OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

Cơ chế tạo sữa mẹ và máy hút sữa kỳ diệu nhất

Từ tuần thai thứ 16, mình bước vào hành trình học về sữa mẹ và cho con bú mẹ. Những kiến thức mình học được quả là đã làm mình mở mang hiểu biết. Chắc chắn mình sẽ còn chia sẻ rất nhiều về chủ đề này trong các số podcast và blog sắp tới. Chủ đề đầu tiên là về Cơ chế tạo sữa mẹ và việc em bé chính là chiếc máy hút sữa kỳ diệu nhất.

Nội dung này cũng đã được mình chia sẻ trong số podcast về tuần thai thứ 16. Bạn có thể nghe tại đây.

Các kiến thức mà mình chia sẻ lại trong các số podcast và blog về chủ đề sữa mẹ và nuôi con bằng sữa mẹ là những kiến thức mình học được từ bác sĩ sữa mẹ Anh Thy và cuốn sách The womanly art of breastfeeding của La Leche League International.

Bác sĩ sữa mẹ Anh Thy là người Việt Nam đầu tiên, và hiện là duy nhất có được bằng Chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế. Bác có kênh YouTube Bác sĩ sữa mẹ Anh Thy với các video về sữa mẹ và cho con bú mẹ. Mình đã bắt đầu từ series 30 videos ngắn về các kiến thức cơ bản tại đây. Bác sĩ cũng có khóa học nâng cao cho các mẹ thấy cần được giảng dạy và tư vấn trực tiếp. Các bạn có thể tìm hiểu về khóa học tại Facebook của bác sĩ.

Mình đã dành 2 buổi để xem hết hơn 30 video về kiến thức cơ bản và khoảng 10 video liên quan khác nữa. Có rất nhiều chủ đề thú vị và quan trọng xoay quanh việc nuôi con bằng sữa mẹ. Mình sẽ lựa chọn những nội dung mà mình thấy rất tâm đắc, rất cơ bản mà mẹ nào cũng sẽ cần và chia sẻ lại với các bạn trong cả podcast và trang blog này. Mình mong đây sẽ là cách để các bạn có thể tiết kiệm thời gian và chúng ta cùng học với nhau những điều cơ bản nhất. Còn để hiểu sâu hơn, các bạn xem video và theo dõi fanpage của bác sĩ Anh Thy hoặc đọc thêm các đầu sách cần thiết nhé!

Trang YouTube của bác sĩ Anh Thy cung cấp đủ kiến thức căn bản về sữa mẹ và cả việc nuôi con bằng sữa mẹ, bao gồm cả cho bú trực tiếp và sử dụng máy hút sữa đúng cách, hiệu quả.


Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trước hết, dù mình nghĩ các bạn có thể đã biết, nhưng mình vẫn muốn đi qua giới thiệu về sữa mẹ của con người. Bản thân mình đã nghe thuộc rằng “Sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Thế nhưng khi bắt đầu tìm hiểu về nuôi con bằng sữa mẹ, mình mới nhận ra có những điều thú vị mà mình chưa hiểu kỹ càng.

Đầu tiên, phải khẳng định chắc chắn rằng: Sữa mẹ là nguồn thức ăn chuẩn nhất mà tự nhiên tạo ra cho em bé sơ sinh. Sữa mẹ loài nào là phù hợp nhất với loài đó.

Trong tự nhiên, sữa của loài hải cẩu biển chứa rất nhiều chất béo, nhằm tăng cân nặng nhanh chóng cho con con để chống chọi với cái giá lạnh của thời tiết. Trong khi đó, sữa của loài chó sói lại chứa rất nhiều đạm để con con nhanh chóng có thể đứng lên đi và chạy nhằm đảm bảo khả năng sinh tồn của loài này.

Con người có thời gian phát triển từ lúc sinh ra đến khi biết đi dài hơn rất nhiều so với nhiều loài động vật. Do đó nhu cầu phát triển về kích thước cơ thể và cơ bắp không cao. Sữa mẹ vì thế chứa rất ít đạm và chất béo. Bù lại, sữa mẹ có lượng đường (carbohydrate) cao gấp đôi chất béo và gấp 7 lần lượng chất đạm, nhằm cung cấp năng lượng cho con. Tổng lượng chỉ chiếm 12% thôi. Còn lại, gần 90% sữa mẹ là nước nhằm hỗ trợ những hoạt động cơ bản như tuần hoàn, bài tiết và vô vàn các kháng thể thụ động, vitamin, khoáng chất cung cấp cho sự phát triển cơ thể của con.

