Cùng điểm danh những vấn đề sức khỏe yêu cầu khám bệnh định kỳ mà bạn cần lưu ý trước và trong khi mang thai để đảm bảo sức khỏe của mẹ và em bé nhé!
Sức khoẻ của mẹ bầu không chỉ quan sát qua các biểu hiện hàng tuần, hàng tháng trong thai kỳ, mà còn cần được theo dõi bằng việc khám bệnh định kỳ. Với 5 loại khám bệnh dưới đây, các bạn đang chuẩn bị mang thai nên kiểm tra trước khi có ý định thả bầu. Các mẹ đang mang thai nên tái khám ít nhất một lần trong quá trình mang thai.
Nếu đã khám các bệnh này một lần trước khi mang thai, cuối tháng thai thứ 5 sẽ là thời điểm phù hợp để mẹ bầu tái khám những vấn đề sức khỏe này trước khi chuẩn bị sinh em bé.
1. Khám sức khỏe tổng quát
Mục đích của việc khám sức khoẻ tổng quát là để để kiểm tra xem cơ thể có những bệnh lý nào bất thường không. Nếu đã có các vấn đề sức khỏe được bác sĩ chẩn đoán và phải điều trị từ lần khám tổng quát trước, bạn cần lưu ý kỹ với bác sĩ để xem các vấn đề đó tiến triển như thế nào. Sáu tháng cũng đã đủ lâu để một số dấu hiệu bệnh mới có thể xuất hiện rồi.
Trước và trong thai kỳ, mẹ bầu nên đặc biệt lưu ý kiểm tra sức khoẻ qua công thức máu, sức khoẻ tuyến giáp tuyến yên, và sức khoẻ toàn khoang bụng có hệ tiêu hóa, bài tiết.
Công thức máu có thể chỉ ra nhiều vấn đề sức khỏe để kịp thời can thiệp đấy nhé! Đặc biệt nếu mẹ bầu có biểu hiện thiếu sắt, thiếu máu, bạn nên sớm biết để bổ sung đủ.
Tuyến giáp và tuyến yên rất quan trọng trong việc điều tiết nội tiết tố và trao đổi chất của cơ thể. Chúng ta nên để ý kỹ trong quá trình mang thai. Cũng nên lưu ý đến căn bệnh ung thư tuyến giáp đang khá phổ biến và gia tăng đối với người Việt Nam. Đây là loại ung thư có thể chữa được nếu can thiệp sớm, tức là nên được phát hiện sớm để điều trị.
Trong khi đó, các vấn đề về dạ dày, sỏi mật, sỏi thận, đau đại tràng cũng khá phổ biến ở người Việt Nam và cần theo dõi kỹ. Những mẹ bầu gặp phải vấn đề này trong thai kỳ hoàn toàn không thể can thiệp bằng việc phẫu thuật, mà chỉ có thể uống thuốc cầm chừng. Do đó, các bạn nên lưu ý khám bệnh định kỳ kiểm tra sức khoẻ và xử lý các bệnh này trước khi mang thai và duy trì tình trạng bệnh ổn định trong khi mang thai nhé!
2. Khám phụ khoa
Khám sức khoẻ phụ khoa bao gồm thăm khám các bệnh lý về phụ khoa và tuyến vú.
Các bệnh về phụ khoa có thể ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến khả năng mang thai của bạn. Trong quá trình mang thai, các bệnh phụ khoa cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, và cả sức khỏe của em bé khi em bé chào đời vì tử cung, âm đạo chính là cửa để con đến với thế giới. Các bệnh lý về tuyến vú và ung thư vú cũng là vấn đề cần được chú ý, vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc cho con bú và sức khỏe của mẹ.
Mình có rất nhiều u xơ ở tuyến vú và luôn lo lắng về mức độ phát triển của chúng, nhất là khi hormone trong cơ thể đang thay đổi do mang thai. Nếu bạn có chung vấn đề, cần kiểm tra định kỳ đầy đủ và tầm soát ung thư vú 3 năm một lần nhé.
3. Khám răng
Rút kinh nghiệm từ mình, mình khuyên tất cả các mẹ chuẩn bị bầu hãy đi kiểm tra răng miệng trước khi mang thai. Mục đích là để xử lý sạch sẽ những chiếc răng sâu hay các vấn đề răng miệng có thể trầm trọng hơn trong quá trình mang thai.
Đồng thời, bạn có thể xin tư vấn của bác sĩ về việc chăm sóc răng miệng, bổ sung các chất bảo vệ răng lợi thông qua kem đánh răng và các thuốc hỗ trợ nếu cần. Trong quá trình mang thai, bạn cũng nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để lấy cao răng và kiểm tra các vấn đề mới nếu có nhé.
Kể một chút về vấn đề răng miệng của mình, ở tháng thứ 3, mình bị mẻ một miếng nhỏ ở răng hàm số 14 (bên trái, hàm trên). Chiếc răng mẻ của mình hóa ra là một chiếc răng sâu lâu ngày. Thêm với lượng acid trong miệng tăng cao trong quá trình mang thai, chiếc răng đã sâu nghiêm trọng hơn và hỏng nặng ở bên trong.
