OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

Tiểu đường thai kỳ: những điều cần biết để tránh

Từ tuần thai thứ 24 đến tuần thai thứ 28, các mẹ sẽ được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm Tiểu đường thai kỳ. Đây như là một kỳ thi sát hạch bằng lái xe vậy đấy, mẹ nào cũng hăm hở và hồi hộp đi thi, để xem kết quả như thế nào!

Hiểu về Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là Đái tháo đường thai kỳ là hiện tượng lượng đường trong máu cao ở một số phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Hiện tượng này có thể xuất hiện ở phụ nữ chưa hề mắc bệnh tiểu đường trước khi mang thai và thường phát triển bệnh trong khoảng từ tuần 24 đến tuần 28.

Cơ thể con người chuyển hóa carbohydrate – chất đường bột từ thực phẩm ta ăn hàng ngày thành đường glucose. Đường này sẽ được chuyển từ dạ dày vào máu, đến các tế bào nhằm dự trữ và chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể phát triển. Việc vận chuyển đường đến các tế bào cần đến hormone insulin – loại hormone do tuyến tụy tiết ra.

Trong thời gian mang thai, một số loại hormone do bánh nhau tiết ra sẽ làm tuyến tụy giảm khả năng tiết ra insulin hoặc insulin hoạt động kém đi. Khi đó, đường sẽ lưu lại trong máu thay vì được chuyển đến tế bào, khiến chỉ số đường trong máu tăng cao.

Bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ khiến bạn tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai. Bên cạnh đó, nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường ở trẻ, đồng thời gây ra những biến chứng sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.

Tiểu đường thai kỳ: những điều cần biết để tránh - 2
Những biến chứng ở mẹ bầu và thai nhi – trẻ sơ sinh khi mẹ mắc tiểu đường thai kỳ.
Nguồn: kienthuctieuduong.vn



Có nhiều nguy cơ về sức khỏe cho con nếu mẹ mắc tiểu đường thai kỳ. Dưới đây là 4 vấn đề nổi bật nhất:

  1. Tăng trưởng quá mức và thai to: Khi lượng đường trong máu mẹ cao, em bé cũng sẽ qua bánh nhau hấp thụ nhiều đường và tăng trưởng cân nặng. Thai nhi quá to có thể gây nguy hiểm cho việc sinh nở, hoặc không thể sinh thường do em bé quá to – thường là trên 4kg.
  2. Sinh non: Lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh con trước ngày dự sinh của thai phụ. Mà việc sinh sớm khi phổi của em bé chưa đủ trưởng thành sẽ ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của con, tăng nguy cơ suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.
  3. Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết): Do đột ngột không tiếp tục nhận đường chuyền từ cơ thể mẹ qua nữa, cơ thể em bé sơ sinh sẽ dư lượng insulin cần thiết. Khi lượng insulin cao, con sẽ có hiện tượng hạ đường huyết ngay khi sinh. Lúc này, cần cho con ăn ngay hoặc truyền dung dịch qua đường tĩnh mạch nhằm đưa lượng đường trong máu của con trở lại bình thường.
  4. Tăng nguy cơ các vấn đề về sức khỏe bao gồm: tử vong ngay sau sinh nếu không được can thiệp kịp thời về chỉ số đường huyết; tăng hồng cầu và vàng da sau sinh; tăng nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2 khi trưởng thành. Tuy nhiên, ngoại trừ vấn đề tử vong hiếm gặp, các vấn đề sức khỏe còn lại đều có thể chữa trị, nhất là với chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, bạn đừng quá lo nhé!

Đối với mẹ bầu, bạn có thể dễ tăng huyết áp khi mang thai và gặp hiện tượng tiền sản giật – hai biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ có thể đe dạo tính mạng mẹ và con. Ngoài ra, bạn có nguy cơ sinh mổ cao vì em bé quá to. Mà vốn mỗi vết mổ đều có nhiều nguy cơ, sinh thường vẫn là nhất ạ. Đặc biệt chú ý, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường trong tương lai hoặc ở lần mang thai tiếp theo, cũng như nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp hai khi về già.


Cách kiểm soát Tiểu đường thai kỳ

Mặc dù nguy hiểm đến sức khỏe của thai nhi và của mẹ, việc kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ không khó, nhưng khá quan trọng đối với mẹ bầu.

Chỉ số đường huyết của mẹ bầu nên nằm trong ngưỡng 120-140mg/dL.
Nguồn: webmd.com


1. Xét nghiệm tiểu đường để nắm bệnh

Trước hết, bạn cần thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ trong khoảng từ tuần 24 đến tuần 28 để phát hiện bệnh và can thiệp kịp thời.

