OanhDuongSam

Một hành trình dần lớn

Mình đã hiểu ra và biết thêm gì sau khi nhiễm Covid-19

Phải đến ngày thứ 3 kể từ ngày đi xét nghiệm PCR, mình thử lại bằng kit test nhanh mới có kết quả dương tính ngay sau 1 giây.

Sau 2 tuần nhiễm Covid, mình đã không còn ho vào ban đêm, chính thức hết hẳn các biểu hiện bệnh, chồng mình cũng đã test âm tính và đi làm trở lại. Rồi thì ngày này cũng đến, ai rồi cũng sẽ mắc Covid. Mình và chồng mình mắc chủng Omicron từ con của một người bạn khi đến chơi nhà họ vào dịp năm mới dương lịch.

Trước khi nhiễm Covid, mình đã buông lơi Covid một thời gian vì không muốn cập nhật những tin tức tiêu cực về dịch bệnh này nữa. Đến khi nhiễm bệnh, mình mới thấy là đã lâu không còn trang bị kiến thức hay tâm thế sẵn sàng cho Covid nữa, dù ở thành phố mình ở, số ca nhiễm mỗi ngày cũng gần bằng cả Việt Nam (tính đến tháng 12/2021). Lúc này, mình mới đọc mình những cách tự chữa khi nhiễm Covid mà người thân và bạn bè chia sẻ. Tôn chỉ là có triệu chứng gì ta chữa cái đó.

Dưới đây mình không viết nhiều về cách chữa nữa, vì chắc mọi người dễ tìm thấy thông tin. Mình xin ghi lại một số điều mình đã hiểu ra và biết thêm dựa trên trải nghiệm và tìm hiểu của cá nhân, mình chia sẻ để cung cấp thêm thông tin cho mọi người. Chúc chúng ta sống chung với Covid một cách chủ động và chan hoà mến thương.