Như vậy, nếu được uống sữa mẹ, con sẽ phát triển chuẩn bài nhất! Nhất là khi sữa mẹ thay đổi dần thành phần trong sữa theo độ tuổi của con, phù hợp với nhu cầu từng thời điểm của con. Sữa mẹ dù ở giai đoạn nào cũng đều tốt cho con cả. Sữa non – khi mới sinh 2-3 ngày với rất nhiều kháng thể tốt và quan trọng. Sữa ổn định gồm sữa đầu – chứa nước, đạm và khoáng chất, kháng thể. Sữa sau – chứa chất béo, đường. Tất cả đều tốt cho con.


Việc cho con bú sữa mẹ tốt cho cả con và mẹ

Nếu đọc cuốn The womanly art of breastfeeding, danh sách đã tóm lược của họ về những lợi ích cho con khi con được uống sữa mẹ dài mấy trang sách lận. Mình xin được tóm gọn ở đây các lợi ích dành cho cả con và mẹ. Chi tiết về các lợi ích này, các bạn có thể dễ dàng tìm đọc trên Google hoặc từ sách vở nhé.

Lợi ích dành cho con:

  • Không có loại sữa công thức nào có thể so sánh với sữa mẹ được cả. Sữa mẹ chứa mọi loại viamin, khoáng chất và các thành phần dinh dưỡng khác mà con cần. Trong sữa mẹ thậm chí có chứa những chất mà khoa học vẫn chưa tìm ra hoặc đặt tên cho chúng. Bởi vì sữa mẹ linh họa thay đổi theo bữa ăn hàng ngày của mẹ, thay đổi theo sự phát triển của con và phù hợp với nhu cầu cụ thể từng thời điểm mà con cần. Ví dụ như khi có những loại vi khuẩn và virus mà cơ thể con chưa thể sản sinh kháng thể phù hợp, cơ thể mẹ sẽ giúp con bổ sung loại kháng thể đó thông qua sữa mẹ. Chưa kể đến những loại kháng thể miễn phí từ sữa mẹ nhưng lại có giá không tưởng nếu bạn… có thể tìm mua được trên thị trường.
  • Sữa non mà mẹ sản xuất được ở 2-3 ngày đầu sau sinh có thành phần kháng thể cô đặc gấp 7 lần sữa mẹ thông thường. Sữa non sẽ giúp em bé hoàn hiện hàng rào kháng thể trong đường ruột và dạ dày để con sẵn sàng phát triển.
  • Sữa trưởng thành là loại sữa sẽ dần hình thành và ổn định trong vòng 2 tuần từ khi con sinh ra, chứa đầy đủ các loại dinh dưỡng cần thiết cho con. Sữa trưởng thành giúp con phát triển hệ tiêu hóa, xương, các bộ phận nội tạng. Insulin trong sữa giúp con tiêu hóa, các axit béo hỗ trợ hoạt động hệ tim mạch, lactose hỗ trợ sự phát triển của não bộ… Quan trọng nhất là, các chất này đều được cơ thể mẹ điều chỉnh định dạng hóa học sao cho phù hợp nhất với khả năng hấp thụ của con.
  • Khi được uống sữa mẹ, trẻ sẽ gặp nguy cơ thấp các bệnh về tai mũi họng và hệ tiêu hóa, các loại dị ứng và các vấn đề nha khoa. Trẻ bú sữa mẹ cũng có khả năng kháng bệnh cao hơn, ít cần phải sử dụng các loại thuốc hơn. Con cũng sẽ phản ứng tốt hơn với các loại vaccine mỗi khi tiêm chủng.
  • Sữa mẹ được sản xuất phù hợp với khả năng hấp thụ của con sẽ giúp gan và thận của con không phải làm việc quá tải để đáp ứng với sữa công thức.
  • Trẻ bú sữa mẹ trực tiếp có cơ hàm và cơ mặt phát triển hoàn thiện nhờ được luyện tập các bộ cơ mỗi ngày theo cách khác biệt so với bú bình và mút ti giả.

