OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

11 điều cần biết về tuần đầu sau sinh

Trong những chuỗi nội dung về Hành trình Chuyển dạ và sinh con, mình sẽ chia sẻ với các bạn về Những điều cần biết về một tuần đầu sau sinh mà ít người nói đến.

Nội dung này mình đọc được và tổng hợp từ cuốn The womanly art of breastfeeding – Tạm dịch là: Cho con bú mẹ – Bộ môn nghệ thuật cực kỳ phụ nữ, và cuốn Guide to a Healthy Pregnancy – Tạm dịch là: Mọi hướng dẫn để mang bầu khỏe mạnh và thấy rất tâm đắc. Mong rằng cũng sẽ giúp được các mẹ khác.

1. Những ngày đầu không có nhiều bỉm phải thay

Sữa non quý vì nó phù hợp nhất với em bé sơ sinh những ngày đầu về cả chất và lượng. Dạ dày con còn nhỏ, con ăn ít, con tè ít và cũng chỉ đẩy đẩy lượng phân su khá ít ra ngoài. Cơ bản bạn chỉ cần số bỉm bẩn và ướt bằng số ngày tuổi của em bé trong 1 tuần đầu tiên. Ngày đầu tối thiểu 1 bỉm, ngày 2 hai bỉm, ngày 5 năm bỉm. Từ ngày thứ 6 trở đi tối thiểu năm bỉm thôi. Do đó bạn cứ yên tâm dành thêm thời gian làm quen với con, cho con bú mẹ, và chính bạn cần nghỉ ngơi. Không cần phải kiểm tra tã suốt đâu!

2. Sản dịch sẽ kéo dài trong khoảng 3-4 tuần

Sản dịch là dịch tiết từ âm đạo của phụ nữ sau sinh. Phần dịch tiết này được cấu tạo bởi những mảnh vụn của lớp nội mạc tử cung (màng rụng), những cục máu đông nhỏ từ vết thương nơi nhau bám, phần sót lại nước ối và những chất dịch tiết từ vết thương ở cổ tử cung, âm đạo do quá trình sinh đẻ. Sản dịch bình thường có mùi tanh nồng như thời kỳ kinh nguyệt, sản dịch thường kéo dài trung bình khoảng 20 ngày, hoặc có thể lên đến 40-45 ngày. Màu sắc và lượng sản dịch có thể thay đổi theo thời gian. Bạn nên dùng băng vệ sinh đêm trong ít nhất một tuần đầu để giữ vệ sinh nhé!

3. Đau tức bụng khi cho con bú

Hiện tượng đau tức bụng như khi đến kỳ kinh nguyệt sẽ có thể xảy ra khi cho con bú do tử cung co bóp vì lượng hormone oxytocin tăng lên khi mẹ cho con bú. Có người đau nhiều, có người đau ít, nhưng sẽ hết nhanh thôi, đừng lo.

4. Nếu sinh thường, bạn sẽ rất đói sau khi sinh

Hãy chuẩn bị sẵn đồ ăn nhẹ để phục hồi sức khỏe sau sinh. Nếu bạn sinh mổ, nên theo chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ ăn để đảm bảo nội tạng hoạt động lại bình thường nhé.

5. Bạn có thể sẽ khó ngủ

Não bộ nhận thức được việc bạn mới có em bé, và đẩy bạn đến tâm thế của một người mẹ. Các loại hormone sẽ thay đổi để bạn thích nghi với việc làm mẹ. Điều này khiến cho bạn ngủ nông giấc hơn, dễ thức tỉnh để chăm sóc em bé. Giữ em bé ở gần bạn là một cách giúp bạn ngủ ngon hơn vì bạn thấy yên tâm hơn đó.

6. Việc có nhiều người đến thăm có thể không vui lắm

Nhưng vì mọi người yêu quý bạn và em bé nên họ đến thăm. Những lúc này, hãy để chồng hoặc người nhà tiếp đón khách, cùng khách chơi với em bé. Còn bạn cứ nghỉ ngơi nếu thấy cần thiết.

7. Rò rỉ ở rất nhiều nơi

Bên cạnh sản dịch, bạn còn tiết sữa vô tổ chức do cơ thể đang làm quen với nhu cầu bú của con. Bạn cũng có thể bị són tiểu. Rồi bạn sẽ toát mồ hôi đầm đìa do sữa về nóng người hoặc cần phải đào thải thuốc giảm đau ra ngoài. Bạn cũng có thể “rò rỉ” nước mắt vì cay mắt do thiếu ngủ, vì mệt mỏi, vì tâm lý. Nếu có bất kỳ vấn đề tâm lý nào, hãy chia sẻ với những người thân xung quanh, tìm kiếm những người mẹ cùng sinh trong giai đoạn này để tâm sự. Những vấn đề về sức lực, sức khỏe và cơ thể đang rệu rã thì sẽ dần hết thôi. Hãy tiếp tục niệm chú “This too shall pass”!

8. Bạn sẽ hơi “to” nếu dùng thuốc giảm đau hoặc gây tê gây mê

Do cơ thể tích nước sau khi dùng thuốc giảm đau, bạn sẽ gặp chứng phù nề ở cả gương mặt, bàn tay bàn chân, ở cả phần ngực và bụng. Cố gắng ăn nhiều chất đạm và các loại trái cây nhiều nước như dưa hấu, uống nhiều nước ấm để đào thải nhanh thuốc giảm đau ra ngoài nhé! Thuốc giảm đau cũng có thể sẽ làm sữa về chậm hơn, ít hơn. Nhưng cứ từ từ sữa sẽ về, bạn đừng quá lo lắng.

