Chuyến du lịch 8 ngày của mình, bao gồm đủ thể loại phương tiện và địa hình, đã làm mình rút được rất nhiều kinh nghiệm du lịch chắc chắn sẽ có ích với các bạn!
Số Podcast Dần lớn về tuần thai thứ 19 tập trung chia sẻ kinh nghiệm du lịch dành cho bà bầu mang thai 5 tháng mà mình đúc kết được sau chuyến du lịch dài ngày vừa qua của mẹ con mình. Bạn có thể nghe tại Spotify Dần Lớn Podcast.
Trước hết, mình tóm tắt qua về chuyến du lịch của nhà mình. Mình đi chơi tổng cộng là 8 ngày 8 đêm, bay về vào sáng ngày thứ 9.
Các phương tiện mình đã đi gồm có: 4 chuyến máy bay (chuyến đi và chuyến về dài 4 tiếng mỗi chuyến, hai chuyến ở giữa chỉ khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng) – như vậy là hầu hết các chuyến đều dài hơn bay Hà Nội – TP.HCM. 2 cuộc roadtrip bằng ô tô (cuộc đầu dài 4 tiếng lái xe mỗi chiều, cuộc sau dài 2-1,5 tiếng một chiều). Một chuyến tàu thủy ngắm cảnh trên biển gần bờ dài 1,5 tiếng. Còn lại đa phần di chuyển bằng ô tô trong nội đô hoặc khoảng 30-45 phút lái xe ra ngoại ô.
Mình đã di chuyển ở các địa hình đường quanh núi, đường biển, đường nhựa giữa sa mạc, đi bộ đường núi dễ đi, đi dạo trên bờ biển, đi bộ trong khu phố đông đúc. Khá là phong phú các loại địa hình!
Sau đây là những lưu ý của mình dành cho các bạn muốn đi du lịch trong giai đoạn Tam cá nguyệt thứ 2 này, và cả những bạn vẫn cần đi công tác nhiều trong giai đoạn mang thai nhé.
1. Thời gian phù hợp:
Chắc không thể có thời gian nào phù hợp hơn 3 tháng giữa thai kỳ – tam cá nguyệt thứ 2 cả. Đó là khi mà những cơn nghén của 3 tháng đầu đã qua, cơ thể khỏe khoắn trở lại, nhưng bụng lại chưa quá to để di chuyển.
Mình may mắn phục hồi khá nhanh khỏi các cơn nghén. Tháng bầu thứ 4, mình bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch cho chuyến du lịch mà vốn hai vợ chồng cũng tính đi “vớt” trong năm nay, trước khi sinh em bé. Ban đầu mình cũng hơi lo, mang đi hỏi bạn bè mà mình từng thấy đi du lịch trong thai kỳ, và hỏi cả bác sĩ nữa. Bạn bè thì ngay lập tức bảo ổn cả, cứ đi đi kẻo sau này chẳng đi được nữa đâu! Bác sĩ thì không một giây chần chừ, bảo mình là sức khỏe ok lắm cứ đi thôi, có gì lạ thì gọi về đây bác sĩ xem xét tình hình.
Sách vở vẫn lưu ý rằng các chuyến đi không nên quá dài ngày. Tuy nhiên, cân nhắc về sức khỏe và thói ham chơi, vợ chồng mình chọn đi 8 ngày. Quả đúng 8 ngày là hơi dài, nhưng kết thúc chuyến đi, với nhiều biện pháp ăn chơi giảm xóc, mình vẫn thấy sức khỏe tốt. Do đó các mẹ bầu có sức khỏe ổn định có thể tham khảo.
2. Phương tiện phù hợp:
Mình không nghĩ việc đi bộ nhiều – nhất là vào mùa hè nắng nóng, là ý hay. Trước đây khi còn trẻ, mình vẫn đi mỗi ngày 10-15 nghìn bước mỗi lần đi du lịch, kết hợp với tàu điện ngầm, xe buýt… Tuy nhiên giờ mang bầu, dù hàng ngày vẫn đi bộ cỡ 1-2km nhưng mình biết sẽ không đủ sức đi bộ nhiều nữa. Do đó, vợ chồng mình đa phần chọn di chuyển bằng máy bay đến các thành phố rồi di chuyển bằng ô tô thuê tự lái qua ứng dụng như airbnb – một hình thức rất phổ biến ở Mỹ.
Nếu di du lịch nước ngoài, bạn nên cân nhắc nơi đến nhỏ thôi, hoặc chọn loại phương tiện nào phù hợp nhằm giảm thiểu đi bộ, giữ sức cho mẹ bầu. Nếu ở Việt Nam, roadtrip bằng ô tô các chặng ngắn như Hà Nội và Huế/ Nghệ An, hoặc TP.HCM đi ra Ninh Thuận, Bình Thuận, mình nghĩ vẫn ổn thỏa. Nhưng thời tiết ở Việt Nam khá nóng, nên cứ đi máy bay đến thành phố du lịch và dùng taxi di chuyển giữa các điểm thăm quan là phù hợp nhất!