Bạn sẽ được tầm soát tiểu đường thai kỳ bằng phương pháp dung nạp glucose. Bạn có thể được yêu cầu nhịn ăn 8 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm. Như mình ở Mỹ thì bác sĩ không yêu cầu nhịn ăn, chỉ nhắc nhở không ăn các thực phẩm có lượng đường cao thôi. Khi làm xét nghiệm, bạn sẽ được cho uống một lượng chất lỏng chứa 75g đường. Sau đó 1 giờ, nhân viên xét nghiệm sẽ lấy máu của bạn để xem chỉ số đường huyết và kết luận bạn có mắc tiểu đường thai kỳ không. Nếu chỉ số dưới 120-140mg/dL (miligams/deciliter), bạn thi đỗ. Nếu cao hơn, bạn có nguy cơ tiểu đường thai kỳ.

Nếu bạn có chỉ số không an toàn, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ lần hai. Phương pháp của lần hai cũng tương tự, nhưng bạn bắt buộc phải nhịn ăn và uống lượng đường nhiều hơn vào người. Trước khi uống nước đường, bạn sẽ được lấy máu lần 1. Sau 1 tiếng chờ đợi, bạn sẽ được lấy máu thêm 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tiếng.

2. Nếu bạn mắc tiểu đường thai kỳ, phải điều chỉnh chế độ sinh hoạt và chế độ ăn

Ở Mỹ này, thậm chí bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để giúp bạn điều chỉnh thực đơn ăn uống hàng này nếu tình trạng bệnh của bạn nghiêm trọng.

Ở Việt Nam, mình thấy bạn bè mình thường được bác sĩ đưa cho một danh sách các thực phẩm nên ăn và không nên ăn để thực hiện. Bạn có thể dễ dàng tìm được danh sách này ở trên mạng. Tuy nhiên, đơn giản nhất để lưu ý chính là giảm lượng đường nạp vào cơ thể bằng cách giảm lượng carbohydrate – chất đường bột, nhất là các loại carb không tốt, nhưng vẫn cần đảm bảo lượng calo và chất dinh dưỡng để nuôi thai nhi. Đây chính là câu chuyện mình đã chia sẻ trong phần Mẹ làm gì khi con dần lớn tuần trước.

Vậy, bạn nên ăn các thực phẩm chứa đường đơn như hoa quả, rau củ; và các loại tinh bột tốt nhằm chuyển hóa đường bền vững và từ tốn vào cơ thể như gạo lứt, tinh bột nguyên cám, hạt kê, đậu gà, các loại hạt đậu…

Đồng thời, hãy tăng cường tập luyện thể thao nhằm tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, hỗ trợ cơ thể tiết insulin và làm insulin hoạt động xịn hơn. Uống đủ nước và ngủ đủ giấc cũng là hai yếu tố quan trọng nhé!

3. Can thiệp y tế:

Nếu mắc Tiểu đường thai kỳ, bạn cần phải đo chỉ số đường huyết mỗi ngày, trước bữa sáng và sau bữa sáng 2 tiếng để kiểm tra mức độ tăng cao của chỉ số đường huyết. Từ đó có can thiệp kịp thời bằng chế độ ăn và thể thao trong ngày để giảm chỉ số, hoặc can thiệp bằng thuốc nếu tình trạng kéo dài.

Nếu bệnh nghiêm trọng, bạn có thể phải uống thuốc hoặc tiêm insulin nhằm hỗ trợ cơ thể xử lý lượng đường trong máu. Các bác sĩ sẽ tư vấn chi tiết nếu bạn cần thực hiện điều trị bằng thuốc như vậy nhé.

Với bệnh tiểu đường thai kỳ, bạn có nguy cơ sinh sớm và sinh mổ cao hơn các mẹ bầu khác. Hãy trao đổi với bác sĩ khám thai của bạn để theo dõi thường xuyên và có kế hoạch chuẩn bị cho cả hai tình huống này.

Hai tuần nữa, ở tuần thai 28, mình sẽ có buổi kiểm tra tiểu đường thai kỳ. Do đó, mình đã tìm hiểu toàn bộ kiến thức như chia sẻ với các bạn. Mình muốn chia sẻ sớm để các mẹ bầu đã kiểm tra tiểu đường hiểu hơn về bệnh này và an tâm điều trị nếu có chỉ số tiểu đường thai kỳ cao; cũng như chuẩn bị tâm lý vững vàng cho các mẹ chuẩn bị có bài sát hạch này giống mình.

Chúc chúng ta thật khỏe để em bé cũng khỏe mạnh nhé. Nếu có gì khó, chúng ta hãy chịu khó một chút để những điều thuận lợi nhất sẽ đến với cả hai mẹ con!

Kết nối thêm với mình qua instagram danlonpodcast!

OanhDuongSam

—-

Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.