Như vậy, có thể nói rằng, sữa mẹ chính là Trung tâm chăm sóc sức khỏe của con, đáp ứng mọi vấn đề về sức khỏe của con và giúp con có được sức khỏe toàn diện nhất.

Lợi ích dành cho mẹ

  • Việc cho con bú mẹ là bước tiếp heo của tự nhiên trong hành trình sinh sản của người phụ nữ: Mang thai – sinh con – sản xuất sữa. Khi con bú mẹ trực tiếp ngay từ những ngày đầu tiên, tử cung của mẹ sẽ hồi phục nhanh hơn và chảy máu ít hơn, làm sớm giảm vòng bụng và tăng cường sức khỏe sinh sản cho mẹ.
  • Cho con bú mẹ hoàn toàn cũng là một trong những biện pháp tránh thai tự nhiên trong 6 tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp đảm bảo an toàn tránh thai cao và mình không khuyến khích các mẹ dùng cách này nhé!
  • Cho con bú mẹ trực tiếp và sản xuất sữa mẹ giúp cơ thể mẹ tiết ra oxytocin – loại hormone giúp mẹ đẩy sữa ra ngoài, và tạo cảm giác hạnh phúc cho mẹ, hỗ trợ rất nhiều trong việc ổn định tâm lý sau sinh, giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh.
  • Hormon oxytocin tiết ra ở cơ hể cả mẹ và con khi cho con bú trực tiếp còn giúp gắn kết tình cảm giữa hai mẹ con nữa – việc mà bố còn lâu mới có được! Sự gần gũi giữa các cặp mẹ con nuôi con bằng cách cho bú mẹ trực tiếp tốt hơn rất nhiều so với những cặp mẹ con chỉ dùng bình.
  • Việc cho con bú mẹ trực tiếp cũng giúp toàn bộ cơ thể mẹ sản sinh phản ứng hóa học mỗi khi con có các biểu hiện lạ về tâm lý hay sức khỏe – ví dụ khi con khóc quấy vì lo lắng, đau đớn, mệt mỏi. Lúc này, bầu ngực của mẹ không chỉ là máy sản xuất sữa, mà còn là biện pháp trấn an con hiệu quả! Mặc dù ti giả có thể làm thay điều này, nhưng nếu chỉ sử dụng ti giả, người mẹ sẽ không thể có gắn kết tâm lý với con chặt chẽ. Tuy vậy, cần lưu ý để tránh sử dụng bầu ngực quá thường xuyên, tạo thói quen bú vặt cho con. Chỉ nên vận dụng vai trò trấn an con khi không còn có cách nào khác mà mẹ chưa thử.
  • Cuối cùng, nhiều mẹ nói rằng không muốn cho con bú mẹ trực tiếp vì không muốn bị con bám mẹ và ràng buộc mất thời gian để làm những việc khác. Tuy vậy, thời gian cho con bú mẹ không thể so sánh với tổng thời gian mẹ dành để vắt sữa, cân đo pha sữa, cọ rửa bình, tiệt trùng dụng cụ, hâm nóng, trữ đông sữa, rồi sau này là thời gian đưa con đi khám bác sĩ nhiều hơn. Chưa nói đến việc, sữa mẹ luôn sẵn sàng ở trong ngực, không cần lo lắng về nhiệt độ hay nguồn cung, quá tốt so với những khoảng thời gian khủng hoảng nguồn cung sữa bột, hoặc trong các hoàn cảnh thiên tai địch họa không thể mua sữa, hoặc khi ở những hoàn cảnh không có nước ấm để pha sữa hoặc hết sữa đã chuẩn bị sẵn.

Còn rất rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và con nữa mà bạn có thể tìm hiểu được ở rất nhiều nơi. Con khỏe, mẹ vui – Nuôi con bằng sữa mẹ, hay bú mẹ trực tiếp chính là lựa chọn tốt nhất mà chúng ta hướng đến!


Cơ chế tạo sữa mẹ

Tạo hoá đã tạo ra sữa mẹ, dành riêng cho con, vậy cơ chế tạo sữa mẹ như thế nào? Con người tạo sữa theo hai cơ chế: một là cơ chế tạo sữa nhờ hormone và hai là cơ chế cung cầu.

