa rồi mới ăn cơm và thức ăn. Lý do vì các loại trái cây, rau củ có thời gian để tiêu hoá ngắn hơn so với các thực phẩm đạm, tinh bột. Thứ tự ăn như trên sẽ giúp việc tiêu hoá dễ dàng hơn, ngăn việc các thức ăn tiêu hoá nhanh hơn lại nằm trong dạ dày thời gian dài hơn, dẫn đến thiu hỏng, tạo ra nhiều khí CO2 và các loại vi khuẩn không tốt.

Ăn nhiều trái cây, và ăn trước khi ăn bữa chính khoảng 30 phút để tăng cường vitamin, chất xơ và tiêu hoá tốt hơn.


Biểu hiện đau tức ngực và nhói đau ở khu vực quầng vú

Cuối cùng vấn đề mình gặp là những biến đổi ở ngực và việc xuất hiện những cơn đau ở hai đầu ngực. Ngực mình to lên, phần nhũ hoa cũng to lên. Đây là biến đổi thông thường của quá trình mang thai. Cơ thể và các hormones đang giúp thực hiện việc này nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc cho con bú. Núm vú to lên, quầng vú đậm lên hay các  biểu hiện nhói nhức đau bên trong thể hiện sự biến chuyển đang diễn ra ở phần ngực của chúng ta. 

Mình gặp phải tình trạng là thi thoảng ngực lại nhói đau tức ở quầng vú, và núm ti cũng bắt đầu khô nẻ. Khi ngủ mình cũng phải tránh những tư thế đè nhiều lên ngực để có thể thở dễ dàng hơn. Ngoài ra mình còn dùng một số cách sau:

1. Mặc áo ngực thoải mái, không có gọng. Ban ngày dùng áo có khả năng nâng đỡ tốt, hỗ trợ bầu ngực có kích thước lớn hơn so với trước đây, quai áo đàn hồi không thịt chặt vào lưng và ngực. Ban đêm dùng áo chất liệu cotton mỏng nhẹ thoáng mát nhằm giảm ma sát vào đầu ngực. 

2. Mát xa trong khi tắm nhằm lưu thông khí huyết và giảm đau nếu có 

3. Uống nhiều nước để giảm khô nứt nẻ da 

4. Bôi kem dưỡng da mà bình thường mình dùng để dưỡng thể lên núm vú giảm nứt nẻ da. Hoặc bôi dầu dừa ép lạnh. 

5. Nằm nghỉ thường xuyên, khoảng 10-15ph để giảm áp lực cho ngực. 


Đó là 3 triệu chứng điển hình của bà bầu mà mình đã gặp phải. Các bạn gặp thêm những triệu chứng gì, hoặc có cách nào chữa trị tốt hơn, bình luận cho mình biết với nhé. 

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.