Ngoài ra, mình có đi tàu thủy ngắm cảnh trên biển gần bờ – không có biểu hiện của say sóng gì, mà còn thấy rất trong lành thoải mái. Vậy bạn có thể cân nhắc để tham khảo các chuyến du lịch trên tàu ở các biển như Vịnh Hạ Long, Hải Phòng, Quảng Ninh…
3. Cần chuẩn bị gì trước chuyến đi
- Tham vấn ý kiến của bác sĩ khám thai của bạn để xem sức khỏe của bạn và em bé có phù hợp để đi du lịch hay không. Việc này rất quan trọng, sẽ giúp bạn không lo lắng, và là lệnh bài trấn an toàn bộ thành viên trong gia đình để bạn được cấp phép đi chuyến này. Có người bạn mình đã gặp động thai khi đi du lịch ở tháng thứ 5 từ Hà Nội lên Thái Nguyên. Vậy nên dù gì bạn cũng hãy lưu ý sức khỏe của mình và con trên tất thảy mọi thứ nhé!
- Tập luyện thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe. Mình tập thêm đạp xe tại phòng gym 3 buổi một tuần trong vòng 2 tuần trước khi đi. Bên cạnh đó vẫn duy trì đi bộ 1-2km mỗi ngày và tập yoga 3 lần mỗi tuần.
- Ăn uống đủ chất, uống đủ các thuốc bầu cần thiết. Mang các thuốc bầu đi du lịch! Chuẩn bị thêm nước muối sinh lý để rửa sạch mũi và súc họng tránh Covid và vi khuẩn khác. Mình đi vùng núi cao lạnh khô, mũi bị khô và chảy máu bên trong mũi liên tục cả tuần. Không mang theo nước muối sinh lý, mình phải dùng đến dầu dừa bôi thẳng vào bên trong mũi để tạo độ ẩm, cũng khá hiệu nghiệm!
- Chuẩn bị số điện thoại liên lạc với bác sĩ khám thai của bạn – bạn lưu, chồng bạn lưu, người đi cùng lưu lại, đề phòng trường hợp khẩn cấp cần liên lạc với bác sĩ. Ở Việt Nam thì nên chuẩn bị sẵn thông tin về cơ sở y tế gần nhất ở nơi bạn đi du lịch để tìm đến ngay khi cần. Nếu đi nước ngoài, nên chuẩn bị hồ sơ khám thai từ trước đến nay – thường giờ được lưu lại trong hồ sơ bệnh án có thể đăng nhập xem được, hoặc thông qua hình ảnh các phòng khám gửi về điện thoại cho các mẹ. Cái này là để tiện trình bày về tình trạng thai nhi ngay khi cần thiết.
- Chuẩn bị kỹ kế hoạch di chuyển theo từng ngày, từng buổi. Xác định rõ các cung đường di chuyển dài phải ngồi trên phương tiện di chuyển để có phương án phòng bị sức khỏe tốt. Mình sẽ nói kỹ về các phương án này ở phần tiếp theo.
- Nếu chuẩn bị trước các điểm ăn uống – cần lưu ý đảm bảo vệ sinh thực phẩm, tránh ăn đồ chưa chế biến chín. Nên sắp xếp ăn bữa chính là bữa trưa, vì thường khi đến bữa tối, bụng mẹ bầu sẽ đầy và khó ăn dược nhiều.
- Chuẩn bị các loại đồ ăn vặt để ăn ngay khi thấy đói. Mình đã chuẩn bị hạt khô với quả sấy khô, bánh quy và trái cây mua tại điểm du lịch.
- Trang bị quần áo rộng rãi, thoải mái, ưu tiên váy bầu để phần bụng được thoải mái dù là đứng hay ngồi. Nên mang theo áo khoác phù hợp với thời tiết ở nơi đến, đề phòng thời tiết buổi tối hoặc sáng sớm trở lạnh.
- Chuẩn bị đầy đủ mũ hoặc nón; áo chống nắng cho các mẹ có da nhạy cảm, kèm theo kem chống nắng phù hợp; tất chống phù chân (có thể mua thêm) hoặc dép đi thoải mái không bó chân để tránh phù thũng khi ngồi lâu trên các phương tiện di chuyển.
- Nên có một ba lô vải hoặc túi tote vải nhỏ để đựng đồ ăn nhẹ và nước uống, mũ nón khi di chuyển thăm quan.