  1. Covid-19 không còn đáng sợ nhưng vẫn đáng lo ngại. Covid-19 chắc chắn là virus, và cách phòng tránh nhiễm virus tốt nhất là tiêm vaccine. Vaccine không giúp ngăn ngừa việc nhiễm virus 100%. Mục tiêu của vaccine là giảm nguy cơ tử vong một cách nhanh nhất. Có vẻ vaccine hiện nay đang làm tốt nhiệm vụ này, những hệ quả về lâu dài ta khoan bàn tới.
  2. Theo nghiên cứu của một số đơn vị tại Mỹ, người nhiễm Omicron nếu đã tiêm ít nhất 2 liều vaccine sẽ có những triệu chứng nhẹ. Mặc dù chủng Omicron lan nhanh, tấn công nhanh nhưng chỉ dừng ở mũi và họng, phổ biến nhất gồm: đau toàn thân, ho, đau rát họng, sổ mũi. Trong đó sổ mũi là biểu hiện mới lạ hơn so với các chủng trước đây, khiến biểu hiện bệnh hiện nay giống với cảm cúm nhiều hơn. Tỷ lệ tử vọng vì Omicron không còn cao như các chủng khác.
  3. Với những người chưa tiêm, các triệu chứng vẫn gần như tương tự với các biến chủng cũ, đặc biệt nguy hiểm là việc xâm lấn của virus xuống phổi, tim và gan. Khi cơ thể phản ứng lại với virus tại phổi sẽ tạo ra hiện tượng khó thở, làm đông máu tại đây, cản trở việc đưa oxy lên não – hai vấn đề dễ dẫn đến tử vong nhất.
  4. Như vậy không hẳn ai mắc chủng Omicron sẽ có triệu chứng nhẹ hơn mà có thể là do vaccine đang giúp chúng ta kháng bệnh tốt hơn. Ở Mỹ này, nghiên cứu ban đầu cho thấy người nhiễm Omicron có biểu hiện nhẹ hơn. Còn ở Việt Nam, chủng Omicron chưa phổ biến, những F0 mắc các chủng cũ vẫn tự chữa ở nhà dễ dàng và chỉ mất 3-5 ngày để hồi phục.
  5. Vaccine nào cũng được sản xuất theo cơ chế đưa vào cơ thể “cái gì đó” để huấn luyện hệ miễn dịch của chúng ta ghi nhớ về con virus corona, sẵn sàng chiến đấu khi con virus này thực sự đổ bộ.
  6. “Cái gì đó” ở đây có thể là mấy con virus Corona yếu ớt vô hại, hoặc mARN – một phương pháp đã được nghiên cứu 40-50 năm rồi nhưng đến gần đây mới được hoàn thiện, mang đến vô vàn lợi ích trong việc chữa bệnh, không chỉ trong điều chế vaccine.
  7. Vì cái gì nhiều quá cũng chẳng tốt, nên việc đưa “cái gì đó” vào cơ thể cũng nên có chừng mực. Bên Mỹ này việc tiêm thêm liều tăng cường với Moderna hay Pfizer đều được chỉ định sau 5 tháng (với nửa liều thôi). Mọi người cũng nên cân nhắc xem mình có nên tiêm liều bổ sung khi chưa tới thời hạn không.
  1. PCR là phương pháp xét nghiệm cho kết quả chính xác 100% nhưng chỉ đúng ở thời điểm xét nghiệm thôi. Theo bác sĩ nói thì cũng phải 3 lần PCR mới cho kết quả thực sự chính xác. Hôm đi xét nghiệm đầu tiên, dù triệu chứng của mình nhiều và nặng hơn chồng, nhưng chồng mình nhận kết quả dương tính còn mình nhận kết quả âm tính. Do vậy, nếu biểu hiện lâm sàng rõ ràng rồi, bạn cứ chủ động cách ly đi thôi, kết quả xét nghiệm chỉ là một phần!
  2. Người đã xác định dương tính nhưng không có biểu hiện bệnh rõ ràng lại có thể mang nồng độ virus cao do cơ thể đó chịu được bệnh và tải được nhiều virus. Khi virus đã bám trụ được ở cơ thể chúng ta, nó sản sinh lên số lượng lớn, thành ra dễ lây cho người khác.
  3. Khi nhiễm virus Covid-19, mỗi người có một nhóm triệu chứng na ná và khang khác nhau. Cùng ở Mỹ nhưng bạn mình bị nặng ở họng, mình lại nặng hơn ở mũi, điểm chung là đều có sốt cao và mệt mỏi. Bạn bè ở Việt Nam của mình khi mắc có nhiều biểu hiện ở họng, ít thậm chí không sốt.
  4. Biểu hiện nặng nhất của mình là sổ mũi ngạt mũi và ho nặng. Có đêm mình ngạt mũi đến mức đứng ngồi hay nằm đều không thở được. Việc rửa nước muối ấm cũng không giúp ích mấy. Việc xông giúp ích chỉ được 5-10 phút rồi lại mũi lại tịt như thường. Sau ngạt mũi là đến ho, mình ho đến lên cả cơ bụng, ban ngày ho lúc nọ lúc kia, ho nhiều và liên tục về đêm trước khi đi ngủ.
  5. Tuy nhiên những triệu chứng ban đầu lại khác hẳn. Đầu tiên mình thấy ngứa cổ họng, hèm hèm đờm, nhưng chưa ho. Rồi mình đau đầu khủng khiếp. Sau đó mới là sốt và đau nhức, mỏi mệt toàn thân. Vào lúc sốt cao nhất, mình mệt nhừ chẳng muốn làm gì, ăn súp thôi mà cũng mệt đau ứa nước mắt.
  6. Chồng mình có những triệu chứng tương tự nhưng đều nhẹ hơn. Thứ chung lớn nhất là trong 4-5 ngày đầu hai đứa rất mệt. Thể hiện là không thể nhìn màn hình điện thoại hay máy tính quá 15 phút. Người đờ đẫn, rệu rã, mệt mỏi, chỉ muốn nằm nghỉ và ngủ. Việc ra ngoài đi bộ hít thở cũng khó khăn hơn thường, chỉ cỡ 10-15 phút là mệt.
  7. Sau cỡ 1 tuần, dù các biểu hiện bệnh đã suy giảm nhưng cơ thể mình vẫn khá yếu. Trong ngày thứ 7 và ngày thứ 9, mình đi ra ngoài bằng ô tô nhưng lần nào cũng mệt mỏi nôn nao. Lần đầu bị nặng còn chóng mặt, lạnh người, buồn nôn, chân tay bủn rủn. Đến khi về nhà mình nằm 1 tiếng sau mới hồi lại.
  8. Những thứ đã giúp chúng mình: Giấy xì mũi, nước muối ấm pha loãng, thuốc hạ sốt giảm đau, thuốc cảm cúm (Panadol cảm cúm – cùng thành phần paracetamol), vitamin tổng hợp, rất nhiều hoa quả nước dừa, rất nhiều trà chanh mật ong ấm, rất nhiều gừng tỏi trong nấu ăn, app gọi đồ ăn và vài tựa phim cày nát tivi.
  9. Những niềm vui trong 7 ngày đầu nhiễm Covid toàn liên quan đến chuyện thở, gồm có 1) ăn vẫn đủ vị và cảm thấy ngon miệng (trừ 1 ngày sốt cao và 1 ngày mình bị mệt nặng), 2) nấu ăn được ngửi mùi gừng tỏi thơm thông cả mũi, 3) ra ngoài hít thở được không khí trong lành (dù toàn ngày 1 độ, 4 độ C), 4) thông mũi về đêm, ngủ thẳng giấc không sốt.

Khi ốm, mình thèm đồ Việt Nam thôi rồi, nhưng siêu thị bán thịt thà cá mú rau gia vị kiểu Việt toàn ở xa, chẳng tự đi chẳng nhờ ai được nên không nấu được gì. Khỏi bệnh cái hai vợ chồng đi siêu thị mua đồ về làm ngay bát bún riêu kiểu Đà Lạt (có chế chút). Ăn hai bát ngon mê ly luôn! Khoẻ mạnh đúng là nhất, giờ chẳng mong gì hơn!

Bát bún riêu cua kiểu Đà Lạt mình nấu ngay sau khi khỏi bệnh và đi được đến chợ Việt Nam để mua nguyên liệu.

Đến khi mệt nhừ người, hai vợ chồng buộc phải kéo sofa ra thành giường để nằm nghỉ cả ngày.

Vì từng yêu xa hai năm nên hai vợ chồng mình rất trân trọng lúc này ốm đau được ở bên nhau và chăm sóc nhau mỗi ngày!

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin chào!
Profile Picture Oanh Duong San

Tôi là Sam. Chào mừng bạn đến với hành trình Dần lớn của tôi. Dù trời quang, trời ảm, hãy dũng cảm bước đi.

Hành trình của Sam
Đăng ký theo dõi

Vui lòng cung cấp email để nhận thông báo khi Sam có bài viết mới mà có thể bạn quan tâm.

Bài viết mới nhất
Podcast Dần lớn
Nghe thêm Podcast Dần lớn - Nơi Sam trò truyện về hành trình Dần lớn cùng em bé của Sam.