Trong lần khám răng ở tuần thai thứ 23, nha sĩ đã chỉ định mình phải rút tủy chiếc răng đó, hàn kín và bọc sứ lại. Mục đích của việc này là để đảm bảo không ảnh hưởng sâu hơn đến tủy và hồi phục chức năng nhai cho mình.
Nha sĩ nói với mình rằng, răng mẻ không phải do thiếu canxi vì mang thai hay cho con bú, răng vĩnh viễn của người trưởng thành vốn đã hoàn thiện từ trước rồi. Do đó, việc uống canxi không hỗ trợ hay ảnh hưởng đến răng, mà chỉ hỗ trợ cho xương và duy trì đủ lượng canxi ở cơ thể mẹ để cung cấp cho con.
Như vậy, việc khám răng và xử lý kịp thời các vấn đề về răng miệng càng quan trọng, nhất là khi các thủ thuật, nếu được thực hiện, chỉ được tiến hành muộn nhất là đến hết tam cá nguyệt thứ 2 thôi.
4. Khám mắt
Việc mang bầu làm ảnh hưởng đến khả năng nhìn của mẹ bầu. Trong quá trình mang thai, bạn nên tái khám mắt thường xuyên hơn để điều chỉnh độ kính nếu bạn cận và cần phải nhìn rõ hơn!
Bạn cũng nên chăm sóc mắt tốt hơn nếu phải sử dụng máy tính trong nhiều giờ để làm việc. Bạn có tham khảo các cách như tập nghỉ ngơi mắt, tập nhìn xa, nhìn nhiều vào màu xanh lá để làm dịu mắt, sử dụng thuốc mắt đúng cách…
5. Tư vấn tâm lý
Nếu bạn cảm thấy mình có vấn đề về tâm lý, có thể chỉ là những dấu hiệu rất nhỏ, chưa đến mức trầm cảm, bạn cũng nên kết nối với các tổ chức hỗ trợ tâm lý. Bạn có thể tham khảo các địa chỉ tham vấn trong bài viết này của Vietcetera.
Việc nhận tư vấn tâm lý kịp thời sẽ giúp bạn xem mình có đang gặp vấn đề tâm lý cần can thiệp sâu hơn không. Một tâm lý khỏe mạnh sẽ giúp bạn tiếp tục quá trình mang bầu khỏe mạnh. Đồng thời, hỗ trợ rất nhiều trong thời gian chăm sóc con mới sinh, giảm triệu chứng babyblue và nguy cơ trầm cảm sau sinh. Đừng để vấn đề nghiêm trọng hơn bạn nhé!
Mình vốn là một người vì lười khám bệnh định kỳ mà sinh ra rất nhiều bệnh. Trước năm 25 tuổi, mình không đi khám sức khoẻ định kỳ bao giờ. Đến khi chăm đi khám bệnh định kỳ, sức khoẻ đã đến mức xấu với nhiều bệnh nặng, phải chữa trong thời gian dài và tốn kém.
Mình đã từng viêm loét dạ dày, viêm cổ tử cung cấp độ 4, thiết sắt thiếu máu do ngủ nghỉ không điều độ. Mình từng phẫu thuật viêm ruột thừa và phẫu thuật cắt bỏ bên phải tuyến giáp do ung thư tuyến giáp. Mình cũng đã từng mắc và chữa các bệnh phụ khoa, điều trị tiền ung thư cổ tử cung. Mình hiện vẫn đang có nhiều u xơ ở ngực và vẫn thường xuyên phải theo dõi chỉ số hormone để duy trì tuyến giáp hoạt động ổn định sau khi cắt bỏ một bên vì ung . Mình cũng bị thoát vị 3 đốt sống cổ và 2 đốt sống thắt lưng vào năm 30 tuổi – trẻ hơn nhiều so với độ tuổi hay mắc bệnh thoái hoá xương khớp. Ngoài ra, mình cũng từng có vấn đề về tâm lý cần tham vấn với bác sĩ.
Do vậy, mình hiểu được hậu quả nghiêm trọng của việc không định kỳ thăm khám sức khoẻ. Và mình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết của mình liên quan đến các vấn đề sức khoẻ mà mình từng mắc phải. Bạn hãy liên hệ với mình nếu cần qua email oanhdnd@gmailcom, facebook Oanh Dương Sam hoặc instagram danlonpodcast! Mình sẵn lòng giúp đỡ để chúng ta cùng khoẻ!
OanhDuongSam
—-
Nội dung bài viết tại blog Oanhduongsam.com và podcast Dần lớn là sản phẩm trí tuệ cá nhân. Vui lòng trích nguồn nếu đăng tải lại và liên hệ email oanhdnd@gmail.com cho các hoạt động hợp tác. Xin cảm ơn!
2 Responses
Cám ơn mẹ bầu vs bài sức khoẻ!!
Khổ thân mẹ bầu h thuốc men fai dùng hạn chế mà lại đau răng sâu!!
Mong mẹ sớm khoẻ nhé!!! Yêu thương!
Hồi xưa tao bầu lần nào đánh răng cũng bị chảy máu đầy mồm, nhưng bác sĩ răng ko thèm quan tâm và cũng không muốn động đến bà bầu nên chẳng chữa.