- Hành lý nên gọn nhẹ để dễ dàng và nhanh chóng di chuyển. Mình và chồng mình mỗi người chỉ có 1 vali xách tay và 1 balo hoặc túi tote nhỏ cho cả chuyến đi 8 ngày. Bọn mình không ký gửi hành lý và cứ thế bon bon đi cho nhanh lẹ. Nhưng được cái là do hãng ở Mỹ này không giới hạn cân nặng hành lý nên mới được vậy. Tuy nhiên, với mức 15kg của Vietnam Airlines hiện nay, mình nghĩ việc này cũng hoàn toàn khả thi.
4. Trong chuyến đi
- Lựa chọn thời gian di chuyển hợp lý. Mình bay sớm trong 2 chuyến bay đầu nên trong khoảng 3 ngày đầu của chuyến đi bị thiếu ngủ và hơi mệt. Sau đó cơ thể đã thích nghi được ngay, nhưng mình thấy đây là điểm nên rút kinh nghiệm. Giờ bay hay giờ di chuyển không nên ảnh hưởng nhiều đến giờ ngủ chính buổi tối của bạn.
- Ăn đủ trước hoặc trong khi di chuyển, không để bụng đói, dễ gây mệt và các vấn đề về chuột rút.
- Khi di chuyển máy bay, nên tháo giày dép, đi tất giữ ấm chân và tránh phù thũng chân do ít được đi lại.
- Nếu đi ô tô, nên chọn trang phục thoải mái, tư thế ngồi thoải mái, ưu tiên ngồi ghế trước để giảm say xe và có chỗ duỗi chân thoải mái. Chắc chắn phải thắt dây an toàn!
- Chuẩn bị gối gối đầu khi ngồi trên các phương tiện máy bay, ô tô để có tư thế thoải mái nhất nếu ngủ.
- Ăn đủ rau xanh! Hoặc mang theo gói bột rau sấy khô chỉ việc pha uống liền để đảm bảo đủ chất xơ cho cơ thể. Mình đi vệ sinh nặng theo khung giờ cố định vào đầu buổi sáng. Việc đi du lịch thường đảo lộn thói quen này. Bổ sung đủ chất xơ và uống đủ nước là một trong những cách đảm bảo mình không bị táo bón.
- Tránh các món ăn gây đầy bụng. Ví dụ bỏ bớt hành tây, giảm các đồ ăn có kem, sữa bò nguyên kem, không tách lactose, nên ăn đồ nấu chín thay vì đồ sống như salads rau sống do thật ra bạn không thể nhai kỹ đủ để không làm mệt dạ dày đâu.
- Duy trì tập yoga chống đầy bụng. Trong những ngày đi du lịch, mình vì ham ăn, ăn ngon miệng, ăn liên tục nên thường gặp phải tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Tối nào về khách sạn mình cũng đều tập bài yoga chống đầy bụng để đi ngủ. Mình cũng uống cả thuốc chống đầy bụng vốn đã uống từ tam cá nguyệt đầu tiên khi gặp tình trạng đầy bụng nữa. Đi du lịch mà không ăn thì còn gì vui! Nên phải tìm đủ cách để vẫn được ăn ngon đầy đủ.
- Mang đầy đủ thuốc bầu đi du lịch. Tiện nhất là nên bỏ vào túi ziplock nhỏ, để trong túi cá nhân sát sườn. Mình bỏ vào lọ to, nghĩ là cứ đến giờ là uống. Nhưng việc di chuyển thường xuyên khiến mình quên giờ uống thuốc, quên luôn cả lọ thuốc trong vali. Nửa sau của chuyến đi, mình chuyển thuốc vào túi cá nhân, cứ ăn xong là uống, rất tiện.
- Giữ ấm cơ thể khi lạnh và giảm nhiệt khi quá nóng. Quá lạnh hay quá nóng toát đầm đìa mồ hôi đều có thể gây cảm lạnh cho bà bầu nhé!
- Lựa chọn những cung đường, các điểm thăm quan phù hợp với thể trạng bà bầu. Mình đã từ bỏ các cung đường đi bộ lên xuống núi – dù được đảm bảo là thân thiện với gia đình có trẻ nhỏ, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe. Các cung đường oằn tà là vằn như cung núi đèo Tây Bắc cũng không phải là ý hay. Mình có đi nhẹ một cung đường núi và say xe bí tỉ, nôn lên xuống còn tệ hơn cả hồi đi SaPa, Lào Cai. Mình cũng tránh những nơi đông người có thể lây nhiễm Covid-19 hoặc quá bí bách khó thở nữa – cứ thấy đông người là mệt lả chả thở ra hơi luôn ý nên cứ bờ biển, bãi cỏ, công viên, núi đồi, cánh đồng thoáng đãng mà đi!
Mong rằng các mẹ bầu chuẩn bị đi du lịch hoặc vẫn phải duy trì việc đi công tác sẽ tìm được những kinh nghiệm hữu ích trong blog này. Nếu có thêm điểm nào cần lưu ý với các mẹ bầu, các bạn chia sẻ thêm ở phần comment để bài viết xịn hơn nữa nhé!
Oanh Dương Sam