Cơ chế hormon

Đây là cơ chế khi cơ thể tiết ra hai loại hormone quan trọng với việc cho con bú: prolactin – giúp tạo sữa và oxytocin giúp đẩy sữa ra ngoài để bé nhận đủ sữa. Cơ thể mẹ thật ra đã có thể tạo sữa rất sớm, từ tuần thứ 20 trở đi. Tuy nhiên, hai hormone tạo sữa bị ức chế bởi hai hormone là estrogen và progesterone do bánh nhau tạo ra trong quá trình mang thai. Khi mẹ sinh bé, bánh nhau bong, giảm 2 hormone này, tạo điều kiện sản sinh hormone sữa mẹ lên và nhờ đó, cơ thể được báo hiệu để sản xuất sữa và đẩy sữa ra cho em bé.

Cơ chế cung cầu

Khi em bé sinh ra, sữa mẹ vốn đã có sẵn trong ngực rồi, mẹ chỉ việc cho con bú. Khi cho con bú trực tiếp, cơ thể mẹ sẽ tiết thêm hormone giúp đẩy sữa xuống, kéo thêm nước tới làm sữa từ sữa non ban đầu dần nhiều lên và thành các dòng sữa ổn định về sau. Con bú càng sớm, sữa sẽ về càng mau.

Bạn đừng lo ban đầu không có sữa nhé. Vì thật ra ở ngày đầu tiên, con chỉ cần 7ml sữa một cữ bú, là khoảng 2 thìa cà phê thôi. Khoảng 2-4 tiếng con sẽ bú một lần. Ngày thứ hai, con cần 13ml sữa mỗi cữ. Và khi nhu cầu của con tăng lên, cơ thể mẹ cũng sẽ tiết sữa theo và đủ để con có sữa bú, như một phản xạ bản năng vô cùng đáng quý của người mẹ. Đó chính là cơ chế cung cầu.


Như vậy, bé bú bao nhiêu, cơ thể mẹ sản xuất bấy nhiêu. Dù bạn nhiều hay ít sữa, con bú mau hay lâu, trong 2-3 ngày đầu, bạn hãy cố gắng để em bé bú mẹ trực tiếp. Động tác mút của con tương đương với cơ chế massage của máy hút sữa, sẽ giúp cơ thể nhận tín hiệu để tạo tia sữa.

Tổ hợp 3 thứ gồm , cùng với cơ chế hormone mà cơ thể để tạo sữa và đẩy sữa ra khỏi bầu ngực, và cơ chế cung cầu sẽ là môi trường siêu thuận lợi để bạn sản xuất sữa hiệu quả và mang được sữa cho con mà không cần lo lắng thêm điều gì. Nuôi em bé no là bản năng của mẹ mà! Nếu em bé cứ bú, bạn sẽ có sữa cho con, và sẽ sản xuất đến khi đủ mới chịu!

Đây là cuốn sách về sữa mẹ mà mình đang đọc. Sách viết tâm huyết và chi tiết quá làm blog của mình cũng hóa dài luôn!


Em bé – Chiếc máy hút sữa kỳ diệu nhất

Vậy là không chỉ bản năng của người mẹ sẽ dần mang sữa đủ đến cho con, mà chính em bé sẽ trở thành chiếc máy hút sữa kỳ diệu nhất để đáp ứng nhu cầu của bản thân, và giúp mẹ mang đủ sữa về theo nhu cầu của con.

Động tác mút ti mẹ trực tiếp như mình nói ở trên là phương pháp hiệu quả nhất để gọi sữa về. Đồng thời, nhu cầu bú của con chính là tín hiệu được cơ thể mẹ bắt sóng tốt nhất để sản xuất sữa theo đúng nhu cầu của con.

Trong cuốn sách The womanly art of breastfeeding mà mình đang đọc, sách có viết một đoạn rất hay về sự kỳ diệu của những em bé trong việc bú mẹ. Mình tóm tắt lại một chút dưới đây nhé!