9. Những đêm đầu chắc chắn khó khăn!

Vì khó nên hãy cố gắng ngủ những giấc ngắn nhiều nhất có thể. Để đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe, nhiều năng lượng ở gần giường để bổ sung năng lượng ngay khi cần. Hãy uống nhiều nước để giảm mệt mỏi. Hãy chia sẻ công việc ban đêm với người nhà. Ví dụ, nếu bạn cho con bú, hãy bày tỏ nguyện vọng để người thân hỗ trợ bạn thay tã cho con nếu cần thiết, hoặc chăm con khi con tỉnh giấc để bạn có thể ngủ giấc đêm trọn vẹn hơn.

10. Bạn có thể rất yêu em bé, hoặc chưa

Nhiều mẹ sẽ thương con ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng cũng có nhiều mẹ chưa cảm nhận được sự kết nối với em bé. Đây là chuyện bình thường ở thời gian đầu, dễ xảy ra với những mẹ sinh mổ phải gây mê, hoặc có ít cảm nhận chủ động trong hành trình sinh nở. Tuy nhiên, bạn chỉ cần skin-to-skin với con hàng ngày, ngắm con, chăm sóc con, dành nhiều thời gian với con… là sẽ có được kết nối đặc biệt này.

11. Làm bố mẹ là một công việc toàn thời gian, và chắc chắn KHÓ

Công việc đi làm ta cũng cần thời gian thử việc để làm quen với nó, cần thời gian tính bằng năm để học hỏi và thành thạo, cần nhiều năm để được thăng tiến. Ngẫm kỹ thì nghề làm bố mẹ cũng y như vậy.

Vậy nên bạn cũng cần thời gian để trưởng thành trong nghề làm bố mẹ, một nghề chắc chắn khó. Một công việc 24/7 chắc chắn còn mệt hơn chỉ đi làm 40 tiếng mỗi tuần. Do đó trước hết bạn hãy học thật nhiều điều cần thiết: Cách chăm sóc em bé sơ sinh từ ăn – tắm – ngủ – mặc… đến cách để con được ốm, cách chăm sóc chính bản thân mình về cả sức khỏe và tinh thần. Bạn và người nhà cũng hãy cùng trò chuyện trước để phân công công việc cần thiết, chuẩn bị tài chính cho những khoản chi tiêu có thể thay đổi như tiền điện tiền nước, tiền đồ ăn, tiền mua sắm đồ con cần dùng, chi phí y tế, tiêm chủng cho con… Bên cạnh đó, hãy tìm thời gian cho bản thân, dù chỉ là lúc tắm, một cuộc đi dạo bộ ngắn, một lúc đi siêu thị, hoặc một khoảng thời gian bên nhau của hai vợ chồng… để nâng cao tinh thần.

Là bố mẹ, bạn cũng hãy chuẩn bị sẵn sàng tâm lý đương đầu với khó khăn, nhưng cũng cần học cách vị tha với chính bản thân mình và những người xung quanh trên hành trình này. Đừng quá cầu toàn, đừng mong mọi thứ như ý muốn. Hãy cứ cố gắng hết sức, nhưng nếu có gì chưa thành, hãy từ tốn làm lại, học lại, tìm sự trợ giúp từ chuyên gia, từ người thân bạn bè, người có kinh nghiệm, rồi điều chỉnh dần đến khi đúng và đủ. Chúng ta hãy cùng cố gắng ạ!


Những điều cần biết về một tuần đầu sau sinh mà ít người nói đến.
Rất nhiều điều chúng ta muốn biết về việc chăm sóc bản thân trước – trong – sau khi sinh, và chăm sóc em bé. Hãy học thật nhiều để sẵn sàng cả tâm lý và sức khỏe của chúng ta ạ!


Trên đây là 11 điều mình tổng hợp được từ hai cuốn sách mình đã đọc. Trong những điều này, có thể có những điều bạn đã nghe đâu đó, hoặc có kinh nghiệm từ em bé trước rồi. Nhưng mình vẫn mong rằng có thể giúp ích được cho các bạn, như là mình đã học hỏi được!

Nguồn tham khảo:

  1. Sách Guide to a Healthy Pregnancy – Mayo Clinic/ Myra J. Wick, M.D., Ph.D.
  2. Website Bệnh viện đa khoa Tâm Anh
  3. Website Bộ Y tế – Mục Kiến thức
  4. Khoá học về “Trải nghiệm Thai kỳ tích cực và Sinh nở an yên” – Flowers Team (Mình đã học ở khóa học này rất nhiều kiến thức khoa học về hành trình chuyển dạ sinh nở, cùng với các kiến thức về Khuyến cáo của WHO cũng như nghị định của Bộ Y tế liên quan đến chuyển dạ, sinh nở và cho con bú).
  5. Các khóa học tiền sản về chuyển dạ và sinh nở (Build to birth của Bridget Teyler, Birth Class của Bệnh viện Baylor Scott & White – nơi mình sẽ sinh em bé. Mình đã học ở các khóa này về trình tự của hành trình chuyển dạ và sinh nở, các tư thế giảm đau tự nhiên, các loại thuốc giảm đau, cách mẹ thở để hỗ trợ em bé và cách em bé sẽ ra ngoài như thế nào).
  6. Các lớp học (Free và trả phí) của Your baby academy. (Mình đã học tất cả các lớp miễn phí của họ: Chăm sóc em bé, Cho con bú mẹ, Chăm sóc sức khỏe hậu sản, Làm mẹ 6 tuần đầu, An toàn cho trẻ. Các lớp học online và bằng tiếng Anh).

Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast!

OanhDuongSam

****

Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.