Con dù bé xíu vậy nhưng đã có bản năng mãnh liệt với sữa mẹ rồi. Em bé sơ sinh giống như các em mèo con mới sinh ấy, dù mắt chưa mở nhưng đã biết bò đến tìm ti mẹ rồi. Bởi vậy con có khả năng tìm ra cách làm no mình tốt nhất! Khi con khát, con sẽ bú ngắn thôi, để uống sữa đầu có nhiều nước, ít béo. Nếu con vẫn khát, con sẽ đòi đổi ti để được bú sữa đầu của ti còn lại. Khi con đói, chắc chắn con sẽ nỗ lực bú kiệt một bên ti để đón được cả sữa đầu nhiều nước và sữa sau nhiều chất béo và đường. Nếu con uống nhiều sữa hơn bình thường, con biết mình sẽ có thêm sữa ở lần bú tiếp theo. Nếu con bú ít hơn bình thường, cơ thể mẹ cũng sẽ sản xuất sữa ít lại.

Khi con lớn hơn và ăn dặm, cơ thể mẹ sẽ điều chỉnh thành phần để phù hợp với nhu cầu cơ thể con. Khi cơ thể con gặp các vi khuẩn lạ, con sẽ báo với bầu sữa qua việc bú, cơ thể mẹ sẽ nhanh chóng hỗ trợ đề kháng cần thiết cho con – Bởi vậy mà thậm chí trong sữa mẹ có nhiều thành phần mà khoa học vẫn chưa thể đặt tên hết nổi. Kỳ diệu là ở đó, nó khiến bầu sữa mẹ trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe cho con, và là nơi con được đáp ứng mọi nhu cầu tối thiểu của mình!


Kết luận

Như vậy, khi hiểu hơn về cơ chế tạo sữa mẹ, và khả năng diệu kỳ của “chiếc máy hút sữa” o e bên bạn, bạn sẽ làm chủ được việc cho con bú. Đến lúc này, việc bạn cho con bú trực tiếp hoàn toàn sẽ dần trở thành việc đương nhiên vì vốn đó là bản năng tự nhiên của chúng ta và em bé.

Đồng thời, mình thấy hay nhất đó là, hiểu rõ được các kiến thức này, mình thấy rằng mình có thể linh hoạt trong việc nuôi con bằng sữa mẹ. Mình có thể cho con bú sữa mẹ hoàn toàn, nhưng cũng có thể linh hoạt sử dụng máy hút sữa với những mục đích chủ động như kích sữa về nhanh hơn, hoặc bổ sung sữa cho con, hoặc chuẩn bị sữa dư để đảm bảo nguồn sữa cho con khi mẹ quay lại đi làm… Nắm được cơ chế tạo sữa mẹ cũng giúp các mẹ biết cách sử dụng máy hút sữa, hoặc vắt sữa bằng tay hiệu quả hơn, duy trì tối đa nguồn sữa mẹ.

Dù là cho con bú mẹ hoàn toàn, kết hợp với máy hút sữa, hoặc buộc phải hút sữa mẹ cho con bú hoàn toàn đi nữa, cách tốt nhất là cách phù hợp với hoàn cảnh của mẹ, và đảm bảo được nguồn sữa để con có cơ hội được uống sữa mẹ lâu dài nhất. Mong rằng blog này đã mang lại những kiến thức cần thiết cho các bạn về sữa mẹ và cơ chế tạo sữa mẹ!

Nếu có điều gì muốn góp ý hoặc chia sẻ thêm với mình, các bạn comment cho mình biết nhé!

OanhDuongSam

Đọc thêm Series Nuôi con sữa mẹ:

  1. Cơ chế tạo sữa mẹ và chiếc máy hút sữa kỳ diệu nhất
  2. Hiểu đúng để sửa dụng máy hút sữa hiệu quả
  3. Khớp ngậm đúng khi cho con bú mẹ trực tiếp
  4. Dấu hiệu con bú đủ khi cho con bú mẹ trực tiếp
  5. Sữa mẹ tốt và cách để tốt sữa
  6. Cách kích sữa mẹ ngay từ những ngày đầu sau sinh
  7. Bảo quản và sử dụng sữa mẹ trữ đông đúng cách

Nguồn tham khảo:

  1. Sách The womanly art of Breastfeeding – La Leche League International
  2. Sách Guide to a Healthy Pregnancy – Mayo Clinic/ Myra J. Wick, M.D., Ph.D.
  3. Bác sĩ sữa mẹ Anh Thy
  4. Sách 68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con sữa mẹ – Lê Nhất Phương Hồng

—-

Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!



Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.